19/04/2022

Đặc sản miền Tây Nam bộ: cháo Tống

 

Năm ngoái (2021) vào miền Tây lang thang, tới Cà Mau được nếm món cháo Tống, đặc sản nơi này ở nhà 1 người bạn mới quen. Ăn xong mà nay còn nhớ mãi tình người và món ngon nơi đây.

Không biết cái tên cháo tống có ý nghĩa gì, do ai đặt chỉ biết rằng cháo tống là món riêng có ở miền Tây mà chỉ có vào dịp đầu năm, mùa khô thôi. Cháo tống được làm từ: gạo thơm, cá lóc và rau đắng đất. Rau đắng đất chỉ mùa khô mới có, còn cá lóc không đâu ngon bằng cá lóc miền Tây mùa tát đìa.

Chủ nhà nói rằng: thịt cá thơm ngon vì cả năm cá rong ruổi ăn no, chóng lớn và tích tụ chất để mùa khô rút xuống đìa nằm ngủ chờ mưa. Rau đắng đất được coi là tinh hoa của đất, mảnh mai, trắng muốt mọc lên từ gốc rạ ngã khô, dù đắng nhưng vị ngọt lại đọng mãi trong cổ họng. Đây là mình tò mò xuống bếp mới tận mục sở thị.



Cá lóc bắt từ dưới đìa lặt vi, rửa sạch, lách lấy thịt cá gói trong lớp giấy bản vùi vào hũ gạo cho cám gạo hút khô nước cá. Đầu, xương và bộ lòng cho vào nồi lớn luộc chín vớt ra, nước luộc cá dùng để nấu cháo, thứ gạo càng thơm càng tốt.

 Thịt cá lóc xắt mỏng xếp vào đĩa, chuẩn bị thêm ít hạt tiêu, bột ngọt, ớt tươi, nước mắm nhà ủ và rau thơm, hành tươi (củ để trần ăn sống, lá thái nhỏ với gừng thái chỉ cho vào cháo lấy mùi thơm).



Trước lúc ăn cháo làm lai rai vài xị đế với đầu, xương và bộ lòng cá luộc, mà đâu ít, chủ nhà hiếu khách có mấy bợm mà làm tận 5 con cá. Các bạn đã biết cá lóc - miền Tây họ gọi là cá bông, con nhỏ nhất là 2 cân, còn thường thì 5 - 7 cân là bình thường; thứ 2, nhà chủ không chỉ có 1 đìa, họ coi cá bông mùa khô như lợn trong chuồng vậy, ăn thì bắt lên chế biến thôi.

Khi đã ngà ngà, mỗi người một bát lớn, dưới là rau đắng, trên để thịt cá rồi múc cháo đang sôi trên bếp lò đổ vào thêm tí hạt tiêu, bột ngọt, nước mắm, hành sống, ớt tươi, rau thơm… Lấy đũa lật cá từ dưới lên, thịt cá vừa chín tới cuộn cong cong ăn cùng rau đắng, hành trần, rau thơm. Ngọt, bùi, cay, đắng quyện hòa, húp thêm chút cháo nóng toát mồ hôi, rượu uống mấy cũng chẳng say.



Sau màn nhậu là đến đàn cò. Họ ca hát tự nhiên như vốn thường vậy...Bữa khuya, lại có bát cháo dằm bụng... Tính người miền Tây hiếu khách rất tự nhiên, không gò bó. 

Nói thêm là, nhắc đến món cháo tống không thể không nhắc đến nước mắm mà dân nơi đây tự ủ, nó có vị mặn khi ở đầu lưỡi nhưng vị ngọt dịu ở cổ họng. Người dân nói, làm ủ nước mắm này kỳ công lắm, 1 năm mới ra được sản phẩm mà có nhiều đâu, 1 tấn cá được độ 200 đến 300 lít thôi. Đường xa, nghĩ đem được về cũng lách nhách nên đành thôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét