28/11/2023

Tự cảm

 Chả phải là bi quan và mặc cảm hay bất mãn, lo âu vì thái độ của người thân của ta, nhưng cứ nghĩ và ám ảnh: Sống thọ để làm gì khi không có ích nhỉ?

Đã sống đủ lâu để hưởng vị cuộc đời - bây giờ hưu thấy thừa, mà lại bận tâm suy ngẫm nên nản.

Tuổi tác vẫn biết là con số thôi, nhưng sống lâu mà chả làm gì cho đời, chật đất, tốn cơm thì có nghĩa chi?

Chứ sống dài rồi lại khổ mình, khổ người đâu hay vì đằng nào chả thế, 100 năm thọ mà chi?

Âu là đi sớm hòng còn chút tiền còm để lại có lẽ tốt hơn mà lại được chút ít nhớ thương ấy chứ?

Mọi thứ chỉ là bụi mà thôi.


Luôn tự nhắc Ta

 Nhìn và ngẫm thôi



1. TÍCH ĐỨC TỪ LỜI NÓI

Lời nói cần phải thể hiện sự khoan dung độ lượng đối với người khác.
Lời nói thẳng: Có thể chuyển sang cách nói “vòng, nói giảm, nói tránh” một chút.
Lời nói lạnh như băng: Hãy hâm nóng lên một chút trước khi nói.
Lời nói phê bình người khác: Trước khi nói hãy chú ý cân nhắc đến lòng tự tôn của người nghe.
Một lời khen ngợi đúng lúc có giá trị ngàn vàng.


2. TÍCH ĐỨC TỪ ĐÔI TAY
Học cách ca ngợi, vỗ tay tán thưởng người khác.
Mỗi người đều cần tiếng vỗ tay của người khác bởi vì ủng hộ, khen ngợi người khác là điều cần có ở mỗi người.
Không biết vỗ tay, khen ngợi người khác thì đời người thực sự quá nhỏ hẹp.
Cho người khác tiếng vỗ tay kỳ thực là cho chính bản thân mình.


3. TÍCH ĐỨC TỪ GIỮ THỂ DIỆN CHO NGƯỜI KHÁC
Ở một số tình huống việc “không nể mặt” là một thái độ vô lễ lớn nhất.
Người phương đông rất xem trọng thể diện vì vậy ở bất cả thời điểm nào cũng nên giành cho người khác một “lối thoát” để giữ thể diện.
Nhìn thấy rõ một người cũng đừng nên chỉ thẳng ra, hãy lựa lúc mà nói.
Hãy nhớ đừng bao giờ làm tổn thương thể diện của người khác bởi hậu quả của nó là khôn lường.
Trong một số tình huống, vạch trần người khác là một cái tội đẩy người ta đến đường cùng.


4. TÍCH ĐỨC TỪ VIỆC TÍN NHIỆM NGƯỜI KHÁC
Người có tính đa nghi trời sinh thì khó có người bạn chân thành.
Được người khác tin tưởng, tín nhiệm là một loại hạnh phúc.
Người có bao nhiêu tín nhiệm thì sẽ có bấy nhiêu cơ hội thành công.
Người xưa nói: “Đã nghi ngờ người thì không kết giao, đã kết giao thì không nên nghi ngờ người.”


5. TÍCH ĐỨC TỪ VIỆC CHO NGƯỜI KHÁC SỰ THUẬN LỢI
Cho người khác được lợi cũng chính là làm lợi cho mình.
Thời điểm người khác cần bạn nhất, hãy sẵn sàng cho họ một bờ vai để nương tựa.
Suy nghĩ cho người khác cũng chính là suy nghĩ cho bản thân mình.


6. TÍCH ĐỨC TỪ VIỆC GIỮ LỄ TIẾT
Người có lễ tiết đi khắp thiên hạ cũng khó có người trách mắng, không ưng ý.


7. TÍCH ĐỨC TỪ TÍNH CÁCH KHIÊM NHƯỢNG
Người xưa nói: Người kiêu căng ngạo mạn, thích thể hiện tài năng thì đi đâu cũng có kẻ địch.
Tránh khoe khoang tài năng của mình mọi lúc mọi nơi.
Buông bỏ kiêu căng, giảm bớt tự kỷ.
Không nên ở trước mặt người đang thất ý mà đàm luận về đắc ý của mình.
Làm người, trước là đừng khoa trương tùy tiện, sau đừng đắc ý, nên khiêm nhượng một chút.


8. TÍCH ĐỨC TỪ VIỆC HIỂU NGƯỜI KHÁC
Mọi người, ai cũng mong muốn người khác hiểu và thừa nhận mình.
Hiểu người khác cũng chính là một cách đem lại lợi ích cho người khác.
Đổi vị trí để hiểu người khác.


9. TÍCH ĐỨC TỪ VIỆC TÔN TRỌNG NGƯỜI KHÁC
Đem lòng tự tôn của người khác đặt ở vị trí cao nhất.
Cố gắng để người khác cảm nhận thấy sự tôn nghiêm của bản thân mình.
Tôn trọng người yếu kém hơn mình càng là đáng quý.
Địa vị càng cao thì càng không thể khinh thường người khác.


10. TÍCH ĐỨC TỪ VIỆC GIÚP ĐỠ NGƯỜI KHÁC
Ở vào thời khắc quan trọng, ai mà không hy vọng có người trợ giúp mình?
“Vì người khác” sẽ luôn luôn chiến thắng “vì mình”.
Lòng tốt sẽ luôn luôn được người khác khắc sâu, nhớ kỹ.
Khi giúp đỡ người khác cũng phải tìm cách để đối phương vui cười mà tiếp nhận.


11. TÍCH ĐỨC TỪ VIỆC THÀNH THẬT VỚI MỌI NGƯỜI
Không thành thật sẽ khó tồn tại, người giả dối tất sẽ không có bạn chân thành.
Luôn lấy thành tín làm gốc, coi trọng thành tín trong mọi mối quan hệ.
Dùng thành tín thu phục người khác, sẽ dễ đạt được thành công.
Một người nếu như mất đi sự thành thật thì làm việc gì cũng khó.
Bất kể lý do gì cũng không thể giải thích được lý do sự giả dối của bản thân.


12. TÍCH ĐỨC TỪ VIỆC BIẾT CẢM ƠN NGƯỜI
Cảm ơn là một cách ngợi ca cuộc đời.
Trong cuộc sống, lời cảm ơn kịp thời sẽ khiến mọi người thân thiện với nhau hơn.
Cảm ơn đối thủ là một cách thể hiện của người có chí khí.


13. TÍCH ĐỨC TỪ LÒNG NHÂN ÁI CỦA BẢN THÂN
Mỗi người đều nên tu dưỡng lòng nhân ái trong mình. Bởi người có tấm lòng nhân ái luôn sống nhẹ nhàng mà lại dễ dàng nhận được sự hợp tác từ người khác.


14. TÍCH ĐỨC TỪ VIỆC MỈM NGƯỜI VỚI NGƯỜI KHÁC
Không có ai cự tuyệt một nụ cười chân thành cả!
Mỉm cười là phương thức kết nối hữu hiệu giữa con người với con người.
Dùng nụ cười để ứng phó với sự “khiêu chiến” của đối thủ mới thực là cao nhân.


15. TÍCH ĐỨC TỪ LÒNG KHOAN DUNG
Không thể khoan dung người khác có thể là bởi vì lòng dạ của mình còn quá nhỏ hẹp!
Dùng khoan dung có thể cải biến một con người lầm lỗi.
Người có lòng khoan dung sẽ dễ dàng chiếm được lòng người khác.
Hãy học cách tha thứ khuyết điểm của người khác.
Đôi lúc, một quan hệ tốt đẹp là từ nhẫn mà sinh ra đấy!


16. TÍCH ĐỨC TỪ LÒNG LƯƠNG THIỆN
Không có ai là không muốn làm bạn, làm hàng xóm hay hợp tác với người có tấm lòng lương thiện.
Người lương thiện có thể thu phục người khác. Chớ thấy việc thiện nhỏ mà không làm.


17. TÍCH ĐỨC TỪ SỰ BIẾT LẮNG NGHE
Người xưa có câu: “Nhìn nhiều, nghe nhiều và nói ít”. Người biết lắng nghe thường được lòng người khác bởi lắng nghe là một cách lấy lòng người khác tốt nhất.

 


Mỳ hủ tiếu Chợ Lớn

 Sài gòn nhỏ


Từ lâu rồi, món hủ tiếu (hay “hủ tíu”) được xem như là đặc sản của cả miền Nam chứ không riêng gì Chợ Lớn. Có nhiều trường phái hủ tiếu khác nhau như hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Sa Đéc, hủ tiếu Mỹ Tho, hủ tiếu mì của người Hoa Chợ Lớn cho tới hủ tiếu gõ bình dân đầu ngõ – món ăn ngon, rẻ, chắc bụng của người lao động nghèo. Mỗi trường phái có một nét độc đáo riêng mà trong đó trường phái nhiều chủng loại nhất chính là hủ tiếu mì của người Hoa Chợ Lớn.

Một tiệm mì kiếng kiểu xưa ở Chợ Lớn (ảnh: Eric RAZ/Gamma-Rapho via Getty Images)

Người Hoa ăn hủ tiếu mì cũng như người Việt ăn phở. Nhiều lúc tôi cũng không dám chắc rằng mình ăn phở nhiều hơn hay hủ tiếu mì nhiều hơn. Lúc nhỏ tôi cứ thắc mắc cái tên “hủ tiếu mì” từ đâu mà có. Hai chữ “hủ tiếu” chắc chắn không phải là tiếng Quảng Đông vì người Quảng Đông gọi “hủ tiếu mì” là “phảnh mìn” (粉麵- âm Hán Việt là “phấn miến”).

Theo Wikipedia, hủ tiếu bắt nguồn từ chữ “粿條” (âm Hán Việt là “quả điều”) mà tiếng Triều Châu đọc là “kway teo”, người Việt mình đọc trại ra là “hủ tiếu”. Những người miền Nam lớn tuổi như bà ngoại tôi lúc sinh thời còn gọi là “củ tíu” hoặc “củi tíu” chứ không gọi là “hủ tiếu” như ngày nay. Điều này càng khẳng định một điều là “hủ tiếu” hay “củ tíu/ củi tíu” chính là âm đọc trại của “kway teo” mà ra. Còn “mì” là âm đọc trại của chữ “mee” trong tiếng Triều Châu. Như vậy “hủ tiếu mì” theo cách gọi của người Việt Nam chính là đọc trại từ “kway teo mee” của tiếng Triều Châu chứ không phải là theo cách đọc “phảnh mìn” của người Quảng Đông.

Đặc điểm nhận dạng của một quán hủ tiếu mì kiểu người Hoa trong Chợ Lớn chính là chiếc xe kiếng được trang trí bằng bức tranh vẽ trên kiếng những tích truyện Tàu như Tam anh chiến Lữ Bố, Quan Công phò nhị tẩu, liên hoàn kế, Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê… được ghép cạnh nhau thành một bức tranh liên hoàn.

Mỗi bức tranh đều có chú thích bằng chữ Hoa (đôi khi cả tiếng Việt) tóm lược về tích truyện được vẽ. Hồi nhỏ sống với bà ngoại, tôi được bà kể cho nghe những điển tích trong truyện Tàu nên tôi nhận ra hầu hết những tích được vẽ trên xe kiếng hủ tiếu mì. Mỗi lần đi ăn hủ tiếu, tôi thích chọn ngồi gần xe hủ tiếu để vừa ăn vừa ngắm những bức tranh kiếng vừa tưởng tượng đến những điển tích trong tranh vẽ. Đó là một cái thú mà có lẽ chỉ có đi ăn hủ tiếu mì mới có được.

Mì má heo (ảnh: baokiengiang.vn)

Các quán hủ tiếu mì truyền thống ở Chợ Lớn được phân ra ba đẳng cấp theo một quy luật ngầm bất thành văn. Đầu tiên là những xe kiếng bán dạo, cứ tối đến là lại chọn một góc phố nào đó mà đứng, bày mấy cái bàn inox và mấy chiếc ghế con. Những xe này không treo bảng hiệu. Người ăn cứ quen khẩu vị mà tìm đến. Có những chiếc xe đã đứng ở một góc đường nào đó trong Chợ Lớn gần nửa thế kỷ, trải qua mấy thế hệ chủ, mà vẫn có khách quen đến ăn.

Loại thứ hai là những quán hủ tiếu nhỏ bán trong nhà, có thể có hoặc không có bán điểm tâm được gọi là “mì gia”. Tên quán thường gồm hai chữ và có chữ “Ký”. Có tiệm thì viết tên theo âm Hán Việt bên cạnh chữ Hoa như Tuyền Ký, Lâm Ký, Vĩnh Ký. Cũng có tiệm ghi thẳng phiên âm tiếng Quảng Đông bằng tiếng Việt như Phoóng Ký (âm Hán Việt là Phương Ký) hay Dậu Ký (Hữu Ký).

Cuối cùng là những quán to và sang trọng gần như một nhà hàng, bán nhiều loại hủ tiếu và điểm tâm khác nhau. Thực khách ở những quán này thường là đi với gia đình hoặc bằng hữu, vừa ăn hủ tiếu mì vừa ăn các món điểm tâm há cảo xíu mại và ngồi nhẩn nha uống trà tán gẫu hết nguyên buổi sáng. Đây là những quán tên ba chữ và cuối cùng thường kết thúc bằng chữ “Viên” như “Đông Hưng Viên”, “Tân Lạc Viên”, “Quảng Huê Viên”…

Mì hoành thánh (ảnh: VOV)

Kéo mì cũng lắm công phu

Hai thành phần chính của món “hủ tiếu mì” là hủ tiếu và mì. Hủ tiếu của người Hoa thường ăn là loại cọng lớn như bánh phở và mềm nên thường được người Việt gọi là hủ tiếu mềm, để phân biệt với loại hủ tiếu cọng nhỏ ăn dai dai thành phần chính của món hủ tiếu Nam Vang hay hủ tiếu Mỹ Tho.

Có người cho rằng hủ tiếu là biến thể của món mì, khi không có bột mì để làm nên sợi mì thì phải làm bằng bột gạo. Hủ tíu có thể đặt mua ở các lò làm bánh phở hay bún, nhưng mì thì thường được các xe hủ tíu mì làm tại chỗ. Mì thường làm bằng bột mì trộn với trứng gà để tạo độ dai và mùi thơm và kéo thành sợi dài và sau đó quấn thành vắt hình quả trứng. Mỗi tiệm mì có một bí quyết kéo mì khác nhau để tạo thương hiệu riêng.

Làm mì hay còn gọi là “kéo mì” là cả một nghệ thuật, đòi hỏi sức khỏe, sự khéo tay và nhanh nhẹn chính xác. Người kéo mì sẽ nhào một cục bột mì to khoảng 1-2 kg, sau đó dùng tay kéo dài nó ra rồi gấp đôi lại, rồi lại chà thêm một lớp bột mì khô bên ngoài để những sợi mì không dính lại với nhau. Cứ mỗi lần kéo vào gấp đôi lại, cục bột sẽ dài hơn và mỏng đi cho tới lúc biến thành những sợi mì vừa dài vừa mảnh.

Ảnh: VOV

Thỉnh thoảng cao hứng, sư phụ kéo mì lại tung cục bột mì đang kéo lên cao để nó quay vòng vòng trên đầu rồi lại chụp lấy và kéo tiếp. Nói thì lâu chứ làm thì rất nhanh. Đôi tay người làm mì cứ thoăn thoắt kéo bột, chập bột rồi lại kéo, lại chập, chẳng mấy chốc cục bột to tướng đã trở thành những sợi mì. Sau đó là đến công đoạn cắt mì và quấn lại thành từng vắt và phủ lên đó một lớp bột mì sống để cho các vắt mì đừng dính vào nhau, rồi xếp vào ngăn tủ kính trên xe mì. Đó gọi là mì tươi, khách ăn tới đâu thì làm tới đó và buộc phải bán hết trong ngày. Nếu để qua đêm thì sẽ mất vị ngon.

Do việc làm mì tươi đòi hỏi nhiều công sức kỹ thuật cũng như khó bảo quản nên một số xe mì dùng vắt mì khô để thay thế. Những vắt mì khô cũng được làm từ cùng nguyên liệu là bột mì trộn trứng nhưng lại được kéo bằng máy trong các lò sản xuất công nghiệp và sau đó được sấy khô, đóng vào bao ni lông đem bán ở các cửa hàng đồ khô ở chợ. Dĩ nhiên mì khô không thể nào sánh được với mì tươi làm tại chỗ về độ thơm ngon. Người sành ăn vừa cắn vào cọng mì có thể nhận ra ngay đó là mì tươi hay mì khô.

Người ăn hủ tiếu mì sành điệu chỉ thích những quán có làm mì tươi chứ không bao giờ ăn mì khô thương phẩm bán trong túi ni-lông ngoài chợ. Khi luộc lên trong nước lèo, cọng mì có màu vàng óng, hơi trong và ăn dai dai sần sật và thơm mùi trứng. Còn mì khô không có đặc điểm này, đã vậy còn rất dễ nát nếu trụng nước sôi quá tay.

Thế giới hủ tiếu mì

Thế giới hủ tiếu mì người Hoa rất phong phú và đa dạng với mì xá xíu, mì thập cẩm, mì hoành thánh, hủ tiếu cá, hủ tíu bò viên, hủ tíu gà xé, hủ tíu mì sườn… Cũng giống món phở của người Việt, “linh hồn” của món hủ tiếu mì chính là nồi nước lèo được nấu nhiều giờ bằng xương heo hay xương gà và khô mực để lấy nước ngọt.

Nước dùng của loại này thường trong và vị ngọt thanh. Khi ăn, người ta trụng hủ tiếu và mì vào nước sôi cho chín rồi bỏ vào tô, xếp thịt, cá, tôm, gan, cật… lên trên, rắc thêm hành lá, hẹ, tóp mỡ rồi chan nước lèo vào. Tùy theo sở thích mà người ăn có thể chỉ ăn mì hoặc ăn hủ tiếu hoặc ăn cả mì lẫn hủ tiếu. Sợi mì vàng, dai dai và thơm mùi trứng còn sợi hủ tiếu thì trắng và mềm khi ăn chung với nhau tạo nên một khẩu cảm đối lập khá thú vị.

Mì cật (ảnh: Thanh Niên)

Biến thể của hủ tiếu mì nước là hủ tiếu mì khô, với mì riêng và nước lèo riêng. Với kiểu ăn này thì người bán sẽ trộn dầu hàu, nước tương, dầu mè vào tô hủ tiếu mì đã trụng nhưng không chan nước lèo, còn nước lèo thì được đựng trong một chén riêng để người ăn chan vào từ từ hoặc húp riêng ở ngoài. Nhiều người thích ăn hủ tiếu mì theo cách này vì sợi mì được trộn với dầu hào có vị rất đậm đà và dai hơn mì nước, vì không bị ngâm trong nước lèo quá lâu.

Khác với cách ăn phở hoặc bún của người Việt, người Hoa ăn hủ tiếu mì nước trong không bỏ rau sống, giá hay chanh mà chỉ bỏ vài lá xà lách và nhiều hẹ vào để hút bớt chất dầu mỡ. Các quán bán hủ tiếu mì ở Sài Gòn sau này do để phục vụ khẩu vị của thực khách người Việt nên để thêm rổ rau giá sống, chanh tươi cắt lát và thậm chí chai nước mắm để người ăn nêm nếm. Riêng tôi, tôi không bao giờ nêm nếm tô hủ tiếu mì của mình bằng nước mắm hay vắt chanh vào vì như vậy thật sự rất trái vị.

Nói về gia vị để nêm nếm khi ăn hủ tiếu mì, trên các bàn ăn trong quán hủ tiếu mì luôn có bốn hũ: Xì dầu, dấm đỏ, sa tế và ớt ngâm. Xì dầu và dấm đỏ được đựng trong hũ thủy tinh có nắp nhựa màu xanh lá cây và màu đỏ đục hai lỗ ở hai đầu – xanh là xì dầu, còn đỏ là dấm. (Hồi còn nhỏ, tôi luôn thắc mắc tại sao trên nhãn nước tương Nam Dương hiệu con mèo đen có ghi chữ “tàu vị yểu”. Người Quảng Đông gọi nước tương là “xì dầu”, là cách nói tắt của từ “tầu xì dầu” (dầu đậu tương) mà ra, và “tàu vị yểu” có thể lại là một cách đọc trại của “tàu xì dầu” chăng?)

Còn sa tế và ớt ngâm thì đựng trong hũ sành trắng viền xanh có muỗng nhỏ để múc. Người ăn có thể rót nước chấm thẳng vào trong tô của mình hoặc cầu kỳ hơn thì rót mỗi thứ một chút ra một cái đĩa nhỏ rồi dùng đũa trộn đều với nhau rồi gắp thịt chấm vào đĩa. Ăn hủ tiếu mì mà thiếu xì dầu, dấm đỏ và sa tế cũng như ăn bún bò thiếu ớt khô hay bún riêu thiếu mắm tôm vậy. Một thứ gia vị nữa không thể thiếu của hủ tiếu mì là tóp mỡ (tiếng Quảng Đông gọi là “chúy dầu cha”).

Tóp mỡ là thứ không nên thiếu trong một tô hủ tiếu mì tàu (ảnh: Thanh Niên)

Mỡ mua về được xắt hạt lựu sau đó thắng ra lấy nước mỡ, còn riêng cái phần tóp mỡ giòn giòn béo ngậy thì luôn được giữ lại, dùng để rắc vài cục lên tô hủ tiếu mì. Vì lý do sức khỏe, nhiều người bây giờ yêu cầu không cho tóp mỡ vào tô của họ nhưng ăn hủ tiếu mì mà thiếu tóp mỡ thì cái sự thú vị cũng giảm đi đáng kể.

27/11/2023

Tu Phật

 


Một người đến tu viện.

Thiền sư hỏi: “Ông muốn làm gì ở đây?”

Người đàn ông trả lời: “Tôi đến để tu Phật.”

Thiền sư trả lời: “Phật không có hỏng, không cần ông tu sửa, ông tốt hơn là tự tu sửa chính mình.”

Cảm ngộ: Tu là sửa mình, không phải sửa người.

25/11/2023

Công năng của Đại Bi Chú đối với Phật tử hành Thiền


Cửa Phật có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn, một người học Phật dù cố gắng hành trì, tu tập trải qua hằng hà sa số kiếp cũng không dễ gì có thể lĩnh hội hết tất cả nội dung phong phú đó huống là chỉ một đời người.

Cho nên, tùy theo căn cơ, duyên nghiệp, một khi đã phát tâm đi vào con đường giải thoát, hành giả hoặc nhờ phúc duyên được chư Phật, chư Bồ Tát độ trì dẫn dắt, hoặc do minh sư chỉ bảo, mỗi người cần nên tự chọn cho mình một pháp môn để tu tập.

Có rất nhiều pháp môn tu học phổ biến trong đại chúng hiện nay như Tịnh Độ, Mật Tông, Thiền Định… Pháp môn tuy có thể khác nhau, nhưng một khi đã tự xem mình là trưởng tử của Như Lai, hạnh nguyện của mỗi hành giả đều giống nhau, đó là noi theo ánh sáng của chư Phật, quyết tâm xé bỏ bức màn vô minh, đạp qua nẻo luân hồi sinh tử để đi vào con đường giải thoát, tiến đến đạo qủa bồ đề, hầu mang lại an vui, phúc lợi không những cho riêng mình mà còn cho toàn thể chúng sinh.

Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ”, đó là tâm nguyện chung của một người mang hạnh nguyện Bồ tát vào đời, dù khoác trên mình chiếc áo tăng sĩ hay hàng tại gia cư sĩ.

Nhưng một người dù có thiện tâm, hảo ý đến bao nhiêu mà không có khả năng thực hiện được ý nguyện của mình thì thiện tâm hảo ý cũng trở thành vô ích.

Như một người trông thấy kẻ bị nạn sắp chết đuối dưới dòng nước chảy xiết, nhảy xuống định cứu, thế nhưng bản thân mình lại không biết bơi, chẳng những đã không cứu được người, vừa thiệt thân mạng mình một cách vô ích, lại còn gây trở ngại thêm cho công tác cứu hộ.

Cho nên, muốn độ người trước hết phải độ ta, có nghĩa là phải xét xem ta có đủ khả năng, tư cách để độ người hay không? Muốn thế mỗi người phải luôn tích cực, tinh tấn tu tập không ngừng nghỉ mới có thể từng bước tiến dần đến ánh sáng giác ngộ.

Có thể nói một cách khẳng định rằng, để đạt được cứu cánh giác ngộ không có con đường tu tập nào khác hơn ngoài con đường Thiền định.

Chư Phật, chư Bồ Tát, các vị chư Tổ cũng đều đã phải trải qua con đường đó.

Chính Đức Thế Tôn đã từng nhấn mạnh đến lợi ích quan trọng của thiền định: “Thiền định là phương tiện duy nhất để thanh tịnh nội tâm, tiêu trừ phiền não.” (Samyutta, 16:13 – Tạp A Hàm), và chính Ngài cũng đã trải qua 49 ngày đêm thiền định rốt ráo trước khi chứng đạt được đạo quả bồ đề.

Chúng ta, những người học Phật, dĩ nhiên cũng không có một lựa chọn nào khác hơn.

Tuy nhiên, một vấn nạn lớn đặt ra cho những người mới tập tễnh bước chân vào cửa Thiền, là làm sao tìm ra cho mình một phương pháp thích ứng để con đường tu chứng của mình mau đạt được kết quả mà không bị lạc lối trong rừng Thiền mênh mông, chẳng những đã không đạt được cứu cánh giác ngộ mà đôi khi lại còn có thể bị rơi vào con đường ma đạo.

Muốn học đạo phải tìm thầy. Có rất nhiều minh sư ở khắp mọi nơi để Phật tử có thể tìm đến tham cầu, nhưng nếu vì một lý do nào đó mà hành giả không có cơ duyên hay phương tiện để gặp gỡ họ, thì xin hướng dẫn qúy vị đến gặp một vị Đại minh sư, một “Người” rất quen, luôn luôn gần gũi bên cạnh chúng ta, luôn luôn lắng nghe những lời khẩn cầu của chúng ta với tất cả sự quan tâm và tấm lòng thương yêu rộng lớn để sẵn sàng giúp đỡ mà không cần đòi hỏi một điều kiện thù đáp nào.

Vị minh sư đó không ai khác hơn là Đức Bồ Tát Quán Thế Âm và với phương tiện thiện xão của Ngài, thần chú “Thiên Thủ Thiên Nhãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà Ra Ni” (Đại Bi Chú), sẽ giúp đỡ cho bất cứ ai khi trì tụng Thần chú này đúng phương pháp chắc chắn sẽ mau chóng bước chân vào cõi Thiền, cũng như đạt được mọi điều sở nguyện.

Như người cùng tử, suốt một đời rong ruổi ngược xuôi, đến khi mang chiếc thân tàn trở về lại ngôi nhà cũ của Cha mình mới khám phá ra viên ngọc vô giá trong chiếc áo rách nát tả tơi theo năm tháng mà ngày xưa người cha vì lòng yêu thương đã khâu vào trước khi đứa con bỏ nhà đi hoang.

Thần chú Đại Bi, chính là viên ngọc vô giá đó và hôm nay, như người cùng tử năm xưa, chúng ta bất ngờ khám phá lại kho tàng không những sẽ làm giàu có, phong phú cho tâm hồn đang khô kiệt của chúng ta, mà còn là chiếc chìa khóa mở cho ta vào cánh cửa thênh thang của đạo quả giác ngộ, vô thượng bồ đề.

 



Nhà thờ đá Phát Diệm (dành cho những ai chưa đến được)

   Nhà thờ đá Phát Diệm được xây dựng từ năm 1875-1898, là một nhà thờ đẹp và độc đáo bậc nhất Việt Nam.
   Những bức ảnh trong và trên gác chuông nhà thờ không tìm thấy để đưa lên - thật tiếc.
Đây là một quần thể kiến trúc gồm 1 nhà thờ lớn, 5 nhà thờ nhỏ cùng nhiều công trình khác trên khuôn viên rộng 22ha ở thị trấn Phát Diệm, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Nét độc đáo của nhà thờ là phong cách kiến trúc mô phỏng đình chùa của người Việt cùng chất liệu xây dựng chủ yếu là đá và gỗ.
Công trình đầu tiên trong khuôn viên nhà thờ là tòa Phương Đình, một công trình kiến trúc cao 25m, rộng 17m, dài 24m gồm ba tầng được xây dựng bằng đá phiến, được trang trí bằng nhiều tượng và phù điêu khắc chạm trên đá hình ảnh chúa Jesus và các vị thánh với những đường nét thanh thoát.
Phía sau tòa Phương Đình là nhà thờ lớn. Nhà thờ này được xây dựng từ năm 1891 với tên chính thức là Nhà thờ Đức Mẹ Mân Côi, nay là nhà thờ Chính tòa của vị Giám mục Phát Diệm. Nhà thờ dài 74m, rộng 21m, cao 15m, có bốn mái và có năm lối vào dưới các vòm đá được chạm trổ.
Trong nhà thờ lớn có 6 hàng cột gỗ lim nguyên khối, hai hàng cột giữa cao tới 11m, chu vi 2,35m, mỗi cột nặng khoảng 10 tấn. Gian thượng của thánh đường có một bàn thờ lớn làm bằng một phiến đá nguyên khối dài 3m, rộng 0,9m, cao 0,8m, nặng khoảng 20 tấn.
Mái của nhà thờ lớn và Phương Đình đều không cao vút kiểu ngọn tháp như những nhà thờ Công giáo phương Tây truyền thống mà là dạng mái cong thấp như mái đình, mái chùa của người Việt.
Mỗi mặt bên trái và bên phải của nhà thờ lớn lại có 2 nhà thờ nhỏ nằm liền kề, gồm nhà thờ Thánh Phêrô, nhà thờ Thánh Giuse, nhà thờ Thánh Bôcô và nhà thờ Trái tim Chúa Jesus. Mỗi nhà thờ có một thiết kế khác nhau, cả về ngoại thất lẫn nội thất.
Đặc biệt, nằm phía sau khuôn viên nhà thờ Phát Diệm còn có một nhà thờ làm hoàn toàn bằng đá, từ nền, tường, cột, chấn song cửa với các phù điêu trang trí rất sinh động... Nhà thờ này được khởi công xây dựng từ năm 1883 với tên nguyên thủy là Nhà nguyện Trái tim Vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ.
Phía trước nhà thờ là một hồ nước hình chữ nhật. Giữa hồ có một hòn đảo được bài trí công phu bằng cây cảnh và non bộ. Trung tâm của đảo là tượng Chúa Jesus.
Nhà thờ Phát Diệm có tất cả 3 hang đá nằm cách nhau khoảng 100m, được tạo bằng những khối đá lớn nhỏ khác nhau giữ nguyên dáng vẻ tự nhiên. Trên các hang đá bài trí nhiều tượng thánh.
Các tác phẩm điêu khắc đá ở nhà thờ Phát Diệm đã đạt đến sự hoàn mỹ, thể hiện tài năng của những người thợ làm đá Ninh Bình từ hơn 1 thế kỷ trước.
Bên cạnh đó, nghệ thuật điêu khắc gỗ cũng góp phần làm nên giá trị kiến trúc độc đáo của nhà thờ.
Hiện nay, tỉnh Ninh Bình và các nhà nghiên cứu Nhật Bản đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị UNESCO công nhận nhà thờ đá Phát Diệm là Di sản văn hóa thế giới.

24/11/2023

Người thông minh thường ít bạn

 


Sau khi phân tích kết quả của các nghiên cứu, nhà tâm lý học Satoshi Kanazava thuộc của Trường Kinh tế London và Norman Li thuộc Đại học Quản trị Singapore, đã đi đến một số kết luận:

Thứ nhất, như một quy luật, những người sống ở các khu vực đông dân cư cảm thấy ít hạnh phúc.

Thứ hai, để cảm thấy hạnh phúc, chúng ta cần liên lạc thường xuyên với bạn bè.

Thứ ba, những người có trí thông minh cao lại ngoại lệ với các quy tắc trên.

Người có chỉ số IQ càng cao thì càng ít giao tiếp. Những người có trí thông minh cao thường có ít bạn bè. Não của người thông minh có một sự khác biệt trong cách xử lý thông tin giao tiếp.

Những người thông minh dường như sống trong thế giới nhỏ bé của riêng mình. Hầu hết các thiên tài đều cô đơn, ít người hiểu và chấp nhận điều đó. Người thông minh nhiệt tình với những điều quan trọng đối với họ hơn là việc giao tiếp cộng đồng.

Những người thông minh dành phần lớn thời gian của họ để đạt được mục tiêu dài hạn. Họ tìm thấy niềm hạnh phúc trong những hoạt động có mục đích.

Một nhà khoa học làm công việc nghiên cứu một vắc-xin ung thư hay một nhà văn đang viết một cuốn tiểu thuyết không cần tương tác thường xuyên với những người khác. Đó là bởi vì việc này có thể làm sao lãng hoạt động chính của họ, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cảm giác của họ về hạnh phúc và phá vỡ sự hài hòa nội tâm của họ.

Nói chung, người thông minh có nhiều khả năng thích nghi. Đó là lý do tại sao những người thông minh có thể dễ dàng sống theo các quy tắc của riêng mình mà không cần gắn bó nhiều với cộng đồng. Trí thông minh cao mang lại cho họ sự tự do, để không phải dựa vào người khác và dễ dàng đạt mục tiêu của mình một cách độc lập.

21/11/2023

Người với Người sống Phải Thương Nhau




Trong cuộc sống, đôi khi vì vô tình chúng ta đã làm những việc không nên mà phạm những sai lầm để phải hối tiếc cả đời.
Trải qua những kinh nghiệm này, người xưa đã để lại những lời dạy giúp người đời sau không phải hối tiếc vì những sai lầm không đáng có. Hãy cùng nhớ kỹ những điều dưới đây.

Đối nhân xử thế


Đối với người khác:
Tuyệt đối không được ngạo mạn, châm biếm, chế giễu họ. Người xưa cho rằng, người luôn ngạo mạn, cho rằng mình hơn người là người chưa trưởng thành, trí huệ không cao.
Giữa bạn bè, điều tối kỵ là nghi ngờ vô căn cứ.
Nghi ngờ vô căn cứ là điều khiến mọi người dễ dàng xa nhau. Bạn bè không có lòng tin tưởng tuyệt đối sẽ rất khó duy trì được mối quan hệ tốt đẹp.
Trong gia đình:
Điều khuyết thiếu lớn là không có quy tắc, gia quy. Từ xưa đến nay, những gia tộc lớn, hiển vinh đều là những gia tộc có gia quy đúng đắn, rõ ràng. Con cháu trong gia tộc đều tuân theo gia quy một cách cẩn thận và kính trọng.
Đối với con cái:
Tuyệt đối không dùng lời nói nhiếc móc, rỉa rói người già. Khổng Tử nói rằng, việc hiếu thảo khó khăn nhất của con cái đối với cha mẹ chính là việc giữ được nét mặt vui tươi. Cha mẹ nhìn con cái có nét mặt khó khăn, sao có thể vui được, huống chi phải nghe những lời nhiếc móc?
Người già lại dễ tủi thân, động lòng, cho nên chỉ một lời nói, vô tình có thể khiến cha mẹ tổn thương và dẫn đến cái kết không hay.
Việc hiếu thảo khó khăn nhất của con cái đối với cha mẹ chính là luôn giữ được nét mặt vui tươi.
Đại kỵ giữa vợ chồng 

Là sự coi thường đối phương. Người xưa cho rằng giữa vợ chồng phải “tương kính như tân”, luôn tôn trọng lẫn nhau. Trong cuộc sống, hai người ở cùng nhau lâu ngày, sẽ coi nhẹ việc “tôn trọng” lẫn nhau, họ cho rằng điều đó là không cần thiết. Nhưng đây lại là điều đại kỵ mà người xưa khuyên mọi người không nên mắc phải.
Đối với cha mẹ:
Không được quá cưng chiều con cái, đáp ứng mọi yêu cầu của con một cách vô điều kiện. Hãy cho con cái biết được rằng, mỗi một vật, mỗi một thứ mà cha mẹ cho con đều phải đổ mồ hôi mới có được để con biết quý trọng công sức của người khác. Thường xuyên cưng chiều con quá, trẻ sẽ cho rằng, những điều trẻ muốn là thứ đương nhiên cha mẹ phải đáp ứng.

Những đại kỵ trong nghề nghiệp

Đối với người làm quan: Điều đại ký tránh làm là lộng quyền
Đối với quan tòa: Tuyệt đối không được thiên vị
Đối với người làm kinh doanh: Điều tối kỵ là gian dối
Đối với người làm nghệ thuật: Điều đại ký là dung tục
Đối với thầy thuốc: Tham của cải là điều tối kỵ không nên để thân mắc phải
Đối với người dạy học: Qua loa, lấy lệ là đại kỵ
Đại kỵ trong làm việc chính là tùy tiện, bạ đâu làm đấy. Một người làm việc tùy tiện, không tuân thủ theo quy tắc thì sẽ rất khó để đạt được thành quả.
Đại kỵ đối với lỗi lầm chính là cố chấp
Không buông bỏ được. Trong cuộc đời, ai cũng không tránh khỏi việc phảm phải sai lầm dù nhỏ hay lớn. Cứ mãi canh cánh bên lòng mà không bỏ được xuống chi bằng hãy cải sửa để lần sau tránh phạm phải ?
Đại kỵ trong học tập chính là sự cẩu thả, khinh suất. Cẩu thả, khinh suất sẽ khiến con người khó đạt được sự thành công.
Cẩu thả, khinh suất sẽ khiến công việc không được hoàn thành thành tâm.

Những điều nên tránh trong hành vi

Trong ăn uống, điều tối kỵ một người cần ghi nhớ cả đời chính là sự vô độ, quá hạn độ. Một người ăn uống vô hạn độ không chỉ khiến bản thân bị ảnh hưởng xấu mà còn khiến cho dục vọng ăn uống ngày càng tăng, mất kiểm soát.
Trong lời nói, sự khoe khoang, thổi phồng là điều người xưa rất kỵ húy. Một người mà trong mỗi lời nói đều có sự thổi phồng, khoa trương sẽ khiến người khác mất lòng tin, lời nói không chân thật.
Trong sự nghiệp, điều đại tối kỵ chính là sự buông bỏ dễ dàng, vừa gặp khó liền buông bỏ ngay. Người như vậy sao có thể đạt được sự thành công?
Hãy nhớ, ta có lớn là nhờ cha mẹ bớt cơm, bớt áo. Đừng bao giờ ngạo mạn, châm biếm, hay từ chối họ.
Đạo làm người tới từ lòng biết ơn.