Tôi đã đăng nhiều bài về Hà Nội nhưng về tên và
nguồn gốc của các con phố hơi ít thông tin, nên rất áy náy. Thôi thì, tìm được
chút nào hay chút ấy vậy, về sau có trùng lặp mong bạn đọc thông cảm.
Phố Hàng Ngang.
Một số độc
giả đã suy luận phố này “chuyên bán rượu ngang” hoặc “bán ghế ngang”.
Thực ra,
theo Từ điển Hà Nội địa danh của tác giả Bùi Thiết, do ở hai đầu phố trước đây
có các bức tường chắn ngang, ở giữa là cổng gỗ, ban ngày mở ra, ban đêm đóng lại
nên gọi là Hàng Ngang. Đây vốn là nơi buôn bán của người Hoa gốc Quảng Đông, họ
làm cổng cho cả phố để đảm bảo an ninh. Thời Pháp thuộc, phố có tên là rue des
Cantonnais (phố của người Quảng Đông).
Một bức
tranh từ thời Pháp còn lưu lại hình ảnh bức tường và cánh cổng ngang phố này, với
chú thích rõ ràng “Porte de la rue des Cantonnais” (Cổng phố của người Quảng
Đông). Trước đây, phố này là nơi Hoa kiều bán các mặt hàng chè, thuốc, vải vóc.
Phố Đình Ngang
Cùng với
tên phố Hàng Ngang, ở cửa Nam thành cổ Hà Nội còn có phố Đình Ngang, với lý giải:
Vào thời Lê, phố này có cái đình chắn ngang giữa đường, dân gian gọi là “Hoành
Đình”. Sau này đình bị phá dỡ, nhiều người cho rằng, dấu tích của đình chính là
bãi đất rộng ở đầu phố, hiện dùng làm bãi đỗ xe.
Phố Hàng
Đào, nối liền phố Hàng Ngang xuống Hồ Hoàn Kiếm, là nơi chuyên bán lụa là vóc
nhiễu của các thương nhân người Việt. Phố có tên như vậy, vì từ thời Lê, đây là
khu vực chuyên nghề nhuộm màu cho vải, trong đó chủ yếu là nhuộm điều (tức màu
hồng đào).
Phố Hàng Gai
Có thể
nhiều người chưa biết, Phố Hàng Gai trước đây bán loại gai gì? Đó là các loại
dây tước từ vỏ cây gai, cây đay để đan võng, bện thừng. Theo nhà nghiên cứu
Nguyễn Vinh Phúc, sau này, các cửa hàng bán gai đã chuyển về phố Bát Đàn.
Phố Tố Tịch
Từ phố
Hàng Gai đi ra Hàng Quạt, có phố Tố Tịch. Nhiều người nhầm tưởng phố đặt theo
tên người. Thực ra Tố Tịch, chữ Hán nghĩa là chiếu trắng. Có lẽ, tên phố chỉ mặt
hàng người dân ở đây buôn bán từ thời xưa.
Ngõ Hài Tượng
Ở ngang
phố Tạ Hiện, có ngõ Hài Tượng. Nghĩa chữ Hán thì hài là giày, tượng là thợ, Hài
Tượng là phố của những người thợ làm giày. Đây là nơi tập trung của những người
thợ làm nghề thuộc da, đóng giày, khâu hài gốc từ làng Chắm, xã Phong Lâm, huyện
Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương di cư lên. Ngày xưa ngõ này thông sang phố Hàng Giầy,
cũng là phố chung một nghề của những người thợ làng Chắm.
Phố Phủ Doãn
Một số
tên phố cho biết về bộ máy hành chính của kinh thành Thăng Long xưa, như các phố
Phủ Doãn, Ngõ Huyện, Thọ Xương.
Thời Lê,
đứng đầu phủ Phụng Thiên là viên quan Phủ Doãn (tương đương UBND thành phố Hà Nội
bây giờ) đặt trụ sở ở phố Phủ Doãn ngày nay.
Phủ Phụng
Thiên gồm hai huyện Quảng Đức và Vĩnh Xương. Huyện Vĩnh Xương đến thời Nguyễn đổi
tên thành huyện Thọ Xương, bao gồm phần đất của quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và
một phần quận Đống Đa. Khu vực đặt sở lỵ của huyện Thọ Xương sau này có tên là
ngõ Thọ Xương. Con ngõ cạnh đó có tên Ngõ Huyện cùng lý do. Trước đây, cả hai
ngõ này đều có tên là Ngõ Huyện.
Phố Chân Cầm
Từ phố Phủ
Doãn sang phố Nhà Chung có phố Chân Cầm. Tên phố này ghép từ tên hai thôn ngày
xưa là Chân Tiên và Minh Cầm.
Phố Đường Thành
Dọc phố
Phủ Doãn ngược lên phía Bắc là phố Đường Thành. Đây là con đường nằm bên tường
thành Hà Nội xưa. Theo “Từ điển đường phố Hà Nội” của tác giả Giang Quân, do phố
chạy qua cửa Chính Đông thành cổ nên trước đây có tên là phố Cửa Thành. Thời
Pháp thuộc gọi phố này là Rue de la Citadelle (phố Thành). Sau Cách mạng Tháng
Tám, phố chính thức được đặt tên là Phố Đường Thành.
Ngõ Tạm Thương
Trên phố
Đường Thành có ngõ Tạm Thương. Tên ngõ này có khoảng đầu thế kỷ 19, dưới thời
nhà Nguyễn. Ở đây có dựng một cái kho để chứa tạm thóc thuế do dân nộp trước
khi chuyển vào kho chính, gọi là kho Trạm Thương, sau nhân dân thấy thóc chứa ở
đây mới là tạm thời nên gọi luôn là kho Tạm Thương rồi trở thành tên ngõ từ lúc
nào không rõ.
Ngõ Trạm
Từ phố Đường
Thành (cạnh chợ Hàng Da) đến phố Phùng Hưng có Ngõ Trạm. Đây là nơi có một trạm
dịch, chuyên chuyển phát công văn từ trong thành Hà Nội đi các tỉnh.
Phố Cổng Đục
Từ phố
Hàng Mã thông sang Hàng Vải có phố Cổng Đục do đoạn tường thành ở đây bị đục ra
làm cổng để đi lại.
Phố Lò Rèn.
Phố Hàng Rươi
Hà Nội
còn có phố Hàng Rươi, nhiều người băn khoăn: Rươi mỗi năm chỉ có một mùa, là
hai tháng 9, 10 cuối mùa thu, vậy thời gian còn lại trong năm, các cửa hàng ở
phố này bán gì? Điều này được giải thích là: Những ngày còn lại trong năm, các
nhà buôn trên phố hay bán mắm rươi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét