10/08/2015

Mô tả Danh và Sắc qua Kinh Bát Nhã

   Giữa mô tả và thực tế, sự khác biệt nhau là hoàn toàn. Mô tả là điều con người có thể hiểu, có thể thấy, còn thực tế là điều con người không thể thấy, không thể hiểu được.

Mô tả là thế nào? 
Mô tả là dùng trí óc nhận thức và diễn tả bằng ngôn ngữ, âm thanh hay hình ảnh, chữ viết. Đối tượng của mô tả là gì ? Là Danh và Sắc . Danh bao gồm các khái niệm, tư tưởng, tình cảm, lời nói, chữ viết. Sắc là vật chất bao gồm các hạt cơ bản, nguyên tử, phân tử, cấu trúc, hình dáng, màu sắc, khối lượng, số lượng.

Thực tế là thế nào ? 
Thực tế là sự thật, là chân lý, mà xưa nay con người nói rất nhiều mà không thể mô tả được, ngay cả đức Phật hay những bậc giác ngộ khác cũng đều không thể mô tả được. Tất cả mọi mô tả đều không phải là thực tế.
Trong suốt cuộc đời mình, đức Phật đã giảng rất nhiều về Phật pháp. Trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ tư, khoảng 600 năm sau khi Phật nhập diệt, lời giảng của Phật lần đầu tiên được viết thành văn bản trên lá bối thành các bộ kinh. 
Nhưng dù diễn tả bằng lời nói hay viết thành kinh sách, kinh điển cũng chỉ là mô tả, không phải là chân lý. Vấn đề này Phật đã có tuyên bố rõ ràng trước lúc nhập diệt rằng : “Trong suốt 49 năm qua, ta chưa hề nói một chữ”
Trong Kinh Kim Cang, Phật nói với Tu Bồ Đề : “若人言如來有所說法即為謗佛。不能解我所說故。須菩提。說法者無法可說。是名說法” Nhược nhân ngôn Như Lai hữu sở thuyết pháp tức vi báng Phật. Bất năng giải ngã sở thuyết cố. Tu Bồ Đề, thuyết pháp giả vô pháp khả thuyết, thị danh thuyết pháp (Nếu ai nói Phật có thuyết pháp là phỉ báng Phật, không thể hiểu ý ta nói . Này Tu Bồ Đề, thuyết pháp tức là không pháp có thể thuyết. Đó mới là thuyết pháp).
Như vậy, nếu nói các kinh điển không phải do Phật thuyết là mô tả không đúng, vì những kinh điển đó đều do Phật thuyết trong suốt quá trình truyền đạo 49 năm.
Còn nói những kinh điển đó là do Phật thuyết thì không đúng với thực tế, vì sự thật là Phật không thuyết pháp, không pháp nào có thể thuyết được cả, kinh điển không phải là chân lý, chỉ là chiếc bè dùng tạm để qua sông, qua được rồi thì phải bỏ chiếc bè.
Kinh điển mô tả rằng Đức Phật đã chứng Vô thượng chánh đẳng chánh giác dưới gốc cây Bồ Đề vào khoảng năm 593 Trước Công nguyên, sau đó Ngài đi khắp nơi ở miền bắc Ấn Độ (ngày nay là hai bang Uttar Pradesh và Bihar) giảng pháp trong 49 năm, vào khoảng năm 543 TCN, Ngài nhập diệt tại Câu Thi Na (拘尸那, sa. kuṣinagara). Mô tả đó dựa vào sự thật lịch sử, ngày nay cũng còn dấu tích, ví dụ, vườn Lâm Tỳ Ni là nơi Phật Đản sinh:
Nhưng khi Phật giảng Bát Nhã Tâm Kinh, Phật nói với Xá Lợi Phất:
3/舍利子,是諸法空相,不生不滅、不垢不淨、不增不減。是故空中無色、無受想行識、無眼耳鼻舌身意、無色聲香味觸法、 無眼界、乃至無意識界
XÁ LỢI TỬ! THỊ CHƯ PHÁP KHÔNG TƯỚNG, BẤT SANH BẤT DIỆT, BẤT CẤU BẤT TỊNH, BẤT TĂNG BẤT GIẢM, THỊ CỐ KHÔNG TRUNG VÔ SẮC, VÔ THỌ, TƯỞNG, HÀNH, THỨC, VÔ NHÃN, NHĨ, TỶ, THIỆT, THÂN, Ý, VÔ SẮC THINH, HƯƠNG, VỊ, XÚC, PHÁP, VÔ NHÃN GIỚI NÃI CHÍ VÔ Ý THỨC GIỚI :
Này Xá Lợi Phất! các pháp đều là hiển thị của tánh không : không sanh, không diệt, không dơ, không sạch, không tăng, không giảm; như vậy trong tánh không, không có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức; không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý; không có sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, không có thế giới của hình tướng, màu sắc (nhãn giới) cho đến không có thế giới của tư tưởng ý thức (ý thức giới).
4/ 無無明、亦無無明盡、乃至無老死、亦無老­死盡
VÔ VÔ MINH, DIỆC VÔ VÔ MINH TẬN, NÃI CHÍ VÔ LÃO TỬ, DIỆC VÔ LÃO TỬ TẬN:
Không có vô minh, cũng không có già chết nên cũng không có hết vô minh, hết già chết.
無苦集滅道  VÔ KHỒ, TẬP, DIỆT, ĐẠO:
Vì không có vô minh, không có già chết luân hồi sinh tử, nên cũng không có khổ, không có lý do hay nguyên nhân đau khổ, không có hết đau khổ, không con đường giải thoát : Khổ, Tập, Diệt, Đạo. 
Phật đã nói rõ với Xá Lợi Phất rằng tất cả những câu chuyện trên thế gian đó chỉ là mô tả chứ không phải thực tế, thực tế chỉ là tính không chứ không có gì cả.
Tất cả những chuyện sinh lão bệnh tử và tu hành giải thoát, khổ tập diệt đạo, chỉ là mô tả theo tưởng tượng của bộ não của loài người thế gian chứ không phải sự thật.

 Trong lịch sử cuộc đời của Đức Phật cũng có kể về việc Phật đi tới những cõi giới khác.
Trong bản đồ thánh tích Phật giáo, chúng ta thấy có địa danh Sankasya (Tăng Già Thi 僧伽施 gần New Delhi ngày nay), địa danh này tương đối ít được biết. 


Đó là nơi Đức Phật dùng thần thông lên trời Đạo Lợi 忉利天 thuyết pháp cho mẹ là hoàng hậu Ma Da nghe, Phật lên cõi trời chỉ một buổi thôi, nhưng người trần gian thấy là ba tháng, sau ba tháng Phật mới trở về trần thế, có Đế Thích và Phạm Thiên theo hầu. Điều đó cũng tương tự như pháp sư Khoan Tịnh đến viếng cõi Tây phương Cực lạc chỉ trong 20 giờ thôi, nhưng người đời thấy là 5 năm 6 tháng.
Con người không làm chủ được mình, số phận của mình. Con người chỉ có ảo tưởng về độc lập, tự do, dân chủ, không biết họ bị lệ thuộc hoàn toàn vào cái bản ngã vô minh với vô số sở tri chướng, bị cuốn trôi trong lục đạo luân hồi sinh tử vô cùng khổ sở. Kiếp súc sinh, trâu, bò, gà, heo, chó, tôm, cá…bị bắt làm thịt. Kiếp ngạ quỷ, địa ngục thì khỏi nói rồi, đó là đau khổ triền miên. Ngay cả kiếp người cũng không ít thảm cảnh mà chúng ta thấy hàng ngày trên truyền thông.
Con người giác ngộ ắt không hoàn toàn tin tưởng vào mô tả mà phải cảnh tỉnh, phải tìm cách làm chủ được số phận. Thế nào là làm chủ số phận? Ta làm chủ được số phận khi ngôi nhà của mình không bao giờ bị thiên tai; chiến tranh bạo lực, áp bức, bất công cũng không chạm được vào mình; bản thân mình không bị bệnh nan y, không chết bất đắc kỳ tử; thân nhân con cái của mình không bị chìm tàu, rớt máy bay hay tai nạn, cũng không bị bệnh nan y. Tại sao được như vậy? Vì không gây ra nghiệp bất thiện. Và cuối cùng, quan trọng nhất là sinh tử tự do. Ta có thể quyết định lúc nào mình nhập diệt, có tái sinh hay không và nếu có thì sẽ sinh ở đâu. Trên đời có ai làm chủ được như thế chăng? Hãy quan sát cuộc sống đời thường chung quanh bạn, không phải có nhiều người may mắn, hạnh phúc, xinh đẹp, giàu có đó sao? Nói cho cùng đó cũng chỉ là mô tả, thực tế là điều không thể nghĩ bàn.
Nói tóm lại, chúng ta đang sống trong mê muội, trong thế giới mô tả. Thế giới mô tả không phải là thực tế, chúng ta nên hướng tới giác ngộ, giác ngộ rồi thì tự do, muốn tịch diệt hay muốn tái sinh trong cảnh giới nào cũng tùy hỉ, sống trong thế lưu bố tưởng 世流布想 nhưng không sinh ra chấp trước tưởng 執着想.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét