25/02/2022

TÌNH GIÀ

Vô danh 



Ăn đi Bà..Bà ơi cố mà ăn

Có lưng cơm sao Bà ăn chưa hết

Mấy hôm nay tôi biết Bà hơi mệt

Chẳng có gì..thôi ăn tạm Bà ơi.

 

Tôi thương Bà, thật thương quá đi thôi

Bà đã chịu cả một đời cực khổ

Để sớm mai có gì tôi ra chợ

Mua tý gì về để vợ chồng ăn.

 

Ở với nhau đã năm sáu chục năm

Vợ chồng mình nhiều gian nan khốn khó

Sớm tối ruộng đồng bạc tiền đâu có

Nhưng rất vui mình đâu có giận hờn.

 

Các con mình giờ cũng đã lớn khôn

Chẳng có cho nghĩ cũng buồn Bà nhỉ

Ra ở riêng chúng sớm khuya chăm chỉ

Lại con thơ nên cũng chỉ đủ ăn.

 

Cũng thay nhau chúng hay lại nhà thăm

Được chốc lát rồi đi làm rất vội

Thấy mình già ở với nhau cũng tội

Chúng nó thương nên lui tới thăm luôn.

 

Đã mấy lần chúng bảo đón về chăm

Để Cha Mẹ ở bên con bên cháu

Nhưng mình ngại sợ làm phiền con cháu

Bận bù đầu lại phục vụ Mẹ Cha.

 

Nhà các con chúng ở có đâu xa

Có chuyện gì chúng chạy qua chạy lại

Tôi với Bà ở với nhau chẳng ngại

Vợ chồng già muốn ở mãi bên nhau.

 

Ăn đi Bà dù chỉ có cơm rau

Nhưng cũng vui đừng nghĩ nhiều Bà nhé

Tôi với Bà chỉ mong sao giờ khỏe

Thế là mừng con cháu sẽ yên vui.

 

KHÓ KHĂN Ở TUỔI TRUNG NIÊN

                                                                                                 Ngọc Trúc biên dịch

Tại một hội nghị của cựu sinh viên ở một trường đại học, có một người đã lên đọc một bài diễn văn nói về chủ đề “khó khăn ở tuổi trung niên” khiến 700 người trong hội trường cùng bật cười và đã được mọi người truyền nhau trên mạng xã hội.

Bài phát biểu như sau:

Các bạn thân mến!

Có một bài hát tên là “Ngày mai sẽ tốt hơn” tiếp cho chúng ta lòng tin và sự cổ vũ. Thật ra trong cuộc sống hiện thực này, ngày mai liệu có tốt hơn hay không thì không biết, nhưng ngày mai sẽ già hơn là sự thật.

Năm tháng trôi đi mới biết được sự mãnh liệt của thời gian, đến một độ tuổi nào đó, chúng ta không thể không thừa nhận sức mạnh ghê gớm của ‘lực hút trái đất’ (ý là con người chết đi sẽ quay về lòng đất). Các cơ quan nội tạng vẫn còn, chỉ là đều đã bị yếu đi, vì vậy “mọi thứ đều suy yếu, chỉ có huyết áp là cao”.

Sau khi già, cơ thể thay đổi rất lớn, táo biến thành lê, ngồi thì ngủ gật, nằm thì không ngủ được. Muốn nhớ thì không nhớ nổi, muốn quên lại không quên được. Khổ hơn là khi khóc cũng không có nước mắt, lúc cười lại cứ phải lau nước mắt.

Trên đầu thì “tóc trắng mọc không ngừng, cứ mọc trong gió xuân”, kiểu tóc của các ông cũng đều là chải hai bên vào giữa che đi phần bị thưa.

Trí nhớ cũng kém đi thấy rõ, đi từ một phòng sang một phòng khác mà không nhớ ra là đi sang để làm gì. Quên mất vừa mới nói những gì, rồi cứ luôn sắp xếp lại những mảnh vụn ký ức. Một ông cụ thậm chí còn nói rằng có một lần đang cười mà quên mất vì sao mình cười.

Còn trẻ vợ chồng kề bên nhau, về già vợ chồng sẽ làm gì? Có người hình dung là ăn cùng nhau mà không có vị, không sửa được thói xấu của nhau nữa rồi. Có những đôi vợ chồng cãi nhau vì bất cứ chuyện gì, không thể hòa hợp. Nghĩ đến trước khi kết hôn “nói ngon nói ngọt”, cưới rồi trở thành “có gì thì từ từ nói”.

Mỗi sinh mệnh đến với thế gian này giống như “gửi tiền tích lũy vậy”, dần dần ra đi. Tuổi trẻ khỏe mạnh năng động chỉ vừa mới đó, chớp mắt đã bước vào tuổi trung niên thâm trầm sâu lắng, còn có người cười các cụ già “tri thức thoái hóa, cơ thể lão hóa, tư tưởng cương hóa” (đầu óc kém đi, cơ thể yếu đi, tư tưởng trở nên cứng nhắc).

Vì vậy, xây dựng tâm lý phải dựa vào chính mình, người già mà tâm không già, nếp nhăn trên mặt chứ không phải trong tâm. Thái độ sống cũng phải điều chỉnh, trước kia dùng sức khỏe đổi lấy tiền, nay dùng tiền để đổi lấy sức khỏe.

Có một thứ gọi là 3 trải nghiệm trong đời: Lúc trẻ thì gắng sức học tập, trung niên thì nhiều trải nghiệm, tuổi già thì chú ý đến bệnh tật. Dù có ra sao, chúc các bạn thân mến nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui, tâm luôn trẻ trung, miệng luôn mỉm cười!

24/02/2022

Sống ở đời nên tin theo luật Nhân - Quả

 


Luật nhân quả là quy luật bất di bất dịch của vũ trụ được Đức Phật phát hiện sau khi thành Chính Quả dưới gốc Bồ Đề. Chính quy luật nhân quả đã phá tan những ý niệm sống về thần quyền, cho rằng có một đấng toàn năng đủ sức để ban phước giáng họa, điều khiển cuộc sống của con người.

Phật dạy ta biết rằng, vận mệnh là do tự bản thân mỗi người nắm giữ, quyết định chứ không phải do thế lực nào tạo nên. Mình tự gieo nhân thì tự gặt lấy quả, tùy theo thiện ác nhiều ít nên có khác nhau. 

Cổ ngữ có câu: “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”. Tư tưởng nhân quả đã trở thành một bộ phận vô cùng quan trọng trong văn hóa truyền thống, bao gồm cả Nho giáo, Đạo giáo. Luật nhân quả không phải là một loại học thuyết mà là pháp quy và quy luật tự nhiên của vũ trụ. Nó không vì ý nguyện của con người mà thay đổi. 

Làm ác thì gặp họa, làm lành thì được phúc, sự báo ứng như hình đi với bóng, không sai một điểm.

Phật dạy rằng tất cả đều do tâm mà sinh tạo ra, nên muốn thay đổi mình thì trước hết phải chú ý đến tâm niệm của bản thân. Vì vậy, tâm có thể tạo ra nghiệp cũng có thể chuyển nghiệp, phúc báo họa báo đều do con người tự tạo ra, đức năng thắng số, tướng tùy tâm chuyển là ý như vậy. 

Khổng Tử cũng nói phạm tội với Trời thì không cách nào xoay chuyển được.

Văn hóa truyền thống bao gồm rất nhiều các điển cố, tiểu thuyết hàm chứa chủ đề nhân quả báo ứng để giáo hóa đạo đức, cảnh tỉnh con người. Rất nhiều các tác phẩm văn học ở các thời kỳ khác nhau đều hàm chứa tư tưởng nhân quả báo ứng, khuyên con người hành thiện, thuận theo thiên lý, chịu trách nhiệm cho chính hành vi và tương lai của bản thân mình.

Đó là bởi vì tất cả mọi người đều tin vào luật nhân quả, tin rằng “thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo”, tin rằng “trên đầu ba thước có Thần linh”. Họ cũng dùng tín niệm này để điều chỉnh hành vi và giữ gìn đạo đức của mình.

Nếu mệnh tốt mà tâm không tốt thì phúc biến thành tai họa, những người này trước đây có thiện căn phúc đức nay được hưởng phú quý vinh hoa. Nhưng khi được hưởng điều phú quý ấy thì lại tham lam ngũ dục, hại người lợi mình tạo ra nhiều ác nghiệp nên phú quý càng lớn thì ác nghiệp cũng càng nặng.

Nếu phúc ấy báo ứng đã hết luân chuyển đến ác báo thì không chỉ thân bại danh liệt mà gia đạo cũng gặp nhiều biến cố, không được êm ấm hòa thuận. Tâm có thể chuyển nghiệp nên mệnh có tốt đến mấy nhưng tâm không tốt thì phúc báo mỹ mãn sẽ chuyển thành tai ương bi thảm.

Nếu tâm tốt mà mệnh không tốt thì họa chuyển thành phúc, những người này trước đây tạo nghiệp ác nay nghiệp ác ấy đã gặp duyên nên bị ác báo. Nhưng do có tâm tốt, làm nhiều điều tốt nên được hạnh phúc vui sướng.

Từ xưa đến nay, chúng ta đều thấy, một người nếu tin vào luật nhân quả thì tuyệt đối sẽ không dám làm ra những chuyện hung ác. Đó là bởi vì, trước hết, họ sợ người khác bình luận và chỉ trích, sau là sợ báo ứng sẽ giáng xuống trong tương lai.

Trái lại, người không tin nhân quả sẽ không có tâm hổ thẹn và kính sợ. Bởi vì, họ không tin có luân hồi, không tin rằng có đời sau và không tin nhân quả, nên họ dám làm tất cả những chuyện xấu mà không kiêng nể gì. Họ chỉ lo lợi ích trước mắt của bản thân mà không lo đến tương lai của chính bản thân mình.

Ngoài ra, người tin vào nhân quả sẽ luôn nguyện ý chịu thiệt trước mắt, đem cái lợi ban tặng cho người khác. Bởi vì họ biết rằng, chịu thiệt là phúc!

Chịu thiệt không chỉ khiến người khác vui vẻ, mà nó càng là cơ hội để họ rèn luyện đức tính kiên nhẫn và phẩm đức nhân từ của mình.

Nhìn xa hơn một chút, chúng ta có thể thấy rằng, chịu thiệt không phải mất đi mà chính là được lợi. Chịu một chút thiệt ở hiện tại, tương lai sẽ được đáp đền phúc báo to lớn.

Con người hiện đại ngày nay, nhiều người không tin vào nhân quả, cho rằng đó là ngu muội, u mê. Tuy nhiên, nếu cẩn thận suy nghĩ một chút chúng ta sẽ cảm nhận được: Khi mọi người thực sự hiểu được rằng “thiện nhân sinh ra thiện quả, ác nhân sinh ra ác quả” (Niết bàn kinh), “gieo nhân nào gặp quả ấy” thì sẽ không ai dám làm chuyện xấu. Như thế họ sẽ tích được đức lớn và xã hội cũng cải biến tốt hơn lên muôn phần.

Vạn sự vạn vật nói chung đều vận động theo sự chi phối của luật Nhân quả, chính xác là Nhân-duyên-quả.

Với con người, quy luật Nhân-duyên-quả vận động và hình thành nên đời sống của một cá nhân gọi đủ là Nhân quả - Nghiệp báo. Tạo nghiệp nhân tốt ắt sẽ được nghiệp quả lành. Ngược lại, gieo nghiệp nhân xấu ắt sẽ gặt quả báo ác.

 

Nhận người làm anh - Kinh Bách dụ

                                                    Ví dụ thứ bảy trong kinh Bách dụ - Lời Phật dạy.


 Thuở xưa, có người nhà rất giàu, cử chỉ đứng đắn lại thông minh, vì thế kẻ xa người gần đều thán phục, ái mộ. Bấy giờ có một người đến nhận làm anh mình, thường thuờng qua lại thân thích phi thường. Chàng nẩy nhận người nhà giàu làm anh để chi thế? Mục đích chỉ vì muốn lợi dụng tiền bạc.

Sau đó, người nhà giàu kia sa sút khống cùng, vỡ nợ, chàng ta trở mặt lành đạm và nói thẳng với người nhà giàu kia rằng:

– Ngươi không phải là anh ta.

** Chuyện nầy tỷ dụ: Có bọn ngoại đạo lợi dụng và trộm cắp một bộ phận ngụ ngôn, phương pháp và nghi thức của Phật pháp, đem làm giáo pháp của bọn họ thường dùng.

Nhưng hoàn toàn không có thật tâm tinh tưởng, phụng trì, chỉ muốn ngăn che âm mưu tội ác của bọn họ, tuy thể giáo pháp của Phật không bao giờ bị bọn lừa đảo, lợi dụng.

22/02/2022

Thử lập Quy tắc để nhắc mình ứng xử với cuộc đời

 


 - Hãy "giảng hòa" với quá khứ để nó không làm ảnh hưởng tới hiện tại của mình.

- Những gì người khác nghĩ về mình, không cần quan tâm.

- Thời gian sẽ hàn gắn tất cả.

- Chả việc gì phải so sánh cuộc sống của mình với cuộc sống người khác, và chả cần đánh giá họ sai - đúng bởi mình không biết được đường đi, nước bước của người ta.

- Chả cần phải nghĩ ngợi nhiều, nếu không biết câu trả lời thì cũng không sao cả. Lời giải đáp sẽ đến vào lúc ta ít mong đợi nhất.

- Không ai chịu trách nhiệm về hạnh phúc của ta, trừ chính bản thân ta.

- Hãy vui lên. Ta không quản được tất cả những vấn đề trên đời này.

Và cố phải chấp nhận, con rùa cao hơn con chó nên người đời mới tin theo triết lý.

 

 

21/02/2022

4 tư thế yoga nam giới nên luyện tập thường xuyên

Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra việc tập các tư thế yoga cho nam giới không chỉ dừng lại ở việc giúp giảm stress, khiến cơ thể dẻo dai hơn mà còn giúp cải thiện chất lượng cuộc sống ở phái mạnh.
    Ngày nay có không ít đấng mày râu tìm đến các phòng tập yoga thay vì đến phòng gym. Rất nhiều cầu thủ bóng đá, huấn luận viên thể dục và những người đàn ông hiện đại khác đều đang tập yoga như một liệu pháp tuyệt vời cho sức khỏe.
    Một trong những tác dụng của yoga có thể khiến bạn ngạc nhiên là những người đàn ông tập Yoga thường có hình thể đẹp hơn những người tập gym. Trái ngược với những lầm tưởng rằng những động tác của yoga quá nhẹ, không thể tác động đến những lớp cơ. Thật ra, khi kết hợp với hơi thở đều và sâu, yoga cũng đòi hỏi một thể lực dẻo dai để thực hiện những động tác cân bằng hay căng cơ. Vậy những tư thế yoga cho nam giới nào nên được luyện tập thường xuyên?

    1. Tư thế đứa trẻ

    Tư thế yoga cho nam giới này giúp tiết kiệm sức lực và năng lượng mất đi trong quá trình tập luyện. Tư thế đứa trẻ đặc biệt có lợi khi bạn đang chịu đựng những cơn đau trên cơ thể. Đặc biệt là các triệu chứng đau lưng, đau đầu gối.
    Điểm danh 4 tư thế yoga cho nam giới nên được luyện tập thường xuyên - Ảnh 1.
    Không chỉ nữ giới mà nam giới cũng nên luyện tập bài tập này - Ảnh Internet
    - Quỳ gối rộng ngang vai, các đầu ngón chân chạm đất.
    - Đặt trán trên sàn nhà.
    - Đưa 2 tay về phía trước hoặc di chuyển bàn tay ra phía sau và đặt trên sàn, dọc theo cơ thể.
    - Giữ tư thế này trong 15 phút và hít thở bằng mũi theo nhịp.

    2. Tư thế trăng lưỡi liềm trên cao (High Lunge)

    Đây là tư thế tuyệt vời cho những người thường xuyên đi bộ, chạy bộ. Nó giúp đôi chân nhanh chóng phục hồi sức mạnh và sự linh hoạt để điều chỉnh sự cân bằng nâng đỡ cơ thể. Nó cũng có hiệu quả trong việc kéo dài cơ bắp dưới chân.
    Điểm danh 4 tư thế yoga cho nam giới nên được luyện tập thường xuyên - Ảnh 2.
    Tư thế trăng lưỡi liềm trên cao dành cho nam giới - Ảnh Internet
    Cách thực hiện:
    - Chuẩn bị tư thế như một vận động viên đang chạy nước rút.
    - Căn chỉnh tư thế để đầu gối trước vuông góc với mắt cá nhân và giữ yên tư thế.
    - Đùi trước phẳng. Mông đặt thẳng hàng với đầu gối. Có thể lùi lại vài milimet để làm được điều này.
    - Tập trung hơi thở vào phần lưng để phục hồi cơn đau và nâng tác dụng kéo dài cột sống.
    - Luôn hóp bụng và hít thở sâu hết mức có thể. Cố gắng giữ tư thế trong khoảng 5 đến 20 nhịp thở. Đổi chân.

    3. Tư thế trăng khuyết

    Tương tự với tư thế trăng lưỡi liềm trên cao, nhưng tư thế này có sự tinh chỉnh sức mạnh tinh tế và cân bằng hơn trên khắp cơ thể. Nó khiến người tập phải gập sâu các cơ hông để có thêm sức mạnh và sự linh hoạt. Đồng thời, tư thế yoga trăng khuyết còn giúp bạn tăng cường và kéo dài đôi chân.
    Điểm danh 4 tư thế yoga cho nam giới nên được luyện tập thường xuyên - Ảnh 3.
    Thực hiện tư thế vầng trăng khuyết là bài tập yoga phù hợp với cả nam giới - Ảnh Internet
    Cách thực hiện:
    - Chắp 2 bàn tay lại và giơ cánh tay vươn thẳng trong không trung.
    - Giữ thân và cột sống thẳng đứng, hóp bụng.
    - Bước chân trái lên. Từ từ hạ người xuống trong khi tay vẫn vươn thẳng. Điều chỉnh cho đầu gối phía trước nằm ngang mông.
    - Giữ tư thế trong 5-20 nhịp thở rồi đổi bên.

    4. Yoga Squat (tư thế ngồi xổm)

    Tư thế yoga squat này mang lại lợi ích to lớn trong việc phục hồi sự linh hoạt cho chân và đầu gối. Nó cũng giúp làm giảm triệu chứng táo bón.
    Điểm danh 4 tư thế yoga cho nam giới nên được luyện tập thường xuyên - Ảnh 4.
    Đều đặt tập yoga squat trong 10 phút mỗi ngày có thể giúp cơ thể nam giới có những thay đổi nhỏ và cải thiện sức khỏe đáng kể - Ảnh Internet
    Cách thực hiện:
    - Đặt 2 bàn chân ngang vai. Hạ đầu gối sao cho mông của bạn xuống ở mức thấp nhất có thể nhưng không được chạm sàn.
    - Giữ gót chân thăng bằng. Nếu bạn không làm được điều này, hãy thử đứng trên một chiếc khăn hoặc thảm yoga.
    - Hai tay chấp lại như đang cầu nguyện. Khuỷu tay ấn vào đầu gối. Trong một biến thể khác, bạn có thể đặt 2 tay ra phía sau đầu rồi thả lỏng đầu, cằm và cổ họng.
    Những tư thế yoga cho nam giới này sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất nếu bạn tập đều đặn 10 phút mỗi ngày, kết hợp với việc hít thở sâu. Sau 1 tháng, bạn sẽ ngạc nhiên với những biến đổi nhỏ trên cơ thể và những cải thiện đáng kể cho sức khỏe của chính mình.

    TAM TÒNG TỨ ĐỨC

     


    Tam tòng tứ đức’ thực sự có phải là ‘phong kiến lạc hậu"’ không ?

    Chúng ta thường nghe nói đến “tam tòng tứ đức”, vậy câu này có nghĩa gì? Chỉ e rằng có rất nhiều người hiểu chưa đúng, cho rằng điều này thuộc về nền phong kiến lạc hậu, cổ hủ từ đó bài xích và phê phán.

    Kỳ thật những người phụ nữ thời xưa có thể không biết chữ, nhưng phải hiểu rất rõ về “tam tòng tứ đức”. Chỉ cần như vậy thì đã được khẳng định là một phụ nữ có giáo dưỡng tốt. Qua đó cũng cho thấy tác dụng lớn lao của bốn chữ “tam tòng tứ đức” trong việc giáo dưỡng phụ nữ thời xưa.

    Tam tòng (ba theo) là gì?

    1. Tòng phụ mẫu (ở nhà nghe theo cha mẹ):

    Một cô gái nếu biết nghe lời cha mẹ, thì được xem là một cô gái ngoan ngoãn và thông minh. Vì dù sao, cha mẹ cũng là người có kinh nghiệm từng trải nên có cái nhìn tương đối chuẩn xác hơn. Vì vậy, biết tham khảo ý kiến của cha mẹ trước khi làm việc gì thì đó cũng là điều tốt.

    Mọi người có thể đã từng nghe những chuyện về cha mẹ ép duyên con theo kiểu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Kỳ thật điều này không phải là số nhiều trong xã hội thời xưa.

    Chẳng qua là văn học, nghệ thuật sân khấu đã thổi phồng những câu chuyện ấy lên, khiến người ta có cái nhìn thiên kiến về việc này.

    Các bậc cha mẹ thời xưa đa phần là những người thông hiểu lễ nghĩa, phép tắc, đạo đức, nên họ rất muốn gìn giữ gia quy, không muốn để con cái tùy tiện làm điều xằng bậy. Đây là điều tốt, có lợi trong việc giáo dưỡng con cái. Vì vậy, người con gái nghe theo cha mẹ thì được xem là người đáng quý.


    2. Tòng phu (Lấy chồng, theo chồng): 

    Một cô gái khi lấy chồng thì phải theo chồng, một lòng một dạ với chồng, giúp chồng làm thành sự nghiệp, quản gia, làm vẻ vang gia đình.

    Trong gia đình, thuận lẽ âm dương, người nam phải nuôi sống gia đình, bảo hộ thê tử, con cái của mình; người nữ cần nhu hòa, sinh thành và giáo dưỡng con trẻ; ai làm tốt phận người ấy. Nếu ai cũng muốn là người quyết định, ai cũng đòi phần thắng thì gia đình tự nhiên sẽ bất hòa.

    Người con gái khi đi lấy chồng thì tình nghĩa vợ chồng cũng bắt đầu từ đây. Trước ngày về nhà chồng, người mẹ sẽ dặn dò con gái phải gắng sức giúp chồng, dạy con, phụng dưỡng cha mẹ chồng. 

    Người chồng là người cáng đáng những việc bên ngoài, người vợ lo việc trong nhà. Vợ chồng tôn trọng lẫn nhau, giúp đỡ nhau - "Phu xướng Phụ tùy". Đây chính là phúc phận của người phụ nữ và cũng là phúc khí của người chồng.

    Hai vợ chồng có sự phân công trong công việc gia đình. Nếu thực sự có mâu thuẫn, thì người phụ nữ có thể dùng cái nhu của mình để đối đãi, có thể lấy nhu mà nhẫn chịu, cũng có thể lấy nhu mà thắng cương, nhưng nhất quyết vẫn nên là người phụ nữ. 

    Người phụ nữ có đức lớn, là bởi vì người phụ nữ có sức mạnh bên trong sự nhu thuận, có trí tuệ bên trong sự khiêm nhường.

    “Tòng phu” ở phương diện hôn nhân, là chỉ người phụ nữ phải một lòng một dạ với chồng, bảo trì trinh tiết, không thất tiết. Người phụ nữ như vậy sẽ giữ được đức hạnh của mình, có được hậu phúc và được người đời tôn kính.


    3. Tòng tử (theo con trai): 

    Trong luân lý đạo đức của Nho giáo, từ trước đến nay đều có truyền thống tôn kính cha mẹ, hiếu thảo với cha mẹ.

    Người mẹ có quyền quản giáo, dạy bảo con cái. “Tòng tử” ý chỉ, khi người chồng mất đi thì người mẹ sẽ ở vậy chăm sóc nuôi dưỡng con trưởng thành và những việc trọng đại trong gia đình sẽ do con trai quyết định. Nhưng bởi vì thời xưa, con cái hiểu lễ nghĩa, coi trọng việc hiếu thảo với cha mẹ nên họ hiểu được nên làm điều gì và không nên làm gì để tránh việc trái với đạo đức làm người.


    Tứ đức là gì?

    Tứ đức là bốn loại tu dưỡng cần thiết của một cô gái thời xưa, đó là “đức”, “dung”, “ngôn”, “công”. Phụ nữ thời xưa, từ mười tuổi trở ra cho dù là không được đi học thì cũng được gia đình giáo dục, dạy bảo cách làm việc, nấu ăn, nuôi tằm, dệt vải, các lễ nghi… trước khi đi lấy chồng phải được dạy bảo thành thục về “đức, dung, ngôn, công”.

    1. Đức: Đây là tiêu chuẩn đứng đầu trong “tứ đức” của người phụ nữ, là điều quan trọng nhất trong hành vi thường ngày của người phụ nữ. Một người phụ nữ có phẩm đức sẽ giáo dục con cái trở thành những người có phẩm hạnh đạo đức. Hơn nữa, họ cũng giúp chồng đề cao phẩm đức của bản thân, khiến gia đình thịnh vượng.

    Người phụ nữ có phẩm đức phải thủ vững tiết tháo, giữ thân như ngọc, đối với hôn nhân gia đình phải một lòng một dạ, đối với cha mẹ chồng phải khiêm cung hiếu lễ.

    2. Dung: Người xưa thường giáo dục rất cẩn thận cho con gái về cách ăn mặc. Phụ nữ trong cách ăn mặc phải trang nhã, đứng đắn không làm mất đi đức hạnh của mình.

    Người phụ nữ, bên ngoài không nên ăn diện quá mức, bên trong phải chú trọng tu dưỡng đạo đức. Người xưa quan niệm rằng, người phụ nữ phải có ngôn hành dịu dàng, dáng vẻ đoan trang, nội tâm ôn hòa đó mới là người phụ nữ đẹp.

    3. Ngôn: Người phụ nữ phải giữ giọng nói luôn dịu dàng ôn hòa, nói lời hay ý đẹp, không nói lời bậy bạ, hỗn hào, thô tục, khéo léo ứng đối. “Khéo léo” ở đây không phải yêu cầu là “mồm miệng lanh lợi” mà là khi nói phải suy xét xem lời nói có thỏa đáng không, có thích hợp không, không dùng lời ác làm tổn thương người khác, không cướp lời người khác.

    Khi nói chuyện với chồng, với con thì lời lẽ phải dịu dàng, khuyên can. Khi giao tiếp xã hội, lời nói phải rõ ràng, giữ lễ . Cho nên “ngôn” là yêu cầu người phụ nữ phải có trí tuệ và tu dưỡng tri thức mới có thể làm được.

    4. Công: Người xưa có câu: “vợ chồng có khác biệt” cũng là chỉ công việc của vợ, của chồng là có sự khác biệt.

    Nam chủ ngoại sự”, ý chỉ người chồng làm việc bên ngoài, nuôi dưỡng gia đình. “Nữ chủ nội sự” là chỉ người phụ nữ đảm nhiệm công việc quản gia, phụng dưỡng cha mẹ chồng, giáo dục con cái.

    Trong xã hội ngày nay, người phụ nữ vừa giỏi việc gây dựng sự nghiệp, vừa chăm sóc gia đình cũng không phải là trái với tứ đức xưa.

    Nhưng bởi vì người phụ nữ là có tính âm, nhu mềm, nên mọi việc phải giữ chừng mực, xử lý tốt quan hệ giữa công việc gia đình và bên ngoài, nếu quá thiên về công việc bên ngoài thì hôn nhân sẽ đến muộn hoặc cuộc sống gia đình không hòa thuận.

    Có thể thấy rằng, “tam tòng tứ đức” đối với người phụ nữ hoàn toàn là điều cần thiết, không có điểm nào là không tốt.

    Cho dù là thời xưa hay thời nay, thì một người phụ nữ giữ được “tam tòng tứ đức” thì đúng người phụ nữ có giáo dưỡng và xinh đẹp nhất!