30/09/2022

Vỗ lòng bàn chân chữa bệnh

 St trên net.



Tôn Tư Mạc, danh y thời nhà Đường, được hậu thế tôn là “Dược Vương”. Tôn Tư Mạc sinh năm 541, mất năm 682, thọ 141 tuổi và để lại nhiều kiệt tác về y học cổ truyền Trung Quốc. Ngoài những bí kíp dân gian, Dược vương còn am hiểu sâu sắc về các huyệt đạo. Ông đã để lại một bí quyết vô cùng đơn giản, có thể giúp phòng ngừa 127 loại bệnh.

Ông đã từng viết trong cuốn “Thiên Kim Phương”: vỗ nhẹ một chỗ có thể chữa bách bệnh. Nơi này chính là lòng bàn chân, tức là chỗ có chứa huyệt Dũng tuyền. Vỗ vào nơi này không chỉ có thể phòng trị hơn 100 loại bệnh, hơn nữa phương pháp cũng rất đơn giản.

Dược vương Tôn Tư Mạc đề cập cụ thể phải dùng lòng bàn tay vỗ vào lòng bàn chân, dù hành động rất đơn giản nhưng nó mang lại hiệu quả tuyệt vời. Lòng bàn tay và lòng bàn chân đều là hai bộ phận rất quan trọng trên cơ thể con người, đặc biệt là huyệt Lao cung ở lòng bàn tay và huyệt Dũng tuyền ở lòng bàn chân, các bác sĩ coi đây là những huyệt đạo chính để bảo vệ sức khỏe.

Tác dụng cụ thể của việc vỗ vào lòng bàn chân có thể phòng ngừa những bệnh sau:

– Suy nhược thần kinh, rối loạn thần kinh: Đau đầu và đau nửa đầu

– Ù tai, chóng mặt, hay quên, mất ngủ, giảm trí nhớ

 – U sầu phiền muộn, dễ cáu giận, suy nghĩ không thông

– Thiếu khí huyết, trên nóng và dưới lạnh, đau lưng, đau bàn chân và đầu gối

– Bệnh tim, huyết áp cao, hạ đường huyết, tiểu đường

– Viêm gan, bệnh túi mật, viêm thận, nhiễm độc niệu, thiếu máu, hen suyễn, bệnh lao, bệnh thấp khớp.

– Loạn dưỡng cơ tiến triển, cường giáp, suy giáp, di chứng đột quỵ,

– Di chứng viêm não, teo não, não úng thủy,

– Hội chứng Meniere, bệnh Parkinson, bệnh Raynaud, hội chứng Behcet

– Di chứng của bệnh bại liệt, ra mồ hôi trộm, đổ mồ hôi ban đêm, thể trạng gầy yếu, suy dinh dưỡng, còi cọc chậm lớn.

– Giảm thị lực, cảm lạnh, viêm mũi dị ứng,…

Cách thực hiện động tác vỗ vào lòng bàn chân

 

Huyệt Dũng tuyền.

Đầu tiên, bạn ngồi ở tư thế chân trái đặt lên đầu gối phải, tay trái nắm chân, dùng lòng bàn tay phải vỗ vào lòng bàn chân trái. Khi vỗ nên dùng lực đều, vừa phải, cường độ ngang với cường độ vỗ tay thông thường và thầm đếm số lần vỗ. Vỗ hết bên chân trái, sẽ đổi sang chân phải và số lần vỗ của 2 chân đều như nhau.

Lưu ý: Tư thế phải đúng, thoải mái, không gượng ép, gò bó, nhắm mắt nhẹ nhàng, từ bỏ mọi suy nghĩ, duy trì trạng thái tinh thần thoải mái, ngồi yên tĩnh trong khoảng 15 phút.

Vị trí vỗ: Dùng huyệt Lao cung ở lòng bàn tay vỗ vào huyệt Dũng tuyền, nằm ở vị trí 1/3 trên bàn chân.

 

Huyệt Lao cung

Số lượng vỗ: Ngày đầu tiên vỗ mỗi bên 100 lần, ngày thứ hai vỗ mỗi bên 200 lần, ngày thứ ba vỗ mỗi bên 300 lần.

Đối với người bình thường, mỗi bên vỗ 300 lần, người ốm yếu, bệnh tật, thúc đẩy phục hồi, có thể tăng dần số lần và vỗ theo khả năng chịu đựng của bản thân. Trong mọi trường hợp, số lần vỗ cho mỗi bên tối đa không quá 900.

Thời gian vỗ: Thực hành mỗi tối một lượt hoặc vào buổi sáng.

Người tập chăm sóc sức khỏe hàng ngày nên tập một lần vào mỗi buổi tối, hoặc một lần vào buổi sáng và tối, nếu có thời gian thì nên tập nhiều hơn, những người chuyên về kung fu và chữa bệnh thì nên tập khoảng sáu lần mỗi tối.

Vỗ vào lòng bàn chân có 10 tác dụng chính:

1. Thoát khỏi những căn bệnh cứng đầu

Phòng và điều trị các chứng bệnh mãn tính và cứng đầu thông thường do thiếu âm và cường dương.

2. Hồi sinh

Đối với các bệnh thoái hóa do lão hóa sớm và các bệnh làm tiêu hao sinh lực, mệt mỏi như chứng loạn thần kinh và suy nhược thần kinh.

3. Tăng cường chức năng thận

Phòng và điều trị nhiều loại bệnh mãn tính của người cao tuổi, như các bệnh mãn tính về lưng, chân.

4. Phát triển trí tuệ, khơi dậy tiềm năng

Thúc đẩy sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên, phát triển trí tuệ, khơi dậy tiềm năng.

5. Nuôi dưỡng gan và cải thiện thị lực

Nó có ảnh hưởng nhất định đến các bệnh mãn tính về gan và ruột, và các bệnh về mắt như cận thị và viễn thị.

6. Làm dịu gan và giảm trầm cảm, giải tỏa cảm xúc

Thực hành chức năng này khi tâm trạng không tốt hoặc cảm xúc quá độ, bạn có thể loại bỏ ngay các triệu chứng trầm cảm, lo âu, trầm cảm.

7. Định tâm và cân bằng tâm trí

Tập luyện chức năng này khi cơ thể mệt mỏi, căng thẳng thần kinh có thể giúp tinh thần minh mẫn, tâm trạng ổn định, tư duy nhanh nhạy, tràn đầy năng lượng. Nó có tác dụng chữa mất ngủ rất tốt.

Điều chỉnh sự hỗn loạn của khí và máu, và ngăn ngừa các sai lệch khác nhau gây ra bởi việc thực hành các bài tập khác không đúng cách. Tăng cường chức năng miễn dịch của con người.

8. Trị suy nhược thần kinh, mất ngủ, mệt mỏi, tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể v.v.

Huyệt dũng tuyền có nghĩa là khí của kinh mạch thận giống như nguồn nước bắt nguồn từ chân chảy ra tưới toàn thân, có tác dụng chữa suy nhược thần kinh, mất sức, mất ngủ rất rõ rệt.

9. Trị đau đầu, trị cao huyết áp, v.v.

Thông thường ấn và xoa huyệt dũng tuyền có thể giúp điều trị đau họng, đau đầu, chóng mặt, cao huyết áp, v.v.

29/09/2022

Không đề

 Tam Quốc Diễn Nghĩa khúc Chủ Đề  - Vô danh dịch



Trường giang cuồn cuộn đổ về đông,
Bao lớp sóng xô, bấy lớp anh hùng
Ngoảnh đầu lại, nhân tình thế thái,
Được mất, bại thành, bỗng hóa hư không !
Biết mấy tịch dương nhuộm hồng sóng nước,
Bao kiếp ngư tiều bơi chảy theo dòng.
Đắm mình với gió Xuân, chung chén rượu nồng thêm thỏa chí,
Dưới ánh trăng thu càng thắm thiết cuộc trùng phùng.
Chuyện xưa chuyện nay, bại thành được mất,
Dốc hết nỗi niềm thư thái ung dung…
Bao lớp sóng xô, bấy lớp anh hùng,
Ngoảnh đầu lại, nhân tình thế thái,
Được mất bại thành…bỗng chốc hóa hư không …

27/09/2022

Vấn Phật

 Lục thế Đạt Ma Thương Ương Gia Thố (1683 – 1745)



 Ta hỏi Phật: Vì sao không ban cho hết thảy nữ tử trong thiên hạ dung nhan hoa nhường nguyệt thẹn.

Phật nói: Đó chẳng qua là đóa quỳnh hoa mới nở, dùng để mê mờ con mắt thế tục.

Không có gì đẹp bằng cái tâm nhân ái thuần tịnh tròn đầy.

Ta đem nó ban tặng cho từng người con gái.

Vậy mà có người đem vùi lấp bụi tro.

Ta hỏi Phật: Thế gian vì sao có nhiều nuối tiếc đến thế?

Phật nói: Đây là thế giới sa bà, sa bà chính là nuối tiếc.

Một khi nuối tiếc, thì dẫu có cấp cho ngươi thêm nhiều hạnh phúc, ngươi cũng sẽ không thấy vui vẻ gì.

Ta hỏi Phật: Làm sao để tâm mọi người không còn cảm thấy cô đơn.

Phật nói: Một cái tâm tròn đầy từ lúc sinh ra bởi vì cô đơn mà trở nên tàn khuyết.

Đa số mang theo sự tàn khuyết đó đi hết cuộc đời.

Chính vào lúc có thể tương ngộ một nửa kia mà khiến ngươi viên mãn.

Không phải sơ suất bỏ qua, mà là đã mất đi tư cách để có được nó.

Ta hỏi Phật: Nếu như ta có thể gặp được người để yêu nhưng lại không thể nắm chắc thì làm thế nào?

Phật nói: Nhân gian có bao nhiêu ái tình, khi thời thế đổi thay lại biến hóa khôn lường.

Cùng người yêu thương trải qua ngày tháng vui vẻ.

Chớ hỏi là kiếp nạn hay duyên số.

Ta hỏi Phật: Làm thế nào để có được năng lực trí huệ như ngài?

Phật nói: Phật là người từng trải, con người lại là Phật mai sau, họ vốn được Phật đưa đến thế gian gieo vào thập giới: Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác, Thiên, A Tu La, Nhân, Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục.

Thiên, A Tu La, Nhân, Súc sinh, Ngạ quỷ, Địa ngục làm thành lục đạo chúng sinh

Trong lục đạo, chúng sinh buộc phải trải qua nhân quả luân hồi, từ trong đó mà trải nghiệm thống khổ.

Trong quá trình trải nghiệm thống khổ mà thấu hiểu chân lý của sinh mệnh, mới có thể đạt được vĩnh sinh.

Phật giảng, nhân sinh có 8 điều thống khổ: Sinh, lão, bệnh, tử, ái, biệt ly, oán trường cửu (oán hận không dứt), cầu bất đắc (cầu mà không được), phóng bất hạ (buông mà không bỏ).

Phật giảng, mệnh chính là do mình tạo nên, tướng tùy tâm sinh, vạn vật trên thế gian đều có thể biến hóa, tâm bất động, vạn đều sẽ không động, tâm bất biến, vạn vật cũng sẽ bất biến.

Phật giảng, ngồi cũng thiền, làm cũng thiền, một bông hoa một thế giới, một chiếc lá một Như Lai, xuân đến hoa tự xanh tốt, thu sang lá rơi rụng, trí tuệ vô cùng, tâm sẽ tự tại, lời nói nhẹ nhàng, thân thể tự nhiên tĩnh.

Phật giảng: Vạn pháp cùng sinh, đều trong hệ duyên phận, ngẫu nhiên gặp gỡ, bất chợt nhìn lại, nhất định cả đời phụ thuộc lẫn nhau chỉ bởi một khoảnh khắc ánh mắt giao nhau ngắn ngủi.

Duyên khởi rồi tàn, duyên sinh cũng là không

Pháp lý Phật môn giảng rằng một người để ngộ đạo có 3 giai đoạn “khám phá, buông bỏ và tự tại”.

Đích xác, một người nhất định phải buông bỏ thì mới có thể đạt được tự tại.

Ta hỏi Phật: Vì sao khi tuyết rơi tâm ta thấy bi thương.

Phật nói: Mùa đông rồi sẽ là quá khứ, còn lưu chút kí ức.

Ta hỏi Phật: Vì sao mỗi khi tuyết rơi đều là lúc đêm khuya ta không để ý tới.

Phật nói: Khi lơ đãng cũng là lúc con người bỏ qua rất nhiều vẻ đẹp chân chính.

Ta hỏi Phật: Chỉ qua vài ngày nữa là tuyết ngừng rơi.

Phật nói: Đừng chỉ ngóng trông mùa khác mà bỏ lỡ trời đang đông.

25/09/2022

Thế nào là thích hợp - Trương Trào (1650 − 1707)



Có cảnh sơn thủy trên đá, có cảnh sơn thủy trên tranh, có cảnh sơn thủy trong mộng và có cảnh sơn thủy trong lòng. Cảnh sơn thủy trên đất đẹp ở chỗ gò hang u tịch; cảnh sơn thủy trên tranh đẹp ở chỗ nét bút thấm thía; cảnh sơn thủy trong lòng đẹp ở chỗ mỗi vật đều đúng vị trí."

Hoa không thể không có bướm, núi không thể không có suối, đá không thể không có rêu, nước không thể không có rong, cây lớn không thể không có dây leo và người không thể không nghiện một thứ gì.

Thưởng hoa nên ngồi với giai nhân, uống rượu ngắm trăng nên ngồi với khách tao nhã, ngắm tuyết nên chung với cao sĩ.

Đứng trên lầu mà ngắm núi, đứng trên thành mà ngắm tuyết, đứng trước đèn mà ngắm trăng, ngồi trong thuyền mà ngắm mây, đứng dưới trăng mà ngắm người đẹp, mỗi cảnh có mỗi tình.

Đá ở bên gốc mai nên cổ kính, đá ở dưới gốc tùng nên thô, đá ở bên bụi trúc nên gầy, đá ở trong bồn nên đẹp.

Có núi xanh thì có nước xanh, nước mượn sắc của núi; có rượu ngon thì có thơ hay, thơ cũng mượn cái thần của rượu.

Gương chẳng may mà gặp người đàn bà xấu, nghiên mực chẳng may mà gặp tục tử, kiếm chẳng may mà gặp một viên tướng tầm thường, thì còn biết làm sao được nữa!


 

19/09/2022

50 dòng bật lửa Zippo

 Bật lửa Rio


Ra đời từ năm 1932, Zippo ghi tên mình vào danh sách những công ty sản xuất bật lửa lâu đời nhất thế giới. Mặc dù mẫu mã đa dạng nhưng nó cũng chỉ nằm ở một số dòng cơ bản. Nếu bạn có niềm đam mê với Zippo, chắc chắn việc đầu tiên bạn phải làm là tìm hiểu các dòng bật lửa Zippo đang có hiện nay. Và bài viết này sẽ giúp bạn thực hiện điều đó.

Là một trong những thương hiệu bật lửa nổi tiếng trên khắp thế giới, Zippo đã khẳng định vị trí của mình trong lòng người tiêu dùng để mỗi khi nói về bật lửa là người ta liền nhắc đến Zippo. Từ những dòng bình dân đến cao cấp, Zippo Mỹ đều thiết kế, trau chuốt cẩn thận về kiểu dáng, mẫu mã, chất lượng và cả độ bền. Cơ chế hoạt động của Zippo vô cùng đặc biệt cùng với các ưu thế vốn có mà không một loại bật lửa nào khác có thể sánh bằng như ngọn lửa cháy mạnh mẽ trong gió bão, tuổi thọ gần như vĩnh cửu, âm thanh mở nắp độc đáo, bảo hành trọn đời… 

Zippo bây giờ đã vượt qua giới hạn là một chiếc bật lửa thông thường để trở thành một món phụ kiện thời trang đắt đỏ mang phong cách cá nhân riêng biệt của mỗi người và là một món quà tặng ý nghĩa phù hợp với mọi đối tượng. Và để tận dụng tối đa thế mạnh của Zippo, các bạn cần có các kiến thức cơ bản về nó. Trong đó, bắt buộc các bạn phải tìm hiểu các dòng bật lửa Zippo đang có hiện nay. Phân biệt được từng loại sản phẩm, các bạn sẽ dễ dàng sử dụng nó theo mục đích sử dụng và nhu cầu của mình. Dưới đây là 50 dòng bật lửa cơ bản do hãng Zippo sản xuất. Các bạn hãy tham khảo nhé!

Để biết cụ thể từng dòng, mời các bạn nhấn vào tên sẽ có link dẫn đến giới thiệu thụ thể.

18/09/2022

Hết thời oanh liệt - trích trong "Hương rừng Cà Mau" - Nhà văn Sơn Nam

 


 

Non trăm năm về trước, làn sóng người Việt Nam từ Cần Thơ, Vĩnh Long đổ xuống Rạch Giá, Cà Mau để khai khẩn đất hoang. Họ đã gặp những trở ngại thiên nhiên nào? Tài trí, sự dũng cảm của họ ra sao? Lòng chúng ta không khỏi phập phồng âu lo khi ngày nay đọc lại quyển Truyện đời xưa của cụ Trương Vĩnh Ký. Cụ có nhắc lại câu chuyện cọp ở vùng Gò Quao. Cọp ta đi dạo xuống bãi sông để tìm mồi, rủi bị kẹt đuôi trong bụi dừa nước... Rõ ràng thời ấy cọp quá lộng hành dám bỏ rừng sâu, bén mảng đến các xóm nhà sát mé sông, nơi mà chúng bị cô lập, thất thế nhứt. Ông cha ta đã đánh đuổi lũ cọp ấy như thế nào? Có người đáp: nhờ các thầy võ giỏi chuyên môn đánh cọp xuất thân ở các trường võ Quảng Nam, Quảng Ngãi. Gặp lúc nước nhà loạn lạc, các thầy chạy vào vùng Cà Mau mà ẩn lánh. Võ nghệ của các thầy quá đỗi cao cường, gặp cọp là rượt bắt lại, nắm gáy đè xuống, nện vào lưng cọp những quả đấm thôi sơn chẳng khác nào chúng ta ngày ngay đánh một con mèo hoặc một con chó con...

Người khác bảo rằng: họ đã từng gặp mấy ông thầy bùa Xiêm, chuyên môn dụ dỗ cọp. Các thầy Xiêm nằm ngửa dưới gốc cây giữa rừng mà thổi kèn, nói đúng hơn là thổi vào một miếng lá tre. Tức thời cọp mẹ, cọp con chạy lại, quỳ xuống hầu hạ canh gác cho thầy ngủ. Sau khi thức dậy, thầy xiêm vỗ về từng con, nhổ vài sợi râu hoặc vài sợi lông để nuôi sâu. Lông cọp, râu cọp được đem về cắm trong măng tre đang mọc. Vài hôm sau thì ô hô, mỗi sợi là một con sâu. Tục truyền rằng loại sâu ấy lớn bằng cườm tay, mặt đỏ hói, mình mảy vằn vện, có đuôi dài ngoe nguẩy. Nhiều người nuôi nó trong một cái hũ kín mít để giữ nhà. Khi có khách đến sâu cọp nhảy dựng trong hũ nghe rổn rảng rồi la hét! Ngoài ra, cứt của loại sâu này rất quý giá vì nó là vị thuốc độc, giết người trong nháy mắt. v.v...

Sự thật ra sao?

Cọp U Minh, cọp Gò Quao ngày nay bị tiêu diệt hoặc bị xua về Bảy Núi, về Tà Lơn phải chăng là nhờ các thầy võ Quảng Nam hoặc các thầy Xiêm có bùa phép?

Trả lời câu hỏi ấy, cách hay nhứt là đến tìm các ông bà lão hiện còn sống ở vùng Gò Quao, Trà Ban. Mấy ông này nếu không trực tiếp đánh cọp thì ít ra cũng đã thấy và nghe rõ ràng hơn chúng ta. Vậy xin mời các bạn đọc thân mến đến phỏng vấn và nghe các ông trả lời.

- Thưa ông, ông xuống đây lập nghiệp từ hồi nào?

- Ðiều đó không nhớ chắc chắn ngày tháng. Nhưng mà mấy cháu nên nhớ: hồi Tây đánh nước mình, miệt Rạch Giá, Cà Mau còn hoang vu. Ngoài biển, có ghe đánh lưới của người Hải Nam. Còn trong đất liền chỉ có mấy nhóm người Triều Châu, Phước Kiến qua đây từ đời ông Mạc Cửu. Họ ở gần chơ Rạch Giá, chợ Bạc Liêu bây giờ. Kỳ dư, có vài sóc người Miên ở giữa đồng. Thưa thớt lắm. Sông Cái Lớn, Gò Quao này nhiều khi chèo ghe suốt ngày mà không gặp một nhà nào. Nghe nói hồi Gia Long tẩu quốc, nhiều người cất nhà ở Tân Bằng, Cán Gáo, Tàu Dừa, Cái Nước. Hồi tôi xuống Gò Quao này, ở miệt dưới đã có vườn tược, có cau lão rồi. Nhưng đó là chuyện xa xôi, cách mình một khoảng rừng trên trăm cây số. Nghe nói chớ tôi chưa từng đi tới.

- Lúc đó miệt Trà Ban này phải chăng là hoàn toàn không có ai ở?

- Sự thật như vậy. Vài nhà người Miên ở tận giữa đồng nhưng họ không làm ăn chung đụng với người mình. Kỳ dư, ven sông Cái lớn này toàn là rừng. Trên bờ có cọp, dưới sông có sấu. Mình chèo ghe ban ngày, chừng vài trăm thước là thấy sấu nổi trước mũi ghe. Trời chạng vạng, nghe cọp rống, mấy ổng úp mặt xuống đất nên có tiếng dội...

- Hồi mới tới cất nhà, chắc cọp khuấy rối mình dữ lắm!

- Không có! Không có! Mình ngu dại gì, vô tuốt trong ngọn cùng mà cất chòi. Làm như vậy có hai điều lợi. Một là mong mấy ngọn rạch không có rừng già. Rừng chỉ ăn dài theo mé sông cái, bề sâu vô chừng hai ba ngàn thước... Phía trong toàn là sậy, đế, cây mốp, rừng chồi. Mình có thể phá gấp sậy để đó để làm ruộng trước, có lúa gạo mà ăn liền. Ðiều lợi thứ hai là ở xa cọp. Lúc mới xuống làm ăn, mình cần sự yên ổn. Hơi đâu mà lo chuyện đánh cọp, trong lúc mình không rành võ nghệ.

- Ở hẻo lánh như vậy, chắc sợ cọp dữ lắm. Cọp ưa tìm người mà ăn thịt...

- Vài người lo xa. Họ rào chung quanh chuồng heo. Sợ nhứt là khi mình đi ruộng, cọp lén vào nhà bắt con nít. Lần đó, cọp tới sân nhà tôi chạy vòng quanh tìm cách vô nhà. Ðứa con tôi ở một mình. Nghe tiếng động đậy nó chạy ra sát hàng rào. Cọp ta không phương thế nào vào trong được nên day lại, thò đuôi vô kẽ hàng rào. Trưa về nhà nghe con tôi nói lại: "Ba ơi! Hồi ba đi ruộng, có con mèo vện lại đây, thò đuôi vô. Con nắm đuôi mà nó mạnh lắm, kéo ra được chạy vuột." Chừng đó, lối xóm ai cũng hoảng sợ xây hàng rào chung quanh nhà. Ðêm cũng như ngày chỉ nghe động tịnh là nghĩ tới cọp. Nhưng dân mình gốc ở hai huyện (Cần Thơ, Vĩnh Long) xuống đây. Ở đó, đất khai khẩn lâu đời rồi nên phần đông nghe tới tên cọp là sợ chớ ít ai thấy tường tận ông cọp lần nào. Có một cô nọ ngồi rửa chén sau nhà, thấy cái tàu mo cau rụng xuống bèn vụt chạy vô nhà, đóng cửa lại: "Má ơi, cọp! cọp!." Hỏi cọp ra sao. Cô ta nói nó cao lắm, lưng nó vàng, bụng nó rằn. Chừng xem kỹ lại rõ ràng là tàu cau... Có bà lão khác ngồi câu cá dưới gốc cây xộp. Cọp trong rừng men chạy ra chụp một cái. Bà nọ té nhào bên một gốc cây. Nhờ vậy mà cọp chụp hụt. Sau đó cọp chạy cong đuôi vô rừng. Bà ngồi dậy mở mo trầu ra ăn rồi lững thững về nhà nói lại. Bữa nay xui xẻo quá. Câu cá không được con nào, nhè gặp heo rừng ra nhát. Chừng cả nhà hồ nghi trở ra gốc xộp mà xem kỹ, rõ ràng là dấu móng cọp. Kể từ đó, thiên hạ ưa bàn tán về cọp, bắt đầu lo ngại. Có người bàn: nên thành lập một đội binh để vô rừng đánh cọp. Công việc đầu tiên là đốn tre tầm vông vạt nhọn để sẵn. Khi gặp cọp thì đánh trống lên, cả xóm xách tầm vông tới nghinh chiến. Mới nghe qua, dường như có lý. Nhưng sau đó, ở rạch Cái Cam, Phong Ðiền, Cần Thơ, có người xuống cho hay: "Ở xứ tôi, có bố trí như vậy nhưng thất bại. Gặp cọp, đánh trống lên, ai nấy xách tầm vông chạy tới. Cọp im lặng, trụ hình một chỗ. Thinh không, ổng hét lên. Tức thì ai nấy chạy tán loạn. Có người thiếu điều đổ ruột vì chạy càn đụng nhằm ngọn tầm vông của bạn mình. Về sau, có người gài bẫy được một ông cọp. Họ đút mũi tầm vông vô miệng cọp để đâm. Dè đâu cọp nhai nát như... mình ăn mía."

- Vậy làm thế nào mà đánh cọp đến đỗi không còn sót một con như ngày nay?

- Chuyện đó phải làm lần hồi. Bố trí một đạo binh đánh cọp không xong, dân xóm này mới bày đặt cất miễu thờ cọp. Ðó là ngụ ý: "Chúng tôi là người làm ăn, không dám đả động tới ông, xin ông cứ ở trong rừng để chúng tôi được yên ổn!." Cất miếu xong, chạng vạng có người tới đốt nhang. Mấy hôm đầu, ông cọp đi vòng quanh miếu, đứng nhìn nhang rồi về. Bữa sau đem ra cúng một cái đầu heo rừng. Cọp mừng lắm. Từ đó xóm giềng được yên.

Nhưng tạo hoá vần xoay, dân miệt trên xuống đây khai khẩn ngày thêm đông.

Ðất giữa đồng khai thác hết. Bấy giờ chỉ còn là đất rừng sát mé sông, nơi cọp ở. Ðó là hồi nguy nan nhất cho dân mình và cũng cho cọp. Nhiều người làm gan cất nhà sát mé rừng. Ban đầu, đôi ba nhà, sau, năm mười nhà. Họ thấy ở gần rừng mé sông tuy là nguy hiểm nhưng có nhiều huê lợi khác: ăn ong, làm rẫy. Một công rẫy trúng mùa được tới một trăm hai chục giạ khoai lang. Lúc này, nhiều người chết vì đi một mình vô rừng bị cọp chụp bất thình lình. Họ sắm mác thông, thứ có cán dài để ứng phó. Nhưng ở chỗ rừng dày, con người khó bề xoay trở để thủ thế.

Thời thế tạo anh hùng. Bận đó, ông thầy râu (thầy thuốc Nam, vì có râu dài nên gọi là thầy Râu) có đứa con gái bị cọp vồ. Tức mình ông cầm mác rượt theo tận giữa rừng, chém cọp rớt một cẳng. Tư Ngạn bị cọp cõng mất một con heo nái. Chú rượt theo cầm cự với cọp suốt buổi trưa. Nhờ lối xóm tiếp cứu nên mới thoát nạn. Từ đó về sau, chú ưa uống rượu, cặp mắt luôn luôn đỏ ngầu.

Kinh nghiệm là không nên đánh cọp nơi chật chội, tứ bề có cây cối. Cọp sợ con người. Bằng cớ là ở giữa đồng trống, mình cầm mác thét lớn là cọp chạy mất. Vì vậy, khi dân mình phá động rừng, cọp tản mác, kiếm nơi khác mà hùng cứ. Rạch Cái Bần này lần hồi còn sót lại được ông Mun.

- Tại sao ông Mun dám ở lại?

- Vì ông thuộc về lại cọp già, đã từng chống chọi nhiều phen với loài người. Cọp nhỏ thì đi. cọp già ở lại. Thứ già là thứ dữ. Mỗi rạch chỉ còn sót lại một hai ông. Dân trong xóm đều quen mặt nên đặt tên. Có hai ông, Ông Vện với Ông Mun. Vện là cọp đực. Ông Mun là cọp cái.

Trời đất dành riêng cho đôi cọp này số phận riêng. Trước hết xin nói về ông Mun.

Thường ngày ông tới lui vàm Xẻo Gừa - một xẻo nhỏ, có cây gừa to lớn, nhỏ gừa (rễ thòng xuống) buông xuống hàng trăm cây to bằng cổ tay, bằng cây cột nhà. Ông Mun ngủ sát gốc, chung quanh có nhỏ gừa che chở nhiều lớp.

Ông dạn lắm. Sáng đi, chạng vạng về. Tháng Tư năm đó, ông sanh được bốn ông Mun con...

Thật là khủng khiếp, lạ thường. Xưa nay, cọp sanh một hay sanh đôi là cùng. Ðàng này sanh tới bốn con. Dân làng nhìn nhau lắc đầu, tưởng tượng một ngày kia bốn ông Mun nhỏ lớn lên, sung sức.

Phải đối xử bằng cách nào?

Bắt bốn ông Mun con chăng? Chuyện đó rất dễ. Ông Mun mẹ thường đi tìm mồi, để bầy con bơ vơ ở gốc cây gừa. Nhưng mất con, ông Mun mẹ sẽ đổ quạu, trả thù, gây nhiều chuyện bất an cho xóm.

Lo xa rồi lại nghĩ gần, ông thầy Râu, ông Hương Văn Huệ, ông Tri Khách lừa bày ra một kế: bắt bớt ba, chừa lại một.

Thi hành xong, ba ông đem ba con cọp nhỏ về nhà. Xóm giềng rất đỗi vui mừng. Nhưng ba ông không yên trí, sợ ông Mun mẹ đánh hơi theo tìm con để trả thù...

Sau rốt, các ông mua nhang đèn về dựng bàn thờ trước nhà mà khấn vái:

- Xin trình cúng ông Mun được hay: Thói thường xưa nay một mẹ thì một con. Ðằng này, ông sanh tới bốn con. Dân làng chúng tôi lo sợ nên thừa lúc ông đi vắng có tới xin bớt ba con, chừa lại cho ông một con. Như vậy không mích lòng ông mà cũng không hẹp bụng chúng tôi.

Ông Mun về ổ, thấy mất con, gầm thét, rồi vài hôm sau dẫn đứa con còn lại đi đâu mất.

Bây giờ làm sao để nuôi ba ông cọp con nọ?

Cọp con hiền lắm, mình mẩy mềm mại, bò tới bò lui, cái lưng uốn éo như con mèo lớn. Tối ngày, mấy cậu cứ đòi sữa. Biết được chuyện ấy, mấy người đàn bà động lòng, xúm xít lại, đặt mấy cậu ngồi giữa bộ ván, ai nấy ngồi vòng quanh mà dòm ngó cho mãn nhãn. Các cậu đánh hơi rồi từ từ bò ngay lại người đàn bà nào có sữa để đòi bú. Bà chủ H. Cho bú thử. Kết quả, vài ngày sau vú sưng lên làm độc, đau sứt núm vú, bấy giờ thiên hạ càng lo ngại. Sau cùng, chở ba cậu ra chợ Rạch Giá để nạp cho quan phó chủ tỉnh. Ông phó tên Quitxy thưởng cho hai mươi lăm đồng bạc trắng.

- Còn ông Vện?

- Ông Vện có lẽ là chồng ông Mun cha của mấy cậu nọ. Phải chăng vì già nua bịnh hoạn mà ông Vện không theo vợ theo con. Buổi sáng đó người ta thấy ông Vện nằm dài trên bờ rẫy, sát mí rừng. Ban đầu ngỡ là ông ngủ trưa. Chừng mặt trời lên cao, ngạc nhiên làm sao, ông vẫn nằm ì không nhúc nhích. Thiên hạ xúm lại gần, lấy đất chọi thử rồi lấy cây dài đem chọc, chừng đó mới biết ông chết. Họ thui râu của ông, lấy thước đo ông dài một thước sáu. Người khác đòi, khiêng lên cân thử. Các bậc kỳ lão cản ngăn, cho rằng làm vậy là quá khinh thị mạt sát kẻ đã chết.

Rạch Cái Bần không còn cọp nữa. Các rạch khác cũng nỗ lực như vậy. Lần hồi, ghe xuồng đi thông thương ngày đêm từ ngọn Cái Cau đến vàm sông Cái Lớn. Câu hát thời xưa: "U Minh Rạch Giá thị quá sơn trường, Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp tha" không còn. Ghe xuồng tàu bè tấp nập, bọn sấu phải lui về vàm. Cũng thời câu hát xưa, thiên hạ sửa lại như vầy:

Bông sậy là nơi đã khai thác thành rẫy. Lòng dạ con người thơ thới hơn. Không còn sợ cọp, sợ sấu. Họ rảnh trí mà ngắm cảnh nhớ tình. Nhớ ai bây giờ? Trai nhớ gái. Vợ nhớ chồng. Người nay nhớ công ơn người xưa đã đánh cọp để tạo lập nên làng nên xóm. Họ không phải là thầy nghề võ, thầy bùa.

Chẳng qua là họ muốn sống nên phải ráng sức cùng nhau, mỗi người ráng một ít. Sự thật về chuyện đánh cọp Gò Quao là vậy. Nó dễ mà khó, khó mà dễ. Người đánh cọp thời đó không bao nhiêu, tên tuổi của họ không cần bia đồng tượng đá. Vậy mà về sau này có bao nhiêu người tự xưng là thầy đánh cọp thời xưa để hát thuật Sơn Ðông, bán thuốc trật gãy xương hoặc bán bùa Xiêm để dụ dỗ gái tơ.

Thiệt đáng trách biết chừng nào!