07/04/2022

Tác dụng của huyệt Hậu Khê

 



Huyệt Hậu Khê là huyệt Bổ đứng hàng thứ 3 của kinh Tiểu Trường - nơi giao hội với đốc mạch và bát mạch. Huyệt có tác dụng giúp giãn gân cốt, tốt cho mắt, thư giãn thần kinh và các bệnh khác. Đặc biệt, nếu áp dụng cách thức tác động chính xác vào huyệt Hậu Khê, có thể chữa được các bệnh như đau đốt sống cổ, đau đầu, hỗ trợ thị lực, giảm mệt mỏi, bổ tinh ích khí...

1. Huyệt Hậu Khê là gì?

Huyệt Hậu Khê là huyệt Bổ của kinh Tiểu Trường, là huyệt giao hội với đốc mạch, còn gọi là nơi giao hội của bát mạch. Đây là huyệt thứ 3 của kinh Tiểu Trường và là huyệt Du, thuộc hành Mộc.

Tên gọi Hậu Khê từ tiếng Hậu với nghĩa là sau, phía sau và tiếng Khê được hiểu là khe, suối. Huyệt này nằm ngay đằng sau đầu nhỏ của xương bàn tay thứ 5, trên cuối nếp gấp ngang của lòng bàn tay, nó cao hơn Tiền Cốc. Khi gấp ngón tay vào bàn tay, sẽ lộ rõ đường chỉ tâm đạo giống như khe suối (Khe), huyệt ở sau cuối (Hậu) của đường vân này, vì vậy gọi là Hậu Khê.

Vị trí của huyệt này còn là nơi cơ bắt đầu trở nên nhiều hơn, dồi dào hơn, giống như nước tích lũy để tạo thành một dòng suối.

2. Vị trí của huyệt Hậu Khê


Huyệt hậu khê nằm ở bàn tay, tại chỗ lõm phía sau khớp xương ngón và bàn của ngón thứ 5, ngang với đầu trong đường vân tim ở bàn tay, nơi tiếp giáp da của gan tay – mu tay.

Dưới da vùng huyệt có cơ dạng ngón út, bờ trong cơ gấp ngắn ngón tay và bờ trong đầu dưới xương bàn tay số 5. Vùng da này được chi phối bởi tiết đoạn thần kinh D1. Các nhánh dây thần kinh trụ chịu trách nhiệm chi phối thần kinh vận động cơ.



2. Huyệt Hậu Khê có tác dụng gì?

Như đã đề cập ở trên, huyệt Hậu Khê là huyệt Bổ của kinh Tiểu Trường, là huyệt giao hội với đốc mạch, còn gọi là nơi giao hội của bát mạch. Theo cuốn "Hoàng Đế nội kinh" cho rằng huyệt Hậu Khê có tác dụng giúp giãn gân cốt, tốt cho mắt, thư giãn thần kinh và các bệnh khác.

Các chứng bệnh đau đốt sống cổ, đau lưng, mỏi gáy trước đây là bệnh của nhóm người ở độ tuổi trên 40, nhưng hiện nay độ tuổi mắc các bệnh này càng trẻ hóa.

Tác động đúng cách vào huyệt Hậu Khê có thể làm giảm bớt và điều trị đau đốt sống cổ, đau đầu, giảm bớt sự đau đớn ở xương cổ, lưng gáy.

Huyệt Hậu Khê còn là nơi giao nhau của kỳ kinh bát mạch, là huyệt khai của mạch Đốc, tả Tâm thủy, tăng cường dương khí, điều chỉnh xương cổ, có lợi mắt, cột sống. Tư thế cúi đầu trong thời gian dài làm đè nén Đốc mạch, cản trở sự phân tán dương khí có thể gây ra mệt mỏi, giảm thị lực, cận thị... Huyệt Hậu Khê có thể giúp tăng cường bổ sung dương khí, làm chức năng thư giãn của mắt hoạt động bình thường trở lại, bảo vệ thị lực, giảm mệt mỏi, bổ tinh ích khí...

Ngoài ra, huyệt được dùng để chủ trị các bệnh ù tai, điếc, chi trên liệt, động kinh, sốt rét, ra mồ hôi trộm....

Tóm lại, huyệt Hậu Khê có một số tác dụng trị liệu sau:

Là huyệt hội của mạch Đốc, tác dụng toàn bộ đường kinh dương trong cơ thể

Chủ trị đau vùng bả vai, có thể dùng độc lập hoặc kết hợp với các huyệt tại chỗ

Điều trị cứng cổ, đau mỏi cổ vai gáy, tê mỏi vùng cổ gáy

Trị đau đầu vùng chẩm, kết hợp với huyệt tại chỗ ví dụ Phong trì, Kiên tỉnh

Có tác dụng giải phóng hoả độc ra khỏi đầu, tai, mắt nên có thể chữa được viêm nhiễm vùng mắt, hoa mắt, đau tai, ù tai, viêm họng, viêm nhiễm vùng đầu mặt

Giúp thư giãn tinh thần, giải phóng mệt mỏi và trầm cảm thất thường

3. Hướng dẫn cách tác động lên huyệt và phối huyệt trị bệnh

Tương tự như các huyệt vị khác, trong y học có hai hình thức phổ biến tác động vào huyệt để điều trị bệnh là bấm huyệt và châm cứu.

Bấm huyệt là cách kích thích lên huyệt đạo để tạo nên tác động có ích đến vị trí cơ quan muốn điều trị.

Cách thức bấm huyệt Hậu Khê được thực hiện theo trình tự sau:

Xác định chính xác vị trí huyệt Hậu Khê

Tiến hành dùng ngón tay cái day và bấm huyệt bằng một lực đạo vừa phải trong khoảng 1-2 phút đến khi cảm thấy nóng dưới đầu ngón tay.

 

Cách giữ và bấm huyệt hậu khê


Trong các tài liệu về Y Học Cổ Truyền, có một số cách phối huyệt Hậu Khê để điều trị bệnh được lưu lại. Cụ thể:

 Phối với các huyệt Đại Trữ, Đào Đạo, Khổng Tối và Thiên Đột trị đau đầu (Bị Cấp Thiên Kim Phương).

Phối với huyệt Âm Khích trị mồ hôi trộm (Châm Cứu Tụ Anh).

Phối với các huyệt Dương Trì, Giải Khê, Hợp Cốc, Lệ Đoài và Phong Trì để trị thương hàn mà mồ hôi không ra (Châm Cứu Tụ Anh).

Phối với huyệt Hợp Cốc trị đàm (Châm Cứu Đại Thành).

Phối với các huyệt Bá Lao Gian Sử và Khúc Trì trị lạnh nhiều nóng ít (Châm Cứu Đại Thành).

Phối với huyệt Lao Cung trị hoàng đản (Bách Chứng Phú).

Phối với huyệt Hoàn Khiêu trị đùi vế đau (Bách Chứng Phú).

Phối với huyệt Cưu Vĩ và huyệt Thần Môn trị ngũ giản (Thắng Ngọc Ca)

Phối với huyệt Liệt Khuyết trị đau ngực, đau cổ (Châm Cứu Đại Toàn).

Phối với các huyệt Phong Phủ và Thừa Tương trị cứng gáy (Y Học Cương Mục).

Phối với huyệt Bát Tà và Tam Gian trị tay và bàn tay tê đau (Trung Quốc Châm Cứu Học Khái Yếu).

Phối với các huyệt Đại Chùy và Gian Sử trị sốt rét cách nhật (Châm Cứu Học Thượng Hải).

Phối với huyệt Phong Phủ trị đau đầu, đau cổ (Châm Cứu Học Thượng Hải).

Phối với các huyệt Đại Chùy, Điều Khẩu, Thấu Thừa Sơn và Nhân Trung trị nóng rát vùng lưng vai (Châm Cứu Học Thượng Hải).

Phối các huyệt A Thị Huyệt, Ân Môn và Huyệt tương ứng 2 bên cột sống, trị té ngã hoặc tổn thương vùng lưng (Châm Cứu Học Thượng Hải).

Có thể khẳng định rằng, huyệt Hậu Khê có tác động rất hiệu quả đến sức khỏe, nhất là các chứng bệnh đau, cứng, mỏi vùng cổ, gáy, các bệnh lý về mắt..... Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả, bạn nên chọn các cơ sở y tế, Y Học Cổ Truyền uy tín.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét