30/07/2014

HẠNH HIẾU CỦA NGƯỜI XUẤT GIA


Hôm nay nhân ngày Đại lễ Vu lan tức là ngày báo hiếu, quí Phật tử tụ hội về chùa dự lễ, đồng thời nghe nhắc nhở đến công ơn sinh thành dưỡng dục nặng nhọc của cha mẹ. Công ơn đó đối với chúng ta rất đậm đà, thắm thiết. Ai không biết, không nhớ đến công ơn ấy thì không giá trị gì trong cuộc sống làm người nữa. Tại sao chúng ta phải biết ơn và đền ơn? Bởi vì biết ơn và đền ơn là nền tảng đạo đức của con người mà cũng là của đạo Phật.
Ở đây tôi nói không chỉ Phật tử tại gia mới hiếu thảo cha mẹ, mà kể cả hàng xuất gia cũng vậy. Trường hợp không có anh em nuôi dưỡng cha mẹ, thì người xuất gia phải lo phụng dưỡng song thân. Trong Ngũ phần luật kể lại: thời Phật còn tại thế có thầy Tỳ kheo tên là Tất-lan-già-bà-sa, Ngài chứng quả A la hán rồi, mà cha mẹ già không có anh em phụng dưỡng. Ngài đi khất thực được, cơm được áo nhưng không dám phụng dưỡng cha mẹ, sợ tội. Một hôm Ngài thưa với Phật:
-Bạch Thế Tôn, con còn cha mẹ già không có người phụng dưỡng, giờ đây con khất thực được cơm, được áo muốn dâng cho cha mẹ, không biết có tội chăng. Thế tôn có cho phép không?
Phật nghe vậy, liền triệu tập hết chúng Tăng lại, rồi dạy:
-Nếu người xuất gia có cha mẹ già không ai phụng dưỡng. Phật cho phép đi khất thực được đem về cúng dường cho cha mẹ, đó là điều hợp pháp.
Từ đó về sau ngài Tất-lan-già-bà-sa y theo đó mà phụng dưỡng cha mẹ. Chúng ta thấy chẳng những Phật không ngăn cấm mà còn rất trọng hiếu thảo. Đến chư vị Tổ sư ở Trung Hoa cũng như Việt Nam, các Ngài vẫn đặt hiếu thảo lên trên.
Ở Trung hoa, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn có mẹ mà không có cha. Khi ngộ đạo nơi Tứ Tổ Đạo Tín rồi, Ngài lãnh y bát lập chùa Huỳnh Mai giáo hóa độ sanh. Khi gặp Lục Tổ xứng đáng là người được truyền y bát, Ngài liền giao hết Chùa  và chúng còn lại sắp xếp cho chư Tăng quản lý, Ngài về cất am tu và nuôi mẹ. Một vị Tổ mà còn nuôi mẹ, huống là người thường. 
Ngài Trần Tôn Túc ngộ đạo ở Tổ Hoàng Bá rồi, mẹ già không ai nuôi, Ngài về cất một am tranh, kết cỏ đan giày bán, lầy tiền nuôi mẹ. Vì vậy, người đương thời gọi Ngài là Trần Bồ Hài. “Bồ” là đan, “Hài” là giầy dép. Quí vị thấy, người tu đâu phải là bỏ cha, quên mẹ. Đó là hai vị ở Trung Hoa, đến Việt Nam có câu chuyện Hòa thượng Cua (Cáy) ở ngoài Bắc.
Ngài mất cha sớm, mẹ phải tảo tần mua gánh bán bưng nuôi con. Hôm đó, trước khi đi bán, bà dặn: “Mẹ có mua sẵn một giỏ cua để dưới, mẹ ra chợ bán, con ở nhà lấy cua giã để nấu canh chua, trưa về hai mẹ con mình ăn”. Ngài gật đầu vâng lời. Ở nhà nấu cơm xong, Ngài chạy ra ao xách giỏ cua lên, giở nắp thấy từ miệng cua sôi bọt nước. Ngài nói cua khóc, nước mắt tuôn từng hột, từng hột. Thương quá, Ngài không biết làm sao, nếu không lột đâm thì trưa lấy gì nấu canh. Mẹ sẽ rầy. Còn lột đâm thì thấy nó khóc đau lòng quá, không nỡ. Cuối cùng, Ngài thả hết cua xuống ao.
Trưa bà mẹ về, đi bán đường xa khô cổ, đói bụng. Lên mâm cơm không thấy canh cua, mẹ Ngài hỏi: “Sao mẹ dặn con nấu canh chua cua mà không thấy?” Ngài kể: “Con giở nắp cua thấy cua khóc, con thương quá nên thả hết rồi”. Bà đói bụng lại đang mệt nên nổi tức lên, bỏ đủa xuống lấy roi mây quất. Ngài hoảng sợ tuôn chạy. Bà rượt theo một hồi mệt quá nên trở lại, không ngờ con trai chạy tuốt luôn, không về nữa. Bà đau khổ đi tìm con nhưng không biết ở đâu mà tìm. Ngang đó đứa con trai của bà mất tích luôn. Năm ấy Ngài mười hai tuổi.
Bà trở về trong cô quạnh, cất quán bán trà sống lây lất qua ngày, mãi cho đến lúc hơn sáu mươi tuổi. Một hôm có vị Tăng tới hỏi thăm:
-Bà năm nay bao nhiêu tuổi?
Bà đáp:
-Năm nay tôi sáu mươi mấy tuổi rồi.
-Bà không có con cái gì sao mà ở một mình, buôn bán cực khổ vậy?
Bà nói:
-Hồi đó tôi có một đứa con, nó bỏ đi hồi mười hai tuổi tới bây giờ, tôi không còn ai nữa hết.
Ông thầy hỏi:
-Bây giờ bà muốn về chùa không?
Bà đáp:
-Bây giờ tôi già rồi, về chùa đâu có làm công quả gì được, ăn cơm chùa tổn phước, tôi không dám.
Ông thầy nói:
-Không sao, ở chùa có nhiều việc. Người mạnh thì làm việc nặng, người yếu thì làm việc nhẹ. Nếu bà đồng ý về chùa, chúng tôi sẽ sắp cho bà làm những việc nhẹ để tu. Như vậy ăn cơm chùa không có tội.
Thấy thầy tha thiết quá, bà cũng nghĩ tuổi già hẩm hiu không ai nuôi, nếu ngã bệnh thì sao, cho nên bà đồng ý.
Ông thầy dặn:
-Bà cứ ở yên đây. Tôi về chùa ít hôm sắp đặt xong sẽ cho người tới rước bà.
Về đến chùa, ngài họp chúng lại kể chuyện của bà lão đáng thương kia và hỏi toàn chúng:
-Tôi muốn rước bà lão ấy về chùa công quả, nhờ Tam bảo từ bi che chở cho bà lúc tuổi già, vậy trong chúng Tăng có bằng lòng không?
Thật ra lúc đó vị Tăng là một Thiền sư đã ngộ đạo, là trụ trì và là thầy của toàn chúng, uy tín rất vững vàng, nên cả chúng đều quý kính, tất cả đều vâng theo ý Ngài.
Vài hôm sau, bà được rước về ở trong một am tranh gần chùa. Mỗi sáng ngài đích thân ra trước sân, vẽ một vòng tròn trên cỏ rồi bảo:  “Bửa nay bà làm bao nhiêu cỏ đây, nhớ vừa nhổ cỏ vừa niệm Phật nha”. Khuyên như vậy bà già chịu, mỗi bửa vừa nhổ cỏ vừa tu.
Lúc đầu bà còn khỏe, ngài khoanh vòng tròn lớn, lần lần bà yếu thì vòng tròn cũng nhỏ dần. Hôm đó bà đau, nhưng thầy trụ trì có việc phải đi khỏi.
Thầy biết bà không thể nào qua được cơn bệnh nầy, nên dặn người trong chùa: “Bà lão nếu có trăm tuổi mà tôi không về kịp, quý thầy liệm để trong quan tài nhưng đừng đậy nắp, đợi tôi về sẽ đậy”. Quả thật hai ba hôm sau bà mất. Chư Tăng y lời Ngài dặn.
Về đến Ngài nhìn kỹ mặt bà rồi mới đậy nắp áo quan lại. Đậy nắp xong, Ngài bèn cầm gậy, đứng trước quan tài gõ ba cái, nói: “Nếu như lời Phật dạy không ngoa, một người con tu hành đắc đạo, cha mẹ được sanh thiên. Điều đó nếu đúng sự thật thì xin cho áo quan nầy bay lên hư không để chứng minh”.
Ngài vừa dứt lời, bỗng thấy áo quan lần lần bay lên hư không, rồi từ từ hạ xuống. Bấy giờ đại chúng mới biết bà là mẹ của Ngài. Vị trụ trì ấy chính là cậu con trai bỏ nhà hồi xưa. Vì vậy, kể từ đó người ta gọi Ngài là Hòa thượng Cua. Nhưng pháp hiệu thật của Ngài là Thiền sư Tông Diễn. Hiện giờ bài vị còn thờ ở chùa Hòe Nhai (Hà Nội). Đó là một Thiền sư nổi tiếng về hiếu và đức độ vậy.
Quí vị thấy người xưa tuy đi tu nhưng đâu có bỏ cha mẹ. Tu rồi mà vẫn thương vẫn quí mẹ. Sau nầy ở chỗ am bà ở, Ngài cất một cái gọi là dưỡng mẫu đường, tức nhà nuôi mẹ. Và ở quán bà bán trà, Ngài cất một ngôi chùa tên là Trà Lai tự, tức chùa bán trà cho khách vãng lai, để ghi nhớ kỷ niệm của mẹ. Một Thiền sư mà thương mẹ, lo cho mẹ chu tất khéo léo như vậy, thật đáng cho chúng ta kính phục và noi theo. Ngài lo mà không cho Tăng chúng và bà biết tung tích của bà, vì sợ mẹ ỷ lại  rồi khinh thường chúng Tăng. Cho nên dùng phương tiện độ mẹ mà không nói mình là con, luôn gần gủi chăm sóc mà vẫn giứ được đức hạnh cho mẹ. Thật là khéo léo.
Đó là một Hòa thượng ở miền Bắc, kế đến tôi kể về một Hòa thượng ở miền Trung.
Thiền sư Nhất Định, trụ trì chùa Giác Hoàng ở Huế, được nhà vua phong làm Tăng cang, tương tự như Tăng thống bây giờ, là một vị lãnh đạo tối cao trong Tăng chúng. Khi thấy mình được ở chùa yên ấm, đủ mọi tiện nghi, mà mẹ già lại không có người nuôi, nên Ngài từ chức Tăng cang, xin về núi Dương Xuân Thượng cất An Dưỡng am vừa tu vừa nuôi mẹ. Nhà vua thấy ngài có hiếu nên chuẩn y nguyện vọng để ngài được trả hiếu với mẹ.
Ban đầu mẹ Ngài cũng ăn chay, nhưng bệnh tình ngày càng nặng. Thầy thuốc xem bệnh bảo nếu bà ăn chay thì trị bệnh không lành, yêu cầu phải cho bà ăn mặn. Thương mẹ, Ngài đích thân xuống chợ Đông Ba mua cá về kho cho mẹ ăn. Nhiều Phật tử thấy bất bình, gièm pha Hòa thượng mà còn đi mua cá. Nhưng Ngài nhất định không nhờ ai, vẫn thản nhiên lo cho mẹ. Ngài hết lòng hiếu thảo với mẹ, mặc cho người chê không giữ giới luật trong sạch, thầy tu mà ăn mặn… Ai nói gì cũng mặc, miễn làm tròn bổn phận của một người con hiếu thảo là Ngài vui rồi. Nhờ thế thời gian sau mẹ ngài bớt bệnh rồi mới mất.
Ngài tịch rồi, sau nầy có một vị hoạn quan trong triều đến An Dưỡng am cất một ngôi chùa để tu, vì vậy vua Tự Đức đặt tên cho ngôi chùa đó là chùa Từ Hiếu, bây giờ vẫn còn ở Huế trên núi Dương Xuân Thượng. Đây là phát xuất từ gốc câu chuyện hiếu thảo của Thiền sư Nhất Định.
Chúng ta thấy từ Phật cho đến các vị Tổ cũng đều dạy người xuất gia phải hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ. Đến Việt Nam chúng ta, những tấm gương hiếu thảo sáng ngời vẫn còn đó. Người đi tu không dám quên ơn cha mẹ, huống nữa quí Phật tử còn cư sĩ tại gia mà lại không nhớ, không lo đền đáp công ơn cha mẹ, đó là một thiếu sót vô cùng lớn lao. Cho nên chúng ta biết đạo biết tu, thì đối với công ơn cha mẹ là công ơn lớn nhất trên đời, chúng ta phải ráng lo đền đáp. Nếu cha mẹ đã quá cố, chúng ta cũng tìm mọi cách để cha mẹ được thân sau tốt lành.
Nhân ngày lễ Vu lan nầy, tôi nhắc nhở quí vị xuất gia cũng như tại gia làm sao trong đời của mình, mình phải là một con người xứng đáng, không tủi hổ, là người có đạo đức để cho đàn con, đàn cháu noi theo. Mong rằng mỗi một lần Vu lan về là mỗi một lần chúng ta càng nhớ, càng thương, càng quí kính cha mẹ thắm thiết, đó mới thật là người Phật tử chân chánh.

***

Hòa thượng. THÍCH THANH TỪ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét