07/01/2017

Chuyến đi miền Trung cuối năm 2017

   Vì nhiều lý do, trong đó có phần lỗi kỹ thuật nên hôm nay, sau nửa tháng mới viết được về chuyến đi này.
   Những địa điểm sẽ tới trong chuyến đi lần này là niềm mong mỏi bấy lâu nay của mình. Nên khi cơ quan tổ chức chuyến đi mình mừng quá. 
   Từ thời học sinh phổ thông, qua sách vở; lúc trưởng thành thì được biết qua sách, báo, đài, TV rồi Thơ - Ca - Nhạc - Họa... mình đã biết về sự ác liệt của các cuộc chiến tranh ở vùng này. Ngay cả trước chuyến đi mình cũng đã tìm hiểu thêm về các thông tin địa điểm sẽ tới. Nhưng có vào đến nơi mới thấy sự khốc liệt, tàn bạo mà cuộc chiến đã tạo ra ở nơi mảnh đất này. 
   Ý nghĩ của mình là Đau và Buồn. Vẫn đã biết chính trị đã coi thường mạng sống của con người như cỏ rác nhưng không nghĩ là đến mức độ như vậy.
   Nói là đi miền Trung, nhưng lần này bọn mình chỉ đi đến các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị mà thôi. Đó là những nơi như: Ngã Ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Hang Tám Cô.... Thật ra, đây chỉ là những địa điểm tiêu biểu của 3 tỉnh này mà thôi, chứ còn riêng tỉnh Quảng trị mình nghe nói có tới 72 nghĩa trang Quốc gia - Thật khủng khiếp. Người dân nơi này thường nói: Đi đâu cũng gặp các anh - Vì sức đâu mà quy tập hết, nên làm nhà, đào giếng... đều gặp rất nhiều hài cốt các anh (ở đây mình nói gồm cả binh sỹ  - liệt sỹ 2 bên).
   Chương trình của chuyến đi lẽ ra phải 4 ngày mới đủ, nhưng nén lại còn 3 ngày nên cả đoàn rất vất vả; thời gian ngồi trên ô tô quá nhiều, thường phải đến 12h và 19h đoàn mới về đến khách sạn. Và quan trọng nhất là một số điểm mình kỳ vọng được đến như sông Thạch Hãn, với bài thơ nổi tiếng của Lê Bá Dương (Dũng sỹ, Nhà thơ, Nhà báo...) Lời gọi bên sông được khắc ở bờ sông:


Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Tan chơ chiều xuôi đò có vội
Xin đừng khuấy đục dòng trong

thì không đến được; hay như di tích cây cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải dù có đi qua cũng không dừng lại... 
   Mình tiếc quá, mấy khi có cơ hội đâu !!!
   Cũng may đoàn đóng đô ở Đồng Hới, khách sạn bên dòng sông Nhật Lệ, cạnh lũy Đào Duy Từ nên đã có cơ hội ra thắp hương ở tượng đài Mẹ Suốt, cửa biển Nhật lệ.





   Nhưng dù sao, chuyến đi này cũng thỏa nguyện Tâm mình - Vui lắm.
    Và đây là mấy tấm ảnh đã chụp trong chuyến đi này:
   Ngã Ba Đồng Lộc:
   Đây bây giờ là khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ của ngành Giao thông vận tải trong thới kỳ chống Mỹ. Cách đây hơn 40 năm, trưa ngày 24 - 7 - 1968, như mọi ngày 10 cô gái Thanh niên xung phong ra làm nhiệm vụ. 16h30', trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi các cô đang tránh bom. Tất cả đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn trong số họ chưa lập gia đình.


Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi


Còn hương nữa hãy dành phần cho đất

Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi

Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc

Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp

Như cỏ trong thung như nắng trên đồi.




...Cần gì ư lời ai hỏi trong chiều


Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu

Ngày bom vùi tóc tai bết đất

Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được

Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang

Cho mọc dậy vài cây bồ kết

Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.

Vương Trọng - 5/7/1995






   Nghĩa trang Trường Sơn:
   Chuyến này, Đoàn mình đi đúng những ngày mưa tầm tã, có lẽ mưa dữ nhất là ở đây, nơi có hơn một vạn mộ Anh hùng liệt sỹ  của khắp các tỉnh thành cả nước đã hy sinh khi mở đường, xây dựng và bảo vệ Đường mòn Trường Sơn được quy tập. 
   Ai cũng đều mong được thắp cho mỗi phần mộ một nén hương tưởng nhớ, nhưng không xuể đâu các bạn ạ - Gửi gắm các đồng chí đang trông coi ở nghĩa trang vậy.







Thành cổ Quảng trị:
   Đây là nơi diễn ra cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm của 2 bên (tại sao là 2 mà không phải là 4 thì nhờ các bạn hỏi pác Gúc gồ nhé). Không thể tượng tượng nổi, chỉ riêng máy bay B52 thôi nhé mà tới 60 lần 1 ngày rải thảm; và lượng bom thả xuống là 120 nghìn tấn (tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hirosima của Nhật Bản) chưa kể đạn pháo các cỡ của 2 bên...
   Khủng khiếp.
   Trận này mình nghĩ nó phải được sánh với trận Tour ở châu Âu năm 732 - Trận đánh mà các Sử gia đánh giá là 1 trong 15 trận đánh có ý nghĩa nhất trong lịch sử nhân loại.
   Và như vậy thì thịt xương nào còn nguyên vẹn cơ chứ. Hài cốt các anh đều bị vùi lấp... Tôi mới hiểu hơn ý nghĩa của bài hát Cỏ non Thành cổ do nhạc sỹ Tân Huyền sáng tácCái chết làm nên sự sống, máu xương đổ xuống và cỏ lên xanh, xanh đến không thể tin được nơi đây từng là chiến trường ác liệt nhất, đổ nhiều máu xương nhất...:


...Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ 
Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ. 

Cỏ xanh non tơ. cỏ xanh non tơ. 

Xin chớ vô tình với người hy sinh 

Trên mảnh đất quê mình.










Hang Tám Cô:
   Ngày 14 - 11 - 1972, bom Mỹ đánh vào đường 20, nơi có một đội thanh niên xung phong và một tiểu đội pháo đang đóng. Đội thanh niên xung phong gồm 8 người, 4 nam 4 nữ. Anh lớn tuổi nhất khi đó 37 tuổi, còn 7 người còn lại tuổi từ 18 đến 20. Để tránh bom Mỹ, 8 người đã vào trong một hang núi ngay bên cạnh đường để trú. Lúc đó, bầu trời đường 20 như vỡ vụn bởi tiếng gầm rú của động cơ máy bay và những trận bom. Không chỉ mặt đường 20 bị cày nát mà ngay cả những khối núi chung quanh cũng rung chuyển bởi những đợt bom. 
   Khi khói bụi tan đi, những đơn vị khác chiến đấu gần đó bàng hoàng nhận ra cửa hang Tám Cô đã bị một khối đá khổng lồ nặng hàng trăm tấn bịt kín. Chạy đến nơi thì họ chỉ nghe thấy văng vẳng tiếng kêu cứu của đồng đội phía sau tảng đá. Tảng đá đã ngăn cách bên ngoài với bên trong. Những người bên ngoài sau trận bom đã tìm thấy hang, nhưng không sao có thể mở được đường vào. Khối đá quá lớn.
   Họ chỉ biết lấy cây tre dài thông qua một chỗ hở để đưa nước uống và lương khô cho những người bị giam trong hang. Mỗi lần có xe qua, người ta lại tìm cách, kể cả dùng mìn phá đá, nhưng vô vọng.
   Sau 9 ngày, những người bên ngoài không còn nghe thấy tiếng kêu khóc bên trong nữa…..Nơi đó từ đó gọi là hang Tám Cô. Dù chỉ thực sự chỉ có 4 cô.
   Đến tận năm 1996, khi làm đường qua đây, hài cốt của 8 liệt sĩ mới được đưa ra khỏi cái hang oan nghiệt.
  Vũng Chùa - Đảo Yến:
   Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên ngọn núi Thọ, mũi Rồng ở vùng biển Vũng Chùa – Đảo Yến thuộc dãy Hoành Sơn đâm ngang ra biển.






   Đây là nơi linh thiêng nên việc bảo vệ rất cẩn trọng; mọi người đến viếng chỉ được đem 1 bó hoa nhỏ, còn hương sẽ do các chiến sỹ trực tại Mộ đưa cho - mỗi người 1 nén. Không được hút thuốc lá và nhất là chị em phụ nữ không được vào nếu mặc hở hang, váy ngắn. Xin mọi người lưu ý cho.
   Khu vực này hiện vẫn chưa hoàn thiện nên không có khu vệ sinh dành cho những người đến viếng.

   Mình chụp nhiều ảnh, vì điều kiện  thời tiết cũng không đẹp lắm, song vì tôn trọng quyền nhân thân nên mình không đăng ở đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét