21/04/2022

Cách dùng thước Lỗ Ban

 

 Trong xây dựng và thiết kế nội thất, chúng ta thường nghe đến cụm từ “thước Lỗ Ban”. Vậy thước Lỗ Ban là gì và được dùng để làm gì?

Trong địa lý cổ Phương Đông thực hành, thước Lỗ Ban là một yếu tố không thể tách rời Thước Lỗ Ban là một cây thước kinh nghiệm, nó không thuộc bất kỳ hệ thống đo đạc nào trên thế giới, và được đúc kết kèm thử nghiệm cả ngàn đời nay chỉ để phân định hai chữ tốt và xấu.

Lịch sử ghi lại, Lỗ Ban họ Công Thâu tên gọi là Ban, người nước Lỗ đời Xuân Thu (hiện tại thuộc tình Sơn Đông - Trung Quốc), cùng thời với Mặc Tử (một triết gia nổi tiếng). Vì ông là người nước Lỗ, cho nên mọi người gọi ông là Lỗ Ban. Ông là một người thợ nổi tiếng thời cổ đại và cũng là một nhà phát minh xuất sắc. Từ ngàn năm nay, thợ mộc và thợ xây dựng Trung Quốc đều tôn thờ ông như một vị tổ sư. 

Khi kéo cây thước này ra thì chúng ta sẽ thấy có 2 hàng chữ Hán nằm trong các ô, một hàng chữ lớn và một hàng chữ nhỏ. Các bạn cứ lần theo hàng chữ lớn cho đến ô có 1 số nhỏ, đối chiếu ta được 42,9 cm hoặc gần 17 inches, đó chính là chiều dài của một cây thước Lỗ Ban. Tương truyền, chiều dài này được Lỗ Ban tính từ chiều dài trung bình từ cùi chỏ đến đầu ngón tay út duỗi thẳng của loài người.  Như vậy, suốt chiều dài cây thước kéo, loại 5 mét chẳng hạn, chỉ là một sự lập đi lập lại hơn 11 cây thước Lỗ Ban. 

Thước Lỗ Ban có thước trên và thước dưới, dùng để đo Mộcđo Thổ. Mặt Thổ dùng để đo đất, trong khi mặt Mộc dùng để đo cửa, bếp, bàn, tủ … Chú ý là khi đo cửa thì phải đo khoảng trống của cửa (lọt lòng), chứ không phải đo phủ bì. 

Một cây thước Lỗ Ban có 8 cung (hàng chữ lớn, nằm trong ô vuông), là biến thể của đồ hình Bát Quái, thay vì sắp theo hình tròn người ta trải phẳng theo hàng ngang. Trong 8 cung đó có 4 cung tốt (màu đỏ) và 4 cung xấu (màu đen), đi từ trái sang phải sắp xếp theo thứ tự sau:

Tài - Bệnh - Li - Nghĩa - Quan - Kiếp - Hại - Bản

Trong mỗi cung đó lại chia thành 4 cung nhỏ.

Trong nhà, cái quan trọng nhất là cửa rả, chỗ chúng ta thường xuyên ra vào. Khi đo cửa, cần nhớ chỉ đo khoảng thông thủy (lọt lòng), tính từ mép trong của cửa. Điều này rất quan trọng, vì nhiều khi các bạn chừa lỗ cửa đúng kích thước Lỗ Ban nhưng khi lắp cửa vào do có thêm các gờ cửa mà làm sai chệch cung tốt - xấu.

Cách thức đo là bạn kéo thước từ mép cửa này sang mép cửa kia, nếu rơi vào cung đỏ là ta được kích thước tốt, rơi vào cung đen là kích thước xấu, đo cả chiều rộng lẫn chiều cao cửa. Nhưng có một điều cần lưu ý, do thước Lỗ Ban chúng ta sử dụng có thêm phần thước kết hợp, tức là phần thước hàng chữ nhỏ, nên có khi cửa đã lọt vào cung tốt ở hàng trên, hàng dưới lại là cung xấu và ngược lại. Đó chính là quy luật bù trừ trong vũ trụ, được mặt này lại mất mặt kia. Như vậy để được một kích thước tốt, cần phải trên đỏ, dưới đỏ. 

Ví dụ, cửa phòng bạn có kích thước 85cm, nghĩa là lọt vào cung Hưng Vượng, màu đỏ - tốt nhưng đối chiếu hàng dưới lại lọt vào cung Tai Chí, màu đen - xấu. Để khắc phục các bạn có thể nới rộng của ra từ 86 đến 89cm chẳng hạn. Cách sửa chữa khi cửa lọt vào cung xấu là các bạn có thể bào bớt cửa, đóng thêm nẹp, hoặc cùng lắm là làm lại khuôn cửa và cánh cửa mới cho đúng kích thước. Để tìm hiểu kích thước chi tiết về cửa, hãy xem lại bàiChọn kích thước đúng cho từng loại cửa đã được đăng trước đây.

Sự ứng nghiệm của các cung (các bạn nhấn vào ảnh sẽ to ra)

·      Cung Tài: nghĩa là tiền của, ứng nghiệm tốt nhất với cổng lớn, nơi đón nhận của cải từ ngoài vào.

·      Cung Bệnh: là đau bệnh, ứng đặc biệt với nhà vệ sinh. Nơi này thường là góc hung (xấu) của nhà, cửa lọt vào chữ Bệnh sẽ thuận lợi cho bệnh sinh ra và phát triển.

·      Cung Ly: là chia lìa, rất kỵ cho cửa trong nhà. Cửa lọt vào chữ Ly, chồng thì làm ăn xa nhà, vợ gặp điều quyến rũ, con cái hoang đàng phá phách. 

·      Cung Nghĩa: rất tốt cho cổng lớn và cửa nhà bếp, cửa các phòng thông nhau thì không nên.

·      Cung Quan: rất kỵ ở cổng lớn vì tránh chuyện kiện tụng ra chính quyền, nhưng lại tốt ở cửa phòng riêng vợ chồng vì sẽ sinh con quý tử. 

·      Cung Kiếp: là bị cướp, tượng trưng cho tai hoạ khách quan đến từ bên ngoài khiến hao tiền tốn của. Tránh ở cổng lớn, nhất là các cửa hàng, tiệm buôn càng nên lưu ý. 

·      Cung Hại: tượng trưng cho mầm xấu nhen nhúm từ bên trong, kỵ ở các cửa phòng trong nhà.

·      Cung Bản: thích hợp cho cổng lớn. 

20/04/2022

Vô đề

 



Từ Hy Thái hậu

Thế gian đa ma tình tối chân

Lệ huyết dung nhập nhi nữ thân

Đàn kiệt tâm lực chung vì tử

Khả lân thiên hạ phụ mẫu tâm!


Tạm dịch:

Tình cảm cha mẹ chân thật nhất thế gian

Máu và nước mắt tan vào thân con cái

Vắt kiệt tâm can sức lực cũng vì con

Thương thay lòng dạ cha mẹ trên đời này!

 

Bài tập giúp giảm đau lưng nhanh chóng

 


Cái chạn bát ngày xưa (garde de manger – gác măng giê)

 



 Khi xưa, trong nhà ai chả có cái chạn, lớn hay nhỏ và có nhiều kiểu dáng lắm. Chỉ là nơi để úp bát, cất thức ăn thôi mà sao thân thuộc, nhắc lại vẫn thấy rưng rưng...

Bố mình trong nhà, gọi cái chạn là gác măng giê theo tiếng Tây với tất cả những cái giá gồm cả chạn, nên mình nhớ cái chạn là như thế. Gớm, cứ ta mà dùng phải không các bạn ? Nhưng ông bô có nhiều sáng tạo với cái chạn lắm, ví như tạo tầng, tạo then, rồi giá dao...

Ngày ấy, đã làm gì có tủ lạnh như bây giờ. Cái chạn nhà tôi không biết là cái thứ mấy, được bố mẹ mua ở Ô Chợ Dừa thuê xích lô chở về. Chạn được đóng bằng gỗ, sơn xanh khá đẹp mắt. Tầng trên cùng được gắn lưới sắt mắt nhỏ, thoáng mát, cánh cửa có khóa gỗ xoay ngang khá cẩn thận. Tầng giữa có ngăn úp bát, tầng dưới cùng là nơi đựng tương cà mắm muối...

Bà nội tôi thường cất vào ngăn trên cùng của chạn liễn mỡ, hũ đường, lọ muối vừng và chút đồ ăn còn dở như ít tóp mỡ, ít đậu sốt cà chua, nồi thịt rim... Anh em tôi đi học về nấu cơm rồi cùng ăn với bà nội và bố, lục chạn ăn với thức ăn đã có bên trong.

Bây giờ, cá thịt đầy mâm mà sao vẫn không cảm được cái sự “ngon miệng” của thời ấy. Mọi người bảo nhau: “Có lẽ ngày xưa khốn khó, nên ăn gì cũng thấy ngon”.

Tầng giữa của chạn chuyên để úp bát đĩa. Bà dặn anh em tôi rửa bát phải nhớ úp nghiêng cho ráo nước. Bát đĩa cũng chả nhiều nhặn gì, chỉ là chục cái bát ăn cơm bằng sứ Hải Dương, canh thường được múc vào bát chiết yêu có cái miệng loe rộng, thêm vài cái đĩa, thế thôi (đồ tốt thì bà và bố cất dưới tăng xê, khi cúng hoặc việc cần mới đem lên dùng. Khoe chứ, đồ Pháp, Nhật, Tàu cổ đủ cả, bi giờ còn ít).

Các loại đũa, thìa, muôi được cắm vào một cái “rọ tre cật” nâu bóng buộc ở bên cạnh chạn. Bây giờ nhiều người trẻ có lẽ không biết đôi đũa cả. Đôi đũa để nấu và xới cơm.

Nhà thường úp xoong nồi, chảo, chày, cối... ở ngăn dưới cùng của chạn. Ngày ấy, đây cũng là chỗ để cất hũ dưa cà, âu mẻ, lọ muối hạt, chai nước mắm. Ngoài ra, những đồ khô như tý miến, nắm lạc sống, hành, tỏi, hạt tiêu... trăm thứ bà rằn được để trong chiếc bị cói, treo lủng lẳng bên cạnh chạn để tiện lấy khi nấu ăn.

Đôi khi ngồi hàn huyên với nhau, chúng tôi lại tự hỏi: Ngày ấy sao chúng ta không cần tủ lạnh nhỉ ? Đơn giản thôi, bởi đồ ăn làm gì có nhiều như bây giờ mà cất.... Các bà mẹ luôn tính toán để thức ăn vừa hết trong ngày. Hầu như không có thức ăn nào lưu cữu quá 2 ngày trừ mỡ, lạc, tôm khô, nấm và tóp mỡ...

Thức ăn để trong chạn, đóng cửa lại thì mèo, chuột không vào được nhưng lũ kiến vẫn kéo đàn vào đánh chén. Để khắc phục việc này, các nhà thường kê 4 cái chân chạn lên 4 cái bát mẻ đổ ngập nước pha dầu luyn. Thế là kiến đành chịu thua.

Thời gian trôi, giờ đây những loại tủ lạnh hiện đại, to đẹp đã thay thế cho chiếc chạn bát năm nào. Nhưng tôi tin, bất cứ ai đã từng sống qua một thời xa xưa ấy đều không thể quên chiếc chạn bát “thần thánh”. Đó không chỉ là nơi cất giữ thức ăn, bát đũa... mà còn thể hiện sự vén khéo, tình yêu thương của những người mẹ, người bà dành cho cả gia đình.

Tôi tin, trong miền ký ức của mỗi người đã từng sống qua thời đó, sẽ vẫn còn lưu dấu vài kỷ niệm nho nhỏ, vui vui về cái chạn bát.

 



19/04/2022

Tranh thủy mặc

st trên net. 

Tranh thủy mặc là gì?

Thủy là nước, mặc là mực. Tranh thủy mặc được vẽ bằng mực nước, hay còn gọi là mực tàu trên giấy (thường là giấy xuyến chỉ) hoặc lụa. Các chủ đề chính trong tranh thường là cây cối, hoa, phong cảnh, chim thú, người... và thường kèm theo thơ chữ Hán. đó là một phong cách cổ điển của người phương Đông. Thật ra, đây là nền nghệ thuật có phong cách riêng, là sự tổng hợp giữa thơ, thư, họa và dấu ấn, là một sự tổng hợp giữa nội dung ý nghĩa, kiến thức và tâm hồn, làm xao xuyến biết bao thế hệ người mê tranh.

 


Bức tranh Tùng hạc tường xuân - một bức tranh thủy mặc nổi tiếng của tác giả Trương Hán Minh

 Những yêu cầu của tranh thủy mặc

Công cụ chuyên dùng

Được vẽ bằng bút lông, dùng thuốc nước hoặc mực nho trên giấy xuyến chỉ (loại giấy làm thủ công nhưng rất cao cấp, trắng, mịn, chứ không phải hơi vàng ngà và sần như giấy dó của tranh Đông Hồ), họa sĩ vẽ thủy mặc phải hơn cả một võ sư: tích đủ nội công lại đầy cảm xúc, ý tưởng rồi mới hạ bút, vì đặc điểm của giấy xuyến chỉ là rất thấm mực, bút vẽ nét nào ăn nét ấy, không thể sửa chữa. Sắc màu của mực đậm hay nhạt tùy vào nét bút đưa đường nét và tạo hình thế nào, tạo ra thay đổi bất ngờ. Vì vậy mà hai chữ bút mực không chỉ là những công cụ và phương tiện trong thư pháp và hội họa mà cũng chính là từ gọi thay cho nghệ thuật thư pháp hội họa.

 


Bút lông, nghiên mực là những công cụ không thể thiếu trong tranh thủy mặc

Muốn có một tác phẩm tranh thủy mặc tốt, điều kiện trước tiên là công cụ phải tốt. Công cụ vẽ bao gồm: giấy, bút, mực, nghiên, gọi nôm na là “văn phòng tứ bảo” (文房四寶).

Trước hết, phải biết chọn cọ vẽ, bút lông loại cứng hay loại mềm, tùy thuộc đối tượng vẽ, ví dụ: phác thảo trúc và lan, dùng bút lông sói, khi nhuộm màu chọn bút lông dê, dùng cọ cứng để vẽ sơn thủy, rễ cây. . .

Giấy xuyến chỉ là giấy vẽ ăn ý điều hòa với mực, tạo sức lan tỏa theo ý muốn đi bút tạo hình của tác giả. Mực tốt phải nhuyễn, khi hòa với nước thể hiện 7 màu đen đậm nhạt sáng tối rất đa dạng.

Nghiên tốt giúp mài mực thật nhuyễn, tránh cặn và không mau khô. Chất lượng của giấy, bút, mực, nghiên là cơ sở tiền đề giúp cho họa sĩ thể hiện độ sâu của tác phẩm. Tuy nhiên, đối với người mới học vẽ, thì không cần yêu cầu quá cao về công cụ nêu trên.

 Bút pháp

Kỹ thuật cầm bút, xử lý màu sắc, đòi hỏi đôi tay họa sĩ luôn nhịp nhàng, uyển chuyển khi thể hiện nội dung tác phẩm. Những đường nét uyển chuyển mềm mại, bay bướm, đậm nhạt theo cảm xúc và ý tưởng cấu trúc nội dung của tác phẩm đã tạo nên bức tranh sống động phóng khoáng, khó có loại tranh nào sánh được. Cho nên, yêu cầu trước tiên và căn bản đối với người mới học vẽ chính là tinh thần chịu khó khổ luyện. Sự kiên nhẫn và khéo léo là một đức tính cần có của người họa sĩ vẽ tranh thủy mặc

Khi vẽ tranh thủy mặc đòi hỏi người họa sĩ phải thuần thục trong các thao tác từ việc điểm mực nhiều hay ít, kết hợp với sự linh hoạt của các ngón tay trên bàn tay để đưa cánh tay nhịp nhàng lên xuống nhanh chậm, tạo ra những đường nét đậm nhạt, cấu trúc hình khối đa dạng. Vận dụng cọ bút với nhiều góc độ biến hóa khác nhau như đứng thẳng cọ, để nghiên cọ, xoay cọ… tạo nên đường nét sống động và tự nhiên, nói nôm na là "Trong cọ có cọ" "Bút chưa tới ý đã tới"… Sự kết hợp ấy thể hiện kỹ năng, kỹ xảo điêu luyện, tận dụng ánh sáng học, màu học, lập thể học, lột tả ý tưởng nội dung sâu sắc, tinh thần Thiền học của tác giả. Ví dụ như: tác giả không hề vẽ nước, nhưng người xem vẫn cảm thấy nước đang chảy, hoặc tưởng tượng ra mây bay và thác gầm…

Bố cục

Bố cục của tranh hết sức công phu, mức độ tụ (nhiều) thư (ít) giữa chủ cảnh và phối cảnh, phải phân bố thật khéo léo, thẩm mỹ, bố trí vị trí phù hợp, giữ cho tổng quan cảnh vật trong tranh được cân bằng, không quá dày hoặc quá thưa.

Trình bày một bài thơ bằng thư pháp bên cạnh tranh cũng phải cân nhắc, chỉ dùng khi bình diện tranh hơi trống, lạc khoản và dấu ấn khi được tác giả bố trí khéo léo, cũng làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho tranh thủy mặc.

Bố cục xa gần khác nhau gợi lên chiều sâu cho không gian và cảm xúc cho bức tranh

 


Tranh thủy mặc đồng hành với "thơ, thư, họa, ấn", tác giả phải biết lúc nào chỗ nào nên có thơ bên cạnh, điểm xuyến thêm dòng thư pháp, đóng một dấu gây ấn tượng. "Thơ là ý của tranh, thư pháp là cốt của tranh", qua thơ, thư và dấu ấn, tác giả bày tỏ hài bảo qua kỹ thuật nhuần nhuyễn, gửi gắm lý tưởng cao cả qua tranh, thổi hồn vào tranh, đó chính là những giá trị nghệ thuật của tranh thủy mặc.

 


Một câu thơ đề từ được đặt đúng chỗ, hợp nội dung sẽ khiến cho bức họa tăng thêm phần giá trị

 


"Trong họa có thi" là một đặc điểm thường thấy trong tranh thủy mặc

 Họa sĩ phải kiên trì tu dưỡng tâm hồn và đạo đức

 Tâm thái của người họa sĩ có quyết định to lớn tới hiệu quả thẩm mĩ của bức tranh

 Phải thưởng thức tranh thủy mặc như thế nào?

Muốn thưởng thức và đánh giá một bức tranh thủy mặc, chạm trán trước tiên với người xem là màu sắc và cảnh vật trong tranh, tất nhiên đòi hỏi kỹ thuật, kỹ xảo của tác giả trình bày sao cho vẽ cái gì giống cái đó như núi cao thì hùng vĩ, con vật thì khả ái, hoa lá thì tươi đẹp… Tuy nhiên tác giả còn phải có bút pháp nghệ thuật, nhằm lột tả ngụ ý sâu xa, giúp người xem khám phá và cảm nhận dần dần được tinh, khí, thần sâu lắng nội tại của bức tranh. Ví dụ, cây trúc (khúc mắt, thẳng đứng) biểu trưng của khí tiết khiêm tốn, bất khuất cao thượng của người quân tử; hoa mẫu đơn (vốn chỉ dành cho vua chúa) đại diện mơ ước cho giàu sáng phú quý…

 


Cây trúc - biểu trưng cho người quân tử thời xưa

 


Hoa sen - biểu tượng của sự thanh cao

Khi tác phẩm có tính triết lý về cuộc đời, về thiên nhiên, thì dù đó là phong cảnh bốn mùa: xuân hạ, thu, đông; đàn ngựa, đôi hạc, cây tùng, hoa cúc, hoa hồng, hoa mẫu đơn… cũng sẽ trở nên đa dạng xuất thần, thu hút và cảm động lòng người.

 Các trường phái vẽ tranh thủy mặc Trung Quốc

Thể theo lối vẽ và phong cách hội họa, chia tranh thủy mặc Trung Quốc làm 2 dạng: tranh màu tả thực và tranh thủy mặc ngụ ý với những nét chấm phá truyền thần.

 


Tranh tả thực (Tề tất họa), tức lối vẽ hết sức chi tiết sát với cảnh thực, ở Việt Nam gọi là công bút. Bút pháp này tế nhị gọn ghẽ với những đường nét giàu sức thể hiện, phác họa nên giàn khung của cảnh vật, trong quá trình này họa sĩ hết sức chú trọng từng bộ phận chi tiết của cảnh vật sau đó tiến hành tô màu. Phẩm màu tươi đậm dùng cho lối hội họa này phần nhiều là các loại chất khoáng vì thế mà qua nhiều năm bảo tồn, màu sắc vẫn tươi rói.


Tranh thủy mặc ngụ ý (Thô tất họa), đường nét giản đơn, phác họa nên chất liệu và ngụ ý của cảnh vật. Thường vẽ phong cách này là họa sĩ Tề Bạch Thạch (thế kỷ 19), vẽ tôm, cá, cực siêu, sống động và họa sĩ Từ Bi Hồng (thế kỷ 20) với những bức vẽ về ngựa trình độ bậc thầy “thiên hạ vô địch”. Cả hai ông đều có bảo tàng cá nhân ở Thủ đô Bắc Kinh.

 


Bức tranh tôm của họa sĩ Tề Bạch Thạch


Tề Bạch Thạch là họa sĩ đã đạt đến đỉnh cao trong việc lột tả đặc điểm, thần thái của con tôm, mà chưa họa sĩ nào có thể vượt qua ông

 

Tác phẩm vẽ ngựa của họa sĩ Từ Bi Hồng

 


Có thể khẳng định rằng, Từ Bi Hồng là một họa sĩ bậc thầy khắc họa ngựa một cách xuất thần

 


Tranh phong cảnh của họa sĩ Vương Duy

 


Bức tranh thủy mặc thể hiện sự ung dung tự tại của bậc quân tử thời xưa - họa sĩ Vương Duy.

Về tranh thủy mặc, thưởng thức và tri thức rất nhiều. Một bài viết nhỏ đã quá dài cho độc giả thời nay nên mình tạm dừng ở đây. 

Đặc sản miền Tây Nam bộ: cháo Tống

 

Năm ngoái (2021) vào miền Tây lang thang, tới Cà Mau được nếm món cháo Tống, đặc sản nơi này ở nhà 1 người bạn mới quen. Ăn xong mà nay còn nhớ mãi tình người và món ngon nơi đây.

Không biết cái tên cháo tống có ý nghĩa gì, do ai đặt chỉ biết rằng cháo tống là món riêng có ở miền Tây mà chỉ có vào dịp đầu năm, mùa khô thôi. Cháo tống được làm từ: gạo thơm, cá lóc và rau đắng đất. Rau đắng đất chỉ mùa khô mới có, còn cá lóc không đâu ngon bằng cá lóc miền Tây mùa tát đìa.

Chủ nhà nói rằng: thịt cá thơm ngon vì cả năm cá rong ruổi ăn no, chóng lớn và tích tụ chất để mùa khô rút xuống đìa nằm ngủ chờ mưa. Rau đắng đất được coi là tinh hoa của đất, mảnh mai, trắng muốt mọc lên từ gốc rạ ngã khô, dù đắng nhưng vị ngọt lại đọng mãi trong cổ họng. Đây là mình tò mò xuống bếp mới tận mục sở thị.



Cá lóc bắt từ dưới đìa lặt vi, rửa sạch, lách lấy thịt cá gói trong lớp giấy bản vùi vào hũ gạo cho cám gạo hút khô nước cá. Đầu, xương và bộ lòng cho vào nồi lớn luộc chín vớt ra, nước luộc cá dùng để nấu cháo, thứ gạo càng thơm càng tốt.

 Thịt cá lóc xắt mỏng xếp vào đĩa, chuẩn bị thêm ít hạt tiêu, bột ngọt, ớt tươi, nước mắm nhà ủ và rau thơm, hành tươi (củ để trần ăn sống, lá thái nhỏ với gừng thái chỉ cho vào cháo lấy mùi thơm).



Trước lúc ăn cháo làm lai rai vài xị đế với đầu, xương và bộ lòng cá luộc, mà đâu ít, chủ nhà hiếu khách có mấy bợm mà làm tận 5 con cá. Các bạn đã biết cá lóc - miền Tây họ gọi là cá bông, con nhỏ nhất là 2 cân, còn thường thì 5 - 7 cân là bình thường; thứ 2, nhà chủ không chỉ có 1 đìa, họ coi cá bông mùa khô như lợn trong chuồng vậy, ăn thì bắt lên chế biến thôi.

Khi đã ngà ngà, mỗi người một bát lớn, dưới là rau đắng, trên để thịt cá rồi múc cháo đang sôi trên bếp lò đổ vào thêm tí hạt tiêu, bột ngọt, nước mắm, hành sống, ớt tươi, rau thơm… Lấy đũa lật cá từ dưới lên, thịt cá vừa chín tới cuộn cong cong ăn cùng rau đắng, hành trần, rau thơm. Ngọt, bùi, cay, đắng quyện hòa, húp thêm chút cháo nóng toát mồ hôi, rượu uống mấy cũng chẳng say.



Sau màn nhậu là đến đàn cò. Họ ca hát tự nhiên như vốn thường vậy...Bữa khuya, lại có bát cháo dằm bụng... Tính người miền Tây hiếu khách rất tự nhiên, không gò bó. 

Nói thêm là, nhắc đến món cháo tống không thể không nhắc đến nước mắm mà dân nơi đây tự ủ, nó có vị mặn khi ở đầu lưỡi nhưng vị ngọt dịu ở cổ họng. Người dân nói, làm ủ nước mắm này kỳ công lắm, 1 năm mới ra được sản phẩm mà có nhiều đâu, 1 tấn cá được độ 200 đến 300 lít thôi. Đường xa, nghĩ đem được về cũng lách nhách nên đành thôi.

Tu Luyện

 

Mình thấy, Phật giáo, Khổng giáo hay Đạo giáo… đều nói đến Tu Luyện nhưng chúng ta không nhất thiết phải “bế quan luyện công”, “lên núi độc tu” hay “quay mặt vào vách”… Tu luyện đơn giản là tu dưỡng và rèn luyện. Ví dụ mọi người đều thấy có các cư sỹ tại gia đấy thôi. Các cụ xưa nói: Tu tại chùa không bằng tu tại chợ chắc là có ý này.

Trong đó, tu có nghĩa là chỉnh sửa, học tập, tuân theo, cắt tỉa… Muốn hoàn thiện nhân cách, đức hạnh, phẩm giá của bản thân thì phải liên tục tống khứ đi những thói hư tật xấu, quy chính tư duy hành động theo lễ nghĩa đạo đức, học hỏi và đề cao tâm tính không ngừng.

Còn luyện nghĩa là rèn luyện, rèn đúc, gọt giũa. Tu tâm cũng cần đi cùng với ước thúc nề nếp sinh hoạt, lễ nghi, tác phong, thần thái; phải rèn luyện trong đời sống từ những điều nhỏ nhặt nhất. Luyện cũng lại có nghĩa là tôi luyện, qua chịu đựng mà trở nên tốt đẹp hơn.

Như vậy, “tu luyện” ấy chính là việc con người luôn biết nhìn lại mình, sửa đổi mình và nắn chỉnh con đường mình đi cho phù hợp với chính đạo. Vì lẽ đó, muốn thành người, làm người tử tế thì phải luôn tu luyện.

Âu cũng là chia sẻ vài suy nghĩ trong việc tự sửa mình.