07/01/2017

Chuyến đi miền Trung cuối năm 2017

   Vì nhiều lý do, trong đó có phần lỗi kỹ thuật nên hôm nay, sau nửa tháng mới viết được về chuyến đi này.
   Những địa điểm sẽ tới trong chuyến đi lần này là niềm mong mỏi bấy lâu nay của mình. Nên khi cơ quan tổ chức chuyến đi mình mừng quá. 
   Từ thời học sinh phổ thông, qua sách vở; lúc trưởng thành thì được biết qua sách, báo, đài, TV rồi Thơ - Ca - Nhạc - Họa... mình đã biết về sự ác liệt của các cuộc chiến tranh ở vùng này. Ngay cả trước chuyến đi mình cũng đã tìm hiểu thêm về các thông tin địa điểm sẽ tới. Nhưng có vào đến nơi mới thấy sự khốc liệt, tàn bạo mà cuộc chiến đã tạo ra ở nơi mảnh đất này. 
   Ý nghĩ của mình là Đau và Buồn. Vẫn đã biết chính trị đã coi thường mạng sống của con người như cỏ rác nhưng không nghĩ là đến mức độ như vậy.
   Nói là đi miền Trung, nhưng lần này bọn mình chỉ đi đến các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị mà thôi. Đó là những nơi như: Ngã Ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, Hang Tám Cô.... Thật ra, đây chỉ là những địa điểm tiêu biểu của 3 tỉnh này mà thôi, chứ còn riêng tỉnh Quảng trị mình nghe nói có tới 72 nghĩa trang Quốc gia - Thật khủng khiếp. Người dân nơi này thường nói: Đi đâu cũng gặp các anh - Vì sức đâu mà quy tập hết, nên làm nhà, đào giếng... đều gặp rất nhiều hài cốt các anh (ở đây mình nói gồm cả binh sỹ  - liệt sỹ 2 bên).
   Chương trình của chuyến đi lẽ ra phải 4 ngày mới đủ, nhưng nén lại còn 3 ngày nên cả đoàn rất vất vả; thời gian ngồi trên ô tô quá nhiều, thường phải đến 12h và 19h đoàn mới về đến khách sạn. Và quan trọng nhất là một số điểm mình kỳ vọng được đến như sông Thạch Hãn, với bài thơ nổi tiếng của Lê Bá Dương (Dũng sỹ, Nhà thơ, Nhà báo...) Lời gọi bên sông được khắc ở bờ sông:


Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Tan chơ chiều xuôi đò có vội
Xin đừng khuấy đục dòng trong

thì không đến được; hay như di tích cây cầu Hiền Lương trên sông Bến Hải dù có đi qua cũng không dừng lại... 
   Mình tiếc quá, mấy khi có cơ hội đâu !!!
   Cũng may đoàn đóng đô ở Đồng Hới, khách sạn bên dòng sông Nhật Lệ, cạnh lũy Đào Duy Từ nên đã có cơ hội ra thắp hương ở tượng đài Mẹ Suốt, cửa biển Nhật lệ.





   Nhưng dù sao, chuyến đi này cũng thỏa nguyện Tâm mình - Vui lắm.
    Và đây là mấy tấm ảnh đã chụp trong chuyến đi này:
   Ngã Ba Đồng Lộc:
   Đây bây giờ là khu tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ của ngành Giao thông vận tải trong thới kỳ chống Mỹ. Cách đây hơn 40 năm, trưa ngày 24 - 7 - 1968, như mọi ngày 10 cô gái Thanh niên xung phong ra làm nhiệm vụ. 16h30', trận bom thứ 15 trong ngày dội xuống Đồng Lộc, một quả bom rơi xuống ngay sát miệng hầm, nơi các cô đang tránh bom. Tất cả đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, phần lớn trong số họ chưa lập gia đình.


Mười bát nhang hương cắm thế đủ rồi


Còn hương nữa hãy dành phần cho đất

Ngã xuống nơi này đâu chỉ có chúng tôi

Bao xương máu mới làm nên Đồng Lộc

Lòng tưởng nhớ xin chia đều khắp

Như cỏ trong thung như nắng trên đồi.




...Cần gì ư lời ai hỏi trong chiều


Tất cả chưa có chồng và chưa ngỏ lời yêu

Ngày bom vùi tóc tai bết đất

Nằm xuống mộ rồi mái đầu chưa gội được

Thỉnh cầu đất cằn cỗi nghĩa trang

Cho mọc dậy vài cây bồ kết

Hương chia đều trong hư ảo khói nhang.

Vương Trọng - 5/7/1995






   Nghĩa trang Trường Sơn:
   Chuyến này, Đoàn mình đi đúng những ngày mưa tầm tã, có lẽ mưa dữ nhất là ở đây, nơi có hơn một vạn mộ Anh hùng liệt sỹ  của khắp các tỉnh thành cả nước đã hy sinh khi mở đường, xây dựng và bảo vệ Đường mòn Trường Sơn được quy tập. 
   Ai cũng đều mong được thắp cho mỗi phần mộ một nén hương tưởng nhớ, nhưng không xuể đâu các bạn ạ - Gửi gắm các đồng chí đang trông coi ở nghĩa trang vậy.







Thành cổ Quảng trị:
   Đây là nơi diễn ra cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm của 2 bên (tại sao là 2 mà không phải là 4 thì nhờ các bạn hỏi pác Gúc gồ nhé). Không thể tượng tượng nổi, chỉ riêng máy bay B52 thôi nhé mà tới 60 lần 1 ngày rải thảm; và lượng bom thả xuống là 120 nghìn tấn (tương đương 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hirosima của Nhật Bản) chưa kể đạn pháo các cỡ của 2 bên...
   Khủng khiếp.
   Trận này mình nghĩ nó phải được sánh với trận Tour ở châu Âu năm 732 - Trận đánh mà các Sử gia đánh giá là 1 trong 15 trận đánh có ý nghĩa nhất trong lịch sử nhân loại.
   Và như vậy thì thịt xương nào còn nguyên vẹn cơ chứ. Hài cốt các anh đều bị vùi lấp... Tôi mới hiểu hơn ý nghĩa của bài hát Cỏ non Thành cổ do nhạc sỹ Tân Huyền sáng tácCái chết làm nên sự sống, máu xương đổ xuống và cỏ lên xanh, xanh đến không thể tin được nơi đây từng là chiến trường ác liệt nhất, đổ nhiều máu xương nhất...:


...Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ 
Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ. 

Cỏ xanh non tơ. cỏ xanh non tơ. 

Xin chớ vô tình với người hy sinh 

Trên mảnh đất quê mình.










Hang Tám Cô:
   Ngày 14 - 11 - 1972, bom Mỹ đánh vào đường 20, nơi có một đội thanh niên xung phong và một tiểu đội pháo đang đóng. Đội thanh niên xung phong gồm 8 người, 4 nam 4 nữ. Anh lớn tuổi nhất khi đó 37 tuổi, còn 7 người còn lại tuổi từ 18 đến 20. Để tránh bom Mỹ, 8 người đã vào trong một hang núi ngay bên cạnh đường để trú. Lúc đó, bầu trời đường 20 như vỡ vụn bởi tiếng gầm rú của động cơ máy bay và những trận bom. Không chỉ mặt đường 20 bị cày nát mà ngay cả những khối núi chung quanh cũng rung chuyển bởi những đợt bom. 
   Khi khói bụi tan đi, những đơn vị khác chiến đấu gần đó bàng hoàng nhận ra cửa hang Tám Cô đã bị một khối đá khổng lồ nặng hàng trăm tấn bịt kín. Chạy đến nơi thì họ chỉ nghe thấy văng vẳng tiếng kêu cứu của đồng đội phía sau tảng đá. Tảng đá đã ngăn cách bên ngoài với bên trong. Những người bên ngoài sau trận bom đã tìm thấy hang, nhưng không sao có thể mở được đường vào. Khối đá quá lớn.
   Họ chỉ biết lấy cây tre dài thông qua một chỗ hở để đưa nước uống và lương khô cho những người bị giam trong hang. Mỗi lần có xe qua, người ta lại tìm cách, kể cả dùng mìn phá đá, nhưng vô vọng.
   Sau 9 ngày, những người bên ngoài không còn nghe thấy tiếng kêu khóc bên trong nữa…..Nơi đó từ đó gọi là hang Tám Cô. Dù chỉ thực sự chỉ có 4 cô.
   Đến tận năm 1996, khi làm đường qua đây, hài cốt của 8 liệt sĩ mới được đưa ra khỏi cái hang oan nghiệt.
  Vũng Chùa - Đảo Yến:
   Đây là nơi an nghỉ cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên ngọn núi Thọ, mũi Rồng ở vùng biển Vũng Chùa – Đảo Yến thuộc dãy Hoành Sơn đâm ngang ra biển.






   Đây là nơi linh thiêng nên việc bảo vệ rất cẩn trọng; mọi người đến viếng chỉ được đem 1 bó hoa nhỏ, còn hương sẽ do các chiến sỹ trực tại Mộ đưa cho - mỗi người 1 nén. Không được hút thuốc lá và nhất là chị em phụ nữ không được vào nếu mặc hở hang, váy ngắn. Xin mọi người lưu ý cho.
   Khu vực này hiện vẫn chưa hoàn thiện nên không có khu vệ sinh dành cho những người đến viếng.

   Mình chụp nhiều ảnh, vì điều kiện  thời tiết cũng không đẹp lắm, song vì tôn trọng quyền nhân thân nên mình không đăng ở đây.

Nước cơm - vị thuốc quy mà đơn giản


Bây gì không kể các bạn trẻ, nhiều người lớn chúng ta cũng quên danh từ Nước cơm ấy chứ, vì toàn dùng nồi cơm điện mà. Thật tiếc.
Nước cơm là thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, lành tính với tất cả mọi người kể cả trẻ sơ sinh và còn là vị thuốc chữa ngộ độc thực phẩm nhẹ nữa các bạn ạ.
Ngày trước điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều sản phụ sinh con không có sữa phải lấy gạo nấu lên rồi múc nước cơm ra cho con ăn thay sữa. Khi con lớn hơn, nhiều mẹ vẫn chắt nước cơm cho con uống để con lớn nhanh, khỏe mạnh.
Trong nước cơm có các tinh chất rất tốt giúp ngăn ngừa viêm dạ dày, đường ruột và nhiều bệnh liên quan đến đường tiêu hóa.
Trong hạt gạo, lượng tinh bột chiếm 70%, trong đó khoảng 8% lượng protein và nhiều loại vitamin, đặc biệt là vitamin nhóm B, các chất khoáng như Natri, photpho…
Mặc dù lượng vitamin và khoáng chất có hàm lượng rất nhỏ nhưng có vai trò quan trọng về dinh dưỡng và chuyển hóa quan trọng trong cơ thể con người nên nước cơm được coi như bài thuốc quý.
Nấu nhanh nồi cơm trên bếp (không phải nồi cơm điện các bạn nhé), khoảng mươi phút cơm sôi, chắt gạn được 1 bát con nước cơm để dùng rồi. Nếu dùng để chống độc nhẹ thì ta thả vài hạt muối trắng, vài lát gừng cho người bệnh uống sẽ hiệu nghiệm ngay.
Ngày nay, đa số các gia đình đều nấu bằng nồi cơm điện nên đã bỏ phí một loại dược phẩm quý giá rồi. Nhưng khi cần và đã biết tác dụng của nước cơm hẳn ta sẽ làm được ngay thôi, phải không các bạn.


Vô tư mà sống

Người thứ nhất đã từng có những vụ bê bối về chính trị, rất tin vào y thuật của thầy cúng, ông ta từng có tới 2 tình nhân, hút thuốc nhiều và uống 8-10 ly rượu mạnh mỗi ngày.
Người thứ hai đã 2 lần bị đuổi việc, hôm nào cũng ngủ tới trưa mới dậy và tối nào cũng uống 1 lít rượu brandy. Ông ta từng hít thuốc phiện khi còn là sinh viên…
Người thứ ba là anh hùng chiến tranh của một đất nước. Ông ta ăn chay trường, không bao giờ hút thuốc và thỉnh thoảng mới uống rượu, có uống bia nhưng uống không nhiều. Thời thanh niên chưa từng làm gì phạm pháp và chưa từng có một vụ bê bối tình ái nào.
Theo các bạn, trong 3 người, ai sau này sẽ có cống hiến nhiều nhất cho nhân loại?"
Tôi nghĩ chắc là các bạn sẽ đồng thanh chọn người thứ ba phải không ạ ?
Nhưng các bạn đã sai rồi đấy. Ba người này đều là những nhân vật nổi tiếng trong thế chiến thứ 2.
Người thứ nhất là Franklin Roosevelt, tuy tàn tật nhưng ý chí kiên cường. Ông ta đã đảm nhận chức vụ Tổng thống Mỹ trong bốn nhiệm kỳ liên tiếp.
Người thứ hai là Winston Churchill, vị Thủ tướng nổi tiếng và tài ba nhất trong lịch sử nước Anh.
Còn người thứ ba là Adolf Hitler... đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người dân vô tội".
Các bạn có biết rằng, những điều mà tôi nêu ở trên là quá khứ của họ, còn sự nghiệp sau này của họ, là những việc mà họ đã làm sau khi đã thoát ra khỏi cái quá khứ đó.
Trong thời điểm năm mới cận kề, có lẽ mỗi người trong số chúng ta đều có những phút giây lắng lại, suy ngẫm về những gì đã qua trong năm cũ, đồng thời hăng hái, thích thú trước những dự tính tốt đẹp cho năm mới. 
Có những điều không nên làm mà chúng ta đã làm và có những điều đáng làm, nên làm nhưng chúng ta đã không làm và không còn cơ hội để làm nữa. 
Chúng ta có thể ôn lại quá khứ, dự tính cho tương lai, nhưng sống thì chỉ có thể sống trong hiện tại. Thế nên, đừng phí phạm những năm tháng quý giá của cuộc đời.
Đừng để cuộc đời bạn trôi qua một cách vô nghĩa khi mãi chìm đắm trong ký ức, lỗi lầm của quá khứ hay quá lo lắng về tương lai. Hãy sống trọn vẹn cho giây phút hiện tại bằng tất cả nhiệt huyết của trái tim mình.
Hãy can đảm đối mặt với hiện tại, vì đó là cuộc sống – một cuộc sống rất thật. Với tất cả sự cô đọng giản dị của nó, cuộc sống vẫn luôn chất chứa những đa dạng, phức tạp của thực tế phũ phàng.
Bạn có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn và thử thách, bạn có thể sẽ gặp phải sự chống đối của tất cả mọi người, kể cả gia đình và những người thân yêu nhất.
Nhưng đừng bao giờ bỏ cuộc! Đó chỉ là những thách thức, những thứ mà bạn sẽ phải vượt qua để chứng tỏ mình xứng đáng. Hãy học hỏi từ mỗi sai lầm, hãy tận dụng từng cơ hội một dù là nhỏ nhất. Rồi bạn sẽ thành công.
Quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước, tôi chạy thẳng tới đích. Quên những thành công trong quá khứ để không kiêu ngạo về những thành quả của mình và cũng cần quên những thất bại trong quá khứ để không mất lòng tin ở tương lai.
Ta hẵng là Ta – Vậy thôi ạ.



30/12/2016

Nguyên tắc lịch sự khi đi ăn ai cũng cần biết

Hiểu biết các quy tắc ứng xử lịch sự giúp bạn dễ dàng tạo được ấn tượng tốt với mọi người. Bạn có thể tham khảo những liệt kê dưới đây của Bright Side để không trở thành người thô lỗ trong mắt người khác.
Trong quán ăn

1. Nam giới mở cửa, để phụ nữ vào trước, sau đó giúp phụ nữ cởi áo khoác. Nếu bàn đã được đặt trước, nam giới nên tìm bàn và dẫn bạn đồng hành của mình đến đó.
2. Cười, nói quá to hay nhìn chằm chằm vào những thực khách khác đều vô cùng mất lịch sự.
3. Người mời là người trả tiền cho bữa ăn. Tuy nhiên, nếu đó là cuộc gặp tình cờ và bàn ăn chưa được đặt trước thì mỗi người nên tự trả tiền cho phần ăn của mình. Trong trường hợp muốn trả riêng, nên nhờ người phục vụ làm các hóa đơn riêng lẻ để đỡ mất thời gian tính toán.
4. Nếu người được bạn mời muốn tự trả tiền ăn của họ thì cũng không cần thiết phải làm ầm ĩ. Sẽ lịch sự hơn khi bạn để họ được tự làm theo mong muốn của họ.
Tại bàn ăn
5. Khi đi ăn hàng, bạn sẽ được đưa dao, muỗng... phù hợp với các món ăn đã đặt, bạn không cần phải tự chọn. Nếu bạn cảm thấy khó khăn khi lấy thức ăn, hãy nhờ người phục vụ giúp đỡ. 
6. Hãy cất điện thoại đi. Sẽ rất khiếm nhã khi bạn gọi điện đàm phán công việc trước mặt những người khác. 
7. Luôn cố gắng đúng giờ cho mọi cuộc gặp mặt. Bào chữa đến muộn vì tắc đường có vẻ không thuyết phục và không công bằng với những người phải chờ bạn. Có thể chấp nhận được nếu bạn đến muộn 15 phút. Bất kỳ sự muộn giờ nào đều cần phải gọi điện và giải thích. Nếu biết chắc rằng mình sẽ đến muộn, đừng đợi đến sát giờ mới gọi, hãy báo trước để người đi ăn cùng bạn biết.
Khi trò chuyện
8. Trong các cuộc nói chuyện lịch sự, không nên nói về các vấn đề cá nhân, mối quan hệ công sở, con cái, bệnh tật, thói quen hay sở thích... 
9. Những người lịch sự ít nói về người thân của mình, họ không ngồi lê đôi mách.
10. Nghe cũng là một kỹ năng quan trọng như nói. Giữ im lặng khi nghe nhưng bạn cũng cần nhìn vào người nói và nói xen vào khi thích hợp. Điều này chứng tỏ bạn đang theo sát cuộc nói chuyện.
11. Sẽ là khiếm nhã khi cắt ngang lời người khác, kể cả khi bạn đã nghe câu chuyện nhiều lần rồi.
Khi được mời đến ăn tiệc ở nhà ai
12. Không nên đến sớm quá, bởi bạn có thể thấy chủ nhà đang dọn bàn hay bữa ăn vẫn đang được nấu nướng.
13. Chỉ dắt theo trẻ nhỏ nếu chúng được mời, bởi vì không phải chỗ nào cũng phù hợp với bọn trẻ. Nhìn chung bạn có thể mang theo bạn bè, người thân, miễn là bạn phải báo với chủ nhà trước.
14. Sẽ là bất lịch sự nếu bạn từ chối món ăn. Bạn nên nếm thử bất kỳ món ăn nào khi được mời. Nếu bạn đang ăn kiêng, tốt nhất không nên nhận lời mời ăn tối. Nếu cần thiết phải đến dự, bạn nên đề nghị bớt món ăn của mình hoặc để nguyên thức ăn trên đĩa.


28/12/2016

Nhân chuyến Hành trình Tâm linh về với miền Trung


Một góc nhỏ nơi Nghĩa trang Trường Sơn


Nguyên tác:

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi,
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi.
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.


Chuyển ngữ: Bùi Đại Dũng

Rượu ngon chén ngọc dạ quang
Kề môi toan uống, kèn vang, lên đường
Say nằm ở chốn sa trường
Chiến chinh về lại quê hương mấy người!

Dịch nghĩa

Rượu bồ đào cùng chén lưu ly
Muốn uống nhưng đàn tỳ bà đã giục lên ngựa
Say khướt nằm ở sa trường, anh chớ cười
Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về.


19/12/2016

Bài thuốc từ quả trứng luộc và giấm phòng và chữa bệnh tiểu đường

Thức uống trứng giấm vốn nổi tiếng từ thời cổ Hy Lạp, được sử dụng như một bài thuốc vừa dễ làm vừa có nhiều lợi ích với sức khỏe.
Còn với các Samurai Nhật Bản, công thức lâu đời này được sử dụng giúp cơ thể hấp thụ được nhiều loại vitamin, protein và canxi để thoát khỏi mệt mỏi và tăng cường sức khỏe xương khớp.
 
Nguyên liệu: 01 quả trứng luộc, giấm và nước.
Thực hiện:
Bước 1: Bạn luộc một quả trứng vào buổi chiều
Bước 2: Bóc vỏ và dùng kim chọc một vài lỗ trên quả trứng
Bước 3: Tiếp đến là đặt quả trứng vào một cái cốc giấm táo. Đảo trứng vài lần để giấm ngấm đều trong quả trứng thông qua các lỗ nhỏ và để qua một đêm.
Bước 4: Buổi sáng, sau khi ngủ dậy, bạn hãy ăn quả trứng đó cùng với một cốc nước ấm.
Liệu trình: Bạn nên thực hiện liệu trình trong 15-20 ngày, và luôn nhớ kiểm tra nồng độ đường huyết.
 
Tác dụng của giấm và trứng trong việc kiểm soát đường huyết
Theo trang Diabetes.co.uk của Anh, một nghiên cứu được đăng trên tạp chí chuyên về bệnh tiểu đường Diabetes Care kết luận giấm là gia vị có tác dụng giảm đường huyết và tăng insulin, cũng như tăng cảm giác no sau một bữa ăn quá nhiều tinh bột. 
Phát hiện này đặc biệt hữu ích với những người bị tiểu đường tuýp 2 hoặc tiền tiểu đường. Theo đó, để kiểm soát chỉ số đường huyết, tốt nhất bạn nên uống một chút giấm và nước trước bữa ăn.
Còn năm 2015, các nhà khoa học thuộc trường đại học Đông Phần Lan đã kiểm tra thói quen ăn uống của 2.332 đàn ông từ 42 đến 60 tuổi. 
Kết quả cho thấy rằng những người ăn 4 quả trứng mỗi tuần có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2 thấp hơn 37% so với những đàn ông chỉ ăn 1 quả trứng mỗi tuần. 
Nhóm nghiên cứu cho biết trứng chứa nhiều chất dinh dưỡng có thể cải thiện quá trình chuyển hóa glucoza và giảm viêm nhiễm.
Trước đó, một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Béo phì Quốc tế nhận định những người béo phì hàng ngày ăn 2 quả trứng cho bữa sáng đã giảm cân nhanh hơn 65% so với những người có bữa sáng tương tự nhưng không ăn trứng.
Các nhà nghiên cứu kết luận rằng bởi vì ăn trứng ngăn ngừa những thay đổi lớn và không thể kiểm soát được trong nồng độ đường huyết, từ đó sẽ kiểm soát sự thèm ăn.


12/12/2016

Gừng - Vị thuốc tốt cho mọi nhà

Theo Đông y, gừng có vị cay tính ấm, chống viêm, tản phong hàn, chữa đờm, trị ho, trừ nôn mửa, giải độc, ngăn chặn lây lan, xua tan nhiệt, vừa là thực phẩm vừa là thuốc quý.
Trên lâm sàng có thể điều trị các bệnh về cảm phong hàn, dạ dày lạnh, buồn nôn... 
Gừng tươi
1. Chữa cảm lạnh, phong hàn, trúng gió
Sách đông dược "Bản thảo hối môn" nổi tiếng chép rằng, người bị mắc 2 chứng bệnh trên, chỉ cần uống canh tía tô gừng là đủ.
Dược sư Chính khuyên, dùng lá tía tô 30g, gừng 9g nấu thành canh rồi uống. Lá tía tô có tác dụng nhanh chóng thoát mồ hôi, giảm cảm, thêm gừng để nhân đôi hiệu quả điều trị, ích khí lợi dạ dày, tống tán mồ hôi ra khỏi cơ thể.
2. Chữa nấc cụt
Khi bị nấc cụt bệnh lý, nhất thời không khỏi, dùng một chút gừng tươi và 12 gam bán hạ (Bán hạ bắc hay bán hạ Trung Quốc là loài thực vật bản địa của Trung Quốc, nay mọc ở nhiều nơi, kể cả Bắc Mỹ. Lá cây có 3 thùy, xẻ sâu, hoa có kiểu hình đặc trưng của họ Ráy).
Bán hạ Bắc
3. Chữa viêm ho do lạnh
Người bị các chứng viêm, ho liên quan đến thời tiết, nhiễm lạnh, dùng bài thuốc từ gừng 30g, đường mạch nha 30g, thêm chút nước nấu ấm lên để uống lúc nóng ấm. Uống ít ngày có thể giảm hiện tượng ho, đờm.
Danh y 40 năm dùng gừng tự chữa bệnh tiết lộ bài thuốc quý từ củ gừng ai cũng làm được - Ảnh 3.
Mạch nha (Ảnh minh họa)
Nước ép gừng
Đông y xem nước ép gừng được là một loại lược liệu đã qua bào chế. Khi chế biến có thể thêm các nguyên liệu khác để thành hỗn hợp gừng măng trúc, gừng bán hạ, gừng hậu phác…
Sau khi ép nước và bổ sung dược liệu trên sẽ trở thành vị thuốc đã giảm độc tính.
Măng trúc tươi có tác dụng hạ sốt, tiêu đờm, thêm gừng lại có tác dụng giảm nôn ọe, hậu phác có tính cay cũng làm gia tăng tác dụng chữa bệnh.
Gừng khô
Gừng khô được làm từng gừng tươi sao hoặc phơi khô dưới ánh nắng mặt trời. Do vẫn giữ nguyên được vị cay nồng nên đây được xem là vị thuốc làm ấm phổi và thải đờm bám phổi hiệu quả.
Đông y dùng gừng khô để chữa đau bụng do lạnh, nôn mửa hoặc đau bụng tả đi tháo.
Người bị lạnh phổi lâu ngày dẫn đến ho, hắt xì, sổ mũi, viêm mũi thì có thể sử dụng gừng như một vị thuốc ưu tiên.
Gừng khô còn có thể bào chế thành viên hoàn để chữa bệnh thông thường thay cho thuốc khác.
Danh y 40 năm dùng gừng tự chữa bệnh tiết lộ bài thuốc quý từ củ gừng ai cũng làm được - Ảnh 5.
Gừng nướng
Người bị đau bụng đi ngoài, biểu hiện ớn lạnh, toàn cơ thể lạnh ngắt, có thể dùng gừng nướng lên rồi ăn để làm ấm cơ thể, đình chỉ cơn đi tả.
Nướng củ gừng tươi cho đến khi chín vàng mặt ngoài, gừng sẽ có vị đắng nóng, ăn vào có thể có tác dụng giảm triệu chứng đi ngoài cũng như cầm máu nhanh chóng hơn.

05/12/2016

Bùa chú Thái Lan

dienbatn

Đôi lời dẫn chuyện:
   Nhiều năm trước đây, dienbatn đã nghiên cứu về các loại Bùa Thái và hết sức chú ý đến một lá Bùa Thái có nhiều công năng và cách xăm lên mình kỳ lạ của các vị Đạo sĩ Thái Lan . 
   Vừa qua , nhân có việc của một thân chủ cần dienbatn đến Thái , dienbatn đã có duyên gặp gỡ , chuyện trò với một số Đạo sĩ tại vùng RAYON là một vùng núi cách PATTAYA khoảng 100 Km . 
   Một duyên lớn nữa đến với dienbatn là được một Đạo sĩ có tên tuổi và là chủ một ngôi đền tại RAYON cùng các sư đệ ban cho chính lá Bùa hằng mơ ước bằng cách xăm kỳ lạ của các Đạo sĩ Thái lên mình dienbatn. 
   Bài viết này chính là để cùng các bạn chia sẻ và tìm hiểu về Bùa - Ngải , cách làm của các Đạo sĩ của Thái Lan mà dienbatn được tiếp xúc .

   Đây là lá Bùa mà dienbatn đã quan tâm từ nhiều năm về trước .


   Vùng núi Rayon của Thái Lan , cách Pattaya khỏang gần 100 Km , chúng tôi đến đó bằng Taxi bao chuyến hết 2.000 bath. Sở dĩ chọn vùng núi Rayon vì vùng đó có rất nhiều vị Thày cao tay ấn tu tập , tương tự như xứ Mường Thanh Sơn miền Bắc hay Thất Sơn ở miền Nam . 
   Sau hơn 2 giờ vừa đi vừa hỏi thăm đường , chúng tôi có mặt tại một ngôi chùa khá đẹp , có kiến trúc rất Thái , một nét kiến trúc vô cùng hài hòa , đẹp mắt.    Các Thày ( hay sư ) của Thái được hành nghề công khai, không cần phải giấu diếm như ở tại Việt Nam . Tại mỗi chùa , ngòai ngôi chùa chính do vị sư trụ trì cao tăng đắc đạo cai quản , phía bên chùa thường có những thất nhỏ làm bằng gỗ như kiểu nhà sàn nhỏ có bố trí nơi làm phép , chữa bệnh , do những vị đệ tử cai quản . 
   Ở Thái người ta thường sử dụng những Bùa , phép theo phái Nam Tông và đọc chú theo tiếng Pali. Các vật hay được sử dụng để cầu tài , cầu duyên là Nàng Kwat , kumanthông. " Nẵng Kwak là hiện thân của tài lộc, tình yêu theo tín ngưỡng của người Thái. Bà xuất hiện qua hình dáng một người phụ nữ xinh đẹp mặc một chiếc váy đỏ theo phong cách truyền thống của Thái, đội một chiếc vương miện vàng trên đầu.Hình tướng phổ biến của Nang Kwat là ở tư thế ngồi hoặc quỳ. Bàn tay phải của giơ lên cao ngang mặt ở tư thế ngoắc chào, lòng bàn tay hướng xuống dưới. Cánh tay trái thả lỏng ở tư thế chống xuống bệ ngồi hoặc cầm một túi vàng đầy đặt nhẹ lên trên đùi trái.Hai hình tượng này khác nhau chủ yếu ở chỗ vật cầm trên tay. Nếu nữ thần lúa gạo cầm những bông lúa chín vừa thu hoạch đặt trên vai phải thì Nàng Kwat tay trái cầm túi vàng hoặc chống hờ xuống đất. Những nữ thần này đếu có nguồn gốc từ vị nữ thần Hindu giáo Sri Lakshmi.
   Cũng có ý kiến cho rằng, bàn tay phải của Nang Kwat giơ lên là hình ảnh mô phỏng từ hình ảnh con mèo Maneki của Nhật.
   Theo truyền thuyết khác, tên thật của Nẵng Kwak là Supawadee, sống vào thời đức Thế Tôn còn tại thế. Bà là con gái của ông Sujitbrahma và bà Sumontha, một gia đình thương gia ở thành phố Matshikasun - Ấn Độ. Khi vừa chào đời, cô đã đem đến may mắn cho gia đình bằng sự lợi lạc trong buôn bán. Để tiện chăm sóc cô, hai ông bà thương gia mang theo cô trong suốt thời gian đi ra ngoài buôn bán. Điều kỳ lạ là mỗi lần cha mẹ đặt cô ở phía trước chỗ bán hàng thì hàng hóa đều được bán sạch sẽ. Hai ông bà thương gia yêu quý và xem cô như báu vật trong gia đình. Gia đình cô đã dần dần trở nên giàu có . 
Trong một lần đi buôn, nàng Supawadee có cơ duyên được gặp một vị Alahán, đệ tử của Phật đang khất thực. Cô thành tâm cúng dường và được ngài chú nguyện và giảng pháp. Từ đó, Supawadee trở thành một thiện nhân. Cô thường xuyên bố thí cúng dường và vận động cha mẹ cùng làm việc phước thiện.
Cha của Supawadee là ông Sujitbrahma cũng phát thiện tâm cúng dường vật thực, xây tịnh xá, trai tăng thường xuyên. Ông còn giúp đỡ những người nghèo khổ có vốn làm ăn. Nhờ sự may mắn của Supawadee mà những người được giúp đỡ đó đều thành công trong công việc buôn bán.
Tiếng lành về sự cát tường của Supawadee vang xa, nhiều thương nhân tìm cách gặp được cô để nhận lời chúc lành. Và họ đã thành tựu như ý.
Sau khi qua đời, mọi người đúc tượng của cô để tôn thờ để cầu mong sự may mắn, tài lộc. Những người buôn bán đời sau đã nhận ra rằng, nếu thành tâm cầu nguyện nàng Supawadee, họ sẽ được may mắn như ý.
Hình tượng vị nữ thần này được du nhập sang Thái từ các vị thương gia người Ấn. Hình tượng của Supawadee ban đầu là một cô gái trẻ ngồi trên một chiếc xe kéo, loại xe phổ biến trong việc chuyên chở và buôn bán hàng hóa ủa Ấn Độ cổ xưa.
Đức tin của họ lan tỏa và được các thương gia người Thái chấp nhận. Sau này, người Thái đã thay đổi hình tướng của pho tượng bằng cách kết hợp hình dáng của nữ thần lúa gạo với tượng nàng Supawadee thêm động tác ngoắc tay của mèo Maneki – Nhật Bản để tạo thành thân tướng như ngày nay.
Nẵng Kwak được giới thương mại kính tin và thờ phụng. Bức tượng của Nẵng Kwat thường đặt gần máy tính tiền ở hầu hết các nhà hàng Thái. Lễ vật cúng dường thường là hoa tươi, 1 ly nước trắng, (ngày rằm mùng một cúng nước ngọt), trái cây, bánh ngọt, đèn thắp bằng dầu mè , bơ, sữa, cơm trắng.Khi làm ăn buôn bán xa, người ta thương vào chùa thỉnh amulet nang kwat hoặc thang ka đề mang theo cầu may mắn " ( Phayan )

Nàng Kwat

Chúng tôi vào một ngôi thất nhỏ để xem một Thày chữa bệnh theo kiểu Massage Thái . Thực ra tại Sài Gòn hay Hà Nội cũng đã có những địa điểm làm những việc này , nhưng chỉ có hình thức tương tự mà thôi .Thày bọc người bệnh vào một tấm vải màu trắng và sử dụng những động tác gập người , những cú bấm huyệt hết sức chính xác và điệu nghệ . Chi phí cho khỏang 1giờ Massage Thái chỉ có 100 Bath tức là khỏang 65 ngàn đồng Việt Nam . Thấy hay hay , dienbatn cũng xin Thày làm cho một xuất và quả thật , một lúc sau những mệt mỏi , những cơn đau lưng do bệnh tật từ trước biến mất như có phép lạ . Qua những lần bấm huyệt của Thày , dienbatn cảm nhận được độ chính xác của việc này , khác hẳn những lần đi Footmassage tại Hà Nội ở một cơ sở làm ăn có tiếng như Đại cát hay số 5 đường Nam Bộ chỉ có tính hình thức , thư dãn . Nhìn kỹ hình thể khi Thày đang làm việc , dienbatn phát hiện Thày bị thương tật một bên chân và trên mình mang đầy những vết sẹo lớn . Phải chăng đằng sau vẻ hiền từ mà Thày đang có là những trận chiến Huyền môn kinh hòang Thày đã phải trải qua ???

Chữa bệnh bằng Massage Thái.

Đang nằm cho Thày chữa bệnh , dienbatn thấy Thày nào cũng đeo một chùm Linh vật ở bụng như người ta vẫn đeo chùm chìa khóa . Thấy vậy , dienbatn đòi Thày lấy ra cho xem . Rất vui vẻ , Thày đưa cho dienbatn cả chùm để ngắm nghía cho thỏa thích . Đó là một chùm linh vật do Thày luyện phép bao gồm : Một Kumanthông ngâm trong một chất dầu màu vàng óng đựng trong một vỏ nhựa , một dương vật của Rồng có cả những cái chân nhỏ xíu , một cái ống gỗ trong đó có chứa Ngải đã luyện , một cặp voi đang giao hợp bằng đồng nhỏ xíu , một con Linh dương ngâm trong dầu cũng được để trong trái tim bằng nhựa, một trái tim nhỏ trong có hai khoanh gỗ hay Ngải cũng ngâm trong dầu . Theo Thày cho biết , những linh vật đó để dùng luyện các phép ăn nói , ngọai giao , cầu tài , tình duyên,tức tai hàng phục . Nhìn kỹ các Thày khác , dienbatn thấy Thày nào cũng đeo một chùm to tướng ở bụng .

Thắp nhang tại bàn thờ trong thất.

dienbatn đang xin thỉnh những linh vật của một Thày.


Sau rất nhiều lần năn nỉ và sau khi Thày đi hỏi ý kiến của sư phụ , cuối cùng , dienbatn thỉnh được nguyên cả chùm linh vật của Thày mang về Việt Nam . ( Híc , nếu phải như của dienbatn thì ....còn lâu ). Người lái xe đi cùng nói nhỏ với dienbatn là nên xin Thày một linh vật khác dùng để cầu tài , trấn trạch mà ở vùng này rất thông dụng. Đó là một chiếc hộp nhựa hình vuông , trong có chứa một tượng Phật nhỏ bằng đồng ở chính giữa và xung quanh có 8 tượng Phật làm bằng một thứ đất màu trắng rất mịn .Đây chính là một bảo bối hết sức cần thiết để trong nhà và được làm phép , trì chú công phu . Khi dienbatn xin thỉnh , Thày nói phải đợi sư phụ của Thày về mới đủ khả năng trì chú vào đó , còn Thày thì chưa đủ trình độ . Phải công nhận là các Thày người Thái rất biết khả năng thực sự của mình và họ không bao giờ làm những việc quá sức hay quá khả năng của mình . Nghĩ lại những Thày tại Việt Nam mà dienbatn đã gặp thì điều này còn phải học hỏi thật nhiều về lương tâm nghề nghiệp .

Khoảng nửa giờ sau thì sư phụ của Thày cũng đã về tới . dienbatn và thân chủ của mình xin thày làm phép và trì chú vào những món đồ mình cần thỉnh . Thày ngồi vào Đàn , thắp nhang và trì tụng một hồi lâu rồi trao cho chúng tôi những thứ xin thỉnh . Ngồi đàm Đạo với Thày , dienbatn nhớ đến một lá phù đã nghiên cứu từ rất lâu và xin Thày chỉ điểm . Mở Latop ra để Thày coi và sau một hồi suy nghĩ , nhìn rất kỹ những nét phù , thày nói lá phù này mình chưa được học , chỉ có sư phụ của Thày là vị sư trụ trì ngôi chùa này mới có thể thực hiện được mà thôi . Rất vô tư và nhiệt tình , Thày đi tìm kiếm sư phụ của mình để giúp dienbatn xin gặp . Một lát sau , Thày về và nói sư phụ của Thày ( vị sư trụ trì ngôi chùa này ) cho phép dienbatn cùng những người đi chung một cuộc gặp mặt trong thời gian 30 phút . Tất cả kéo lên lầu là nơi mật thất của vị  trụ trì chùa . Bước vào thất của Thày , dienbatn thấy một gian phòng được trang trí rất đẹp và cực kỳ công phu . Hai bên có hai bức tượng mà thóang nhìn qua giật mình tưởng như là người thật đang ngồi. Nhìn kỹ hai bức tượng thấy cả những vết nhăn của làn da , những lỗ chân lông và một thần thái rất uy nghi .


Gian phòng đó chính là nơi làm việc của Thày , còn những gian phía trong là nơi mật thất dùng để Thày tu luyện hàng ngày . Ngồi đợi một lát , dienbatn thấy vài vị sư đi ra đi vào phía mật thất , đa phần là những vị còn trẻ , chắc là học trò của Thày . dienbatn chú ý đến một Thày khỏang gần 50 tuổi , có hình dáng to khỏe và một bước đi thật vững chắc ( người này quả nhiên có nội công cực kỳ thâm hậu ). Vị Thày này đi ra , đi vô vài lần như có ý quan sát những người trong đòan của chúng tôi . Khỏang một thời gian khá dài , vị sư đó mới ra tiếp chúng tôi. Ông nói với chúng tôi bằng một chất giọng sang sảng và thái độ hết sức vui vẻ . dienbatn mở Latop ra , nhờ ông chỉ điểm về lá Phù như hình vẽ trên đầu bài này . Ông ngắm nghía nó rất chăm chú một hồi khá lâu và nói rằng mình đã được học về nó. Sau đó ông lấy giấy ra vẽ lại cho dienbatn xem hình vẽ đầy đủ của lá Phù . Nét vẽ Phù khỏe mạnh , những nét uốn lượn thật có hồn . Thày nói lá phù này được sử dụng để xăm trên lưng những đệ tử cấp cao của Huyền môn . Công dụng của nó dùng để hộ thân , tức tai , hàng phục và luyện các phép bí truyền .dienbatn khẩn khỏan nhờ Thày xăm cho mình lá phù đó lên lưng. Sau một hồi ngó nghiêng dienbatn rất kỹ , ông gật đầu đồng ý . Thày gọi mấy người đệ tử chuẩn bị các dụng cụ cho mình để làm công việc xăm Phù .
 Ngòai hình dạng của lá phù này , dienbatn còn biết một số lá phù xăm khác như những hình vẽ sau :




Người Thái, Người Miên,  v.v. hay sâm bùa vào người. Xâm bùa phải do một vị pháp sư làm. Vị pháp sư dùng một kim sắt dài khoảng 40 cm và mực hay dầu dừa để xâm bùa. Mực hay dầu sẽ thấm vào da qua lỗ kim đã mổ. Mực xâm bùa không như các loại mực xâm bình thường, mà được tinh luyện bởi các pháp sư. Công thức, bí truyền, bào chế mực xâm bùa gồm các dược thảo, nọc rắn, v.v. Mực xâm này có mầu hay không có mầu sắc.Nếu dùng dầu dừa hay loại mực không mầu, vì thế, sau khi xâm sẽ thấy nét bùa đỏ trên da vì lỗ kim, nhưng sau một thời gian, thì sẽ không thấy nét bùa trên da nữa. Có hai lọai hình xăm là xăm nổi và xăm chìm . Xăm nổi thì bình thường như rất nhiều người đã thực hiện . Còn xăm chìm là dùng Huyền (1 loại đá dưới sâu lòng đất), Chuổi Hổ , Vàng Găm , Châu Sa , Thần Sa , Sữa Con So , các loại mài chung lại , sau đó sên chú vào mực hỗn hợp đó , rồi người cầm kim phóng liên tục lên da theo những hình vẽ đã đồ lên từ trước , vừa xâm vừa niệm chú . Một trăm ngày đầu sau khi xâm , những khi mình thật nóng giận hay đọc Chú thì hình xăm sẽ nổi lên như lúc vừa mới xăm .
Mải miết làm việc , khi Thày thực hiện đến những nét sau cùng của lá Phù thì hơn 2 giờ đã trôi qua . Mọi người xung quanh , kể cả đệ tử của Thày đều ồ lên , tấm tắc khen ngợi trước vẻ đẹp của lá phù . Mọi việc xảy ra đối với dienbatn thật là hoàn hảo và có cảm giác chuyến đi này như được Thày Tổ của dienbatn bố trí , sắp đặt một cách vô hình bởi những quy luật của Huyền môn và thông qua thân xác của vị sư trụ trì để thực hiện những điều đó . Sau đó , Thày vừa đọc chú vừa truyền thêm công lực vào cho dienbatn , luồng công lực của Thày đẩy vào , dienbatn hòa nó bằng vòng Đại tiểu Châu Thiên để nó trở thành công lực của chính mình . Nhận được công lực của Thày trợ duyên , người dienbatn nóng bừng và vô cùng sung mãn . Luồng công lực này phải sau mấy ngày liên tục điều khí mới trở nên nhu thuận . Những người đi cùng dienbatn cũng được Thày làm lễ Quán đảnh cho hết sức trang nghiêm . Chúng tôi cùng quỳ xuống tạ lễ Thày đã ban cho nhiều ân huệ .






Khăn ấn dienbatn được Thày trụ trì đích thân thực hiện và ban cho .

Trong lúc ngồi đàm đạo với Thày , biết đoàn chúng tôi sang Thái để tìm kiếm những linh vật dùng trong Phong thủy và Huyền môn của Thái , mang về Hà Nội để mở cửa hàng , Thày rất ủng hộ và bảo một đệ tử dắt chúng tôi xuống dưới lầu để thỉnh những nhứ cần thiết . Chúng tôi đã chọn được khá nhiều những linh vật dùng trong việc cầu tài , cầu quan chức ,chiêu tình , mua may bán đắt , ăn nói ngoại giao , tức tai , hàng phục để thỉnh mang về Hà Nội . Thày trụ trì đích thân đứng ra làm những thủ tục khai điển cho những đồ vật đó . Lúc đầu , Thày chỉ cho chúng tôi cái hẹn gặp mặt trong khoảng 30 phút , nhưng cuộc gặp gỡ kéo dài gần 4 tiếng đồng hồ , đó cũng chẳng phải là một kỳ duyên chăng ? Lúc chúng tôi lên xe ra về , Thày còn đưa tiến chúng tôi đến tận cổng chùa . Tạm biệt Rayon , thế nào chúng tôi cũng còn có ngày trở lại . 


Một buổi hầu đồng

Peter Phó.



Vũ Thanh Nghị, “Cô Bơ Chèo Thuyền” . Sơn dầu

Mụ gặp tôi ở quán cà phê, gọi ” Em Peter ” ngọt sớt, nhưng khi biết tuổi thật của tôi hơn mụ đến 10 cái xuân thu thì mụ giật mình đánh thót.

Mụ, người đàn bà phố cổ, cũng may được trên cho ăn lộc thánh nên giàu có sung túc.

Mụ nói, mụ căn cao số nặng nên đã là thanh đồng từ vài năm trước, trong lúc bất động sản Hà Nội đang trên đà cao trào. Có lẽ mụ là một thanh đồng khác biệt với đa số thanh đồng khác, bởi mụ giàu sụ, lại buôn to bán nhớn, mụ cần có quan hệ, cần ngoại giao. Nên lâu lâu, hứng lên mụ lại mở một giá hầu, một là để trả nợ tứ phủ, hai là nhân cơ hội trong lúc mụ hầu, mụ đưa phong bì cám ơn các đối tượng cho tiện. Theo ý mụ: Lúc hầu mình chẳng biết cái đếch gì hết, các thần các thánh, các cô các cậu nhập vào mình, hành vi lúc đó cứ diễn ra tự nhiên, tỉnh lại không biết điều gì đã xảy ra.

Hôm ấy, tôi được may mắn đi theo đoàn hầu của mụ lên đến tận đền Bắc Lệ (Hữu Lũng- Lạng Sơn) để xem mụ hầu và trả nợ tứ phủ. Trong đoàn, có các doanh nhân Hà Thành, có các phu nhân của một vài vị quan chức có máu mặt, cùng một đoàn tháp tùng hoành tráng, toàn xe BMW và Mercedes, trong đó một con Rolls-Royce do thằng Hùng đệ tử mụ lái chở riêng mụ và thầy Vượng Râu chuyên phụ trách tán đàn, hát văn phối nhạc cho lễ hầu của mụ.


Vũ Thanh Nghị, “Chúa Thác Bờ”, sơn dầu

Mụ đem theo một xe tải vàng mã, ngựa giấy, hình nhân các kiểu, hoa thơm cỏ ngọt đầy ăm ắp, từng mâm, từng mâm đầy ụ.

Điều khác người, mụ còn đem theo vô số đồ trang sức bằng vàng, kim cương, ngọc ngà thứ thiệt để làm hành trang trong khi hầu các cô các cậu. Một tay giúp việc lực lưỡng giữ một cái hộp nhiều ngăn như một chiếc tủ nhỏ, mỗi ngăn là một bộ trang sức. Khi mở ra, sáng chóe, làm người xung quanh hoa cả mắt, còn tôi thì sững sờ như đang trong cuộc tham gia một hội chợ trang sức tầm cỡ của các đại gia vùng Dubai.

Bàn thờ được trang hoàng lộng lẫy, đèn nến sáng trưng, đồ lễ sắp xếp ngồn ngộn, ngựa giấy, hình nhân, vàng mã xếp từng tầng từng lớp đầy ắp, rực rỡ, uy nghi. Mụ son phấn lòe loẹt, quần áo tỏa mùi thơm ngào ngạt của nước hoa Chanel N°5. Khi đã sẵn sàng, mụ yên vị nhắm mắt khoan thai ngồi khoanh chân giữa chiếu. Xung quanh mụ, bốn chàng trai bốn góc, nghe nói là tứ trụ triều đình, bốn tay này sẽ hướng dẫn và hỗ trợ, hầu hạ mụ trong suốt cả buổi hầu. Một chàng trẻ trung, đẹp trai trắng trẻo, đeo một bông hoa tai bên tai trái, khuôn mặt khôi ngô dễ thương, nhưng nói năng ỏn ẻn kiểu đồng tính. Một chàng đen lũi, khuôn mặt chỉ nhìn thấy hai con mắt sáng như mắt mèo. Một chàng to nhớn, vai u thịt bắp, săm trổ đầy cả hai cánh tay, trông như một tên xã hội đen bên Nhật. Còn một chàng thư sinh, gầy dong dỏng, dáng đi nhẹ như sóc, nói năng thủ thỉ như mèo hen.

Bốn phụ tá mỗi người một việc, người gấp sẵn trang phục, người soạn lại đồ trang sức, người phe phẩy cái quạt cho chủ nhân và người kia đang thoa son trát phấn lên mặt bà chúa.
Ngồi bên ngoài vòng, hai bên cung văn , nhạc công tấu nhạc cùng ban phụ họa hát theo. Tiếng hát văn lanh lảnh của vị thầy hát văn “number 1″ ở Hà Thành là Mr. Vượng Râu đã cất lên, nó vút cao và bay lượn trong khoảng không gian hẹp của vòm đền, lờn vờn trên thân vài con trăn tinh đang quận tròn trên đỉnh ban thờ rồi bay ra ngoài đến với cõi hư vô.



Vũ Thanh Nghị, “Cô Bơ”, sơn dầu

Tiếng đàn, tiếng sáo rập rờn, khi xa khi gần, khi xuống thấp, khi vút cao. Thật là:

Chốn cung tiên mây lồng ánh nguyệt; Cảnh bầu trời gió quyện hương bay
Cửu trùng tọa chín tầng mây; Thiên Tiên Đệ Nhất ngự rày trung cung

Sau khi đã chuẩn bị xong, bắt đầu bước vào màn hầu đặc sắc của một thanh đồng giàu sụ đất Hà Thành

Mụ cung kính quỳ gối thỉnh Tam Tòa Quốc Mẫu, sau đấy lần lượt mụ hầu các giá: Ngũ quan – từ đệ nhất đến đệ ngũ, quan lớn tuần tranh, mười một giá chầu, từ chầu bà đệ nhất đến chầu bà Bắc Lệ, phủ quan hoàng. Mụ kiên nhẫn múa may dặn bảo các đệ tử, dân thường đang xúm quanh xem hầu. Mỗi một giá là một lần thay đồ, thay trang sức, nhiều lúc thấy mụ hơi xót xa cau mày bởi sự thu xếp cẩu thả đồ trang sức của tay phụ việc to đầu to xác nhưng ngu như lợn.



Vũ Thanh Nghị, “Chầu Bà”, sơn dầu

Kiên nhẫn mãi, mới đến giá hầu ông Hoàng Bơ, Hoàng Bảy, Hoàng Mười. Đến giá ông Hoàng Bảy, mụ áo giáp chỉnh tề, uy phong lẫm liệt, mụ dương oai diễu võ, hét lớn: Ta về đây, dạy bảo cho các con các cháu, các ngươi phải nghe lời Hoàng…

Tiếng nhạc vi vu trong trẻo cùng lời văn nghe đậm sắc dân gian:

Hoàng nhắn ai lên đất Bảo Hà 
Nếm mùi phong nguyệt í i ì i 
Đó là tiên cảnh thần tiên 
Xáng ô xáng ô lưu phàm 
Ố tiên thần tiên trên Bảo Hà…



Vũ Thanh Nghị, “Ông Hoàng Bảy”

Ông (mụ) múa gươm, dậm chân, chỉa mũi kiếm ra đống hình nhân để khai quang cho lũ súc sinh và hình nhân, sau đó ông (mụ) ngồi xuống nhấm trà Ô long, uống rượu,nghe cung văn hát hầu:

Cỏ cùng cây đua chen hoa lá í i ì i 
Ố ngần lần ngần hoa đào năm ngoái 
Mười phần còn kém ông xa 
Xáng ô xáng ô lưu phàm 
Ố xang còn kém xa ông mười phần…

Ông (mụ) thanh thản vuốt râu khen ngợi, cầm một xấp bạc lẻ, ông (mụ) tung hê cho đệ tử chúng sinh, mọi người ồ lên tranh nhau nhặt những đồng tiền lã tã rơi…

Rồi, đây mới là màn đặc sắc, mụ giở trong cái túi Hermes một tập phong bì gói sẵn, đề tên sẵn, phân phát cho mọi người. Đầu tiên, mụ đưa cho các phu nhân cao cấp trước, rồi bạn bè, đệ tử. Có một chi tiết rất đáng tiếc cho mụ, mụ đưa nhầm phong bì của người này cho người khác, mụ lại bật ra tiếng người trần thay cho giọng ông Hoàng Bảy: “Ối, chị đưa lại cho em, đây mới là của chị , xin lỗi…” Tôi nghe mà hoảng hồn cho mụ, sao lại diễn nhầm một cách tệ hại. Đưa hết phong bì, mụ lại nghiễm nhiên trở thành Ông Bảy, phe phẩy quạt, lim dim đôi mắt…



Vũ Thanh Nghị, “Ông Hoàng Bảy”

Sang hầu Ông Hoàng, vì mụ có dặn tôi trước, nên tôi cũng diễn theo, lom khom cầm cái đĩa để 10 tờ 500 ngàn lê gối đến gần mụ: “Con lạy ông ạ, con xin ông ban cho con nhiều tiền nhiều bạc, làm ăn phát đạt…” Nói đến đây, thấy mụ nhìn tôi cười huyền bí, tôi chột dạ: “Mịa cái mụ này, chơi mình hay sao?”. Nhưng mụ định lại thần: “Họ Phó kia, ta ban cho ngươi phúc lộc mãn đường, buôn may bán đắt, lộc lá đầy mình…”. Tôi gật đầu lia lịa: “Dạ, con xin ông, dạ con lạy ông ạ”.

Sau đấy đến các giá của cô Bơ, cô Chín, cô Bé rồi cô Đôi Thượng Ngàn:

Ngọc điện chốn kim môn, cô ra vào ngọc điện chốn kim môn 
Danh thơm ngoài cõi tiếng đồn trong í i cung.
Xinh thay một thú cô Đôi ngàn
Bầu trời cảnh phật í i ì í i phong quang bốn mùa 
Trên bát ngát trăm hoa đua nở 
Dưới cảnh bầy cầm thú đua chơi i ì í a ới a à ới a a…



Vũ Thanh Nghị, “Cô Chín”

Giá này trông mụ đẹp rạng ngời, mụ mặc áo dân tộc, vấn tóc choàng khăn trông đẹp khác thường, quả là:

Gió đông phong hây hây xạ nức; Bộ tiên nàng chầu chực hôm mai
Dập dìu nơi chốn trang đài; Chính cung Mẫu ngự trong ngoài sửa sang

Mụ múa rất dẻo, trên tay cắm hai ngọn nến, bước đi nhịp nhàng khoan thai, mắt mụ đưa đẩy nhìn tôi trông rất đa tình…



Vũ Thanh Nghị, “Cô Bé”

Sau khi chứng kiến đến giá cuối cùng thì trời đã về khuya…

Xe loan thánh giá hồi cung…

Bọn người lại kéo nhau lên xe thẳng về Hà Thành… Mụ lại trở về mụ, con mẹ buôn giàu sụ đất kinh thành. Mụ cho thầy Vượng đi xe khác, kéo tôi và con Thu phụ tá ngồi cùng xe. Lên xe, mụ lim dim đôi mắt nghỉ ngơi, bỗng mụ nghĩ đến một chuyện “vặt”, mụ liền quay sang nói với con Thu: “Mai bảo thằng Tuy gửi trả tao 15 tỉ, quá hạn đến một tuần rồi đấy! Mẹ, thấy mình dễ, cứ lợi dụng…”

Tôi nghe choáng luôn, những bóng cây bên đường hun hút lướt qua, tôi thấy mình nhỏ bé như bị tống trôi theo suối mơ…