Người Hà Nội xưa có cái thú
chụp ảnh ngày Tết. Cái thú này gắn với nền tảng gia đình tam, tứ đại đồng đường
sống gần nhau quanh khoanh đất phố cũ. Song nó chỉ thực sự được tận hưởng, được
nâng niu ở thời bao cấp, lúc cuộc sống còn quá ít thú vui. Ngày đó, thú vui tao
nhã ngày tết cũng chỉ có lọ hoa dơn, đôi cành đào hoặc chậu quất, bát hoa thủy
tiên với mấy phong pháo (đốt giao thừa, sáng mồng một và ngày hóa vàng).
Thời đó chụp được bức ảnh
không hề dễ, cũng không có tâm lý cẩu thả. Chụp ảnh ngày Tết càng phải nghiêm
chỉnh, thể hiện mình là con người “phong nhã”, nhà “khá giả”, nền
nếp ...
Cứ đến Tết, ngày mồng ba,
mồng bốn nhà tôi “hóa vàng” là bố tôi lại mời ông thợ ảnh quen như ông
Đồng ở phố Nguyễn Chế Nghĩa (thợ ảnh hiệu
Đông Phương ở phố Hàng Bài thì phải – gần Nghi Sương), hoặc sau này gọi anh
Đạt ở phố Ngô Quyền vào chụp cho cả nhà mấy “pô” kỷ niệm.
Cả nhà trang trọng lắm,
bày biện lại ban thờ, bàn nước rồi bưng mấy chậu cây cảnh quý để làm nền. Ăn
mặc chỉnh chu, rồi còn trang điểm thêm nữa chứ…nhiều mục lắm để ông
thợ ảnh sắp xếp chụp…
Đến khi bố mất, mẹ tôi
buồn nên chúng tôi cũng không dám bày ra nữa vì sợ mẹ tôi chạnh lòng nhớ bố
càng buồn thêm.
Rất tiếc, anh em trưởng
thành lên, rồi ra ở riêng, những bức ảnh xưa không được lưu trữ cẩn thận nên
nhạt nhòa.
Kỷ niệm xưa còn đó nhưng
ảnh còn đâu – Nhớ lắm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét