20/04/2022

Cái chạn bát ngày xưa (garde de manger – gác măng giê)

 



 Khi xưa, trong nhà ai chả có cái chạn, lớn hay nhỏ và có nhiều kiểu dáng lắm. Chỉ là nơi để úp bát, cất thức ăn thôi mà sao thân thuộc, nhắc lại vẫn thấy rưng rưng...

Bố mình trong nhà, gọi cái chạn là gác măng giê theo tiếng Tây với tất cả những cái giá gồm cả chạn, nên mình nhớ cái chạn là như thế. Gớm, cứ ta mà dùng phải không các bạn ? Nhưng ông bô có nhiều sáng tạo với cái chạn lắm, ví như tạo tầng, tạo then, rồi giá dao...

Ngày ấy, đã làm gì có tủ lạnh như bây giờ. Cái chạn nhà tôi không biết là cái thứ mấy, được bố mẹ mua ở Ô Chợ Dừa thuê xích lô chở về. Chạn được đóng bằng gỗ, sơn xanh khá đẹp mắt. Tầng trên cùng được gắn lưới sắt mắt nhỏ, thoáng mát, cánh cửa có khóa gỗ xoay ngang khá cẩn thận. Tầng giữa có ngăn úp bát, tầng dưới cùng là nơi đựng tương cà mắm muối...

Bà nội tôi thường cất vào ngăn trên cùng của chạn liễn mỡ, hũ đường, lọ muối vừng và chút đồ ăn còn dở như ít tóp mỡ, ít đậu sốt cà chua, nồi thịt rim... Anh em tôi đi học về nấu cơm rồi cùng ăn với bà nội và bố, lục chạn ăn với thức ăn đã có bên trong.

Bây giờ, cá thịt đầy mâm mà sao vẫn không cảm được cái sự “ngon miệng” của thời ấy. Mọi người bảo nhau: “Có lẽ ngày xưa khốn khó, nên ăn gì cũng thấy ngon”.

Tầng giữa của chạn chuyên để úp bát đĩa. Bà dặn anh em tôi rửa bát phải nhớ úp nghiêng cho ráo nước. Bát đĩa cũng chả nhiều nhặn gì, chỉ là chục cái bát ăn cơm bằng sứ Hải Dương, canh thường được múc vào bát chiết yêu có cái miệng loe rộng, thêm vài cái đĩa, thế thôi (đồ tốt thì bà và bố cất dưới tăng xê, khi cúng hoặc việc cần mới đem lên dùng. Khoe chứ, đồ Pháp, Nhật, Tàu cổ đủ cả, bi giờ còn ít).

Các loại đũa, thìa, muôi được cắm vào một cái “rọ tre cật” nâu bóng buộc ở bên cạnh chạn. Bây giờ nhiều người trẻ có lẽ không biết đôi đũa cả. Đôi đũa để nấu và xới cơm.

Nhà thường úp xoong nồi, chảo, chày, cối... ở ngăn dưới cùng của chạn. Ngày ấy, đây cũng là chỗ để cất hũ dưa cà, âu mẻ, lọ muối hạt, chai nước mắm. Ngoài ra, những đồ khô như tý miến, nắm lạc sống, hành, tỏi, hạt tiêu... trăm thứ bà rằn được để trong chiếc bị cói, treo lủng lẳng bên cạnh chạn để tiện lấy khi nấu ăn.

Đôi khi ngồi hàn huyên với nhau, chúng tôi lại tự hỏi: Ngày ấy sao chúng ta không cần tủ lạnh nhỉ ? Đơn giản thôi, bởi đồ ăn làm gì có nhiều như bây giờ mà cất.... Các bà mẹ luôn tính toán để thức ăn vừa hết trong ngày. Hầu như không có thức ăn nào lưu cữu quá 2 ngày trừ mỡ, lạc, tôm khô, nấm và tóp mỡ...

Thức ăn để trong chạn, đóng cửa lại thì mèo, chuột không vào được nhưng lũ kiến vẫn kéo đàn vào đánh chén. Để khắc phục việc này, các nhà thường kê 4 cái chân chạn lên 4 cái bát mẻ đổ ngập nước pha dầu luyn. Thế là kiến đành chịu thua.

Thời gian trôi, giờ đây những loại tủ lạnh hiện đại, to đẹp đã thay thế cho chiếc chạn bát năm nào. Nhưng tôi tin, bất cứ ai đã từng sống qua một thời xa xưa ấy đều không thể quên chiếc chạn bát “thần thánh”. Đó không chỉ là nơi cất giữ thức ăn, bát đũa... mà còn thể hiện sự vén khéo, tình yêu thương của những người mẹ, người bà dành cho cả gia đình.

Tôi tin, trong miền ký ức của mỗi người đã từng sống qua thời đó, sẽ vẫn còn lưu dấu vài kỷ niệm nho nhỏ, vui vui về cái chạn bát.

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét