25/11/2023

Công năng của Đại Bi Chú đối với Phật tử hành Thiền


Cửa Phật có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, một người học Phật dù cố gắng hành trì, tu tập trải qua hằng hà sa số kiếp cũng không dễ gì có thể lĩnh hội hết tất cả nội dung phong phú đó huống là chỉ một đời người.

Cho nên, tùy theo căn cơ, duyên nghiệp, một khi đã phát tâm đi vào con đường giải thoát, hành giả hoặc nhờ phúc duyên được chư Phật, chư Bồ Tát độ trì dẫn dắt, hoặc do minh sư chỉ bảo, mỗi người cần nên tự chọn cho mình một pháp môn để tu tập.

Có rất nhiều pháp môn tu học phổ biến trong đại chúng hiện nay như Tịnh Độ, Mật Tông, Thiền Định… Pháp môn tuy có thể khác nhau, nhưng một khi đã tự xem mình là trưởng tử của Như Lai, hạnh nguyện của mỗi hành giả đều giống nhau, đó là noi theo ánh sáng của chư Phật, quyết tâm xé bỏ bức màn vô minh, đạp qua nẻo luân hồi sinh tử để đi vào con đường giải thoát, tiến đến đạo qủa bồ đề, hầu mang lại an vui, phúc lợi không những cho riêng mình mà còn cho toàn thể chúng sinh.

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”, đó là tâm nguyện chung của một người mang hạnh nguyện Bồ tát vào đời, dù khoác trên mình chiếc áo tăng sĩ hay hàng tại gia cư sĩ.

Nhưng một người dù có thiện tâm, hảo ý đến bao nhiêu mà không có khả năng thực hiện được ý nguyện của mình thì thiện tâm hảo ý cũng trở thành vô ích.

Như một người trông thấy kẻ bị nạn sắp chết đuối dưới dòng nước chảy xiết, nhảy xuống định cứu, thế nhưng bản thân mình lại không biết bơi, chẳng những đã không cứu được người, vừa thiệt thân mạng mình một cách vô ích, lại còn gây trở ngại thêm cho công tác cứu hộ.

Cho nên, muốn độ người trước hết phải độ ta, có nghĩa là phải xét xem ta có đủ khả năng, tư cách để độ người hay không? Muốn thế mỗi người phải luôn tích cực, tinh tấn tu tập không ngừng nghỉ mới có thể từng bước tiến dần đến ánh sáng giác ngộ.

Có thể nói một cách khẳng định rằng, để đạt được cứu cánh giác ngộ không có con đường tu tập nào khác hơn ngoài con đường Thiền định.

Chư Phật, chư Bồ Tát, các vị chư Tổ cũng đều đã phải trải qua con đường đó.

Chính Đức Thế Tôn đã từng nhấn mạnh đến lợi ích quan trọng của thiền định: “Thiền định là phương tiện duy nhất để thanh tịnh nội tâm, tiêu trừ phiền não.” (Samyutta, 16:13 – Tạp A Hàm), và chính Ngài cũng đã trải qua 49 ngày đêm thiền định rốt ráo trước khi chứng đạt được đạo quả bồ đề.

Chúng ta, những người học Phật, dĩ nhiên cũng không có một lựa chọn nào khác hơn.

Tuy nhiên, một vấn nạn lớn đặt ra cho những người mới tập tễnh bước chân vào cửa Thiền, là làm sao tìm ra cho mình một phương pháp thích ứng để con đường tu chứng của mình mau đạt được kết quả mà không bị lạc lối trong rừng Thiền mênh mông, chẳng những đã không đạt được cứu cánh giác ngộ mà đôi khi lại còn có thể bị rơi vào con đường ma đạo.

Muốn học đạo phải tìm thầy. Có rất nhiều minh sư ở khắp mọi nơi để Phật tử có thể tìm đến tham cầu, nhưng nếu vì một lý do nào đó mà hành giả không có cơ duyên hay phương tiện để gặp gỡ họ, thì xin hướng dẫn qúy vị đến gặp một vị Đại minh sư, một “Người” rất quen, luôn luôn gần gũi bên cạnh chúng ta, luôn luôn lắng nghe những lời khẩn cầu của chúng ta với tất cả sự quan tâm và tấm lòng thương yêu rộng lớn để sẵn sàng giúp đỡ mà không cần đòi hỏi một điều kiện thù đáp nào.

Vị minh sư đó không ai khác hơn là Đức Bồ Tát Quán Thế Âm và với phương tiện thiện xão của Ngài, thần chú “Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni” (Đại Bi Chú), sẽ giúp đỡ cho bất cứ ai khi trì tụng Thần chú này đúng phương pháp chắc chắn sẽ mau chóng bước chân vào cõi Thiền, cũng như đạt được mọi điều sở nguyện.

Như người cùng tử, suốt một đời rong ruổi ngược xuôi, đến khi mang chiếc thân tàn trở về lại ngôi nhà cũ của Cha mình mới khám phá ra viên ngọc vô giá trong chiếc áo rách nát tả tơi theo năm tháng mà ngày xưa người cha vì lòng yêu thương đã khâu vào trước khi đứa con bỏ nhà đi hoang.

Thần chú Đại Bi, chính là viên ngọc vô giá đó và hôm nay, như người cùng tử năm xưa, chúng ta bất ngờ khám phá lại kho tàng không những sẽ làm giàu có, phong phú cho tâm hồn đang khô kiệt của chúng ta, mà còn là chiếc chìa khóa mở cho ta vào cánh cửa thênh thang của đạo quả giác ngộ, vô thượng bồ đề.

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét