22/08/2023

7 loại trà ngon nhất Việt Nam

 Dương Thị Mỹ Linh

(Bài viết mang tính đơn sơ nên mong bạn đọc thông cảm - TL) 

Trong phần này, chúng tôi trân trọng giới thiệu đến bạn 7 danh trà bậc nhất Việt Nam. Những loại trà này đều được sản xuất 100% từ nguyên liệu trong nước.

Các sản phẩm này đều được những người sành trà trong và ngoài nước đánh giá cao. Chúng không chỉ là trà, mà còn là đặc sản của người Việt, là niềm tự hào dân tộc.

Những chén trà ngon các loại

Thế giới trà rất đa đạng về màu sắc và hương vị. Hãy cùng khám phá thế giới Trà Ngon

 

Trà Nõn Tôm Tân Cương

Trà Nõn Tôm là trà Thái Nguyên thượng hạng của vùng Tân Cương Thái Nguyên. Nguyên nhân khiến trà Nõn Tôm trở thành trà ngon nhất Việt Nam bởi vì nó chỉ sử dụng một tôm duy nhất trên mỗi búp trà.

Quá trình thu hoạch trà cũng có những quy chuẩn nhất định. Lá chè cần được thu hoạch trong khoảng thời gian từ sáng sớm cho đến giữa trưa. Nếu hái lá chè sau giờ trưa, trà sẽ bị chát nhiều và hương vị không ngon.

Phương pháp sản xuất thủ công theo quy trình truyền thống sẽ cho ra sản phẩm trà ngon nhất. Quan trọng nhất là giai đoạn sao trà. Người làm trà phải dùng tay để đảo trà liên tục để khối trà nóng đều, tránh cho trà bị cháy.

Trà Nõn Tôm ngon phải có những đặc điểm sau:

    • Sợi trà: nhỏ và xoăn, không bị gãy, không úa đỏ, không bị cháy xém
    • Nước trà: màu xanh lá cây đặc trưng
    • Hương trà: hương thơm cốm non lan tỏa mạnh
    • Vị trà: tiền chát đượm, hậu ngọt

Nguyên liệu quý giá và quá trình sản xuất đầy tâm huyết là hai giá trị lớn nhất của Trà Nõn Tôm. Khi thưởng trà Nõn Tôm tại Trà Việt, bạn không chỉ nếm được cái tinh túy của thiên nhiên, mà còn thấm được tình yêu trà của những người nghệ nhân giàu kinh nghiệm.


Trà Nõn Tôm Thái Nguyên

Trà Nõn Tôm có sợi trà rất nhỏ và mềm, sợi trà xoăn, chắc, có màu xanh non rất đẹp

Trà Sen Tây Hồ


Trà Sen Tây Hồ được tôn vinh là thiên cổ đệ nhất trà. Tên gọi này nhằm tôn vinh nghệ thuật ướp trà hoa cổ xưa cũng như những giá trị văn hóa được truyền lại cho đời sau.

Người Việt xưa và nay lấy những bông sen thơm ngát để ướp hương cho cốt trà xanh cao cấp. Hoa phải được hái vào lúc sáng sớm để có mùi thơm mạnh nhất.

Tại Trà Việt, chúng tôi ướp trà sen thủ công từ cốt trà Shan Tuyết Cổ Thụ. Trà sau khi hái sẽ trải qua một quy trình xử lý kỹ càng để loại bỏ vị chát của trà.

Trà Sen Tây Hồ

Trà Sen Tây Hồ được ướp hoàn toàn bằng hoa sen tươi của Hồ Tây, Hà Nội


Mỗi ký Trà Sen Phủ Tây Hồ của chúng tôi tập hợp hương thơm của hơn 1000 bông Sen. Sau khi pha, nước trà thơm ngát hương hoa sen tươi và có màu vàng; vị chát vừa trên đầu lưỡi, và theo sau đó là hậu ngọt nhẹ nhàng, dễ chịu. Uống chén trà đến khi nước trong rồi, mà hương thơm ngát vẫn còn lưu luyến.

Trà Shan Tuyết Tây Bắc

Trà Shan Tuyết Tây Bắc được chế biến từ những búp trà non của những cây trà cổ thụ trên các đỉnh núi ở Tây Bắc. Những búp trà chắc khoẻ và xanh tươi mơn mởn hấp thụ dưỡng chất của đất và mây trời, mang đến sản phẩm có chất lượng và hương vị vượt trội.

Sợi trà Shan Tuyết ngon phải còn nguyên lớp lông tơ trắng mượt bao phủ, mềm mịn, màu sắc tươi sáng, và xoăn tròn đều tăm tắp. Sau khi pha nước màu vàng óng, đậm hương núi rừng, vị tinh tế và hậu ngọt.

Trà Shan Tuyết chính gốc thường có giá cao, vì sự quý hiếm của nguyên liệu. Nó cũng chứa đựng công sức, sự khéo léo, và tâm huyết của người làm trà. Hương vị tinh tế và khó quên của nó có thể chinh phục những khách hàng khó tính nhất.

Trà Shan Tuyết

Trà Shan Tuyết với lớp lông tơ trắng bạc

Trà Cổ Thụ Tà Xùa

Trà Cổ Thụ Tà Xùa là loại trà được đánh giá là ngon và khác biệt hẳn với hương vị các loại trà shan tuyết cổ thụ ở các vùng khác. Tà Xùa là nơi nổi tiếng có những đồi chè cổ thụ bạt ngàn. Thiên nhiên diệu kỳ đã nuôi dưỡng nên những cây chè cao lớn và mạnh mẽ với tuổi đời hàng trăm năm.

Lá chè cổ thụ mang đến một hương vị khác biệt. Sợi trà sau khi chế biến to xốp và có hương vị lạ, khó lẫn với các loại trà khác. Nó phảng phất hương hoa cỏ dại của núi đồi, lại thoang thoảng mùi khói bếp.

Trà sau khi pha sẽ khiến bạn bất ngờ bởi màu nước sóng sánh bám vào thành chén. Khi uống trà trượt vào cổ họng một cách mượt mà, để lại một vị đậm mà không gắt, hậu vị ngọt và kéo dài.

Trà Cổ Thụ Tà Xùa 

Trà cổ thụ Tà Xùa với những búp trà to, xốp, cùng lớp lông tơ bám dầy

Hồng Trà Hà Giang

Hồng Trà được ví như viên ngọc quý, như “rượu vang” của giới uống trà. Điều thực sự nổi bật với quá trình chế biến Hồng Trà Hà Giang không phải là khuôn khổ lý thuyết, mà là sự siêng năng và đam mê đến từng chi tiết.

Cho đến ngày nay, một phần lớn quá trình chế biến được thực hiện thủ công với sự khéo léo của các nghệ nhân thật sự. Trà phải được thu hoạch theo tiêu chuẩn 1 tôm 2 lá từ những cây trà shan tuyết cổ thụ Hà Giang.

Một năm chỉ hái chè vào hai thời điểm, từ tháng 3 đến giữa tháng 5 và từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm, vì ở những khoảng thời gian này, búp chè non nhất và giàu dưỡng chất nhất.

Hồng trà ngon phải có những đặc điểm sau:

    • Sợi trà: xoăn đẹp, nâu bóng, có lông tơ trắng.
    • Nước trà: màu hồng ngọc trong sáng,
    • Hương trà: thơm ngát hương quả chín mọng, hương hoa, hương mật
    • Vị trà: ngọt thanh, chát dịu, hậu bền

Quá trình chế biến Hồng Trà Hà Giang không chỉ cần có thiết bị phù hợp. Nó yêu cầu người làm trà phải có kỹ năng tốt, kinh nghiệm phong phú, có giác quan nhạy bén, và quan trọng nhất là tình yêu to lớn đối với trà.

Hồng Trà Hà Giang 

Nước hoa được tạo ra sao????

 

    Nôm na thôi ạ, chứ thật sự thì là bí quyết của mỗi thương hiệu nên tôi không dám bi ba bi bô đâu nhé. 

       Nước hoa đã trở thành một món đồ quen thuộc trong túi xách của phụ nữ, giúp chị em luôn cảm thấy thanh lịch, quý phái và tự tin hơn. Bạn có bao giờ tự hỏi, nước hoa của những thương hiệu nổi tiếng được tạo ra như thế nào không?



Tại sao chỉ từ những loài hoa quen thuộc như hoa hồng, hoa nhài, hoa lan, thậm chí là giản dị như vỏ quế, gỗ, cỏ cây… lại có thể tạo nên những hương thơm quyến rũ đến vậy?

Quy trình sản xuất nước hoa bao gồm những bước sau:

Bước 1: Chọn mùi hương

Mùi hương nước hoa có thể có nguồn gốc từ thực vật hoặc động vật. Các loại cây cỏ, hoa lá như vỏ quế, cam, quýt, bưởi, chanh, hoa nhài, hoa hồng, mimosa… đã được sử dụng từ lâu đời để tổng hợp mùi hương.

Các mùi hương khác có nguồn gốc động vật như xạ hương, hải ly hương, long diên hương từ ruột cá voi… thì ổn định mùi và giữ mùi được lâu hơn.

Mỗi một thành phần hương liệu có những đặc tính riêng, khi kết hợp lại với nhau sẽ tạo nên mùi hương đặc trưng của một loại nước hoa nhất định.


Bước 2: Chiết xuất tinh dầu

Những hương liệu thô được đem về phơi, sấy, lọc tạp chất, sau đó là chiết xuất và tinh chế. Mỗi loại nguyên liệu có phương pháp sản xuất riêng sao cho hiệu quả nhất. Các phương pháp tách tinh dầu hiện đang được sử dụng là:

1. Phương pháp ép lấy nước: Vỏ trái cây ép lấy chất lỏng, để lắng xuống rồi đem lọc qua giấy ướt nhằm tách riêng nước và tinh dầu trong. Phương pháp ép lạnh phù hợp với các loại cam, chanh, quýt nhằm giữ được hương thơm tươi mát của chúng.

2. Phương pháp chưng cất: Cách này dùng cho các nguyên liệu rắn như gỗ thơm, vỏ thân cây. Phương pháp này giúp tinh dầu được tách ra khỏi bã. Nguyên liệu chọn lọc được đun lên cùng với nước, hơi nước mang theo hương thơm rồi ngưng tụ trong ống nghiệm florentine. Sau đó chắt lọc nước tách ra khỏi những nguyên tố thơm, gọi là dầu thơm.

3. Phương pháp chiết xuất: Dung môi (mỡ lạnh, ethanol, metanola, hexan, toluen, butan, cacbondioxit) hòa lẫn vào nguyên liệu thực vật được đun nóng, nó sẽ hút hết chất mang hương của nguyên liệu. Quá trình bốc hơi giúp loại bỏ những chất không cần thiết như cồn, mỡ, sáp…; phần còn lại là những gì tinh túy nhất cần cho pha chế nước hoa. 


Bước 3: Trộn

Tinh dầu được chiết xuất đem trộn lại với nhau và với cồn. Tỉ lệ cồn tùy thuộc vào mục đích và tỷ lệ tinh dầu muốn có trong nước hoa. Hầu hết nước hoa có tỷ lệ tinh dầu cao nhất là 10-20%. Nước hoa hàng hiệu cao cấp có tỷ lệ tinh dầu cao hơn loại bình dân, và khả năng lưu hương cũng lâu hơn.

Bước 4: Hóa già

Hỗn hợp trộn được hóa già từ vài tháng đến vài năm. Người ta chỉ dừng quá trình này khi mẫu thử đã đạt tiêu chuẩn.

Có thể thấy từng giọt nước hoa đều được chắt chiu từ hoa cỏ thiên nhiên và bao mồ hôi tâm sức của con người, từ đó mà trở lại làm đẹp cho đời. Mỗi người phụ nữ khi xức lên mình giọt nước hoa thơm ngát, dường như đang hoà làm một với vẻ đẹp thuần khiết của tự nhiên, dường như cảm thấy mình dịu dàng hơn, nữ tính hơn.


Làm đẹp là thiên tính của người phụ nữ, vì thế mùi hương hoa tự nhiên được phụ nữ chuộng dùng. Để kết lại bài viết, xin thương tặng các chị em một bài thơ cổ của nhà Phật, nói về mùi hương…

Hương hoa không ngược gió,
Gỗ trầm và mộc hương,
Hoa lài cũng không thể.
Chỉ có hương đức hạnh
Mới bay ngược chiều gió.
Bậc hiền nhân tỏa khắp
Vang danh bốn phương trời.

21/08/2023

Chúng ta đã bị lừa suốt 400 năm qua

 

 


Tháng 7 âm lịch được gọi là tháng cô hồn. Truyền thuyết kể rằng âm phủ sẽ mở cửa vào ngày mồng 1 và đóng cửa vào ngày 30 tháng này, trong tháng không nên tiến hành những việc đại hỷ sẽ dễ dẫn “vong” vào nhà.

Tập tục này từ đâu mà có?

Các chuyên gia dân gian học đã kiểm chứng rất nhiều kinh thiên cổ cho thấy, trước thời Chu Nguyên Chương nhà Minh không có ghi chép nào nói tháng 7 là tháng không may mắn. Tập tục này có thể là “kế sách mị dân” của Chu Nguyên Chương.

Theo sách “Thiên nguyên ngũ ca” của Đại Hồng, Vương đế cổ đại khi qua đời thường lui lại đến tháng 7 mới cho an táng, vì tháng 7 là tháng thân – tháng “thượng đắc thiên thời, hạ đắc địa lợi”. Điều này cho thấy tháng 7 là tháng may mắn, không hề có ý nghĩa đen đủi.

Trong sách “Hoàng Thiệu Niên Dân” có ghi chép, vào cuối đời nhà Nguyên đầu đời nhà Minh, quân sư Lưu Bá Ôn đã hiến kế cho đức vua, cho người loan tin trong dân rằng “tháng 7 là tháng ma quỷ trời sẽ gieo thảm họa xuống trần gian”. Chu Nguyên Chương vốn mê tín nên đã dùng cách này để mị dân để dân chúng không được hưởng những ngày tháng may mắn cùng hoàng tộc.

Trịnh Thành Công sau khi đến Đài Loan đã mang tập tục tháng 7 ma quỷ theo cùng, dân chúng vì thế đã bị lừa gạt hơn 400 năm qua. Mặc dù quan niệm tháng 7 là tháng cô hồn chưa hoàn toàn đúng nhưng Trung nguyên phổ độ (ngày 15 tháng 7) – Lễ Vu Lan thì hoàn toàn là thật. Ngày lễ Vu Lan do Lương Vũ Đế lập ra, gắn với câu chuyện Mục Liên cứu mẹ trong kinh điển Phật giáo, là điển cố báo hiếu cha mẹ của lễ Trung nguyên.

Tháng 7 âm lịch đã đến, đừng sợ ma sợ quỷ, hãy tỏ lòng tôn kính tổ tiên. Quan niệm “Tháng cô hồn” đã lưu truyền vài trăm năm, cho đến nay vẫn có rất nhiều người tin vào điều đó trong khi thực chất đây chỉ là kế sách ích kỉ muốn độc chiếm những ngày tháng may mắn của Chu Nguyên Chương.

Hãy chia sẻ bài viết để mọi người cùng được biết và không còn phải lo lắng về “tháng cô hồn” nữa nhé.

20/08/2023

Im lặng

 8/8/2023


Biết mà im lặng - Biết mà nhẫn nhịn. 

Đây là ta đang phải tập chữ nhẫn dù nó không phải bản tâm.

Âu cũng là giúp người, cảnh tỉnh người.

Nhường nhịn sóng êm, bể lặng.

Tha thứ chưa bao giờ là sai lầm.

Ta chọn khờ khạo vì khi đối diện với giả dối thì không nên so đo.

Im lặng nhìn nhân tình thế thái vậy.

19/08/2023

10 món bánh có tên lạ ở Việt Nam

 St trên net


   Không chỉ nổi tiếng với nhiều đặc sản trứ danh như phở, bún, bánh mì nhân thịt, trứng…Việt Nam còn có vô vàn những loại bánh ngon. Nhưng độc đáo ở chỗ, có rất nhiều loại bánh sở hữu những cái tên vô cùng kỳ lạ, nghe tên bánh chẳng liên quan gì đến bánh và khiến ai cũng tò mò.


Dưới đây là 10 loại bánh có cái tên lạ lùng nhất Việt Nam nhưng lại là đặc sản tuyệt ngon, các mẹ biết và được ăn thử mấy loại trong đây rồi?

Bánh gật gù

Bánh gật gù là một loại bánh truyền thống của người dân huyện Tiên Yên, Quảng Ninh.

Ảnh minh họa - nguồn internet

Bánh gật gù được làm từ bột gạo tương tự bánh cuốn, bánh phở. Gạo được ngâm sau đó đem nghiền thành bột, trong lúc nghiền bột người dân thường cho thêm cơm nguội để khi tráng bánh có độ phồng, xốp, dẻo mịn mà các loại bánh cùng loại không so sánh được. Bánh sau đó được tráng, hấp chín, đổ bột bánh lên khuôn một lớp dày và cuộn tròn không nhân và cắt thành từng khúc dài khoảng 15–20 cm.

Khi ăn, miếng bánh cuộn tròn, dẻo quẹo, gật lên gật xuống khi cầm tay quẹt một chút nước mắm chấm, mọi người tấm tắc khen ngon, tên bánh gật gù có từ đó.

Bánh uôi

Bánh uôi là đặc sản và niềm tự hào của người Mường ở tỉnh Hòa Bình, thường được người địa phương nơi đây gọi là "peẻng uôi" (trong tiếng Mường thì từ này không có ý nghĩa rõ ràng).

Ảnh minh họa - nguồn internet

Ngoài ra, bánh còn có nhiều tên gọi hay ho khác như bánh tình yêu, bánh cặp, bánh vợ chồng hay bánh đoàn kết,… Bánh uôi có nguyên liệu chính là bột nếp nương, gồm hai loại: nhân mặn làm từ thịt lợn tẩm ướp gia vị, còn nhân ngọt làm từ hạt nho nhe (một loại hạt có ở địa phương) hoặc từ đậu xanh.

Bánh răng bừa

Bánh tẻ, có nơi gọi là bánh lá hoặc bánh răng bừa vì có hình dáng giống cái răng bừa, là thứ bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa. Bánh được làm từ bột gạo tẻ, gói ngoài bằng lá dong và được luộc cho chín. Mỗi địa phương có cách làm bánh tẻ riêng, ít nhiều khác nhau.

Ảnh minh họa - nguồn internet

Nguyên liệu để làm bánh tẻ truyền thống nhân thịt bao gồm gạo tẻ, thịt lợn vai, mộc nhĩ, lá dong (ở Sơn Tây dùng lá chuối). Nhân bánh tẻ y chang với bánh giò. Một số địa phương có thể cho thêm lạc, nấm hương. Ngoài ra hiện nay, ngoài bánh nhân thịt tại Phụng Công - Hưng Yên còn có thêm bánh nhân đỗ cho người không ăn được bánh nhân thịt lợn. Bánh được làm từ gạo tám thơm thì sẽ thơm, mềm, dẻo chắc bánh hơn.

Bánh khọt

Bánh khọt là món đặc sản nổi tiếng của thành phố biển Vũng Tàu. Bánh được làm từ bột gạo hoặc bột sắn, có nhân tôm hoặc các loại hải sản, trứng cút, khi ăn thường dùng kèm với rau sống và nước mắm chua ngọt.

Ảnh minh họa - nguồn internet

Bánh hỏi

Bánh hỏi là một món ăn đặc sản có rất nhiều ở Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định của Việt Nam, bánh được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ.

Ảnh minh họa - nguồn internet

Bánh hỏi thường ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo… đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi, lễ cúng ở đình, chùa của người dân và là một nét văn hóa ẩm thực của địa phương.

Bánh cóng

Bánh cóng là một món ăn ở tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam, là đặc sản của người Khmer Nam bộ. Bánh có độ giòn và cách làm là bỏ bột chiên và tôm lên trong khuôn như bánh tôm Hồ Tây của người Hà Nội.

Ảnh minh họa - nguồn internet

Bánh có màu hơi sậm chứ không tươi như những nơi khác nhưng lại có mùi thơm và cực kỳ hấp dẫn. Bánh không quá lớn cũng không quá nhỏ, trên mặt bánh, một con tôm nằm khoanh tròn trông rất hấp dẫn. Bánh là hỗn hợp của thịt heo băm nhuyễn trộn với củ sắn và đậu xanh nguyên hột… Mọi thứ hoà quyện nhau tạo nên hương vị đặc trưng cho bánh cóng Sóc Trăng.

Bánh cáy

Bánh cáy là đặc sản của làng Nguyễn xã Nguyên Xá huyện Đông Hưng tỉnh Thái Bình.

Bánh cáy có nhiều màu sắc. Người ta chọn loại nếp ngon (nếp cái hoa vàng), mang hạt rang lên thành bỏng rồi giã thành bột, vê tròn thành quả. Quả được thái thành những thanh nhỏ bằng ngón tay, tẩm gấc thành con cái đỏ, tẩm quả dành dành thành con cái vàng, rồi đem rán mỡ giòn tan cộng với mạch nha làm từ mầm lúa ngọt và mát, mứt dừa, vừng, lạc rang thơm tróc vỏ.

Ảnh minh họa - nguồn internet

Cả nồi mạch nha được nhào trộn với những nguyên vật liệu trên cùng những hạt bỏng trắng tinh, đun vừa lửa đến độ dẻo cần thiết, bánh mềm, đem lèn chặt trong những chiếc khuôn bằng gỗ hình chữ nhật được lót thêm vừng, lạc, mứt dừa.

Khi bánh nguội, dóc khuôn lấy ra cắt thành những thanh nhỏ, đóng hộp. Trên ban thờ ngày xuân, những hộp bánh cáy được xếp bên những bánh chưng, bánh dày, mâm ngũ quả…

Bánh pía

Bánh pía thực chất có nguồn gốc từ bánh trung thu của người Triều Châu, là những chiếc bánh nguyên thủy chỉ có nhân thịt heo và đậu xanh, loại bột bánh có nhiều lớp mỏng và nhân bánh có trộn mỡ. Từ pía bắt nguồn từ tiếng Triều Châu là "pi-é", âm Hán Việt có nghĩa là bánh. Ngày nay, đây được xem là đặc sản nức tiếng của tỉnh Sóc Trăng.

Ảnh minh họa - nguồn internet

Bánh tai

Bánh tai hay bánh hòn tai là một loại bánh đặc sản của vùng Phú Thọ, Việt Nam. Bánh mang tên này là do có hình thù giống cái tai. Bánh được làm từ gạo tẻ, nhân thịt lợn.

Nguyên liệu để làm món bánh khá đơn giản, chỉ cần gạo tẻ, thịt lợn và các loại gia vị cần thiết.

Ảnh minh họa - nguồn internet

Bánh ngải

Bánh ngải là đặc sản của người Tày ở Lạng Sơn. Thoạt nghe tên chắc hẳn nhiều người sẽ hiểu lầm, nhưng bánh ngải thực chất được làm từ lá ngải cứu được đun trong nước tro bếp và trộn cùng gạo.

Ảnh minh họa - nguồn internet

Bánh có hình tròn dẹt, bắt mắt trong màu xanh thẫm với lớp vỏ dẻo, nhân vừng đen bùi ngọt kết hợp với đường phèn thơm lừng bên trong.

5 tốt sau 60 tuổi

 St trên net



Nhà triết học nổi tiếng Schopenhauer (Arthur Schopenhauer là một nhà triết học duy tâm người Đức, nổi tiếng với trước tác Thế giới như là ý chí và biểu tượng xuất bản năm 1818) cho rằng điểm yếu đặc biệt nhất của bản chất con người là quan tâm quá nhiều đến những gì người khác nghĩ về mình.

Một người chân chính trưởng thành không phải bởi tuổi tác, mà là khi họ biết buông bỏ sĩ diện.

Khi lớn tuổi, bạn có thể quan sát biểu hiện của cơ thể để dự đoán tình trạng sức khỏe. Bất kể là nam hay nữ, nếu sau 60 tuổi bạn vẫn còn 5 “biểu hiện” này thì, xin chúc mừng, bạn sẽ sống lâu!

 1. Nước da hồng hào

Một người có nước da sáng sủa, hồng hào là người có trạng thái tinh thần tốt, cơ thể khỏe mạnh ít bệnh tật. Những người già có sinh khí tốt, sống vui vẻ, lạc quan chắc hẳn là người khỏe mạnh, sống thọ.

Ngược lại, một người trông xanh xao, đờ đẫn thì có nguy cơ cao đang mắc bệnh tật hoặc thiếu máu,…

2. Bước đi mạnh mẽ, dáng đi vững vàng, không lắc lư

Con người càng sống lâu, họ càng muốn đi bộ, vận động cơ thể. Bởi vì họ biết rõ hơn ai hết rằng vận động cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe.

Đi bộ có thể rèn luyện thân thể. Và từ dáng dấp khi đi bộ chúng ta có thể phán đoán được tình trạng sức khỏe, bệnh tật của họ. Nếu đi lại mạnh mẽ, dáng đi vững vàng, không có hiện tượng lắc lư thì rõ ràng người đó có sức khỏe tốt. Ngược lại, những người có bệnh hoặc thể trạng yếu thì dáng đi khó khăn, không vững chãi.

3. Răng khỏe, ăn ngon miệng, tiêu hóa tốt

Càng lớn tuổi, răng của nhiều người già càng yếu, giảm cảm giác thèm ăn, chức năng tiêu hóa cũng kém đi. Đây thực sự là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Theo tiêu chuẩn về sức khỏe răng miệng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), một người cao tuổi khỏe mạnh phải có ít nhất 20 chiếc răng chức năng (tức là răng có thể nhai thức ăn bình thường và không bị lung lay).

Các bệnh về đường tiêu hóa không chỉ gây nguy hiểm cho sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tuổi thọ. Vì thế, người cao tuổi vẫn có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, đường ruột, dạ dày không mắc bệnh là 1 biểu hiện họ sẽ sống thọ lâu dài.

4. Chức năng hô hấp tốt, có thể leo cầu thang

Người già mắc các bệnh về tim, phổi, thì khả năng hô hấp sẽ suy giảm, biểu hiện rõ nhất là không thể leo cầu thang. Những người có chức năng tim phổi bình thường có thể thở nhẹ nhàng và leo lên bốn tầng mà không gặp vấn đề gì. Người thở dốc khi leo 1, 2 tầng câu thang thì chắc chắc chức năng tim phổi không còn tốt, chất lượng cuộc sống đã giảm nhiều.

5. Tay chân không tê, không nhức đầu, chóng mặt

Đối với người lớn tuổi, tai biến mạch máu não là một trong những căn bệnh đáng sợ nhất, có thể đe dọa tính mạng và dẫn đến tàn phế. Người có nguy bị tai biến mạch máu não cao dễ bị lạnh tay chân, tê bì, tay chân cử động kém, chóng mặt, đau đầu.

Sau tai biến mạch máu não, dù cứu được tính mạng nhưng những di chứng để lại có thể ảnh hưởng suốt đời đối với người cao tuổi như liệt nửa người, mất khả năng tự chăm sóc bản thân, suy dinh dưỡng, cứng khớp, teo cơ, lở loét… Những người già như vậy, gần như không thể sống lâu.


18/08/2023

10 phát minh lớn nhất về vật liệu trong lịch sử loài ngươi

 St và tổng hợp


4.200 chuyên gia về vật liệu xây dựng và khoa học từ 68 quốc gia đã tham dự Triển lãm – Hội thảo hàng năm tại Orlando (Florida - Mỹ) tháng 3-2007 để bỏ phiếu cho những phát minh ra các vật liệu vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại.

Kết quả, Bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học do nhà khoa học Nga Dmitri Mendeleev soạn ra năm 1869 đã được chọn là phát kiến vĩ đại nhất trong lịch sử vật liệu mới.

1. Bảng tuần hoàn Mendeleev:

Đây là một phương pháp liệt kê các nguyên tố hóa học thành bảng. Các nguyên tố được sắp xếp theo cấu trúc electron. Do cấu trúc electron là yếu tố quyết định các tính chất hóa học của các nguyên tố, việc sắp xếp này tạo nên sự thay đổi đều đặn của các tính chất hóa học theo các hàng và cột.

Mỗi nguyên tố được liệt kê bởi số nguyên tử và ký hiệu hóa học. Bảng tuần hoàn tiêu chuẩn cho biết các dữ liệu cơ bản nhất. Dựa trên bản tuần hoàn này mà các nhà khoa học đã nỗ lực tổng hợp những vật liệu mới.

2. Nấu chảy sắt

Khoảng năm 3500 trước công nguyên, các nhà kim lọai Ai Cập đã lần dầu tiên nấu chảy một số lượng nhỏ sắt cho những mục đích trang trí vào các dịp trọng đại.

3. Transitor

Năm 1948, ba nhà khoa học John Bardeen, Walter H. Brattain và William Shockley đã chế tạo ra transitor. Nó trở thành khối nối kết cho tất cả các thiết bị điện tử hiện đại, nền tảng cho các con chip và công nghệ vi tính.

4. Chế tạo ra thủy tinh

Khoảng năm 2200 trước công nguyên, những người Iran ở tây bắc nước này đã chế tạo ra thủy tinh. Nó trở thành vật liệu xây dựng phi kim lọai vĩ đại thứ hai trong lịch sử (sau gốm).

5. Kính hiển vi quang học

Năm 1668, Anton van Leeuwenhoek đã phát minh ra kính hiển vi quang học, với độ phóng đại gấp 200 lần. Nhờ sáng chế này mà người ta có thể nghiên cứu thế giới tự nhiên không thể thấy được bằng mắt thường.

6. Bêtông

Sau kính hiển vi, năm 1755  John Smeaton chế tạo ra bêtông hiện đại (ximăng cứng trong nước). Bêtông trở thành vật liệu xây dựng chủ yếu của nền văn minh hiện đại, vật liệu làm thay đổi những phương pháp xây dựng xuất hiện từ giữa thế kỷ 18.

7. Nấu thép

Khoảng năm 300 trước công nguyên, các công nhân ở nam Ấn Độ đã phát minh được cách nấu thép gọi là “wootz”. Hằng trăm năm sau đó, phương pháp này được gọi là phương pháp Damascus và là bí mật lớn cho các nhà công nghiệp, nhà luyện kim.

8. Chiết xuất và đúc đồng

Khoảng năm 5000 trước công nguyên, người dân Thổ Nhĩ Kỳ đã phát hiện ra có thể chiết xuất đồng lỏng từ các khoáng chất malachite và azurite, và kim loại nấu chảy có thể đúc thành những hình dáng khác nhau. Từ đó, ngành luyện kim khai khoáng ra đời.

9. Nhiễu xạ tia X

Năm 1912, Max von Laue phát hiện việc nhiễu xạ tia X bằng tinh thể. Nó tạo điều kiện cho việc mô tả các cấu trúc tinh thể và đặt nền tảng cho sự phát triển các nghiên cứu về các vật liệu tinh thể.

10. Phương pháp Besseme

Năm 1856, Henry Besseme đã nhận bằng sáng chế cho phương pháp nấu thép có carbon thấp. Nó đặt nền tảng cho việc sản xuất thép rẻ hàng loạt và nhờ đó người ta có thể phát triển giao thông, xây dựng và công nghiệp hóa.


Bài thuốc hữu ích làm thông mạch máu



Một người đàn ông tại London trong khi đến Pakistan tham gia một cuộc họp thì đột nhiên lồng ngực bị đau dữ dội. Ông được bệnh viện xét nghiệm chuẩn đoán ba động mạch vành đã bị tắc nghiêm trọng, cần phải tiến hành phẫu thuật bắc cầu mạch vành. Sau đó dịp đó, ông đã tìm đến một vị thầy thuốc tại quốc gia Hồi giáo này và biết được một phương thuốc thông mạch rất hiệu quả

Vị thầy thuốc này đã mách ông về nhà và dùng một phương thuốc dân gian trong vòng một tháng. Một tháng sau, ông quay lại bệnh viện cũ để kiểm tra, thật bất ngờ, cả ba động mạch máu đã thông, những chỗ bị tắc đều đã được khai thông. Ông đã chia sẻ kinh nghiệm của mình trên mạng để càng nhiều người biết đến. Ông còn đăng tải cả hình chụp mạch máu của mình trước và sau khi điều trị lên mạng để mọi người có thể dễ dàng nhận ra.

Dưới đây là cách chế biến phương thuốc:

Nguyên liệu: Nửa trái chanh, hai miếng gừng lớn, ba nhánh tỏi, một bình dấm táo, mật ong vừa đủ dùng.

Cách điều chế:

Tỏi bóc vỏ, gừng thái nhỏ, bỏ vào máy xay sinh tố hoặc cho vào dụng cụ nghiền trộn thành hỗn hợp sền sệt, sau đó dùng vải chắt lấy nước và bỏ bã.

Cho tỏi đã bóc vỏ, nước gừng vào nồi đất, cho thêm nước cốt chanh và dấm táo, đun lửa lớn cho sôi, sau đó vặn nhỏ lửa từ từ nấu. Không nên đậy nắp khi nấu để hơi nước có thể bốc hơi. Sau khoảng nửa tiếng, đến khi thấy lượng nước trong nồi còn khoảng một nửa là được.

Sau khi nước đã nguội bớt thì cho thêm mật ong vào, ngoáy đều. Có thể cho nhiều mật ong một chút cho dễ uống.

Bỏ thành phẩm vào bình thuỷ tinh có nắp đậy, để vào tủ lạnh bảo quản để dùng dần.

Cách dùng:

Mỗi ngày uống một thìa trước bữa sáng để chữa trị các bệnh về mạch máu. Ngoài ra có thể dùng nó như một loại đồ uống, giúp ngăn ngừa các bệnh như cảm cúm, cao huyết áp, các bệnh tim mạch…

***

DẤU HIỆU, BIỂU HIỆN NHẬN BIẾT CƠ THỂ ĐANG THẢI ĐỘC

·  Đa số là dấu hiệu đi ngoài, phân lỏng, đen, hôi, nước tiểu vàng. Tính axit trong chanh và giấm sẽ làm rã những mảng bám lâu ngày đọng ở thành ruột và thải ra ngoài, ta sẽ giác được thải ra rất sạch và nhẹ nhõm.

·  Mỡ thừa trong nội tạng, trong thành mạch, trong máu sẽ được dần dần được đào thải ra ngoài.

·  Có người thải độc qua da, tuyến mồ hôi (nổi mụn), có người thải độc qua đường tiêu hóa và có người thải độc qua 2 đường trên.

·  Tùy cơ địa và sự đáp ứng của mỗi người, có người sau 20 phút uống detox tỏi gừng có dấu hiệu thải độc, có người 2-3 ngày, có người vài tuần, có người cả tháng.

Sau 1 tuần cho đến 1 tháng, bạn sẽ nhận thấy cơ thể sạch dần.

Tỏi

Giúp giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim (heart attack) và đột quỵ (stroke) nhờ có tác dụng giảm huyết áp cho người cao huyết áp, làm tan mảng bợn và vôi can xi đóng trên thành mạch máu (xơ cứng động mạch – arteriosclerosis), ngừa đông máu mà giảm mỡ máu. Ngoài ra tỏi còn có tác dụng có thể làm mạnh xương, kháng nhiễm vi trùng vi khuẩn, chống cảm cúm và giải độc chì trong dinh dưỡng.

Gừng

Giúp giảm huyết áp, giảm bịnh tim mạch, cải thiện tuần hoàn máu , giảm nguy cơ đông máu và đột quỵ (strokes) nhờ có dược tính chống viêm và chống oxit hoá (antioxidant) rất mạnh. Gừng còn có dược tính chống ung thư, giảm đường máu, mỡ máu, insulin; cải thiện tiêu hoá.

Chanh

Giàu vitamin C , giúp giảm huyết áp và giảm viêm mạch máu. Có dược tính kháng oxit hoá nhất là oxit hoá máu mỡ nên chống ngừa xơ cứng động mạch. Chanh còn giúp ngừa sạn thận. Vỏ chanh giúp giảm tiểu đường, giảm máu mỡ , giảm đề kháng insulin (insulin resistance) và giảm phì mỡ.

Dấm táo (Apple cider vinegar)

Có tác dụng hữu hiệu giúp cải thiện tiêu hoá, giảm mỡ máu, giảm mô mỡ trong cơ thể, tăng cường khả năng phòng chống bệnh của hệ miễn nhiễm, giảm đau gút và đau thấp khớp.

Mật ong

Với tính kháng oxit hoá tuyệt vời, mật ong giúp giảm huyết áp, ngừa đột quỵ, ngừa nhồi máu cơ tim đồng thời giúp tăng cường sinh lực và giảm mỡ máu (cholesterol).

15/08/2023

Nhận quà mà nản

 rezoman


Bạn gái mình, mua đồ tặng mình; Khiêm tốn, nhưng có nhẽ đến 70% là không dùng được hoặc nhanh chóng bỏ đi vì chả hợp.

Trước đây, nàng cứ nghĩ được yêu thì không cần tặng quà (chỉ nhận của chồng, của bồ thôi là ban ơn rồi. Ngún ngẩy chán mới nhận nhưng mắt sáng như đêm không trăng vậy), nhất là sau mỗi chuyến đi chơi xa về. Sau mình dạy, đó là tấm lòng của người yêu nghĩ đến người mình yêu nên mua món quà nhỏ tặng thể hiện tình cảm.

Khuyên răn rồi, nhưng vẫn phải chấp nhận vì nàng luôn nhầm khi mua nên thành lẫn lộn. Mà luôn vậy, chắc nàng đùa.

Mà mỗi thằng một dạng, mỗi thằng một tông, đều trái ngược nhau mới khổ chứ lại. Chồng nàng thấp béo, mình lại cao gầy;... nhưng chồng chê là nàng lại tặng mình và ngược lại. 

Có nhẽ bên kia cũng thế.

Đến mệt, mỗi khi được nàng tặng quà.

Hì hì.