04/08/2015

Kiếm pháp

Kiếm là loại binh khí ngắn hai lưỡi, được tôn xưng là “Vua của trăm binh khí có lưỡi”. Sách sử chép rằng kiếm xuất hiện rất sớm từ thời xa xưa.

Trong thời kỳ cổ đại, trừ việc dùng kiếm để chiến đấu và luyện tập võ nghệ, kiếm còn là vật tượng trưng cho quyền lực, địa vị của vua chúa, phân định đẳng cấp lễ nghi trong xã hội. Kiếm được các vị đạo sư, đạo sĩ dùng làm “pháp khí” trong tôn giáo với quan niệm cho rằng kiếm là vật có thể “ẩn thân, hàng yêu, trừ quỷ”. Ngoài ra kiếm cũng còn được coi là một vật trang sức phong nhã, nên văn nhân, học sĩ đeo kiếm để tỏ ra mình là người cao nhã, không dung tục.
Kết cấu của kiếm chia ra làm hai bộ phận chính gồm thân kiếm và cán kiếm. Thân do lưỡi kiếm, sống kiếm, mũi kiếm cấu tạo thành. Cán do vành chắn để bảo vệ tay, tay nắm, đốc kiếm, ngoài ra còn có bao kiếm, tua kiếm. Đo dài của kiếm xưa nay khác nhau không thống nhất. So sánh các vật cổ, người ta thấy rằng kiếm thường khoảng 100 đến 105 cm, trường kiếm dài đến 140 cm. Phong trào võ thuật hiện đại, độ dài của kiếm theo “quy tắc thi đấu võ thuật” qui định khi thi vận động viên cắp ngược kiếm thõng hẳn tay xuống thì mũi kiếm chấm đến vành tai là chuẩn.
Kiếm đi thức đẹp, kiếm tựa gió bay, kiếm như rồng lượn. Tĩnh kiếm như trinh  nữ, động kiếm tựa rồng bay, kiếm hoa như phụng vũ.

Kiếm pháp:
Theo võ lý, yếu quyết của người dùng đao, dùng kiếm là “Đơn đao khán thủ, Bảo kiếm khán đàm”. Nghĩa là để đánh giá trình độ của người sử dụng đơn đao, người ta nhìn vào tay không cầm đao xem có phối hợp “ăn ý” với tay cầm đao không. Đối với kiếm, xem tay “kiếm chỉ” trong các kỹ thuật kiếm, tay “kiếm chỉ” có để đúng với đàm kiếm không. Đàm kiếm là phần từ vành chắn trở về sau đốc kiếm.
Sách viết và phân tích về binh khí Võ cổ truyền hiện nay không nhiều. Việc nghiên cứu, tìm hiểu, tập luyện kiếm phải tham khảo từ nhiều nguồn tài liệu trong nước và nước ngoài. Kiếm pháp của các môn phái võ cổ truyền có thể tổng hợp theo thứ tự:
– Áp: Đè kiếm lên, ngăn giữ.
– Băng: Vạch kiếm.
– Cách: Gạt kiếm đứng qua trái hoặc phải.
– Đề: Nâng kiếm.
– Điểm: Đâm mũi kiếm.
– Đới: Đưa kiếm thẳng từ dưới lên, thanh kiếm nằm ngang.
– Kích: Đánh, phóng kiếm nhanh tới.
– Khuấy: Ngoáy kiếm, đâm lắc bằng cổ tay xoay tròn trên một điểm nhỏ.
– Loang: Múa hoa.
– Phách: Bổ, chém kiếm thẳng xuống.
– Sí: Giăng kiếm ngang tầm vai như cánh chim.
– Tiễn: Người và kiếm cùng lao tới.
– Tiệt: Khảm, chặt kiếm để chặn phá thế.
– Trừu: Kéo kiếm xuống, cứa, rọc.

Yếu chỉ kiếm thuật:
– Hư lãnh đỉnh khinh: đầu óc trống không, (tư tưởng an nhiên, tự tại).
– Hàm hung bạt bối: co lưng thóp bụng.
– Trầm khiên thuỳ chẩu: trầm vai buông chỏ.
– Tùng eo hoạt uyển: eo hông tự nhiên.
– Khí trầm đan điền: khí xuống đan điền.
– Khinh do tích phát: buông lỏng toàn thân.

Phép cầm kiếm:
Tay cầm kiếm phải thong thả linh hoạt, không nên nắm chặt lấy cán kiếm, vì như thế làm cản trở kỹ thuật của kiếm chiêu. Chỉ cần dùng ngón cái, ngón giữa cùng ngón áp út của bàn tay để nắm lấy cán kiếm, còn ngón trỏ và ngón út nên thong thả, buông lỏng, lòng chưởng cũng để trống không như cầm bút lông vậy.
Kiếm thực là kiếm tập luyện, thi đấu, hay chiến đấu, tùy theo người tập luyện thuận tay nào mà kiếm thực được cầm ở tay phải hoặc tay trái. Kiếm chỉ hay còn gọi là kiếm pháp hay kiếm quyết, là tay không cầm kiếm, hình thức 2 ngón trỏ và ngón giữa áp sát nhau chỉ thẳng, ngón đeo nhẫn và ngón út gập xuống, ngón cái đè lên đầu ngón tay đeo nhẫn. Kiếm chỉ hoa theo đường nét, chiêu thức của kiếm thực, hỗ trợ sự cân bằng, linh động và nghệ thuật trong kiếm pháp.
Cũng có nhiều trường hợp, bài bản yêu cầu một tay cầm kiếm thực, tay còn lại thay vì là kiếm chỉ thì cầm bao kiếm, bao kiếm được làm bằng vật liệu gỗ hoặc kim loại có thể trợ chiến gạt đỡ, phòng thủ khi lâm trận.

Đạo dùng kiếm:
Kiếm là loại binh khí nghệ thuật, tài hoa, ngoài công dụng chiến đấu, còn có kiếm đạo mang tinh thần triết lý Đông phương cao cả, nhất là ý vị của Thiền tông. Đạo dùng kiếm là thiên biến vạn hóa, là bách kiếm hóa nhất, thiên kiếm hóa nhất, vạn kiếm hóa nhất. Nhất điểm phát vạn thù, vạn thù quy nhất điểm. Hiểu được bí quyết trong đó là có thể tự chủ, an nhiên nhàn hạ mà ứng biến.
Tuyệt nghệ trong kiếm pháp là vô chiêu thắng hữu chiêu, nhìn bề ngoài có vẻ như không có gì nhưng bên trong là tuyệt kỹ, bởi vì người và kiếm đã hòa cùng một thể. Đó cũng là điều mà Lão Tử đã dạy: “Thông minh duệ trí thủ chi dĩ ngu. Dũng lực chấn thế thủ chi dĩ khiếp”.
Kiếm có thần kiếm, người giác ngộ dụng kiếm hòa cùng thần kiếm, chiêu thức kiếm ở trong ý kiếm, lúc ấy đánh đông trúng đông, đánh tây trúng tây, mặt trời, mặt trăng cùng xuất kiếm, cùng hợp nhất thành một chiêu. Đất Trời cùng hợp lại với nhau thành Một. Đến lúc ấy cũng không còn có ta và cũng không còn có kiếm.

Những câu chuyện kiếm đạo của Thiền:
1. Một người lính tên là Nobushige, mang kiếm đến hỏi Thiền sư Hakuin: “Thật có thiên đường và địa ngục không?”
Hakuin hỏi lại: “Anh là ai?”
Người lính đáp: “Tôi là một samurai”.
Hakuin kêu lên: “Hứ! Anh mà cũng là lính à, mặt anh trông không khác gì một tên ăn mày”.
Nobushige giận dữ, anh ta chuẩn bị rút kiếm nhưng Hakuin đã tiếp: “Anh mà cũng có kiếm à! Có lẽ kiếm của anh vô dụng không cắt nổi đầu của tôi đâu”.
Nobushige thực sự tuốt kiếm.
Hakuin nói: “Đây hãy mở cửa địa ngục đi!”
Nghe lời này, tâm Nobushige như tỉnh ngộ, nhận thức được sự chỉ giáo của Thiền sư Hakuin, cho kiếm vào vỏ và cúi đầu đảnh lễ.
Hakuin nói: “Đây hãy mở cửa thiên đường!”
2. Thời Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji Tenno) trị vì Nhật Bản (1867 – 1912), có đôi bạn thân, sau khi rời ghế nhà trường, mỗi người quyết tâm theo đuổi chí hướng của riêng mình.
Bakufu xuất gia tu học Phật trở thành Thiền sư, sống ẩn dật trong một sơn cốc xa xôi, hẻo lánh.
Yukichi theo nghiệp võ, ngày đêm chuyên cần luyện tập. Vốn tư chất thông minh, khả năng thiên bẩm cùng với lòng kiên trì quyết tâm rèn luyện và lại được thầy hết lòng chỉ dạy, nên chỉ một thời gian sau Yukichi đã vượt qua các cuộc tỉ thí trở thành đệ nhất kỳ nhân kiếm thuật không có đối thủ.
Tuy vậy, Yukichi vẫn cảm thấy trong lòng thiếu vắng một điều gì. Ông quyết định tiếp tục lên đường tìm thầy học đạo. Nghĩ đến người bạn cũ năm xưa, nay khoác áo Thiền sống trong sơn cốc, Yukichi đến thăm từ giã đồng thời bày tỏ ý nguyện của mình.
Sau khi mời trà, Bakufu nói với Yukichi không cần phải tìm thầy ở đâu xa, ông có quen một người có thể dạy cho Yukichi đạo dùng kiếm. Yukichi ngạc nhiên lẫn mừng rỡ xin được giới thiệu. Bakufu lấy tay chỉ vào ngực mình và nói rằng: “Người thầy ấy chính là tôi đây”.
Yukichi không tin, ngỡ rằng bạn mình đùa vui, vì từ thưở nhỏ đến giờ chưa bao giờ Bakufu dùng kiếm. Thế nhưng Bakufu như một kiếm sư thượng thừa đầy uy nghi và nghiêm khắc, lấy cây gậy thiền thay cho thanh kiếm, bảo Yukichi rút kiếm ra thi đấu. Yukichi rút kiếm nhưng không dám xuất chiêu sợ làm tổn thương bạn mình.
Bakufu nói với Yukichi rằng: “Nếu anh không xuất tuyệt chiêu thì sẽ không thấy được tuyệt kỹ đạo dùng kiếm của tôi”. Yukichi vung kiếm lên lần thứ nhất, chưa kịp định thần thì đầu gậy kiếm của Bakufu đã điểm ngay tim của ông. Tâm hồn bấn loạn, Yukichi xuất kiếm lần thứ hai, chưa hết một đường thì đầu gậy kiếm của Bakufu lại điểm trúng ngay tim của ông. Lần thứ ba cũng vậy, kiếm của Yukichi chưa kịp đâm tới thì đầu gậy kiếm của Bakufu đã lại điểm trúng ngay tim của ông. Yukichi buông kiếm, quỳ xuống xin học đạo với Bakufu.
Bakufu đỡ Yukichi đứng dậy ôn tồn nói rằng: “Khi đấu kiếm với anh, chung quanh tôi đất trời tan biến, cảnh vật tiêu tan, tôi chỉ thấy duy nhất có một trái tim của anh, nên tôi nhấc gậy kiếm đưa lên là điểm ngay đến đó”.
Từ đó, Yukichi giác ngộ, ngoài dứt chư duyên, trong không toan tính.
Võ sư Trương Văn Bảo
Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Việt Nam


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét