27/01/2022

CON GÀ TRỐNG TRÊN MÂM CÚNG DẠY TA ĐẠO LÀM NGƯỜI

 Tập hợp từ nhiều nguồn trên net.


Đồ bày trên mâm cơm cúng ngày giỗ, ngày Tết hóa ra không phải chỉ để thể hiện sự sung túc, no đủ và lòng thành của người cúng, mà còn là lời nhắn nhủ của tiền nhân về đạo làm người.

Một chú gà trống ngậm hoa hồng đỏ từ lâu đã là thứ không thể thiếu trên mâm cúng ngày Tết của mỗi gia đình người Việt.

Không giống như các vật cúng tế có ý nghĩa về hình ảnh hoặc âm thanh qua tên gọi, như xôi gấc đỏ để tượng trưng cho may mắn, chân giò (tiếng Hán Việt là “trư túc” đồng âm với “chư”: mọi thứ và “túc”: sung túc, no đủ) tượng trưng cho sự ấm no đủ đầy, hình ảnh con gà trống còn mang một ý nghĩa sâu sắc về ngũ đức của người quân tử.

Trong Thập nhị chi (12 con giáp), thì gà trống biểu tượng cho sự cương trực, mạnh mẽ.

Sử sách nước Việt ta ghi lại việc Tả quân Lê Văn Duyệt thời Nguyễn từng nói với vua Gia Long về ngũ đức của gà dựa trên lời Điều Nhiêu khi xưa:

Một là, đầu có mào như đội mũ, thân có lông đẹp như quần áo, gọn gàng đó là Văn.

Hai là, chân cứng, có cựa nhọn để làm vũ khí, ấy là Võ.

Ba là, thấy đối thủ là xông vào, ấy là Dũng.

Bốn là, tìm thấy thức ăn liền gọi đồng loại, đó là Nhân.

Năm là, đúng giờ, đúng canh liền cất tiếng gáy, ấy là Tín.

Lê Văn Duyệt tâu với vua rằng, binh thư có câu: “Phàm người làm tướng phải có đủ những đức: Văn, Võ, Dũng, Nhân, Tín mới có thể làm ba quân mến phục. Có vậy mới là tướng tài để đánh thắng cường địch”.

Gà trống có bộ lông vũ rực rỡ nhưng hài hòa, uy vũ, lại đầy đủ cả mũ miện chỉnh tề nên đại diện được cho cái đức Văn.

Cái Võ, Dũng của gà trống uy vũ và hiên ngang. Tương truyền Nguyễn Lữ nhà Tây Sơn sau khi quan sát các thế đá của gà chọi đã sáng tạo ra Hùng kê quyền (bài quyền con gà trống). Ông còn để lại bài thơ miêu tả các thế đánh cương nhu kết hợp, oai võ tựa Thanh Long, Bạch Hổ của gà chọi qua bài “Quyền Thiệu Hùng Kê”.

Bất kể trời đông giá rét, hay trời hạ dông dài, bất kể ngày nắng oi nồng hay ngày mưa gió bão bùng, cứ đúng giờ, đúng canh, gà trống lại cất tiếng gáy báo hiệu cho mọi người thức dậy làm ăn. Ấy cũng là cái đức Tín nổi bật của gà trống.

Gà trống cúng thường có thêm bông hoa hồng đỏ gắn ở mỏ cũng có thể là mô phỏng hình ảnh gà gọi mặt trời, báo hiệu một thời kỳ tươi sáng đang đến.

Bên cạnh đó, là hình ảnh của người quân tử, vốn mục tiêu mà mỗi người khi sống trên đời đều nên hướng tới trong văn hóa truyền thống xưa kia, gà trống không thể thiếu cái đức Nhân vị tha. Nhân Nghĩa khi nghĩ tới người khác trước khi nghĩ đến mình vốn là nền tảng đạo đức làm người cơ bản của Nho gia, cũng thể hiện sự Thiện lương coi người như mình của Phật gia.

Cái Võ, Dũng mà không đi với đức Nhân thì sẽ trở thành Võ Dũng của kẻ thất phu.

Điều mà người có Võ, Dũng cần luyện tập, hóa ra không phải chỉ là tăng cường sức mạnh và kỹ năng, mà cái chính là tu dưỡng cho “đức toàn bị”, lúc đó sẽ không để bị hoàn cảnh và vật ngoài thân tác động được đến mình nữa, không dễ bị kích động và kiêu ngạo về Võ, Dũng của mình.

Đối với vạn sự vạn vật là luôn dùng đức Nhân để đối đãi, không đấu với người, không cầu thắng người mà cầu thắng những dục vọng của bản thân mình. Thế nên Võ Dũng cũng đâu phải ý bề mặt chỉ sức mạnh của người đàn ông, ai ở trên đời muốn chiến thắng mình và những thói hư tật xấu của mình thì đều cần tới Võ Dũng để kiên định, vững vàng vượt qua cám dỗ.


                                                                     Gà trống. (Tranh dân gian Đông Hồ)

Gà trống còn truyền cảm hứng nhân sinh qua hình ảnh thanh cao, không tơ tưởng dục vọng dù bản thân có nhiều thê thiếp của người quân tử xưa kia:

“Chân đạp miền thanh địa,

Đầu đội mũ bình thiên,

Mình mặc áo mã tiên,

Ban ngày đôi ba vợ,

Tối một mình nằm riêng”.

(Ca dao)

Ngũ đức mà gà trống đại diện cho đã trở thành lời dạy của cổ nhân về đạo làm người.

Mâm cúng Tất niên thể hiện tấm lòng thành của con người, vừa tỏ bày ước vọng trong năm mới, nhưng cũng như một lời hứa thành kính và nhắc nhở bản thân về những gì cần làm trong thời khắc thiêng liêng của Đất Trời. Làm người phải có được ngũ đức, sống sao cho không phải hổ thẹn, lại có thể giúp đỡ được người khác, lập thân hiên ngang đĩnh đạc ở trên đời.

Từ đó, việc cúng gà trống có một ý nghĩa thật sâu sắc mà nếu như hiểu rõ, chắc hẳn chúng ta sẽ lắng lại một chút trong giây phút linh thiêng, kính cẩn bên bàn thờ ngày Tết mà tự suy xét mình.



26/01/2022

Bảo tồn lễ tết cổ truyền (1934)

(nhactrinh.vn)

Có người đã viện vì lẽ xa xỉ, mất thì giờ mà bảo nên bỏ cái lễ Tết Nguyên Đán.

Vậy ý kiến ấy nên theo hay không? Nên là vì lẽ gì? Không nên là vì lẽ gì?

Tết Nguyên Đán là một lệ cổ mà nước Việt Nam ta gìn giữ kể đã mấy ngàn năm rồi. Gần đây, có người thấy ngày Tết người ta ăn tiêu xa xỉ quá thì cho là ngày vô ích, bảo nên bỏ đi. Bỏ đi cũng phải, vì ngày Tết cũng như bao nhiêu ngày khác trong năm, mà làm gì cho mọi người nô nức tiệc tùng, rượu chè linh đình, biết bao là tốn công của, đời là đời cạnh tranh, người kiệm của hiếm, nào có dư dụ đâu như đời cổ mà cũng “ăn Tết” cho nghèo dân, nghèo nước.

Giữ Tết cũng không ích gì cho non sông đất nước, mà bỏ Tết nghĩ cũng không hại gì cho non sông đất nước. Giữ lại hay bỏ đi thì non sông đất nước cũng vẫn là non sông đất nước này. Tết nó không đủ làm cho hơn thua được gì đâu, mà bỏ đi thì người ta khỏi phải một lần ăn tiêu quá độ “gánh vàng đem đổ sông Ngô”, chẳng hay là dư?

Nếu Tết nó chỉ có ngần ấy chuyện thì cũng nên bỏ phăng nó đi chớ còn tiếc thương làm gì nữa!

Nhưng nói ra rồi nghĩ lại, Tết chẳng phải chỉ có cái hình thức ấy mà thôi, Tết nó còn là cái tinh thần của nó.

 Không! Tết nào phải là ngày vô nghĩa, ngày Tết nào phải là ngày để ăn tiêu xa xỉ, chơi bời quá độ. Ngày Tết đối với dân tộc Việt Nam là một ngày đầm ấm vui vầy, có hàm một cái ý nghĩa rất là thâm trầm cao thượng.

Dùng sức óc tưởng tượng một chút thì thấy cuộc đời là một cuộc lữ hành, nếu cuộc lữ hành ấy mà vô cùng vô tận “chân trời góc bể, biết đâu là nhà”, mà phải cái tình cảnh “lỡ độ đường” thì tất sinh biết bao nhiêu lòng thất vọng. Ở đời mà đã đến thất vọng thì còn gì là sinh thú nữa. “Đã không biết sống làm vui. Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương!” thì đời cũng không còn gì là đời nữa. Nên cổ nhân mới đặt ra một năm có một lần Tết.

Một lần Tết tức là một “độ đường” để người đi trong cuộc đời, dần dần một độ qua một độ, cho khỏi sinh buồn chán.

Ngày Tết tức là ngày để ghi cho biết rằng cuộc đời người ta đã đi khỏi được một độ trong con đường dài vô hạn vô cùng. Hết một độ đường cũ, qua một độ đường mới, đường dẫu dài mà hy vọng không cùng; khách lữ hành vẫn vui bước, bước lên quãng đường cảnh mới…

Ngày Tết lại là ngày cúng giỗ, phụng sự tổ tiên để kẻ con cháu nhớ lại cái công đức “cây cội nước nguồn”.

Có người vì mưu lấy hạnh phúc cho cuộc đời phải xa cách quê hương, nếu không có ngày Tết, này nặng nghĩa tôn giáo gia tộc khiến cho lòng khắc khoải vì tiếng thiêng liêng của hồn nòi giống gọi về, về cho cha con, anh em, họ hàng sum họp vui vầy để thoả tấm lòng du tử, thì đời người còn gì là thú vị nữa.

Một ngày đã có ý nghĩa hay như thế mà lại nỡ huỷ đi hay sao?

Xét về hình thức thì nên bỏ, bỏ đi là phải, nhưng xét về tinh thần thì lại nên bảo tồn lắm. Tết, nó có điều dở là tự mình làm cho nó dở, chơi bời quá độ, ăn tiêu xa xỉ là tự mình, chứ Tết nào bảo ta như thế!


Bỏ hình thức mà giữ tinh thần, Tết há không phải là một cái tệ hay đáng nên bảo tồn lắm ru? Bỏ Tết là huỷ đi mất một cái phong vị rất hay riêng của nước Việt Nam, trừ nước Việt Nam ta, không có nước nào có cái phong vị ấy, cái phong vị khiến cho quả tim người và quả tim trời đất như đập cùng một nhịp.


Tác giả: T.M Đã đăng trong tập Lời Hoa do Đông Hồ nhuận sắc, Tri Đức học xã xuất bản năm 1934




 

TẤM ẢNH VÀ BÀI THƠ TRONG TÚI ÁO NGỰC

 


Năm 1968, tại trận chiến đấu giữa ta và địch trong một khu rừng đại ngàn của Trường Sơn (thuộc Liên khu 5), nhiều chiến sĩ ngã xuống để giữ độc lập, tự do cho Tổ quốc. Trong số đó có một chiến sĩ không ai biết tên tuổi, quê quán của anh. Chỉ biết trong túi áo ngực anh có một tấm ảnh nhỏ cỡ 6cm x 9cm.

Người trong ảnh là một nữ công nhân, mặc áo trắng, quần yếm xanh, tay cầm chiếc thoi dệt vải. Mặt sau của ảnh có bài thơ chép tay.

“Đợi anh vợi mùa Xuân

Chẳng thấy anh trở lại

Chỉ thấy chim én về

Và hoa đào vẫy mãi

Tay vít một nhành hoa

Níu áo mùa Xuân hỏi:

"Vì người công tác xa

Xuân ơi Xuân có đợi?"

Xin một nụ trên cành

Ủ kín vào thương nhớ

Em để dành mùa Xuân

Đợi anh về mới nở”.

 

Bao nhiêu nhung nhớ, bao nhiêu yêu thương, bao nhiêu nỗi niềm và hy vọng, người con gái ấy đã gửi gắm cả vào từng câu, từng chữ. Đọc bài thơ lên, ta có cảm giác như đang lắng nghe tiếng lòng sâu lắng, da diết nhưng cũng hết sức mãnh liệt của cô gái gửi cho người chiến sĩ trẻ ngoài chiến trường.

Thương người phương xa, cô gái níu một nhành hoa xin mùa xuân hãy đợi người về rồi hãy nở.

Thời gian có chảy trôi, dù bao khó khăn gian khổ, hy sinh nơi chiến trường, thì niềm tin và tình yêu ấy vẫn mãi mãi rạo rực, đợi ngày khai hoa, kết quả.

Đó chính là động lực để người chiến sĩ vững tay súng, là sức mạnh để cô gái lao động, sản xuất xây dựng hậu phương.

Tình yêu đôi lứa đã được hòa quyện một cách sâu sắc vào tình yêu quê hương đất nước.

Nội dung của của bài thơ khiến bao trái tim người đọc phải rung động, thổn thức và suy ngẫm về tình yêu, khát vọng để mùa Xuân của đất nước mãi xanh tươi./.

Mai HoaMai, sưu tầm

 

25/01/2022

Ngẫm n+3

 


 Người ta thường nói: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề.

Có lẽ nhiều người thấy có lý, dưng tôi thì Không vì tôi chỉ là người bình thường và tôi thấy:

Khi được sống trong sự đầy đủ, dư thừa của tình yêu, thì cái cảm giác sôi nổi trong tình yêu thường bị khô héo đi, và người ta không còn có thể nhận thức được đâu là tình yêu chân thật và đâu là tình yêu giả dối, giữa cảm giác bình yên và buồn chán (st).


Bỏ qua Quá khứ, hãy sống tốt ở Hiện tại và chờ đón Tương lai.

Dù gì chăng nữa thì Quá khứ cũng đã trôi qua. Ta cần phải chuyển sự tập trung của mình vào những gì đang xảy ra ở ngay tại đây và ngay lúc này. Rất khó để quên đi những gì đã qua, nhưng nếu muốn thành công cho Tương lai, ta cần phải chuyển sự tập trung của mình sang những gì đang xảy đến với bạn ngay lúc này, bởi vì cách tốt nhất để sống là sống trong thực tại.

Bạn không thể làm bất cứ điều gì để giũ bỏ được trách nhiệm. Điều mà bạn có thể làm đó là cố gắng để không đưa ra những quyết định sai lầm thêm một lần nữa. Ta nhận thức được về chỗ mà chúng ta đã gây ra rắc rối và cố gắng hết sức để không lặp lại điều đó.

Nếu quá khứ là những gì tốt hơn đối với bạn và bạn khao khát sẽ lại có được những ngày tháng huy hoàng đó, bạn hãy học cách biết trân trọng những kỉ niệm nhưng ngay bây giờ bạn cần phải tiếp tục tiến lên và cố gắng để có được một khoảng thời gian đẹp đẽ khác. Ta cần phải bỏ lại phía sau những gì là tốt đẹp và tìm kiếm những thử thách mới, những lĩnh vực mới để thôi thúc ta tiến lên.

Hãy thử coi quá khứ của bạn như là một căn phòng tách biệt với căn phòng mà bạn đang ở bây giờ. Bạn có thể đi vào đó nhưng bạn không bao giờ còn sống trong đó nữa. Bạn có thể ghé thăm nó nhưng nó không còn là mái ấm của bạn nữa.

 Mái ấm là ở đây - là căn phòng hiện tại này. Mỗi giây phút của hiện tại đều rất quý giá. Đừng lãng phí bất kỳ khoảnh khắc quý báu nào với việc dành quá nhiều thời gian ở trong căn phòng cũ kỹ đó. Đừng bỏ lỡ bất cứ điều gì đang diễn ra ngay lúc này chỉ vì bạn quá bận bịu với việc nhìn lại những gì đã qua, hay sau này bạn cũng sẽ bận bịu với việc nhìn lại những gì đang xảy ra tại thời điểm này và tự hỏi tại sao bạn lại lãng phí nó.

Bạn hãy sống ở ngay tại đây, ngay bây giờ và ngay giây phút này. 

Tuy cách uy nghĩ này rất Tây dưng nó đúng.

Ngẫm n+2: Ung dung nở nụ cười

 


(đọc, tập hợp rồi suy ngẫm; cop từ anh Lưu Khâm Hưng)


Nhà Phật có giảng, mỗi bông hoa một cõi trời, mỗi ngọn cỏ một thế giới, mỗi thân cây một cõi Bồ Đề, mỗi nụ cười một kiếp trần duyên, mỗi niệm phúc lành một cõi an lạc.

Tâm thái mỗi người tựa như hoa sen khai nở. Trải qua một đời bể dâu, biết bao phen gió táp mưa sa, lên lên xuống xuống, nhìn không thấy quang cảnh trước mặt, cũng không đến được bờ bên kia.

Là thời gian đã dạy chúng ta biết dũng cảm kiên cường, học biết chấp nhận và trưởng thành, khiến cho mọi con đường đã đi qua đều chứa đầy hy vọng.

Cuộc sống mệt mỏi, kiếp người long đong. Trên chặng đường của cuộc đời, luôn có những phiền não khiến ta dính mắc không thôi, xem nhẹ được thì sẽ an nhiên, buông xuống được thì sẽ tự tại. 

Trên đường đời, chúng ta sẽ gặp rất nhiều sự tình khiến mình phiền não, ta sẽ bị phiền não bủa vây không dứt. Nếu cứ mãi vướng mắc những câu hỏi vì sao, như thế nào thì rất nhiều sự tình sẽ nghĩ không được thông.

Chuyện dẫu lớn hơn, ngày mai đều sẽ trở thành chuyện cũ, nếu cứ mãi đắm chìm trong đó cũng chẳng có ích gì.

Thế gian này, có quá nhiều chuyện bất đắc dĩ, có quá nhiều chuyện không biết phải làm sao được. Tuy vậy, bất kể thế nào, những lúc nên cười thì hãy cứ cười. Chuyện đã qua đi, dẫu không như ý, thì hãy cứ để nó qua đi, nghĩ thoáng một chút không có gì là không tốt cả.

Hãy thử tưởng tượng, bạn là một hạt giống, nếu không có bùn và nước, thì dẫu bạn có đặt bạn ở trong núi vàng núi bạc đi chăng nữa cũng không cách nào nảy mầm được. Chỉ có trong bùn đất, bạn mới có thể chứng minh được giá trị vốn có của mình.

Trên đời có muôn vàn phiền não, phần nhiều đều là bởi ta nghĩ không thông. Chỉ cần chúng ta nghĩ được thông, bạn sẽ nhận thấy thì ra trên đời này vốn không có tốt và xấu tuyệt đối, chỉ cần bạn tìm được đúng vị trí của mình, tìm được điều thích hợp với bản thân, thì đó chính là điều tốt nhất.

Học giả Lâm Thanh Huyền có nói:

“Điểm thấp nhất của thung lũng chính là khởi điểm của ngọn núi, rất nhiều người đi vào trong thung lũng sở dĩ không bước ra được, chính là bởi họ dừng chân trong thung lũng, đứng ở đó phiền não khóc lóc. Vậy nên, bất kể thế nào, bất kể gặp phải sự tình gì, đều đừng nhất mực đứng ở trong thung lũng khóc lóc, mà hãy mỉm cười khích lệ bản thân”.

Có người nói, những điều phiền não trong cuộc sống nhiều như những sợi tóc trên đầu, không chỉ ba nghìn sợi.

Cũng có người nói, trần gian ba nghìn việc, dửng dưng một nụ cười.

Đời người vô thường, lòng người thường đổi thay, cớ chi phải tự ràng buộc mình trong những thị phi ân oán đó. Xem nhẹ rồi, mọi thị phi ân oán đều đã nhẹ tênh. Buông xuống rồi, thành bại được mất cũng chỉ như gió thoảng mây trôi. Những gì không vui, hãy cứ để nó trôi theo dòng nước, giữ lại cho bản thân một phần lặng lẽ hồn nhiên.

Hồng trần cuồn cuộn, giữ được tâm thái tĩnh lặng có thể giúp ta thấy được cảnh sắc tươi đẹp. Tấm lòng rộng mở, ta càng bước đi càng thấy đường rộng thênh thang. Tâm thái an nhiên, mỗi một bước chân đều chứa đầy niềm vui. Dứt bỏ phiền não, ung dung nhẹ nhàng bước về phía trước, đến một ngày kia, ta sẽ thấy được cảnh sắc mỹ diệu phía cuối chặng hành trình.

Tự nhắc mình phải cố như vậy. Khà khà.

24/01/2022

Lính mà em

Phải đến 40 năm rồi mới lại tìm về bài này, nhưng dư âm vẫn đầy ắp. 



thơ Lý Thụy Ý

 

Em trách anh gửi thư sao chậm trễ

Em đợi hoài em sẽ giận cho xem

Thư anh viết bao giờ anh muốn thế

Hành quân hoài đấy chứ,

Lính mà em!

 

Anh gửi cho em mấy nhành hoa dại

Để làm quà không về được em ơi

Không dự lễ Nô-en cùng em được

Thôi đừng buồn em nhé,

Lính mà em!

 

Ngày nghỉ phép anh cùng em dạo phố

Tay chiến binh đan năm ngón tay mềm

Em xót xa đời anh nhiều gian khổ

Anh mỉm cười rồi nói,

Lính mà em!

 

Qua xóm nhỏ anh ghi dòng lưu niệm

Trời mưa to, hai đứa nép bên thềm

Anh che em khỏi ướt tà áo tím

Anh quen rồi không lạnh,

Lính mà em!

 

Anh kể em nghe chuyện trong này

Trăng đầu mùa không đủ viết thư đâu

Thư anh viết chữ mờ nét vụng

Hãy hiểu dùm anh nhé,

Lính mà em!

 

Ghét anh ghê chỉ được tài biện hộ

Làm cho người ta thêm nhớ thương

Em xa lánh những ngày vui trên phố

Để nhớ người hay nói,

Lính mà em!

1967

      

Là người có văn hóa, hãy biểu hiện từ những việc nhỏ

 

(Tập hợp từ nhiều nguồn)


Con người có văn hóa luôn kết hợp hài hòa hai yếu tố căn bản gồm:

Một là hành vi ứng xử đúng mực, luôn nhã nhặn lịch thiệp, kính trên nhường dưới, biết tôn trọng thuần phong mỹ tục, cổ vũ cái tốt và tránh xa cái xấu, có trách nhiệm.

Hai là hành động thiết thực nhằm tôn vinh lối sống đẹp, có tri thức cao nhưng phải biết tôn trọng giá trị tri thức với cộng đồng.

Như vậy, tri thức và lối sống tạo nên nhân cách hoàn chỉnh của con người có văn hóa, nhưng cái gốc vẫn là tính nhân văn sâu sắc.

1. Khi người khác rót nước cho mình, đừng ngồi yên nhìn người ta mà hãy đưa tay ra nâng đón cốc.

2. Khi người khác nói chuyện với mình, ít nhất cũng phải đáp lại người ta một câu. Đừng để người ta nói xong một câu lại nhận về được sự im lặng hoặc câu nói À, Ừ, Ờ, đúng rồi sẽ tạo cho người đối diện khó chịu.

3. Dùng bữa xong nên nói: "Tôi ăn xong rồi, mọi người cứ ăn đi nhé!"

4. Khi đưa đồ cho người khác nên đưa bằng hai tay.

5. Lúc ăn cơm nên cầm bát lên, không được dùng đũa đảo lộn thức ăn, không gõ bát đũa.

6. Người đi vào cuối cùng nên đóng cửa.

7. Tiễn người khác về nên nói: "Đi cẩn thận nhé!"

8. Rửa tay xong không nên tùy tiện vẩy tay, để nước bắn lên người khác sẽ rất bất lịch sự.

9. Khi đưa dao hoặc vật nhọn cho người khác, nên đưa phần chuôi hướng về họ.

10. Không nên công khai điểm yếu của người khác.

11. Khi người khác nói chuyện với mình hãy chú ý vào người ta, đừng đảo mắt nhìn xung quanh.

12. Khi rót trà hay rót nước cho người khác xong, không nên quay vòi ấm về phía họ.

13. Đi, đứng, ngồi, nghỉ cần đúng tư thế, tác phong.

14. Nói được phải làm được. Nếu không làm được thì đừng hứa.

15. Nếu trong phòng có người, khi ra ngoài nên đóng cửa nhẹ nhàng.

16. Khi đưa đồ cho người khác mà ở giữa cách một người, không nên đưa thẳng ra trước mặt người ta mà nên vòng qua phía sau.

17. Học cách dịu dàng và biết lắng nghe.

18. Đến chơi nhà người khác, đừng tùy tiện ngồi lên giường nhà người ta.

19. Ăn cơm cố gắng đừng phát ra tiếng.

20. Lúc nhặt đồ hoặc đi giày nên ngồi thấp xuống chứ đừng cúi người, khom lưng.

21. Khi bị phê bình, dù người khác có sai đi chăng nữa cũng đừng vội phản bác, nên đợi họ nói xong bình tĩnh lại hẵng giải thích.

22. Làm việc gì cũng nên có điểm dừng thích hợp, bất kể là ăn món mình thích hay tức giận điều gì đó.

23. Đến nhà bạn ăn cơm nên chủ động rửa bát hay xếp dọn bàn ăn.

24. Trong cuộc sống bạn sẽ phải gặp nhiều thể loại người khác nhau, chắc chắn không phải ai bạn cũng có thể hòa hợp được nhưng có một câu nói luôn đúng trong mọi trường hợp: Bạn đối xử với người khác thế nào, người ta sẽ đối xử lại với bạn như vậy.

25. Dù là ai, trong trường hợp nào cũng đừng dễ dàng kể bí mật của mình với người khác.

26. Học hành là chuyện cả đời. Chỉ học kiến thức trong sách thôi là chưa đủ, phải học cả kiến thức xã hội. Thực tế cuộc sống luôn phức tạp hơn những gì bạn nghĩ.

27. Dũng cảm nhất là khi nhận ra sự tàn khốc của cuộc sống nhưng vẫn yêu cuộc sống này cháy bỏng. Đừng sợ sự dối trá vì cần phải biết cuộc sống luôn tồn tại sự dối trá.

28. Khi lau bàn nên lau hướng về phía mình.

29. Khi gọi điện thoại hoặc nghe điện thoại, câu đầu tiên phải luôn là: "Alo, chào.... ạ!". Khi tắt máy, nếu người kia là người lớn tuổi hơn bạn hoặc là cấp trên của bạn thì tốt nhất bạn nên chờ họ tắt điện thoại trước, còn nếu bạn là người lớn tuổi hơn hoặc cấp trên của họ thì bạn nên chủ động tắt máy trước, đừng để người ở đầu dây bên kia phải đợi.

30. Đừng khạc nhổ hoặc vứt rác bừa bãi. Nếu nơi đó không có thùng rác, hãy cầm rác về vứt vào thùng rác nhà mình.

31. Bất kể trong hoàn cảnh nào cũng nên đánh răng cẩn thận, đặc biệt là vào buổi tối.

32. Tuyệt đối đừng bao giờ bỏ bữa sáng. Nếu không ăn sáng thì cũng phải uống nước hoặc uống sữa.

33. Đỗ xe nên đỗ đúng nơi quy định, chừa không gian cho người khác mở cửa xe, đầu xe nên hướng ra phía ngoài để tiện rời đi.

34. Nếu là cửa thủy lực, dù là cửa đẩy hay cửa kéo cũng nên làm theo quy tắc "Ra trước vào sau". Nếu phía sau có người nên giữ cửa chắc, tránh để cửa bật lại va vào người khác. Khi có người mở cửa giúp mình đừng quên cảm ơn họ.

35. Phép lịch sự nên áp dụng đối với tất cả mọi người, bất kể họ là cấp trên, là người lớn tuổi, là nhân viên phục vụ hay là cô chú lao công bên đường.