27/08/2014

LUẬN VỀ PHẬT PHÁP


   
Ở đây, theo mình nghĩ, những điều sơ đẳng nhất về Phật Pháp mà các Phật tử băn khoăn sẽ tìm thấy lời giải đáp dễ hiểu - Có điều, chớ bằng lòng với những điều này để chểnh mảng trong việc đọc - hiểu Kinh Phật vì nơi đó mới là Tuệ.
Chân thành.

01.- ĐỨC PHẬT ĐÃ DẠY CHÚNG TA NHỮNG GÌ?
Cách trả lời hay nhất là trích dẫn những lời Phật dạy: 
“Nầy các Tỳ Kheo, Như Lai chỉ dạy về Đau Khổ và cách loại trừ Đau Khổ”.
Dầu câu trả lời nầy có phù hợp với ý  nghĩ của bạn hay không thì cũng nên ghi nhớ lấy. Có nhiều cách trả lời câu hỏi nầy, nhưng câu nói trên của Đức Phật đã tóm gọn một cách rõ ràng những lời dạy của Đức Phật.
Đức Phật chỉ dạy về Đau Khổ và sự dập tắt Đau Khổ. Do đó, những câu hỏi chẳng liên quan đến Đau Khổ và dập tắt Đau Khổ là những câu hỏi không thích nghi. Các bạn chẳng cần quan tâm đến những câu hỏi như: “Sau khi chết có tái sanh hay không?” hoặc: “Sự tái sanh diễn ra như thế nào?”. Các câu hỏi như thế sẽ chưa cần bàn đến. 
Tóm lại, khi được hỏi rằng:
“Đức Phật đã dạy chúng ta những gì?”.
Hãy trả lời:
“Đức Phật chẳng dạy gì ngoài Đau Khổ và cách loại trừ Đau Khổ”.
***
02.-ĐỨC PHẬT ĐÃ DẠY ĐẶC BIỆT NHỮNG ĐIỀU GÌ?
A.-Đây là một vấn đề lớn, có thể trả lời bằng nhiều cách. Nếu được hỏi như thế, trước tiên, chúng ta có thể trả lời rằng: 
Đức Phật dạy chúng ta đi trên Trung Đạo, đừng quá khổ hạnh mà cũng đừng quá dãi đãi; đừng ngã theo cực đoan nầy cũng chẳng ngã theo cực đoan kia.
 Một mặt, chúng ta tránh quá ép xác khổ hạnh vì như thế sẽ tạo ra nhiều khó khăn và rối rắm; mặt khác hãy tránh xa những phương pháp thực hành khiến cho dục lạc ngũ trần phát sinh. 
Cũng như bảo rằng: 
“Hãy ăn, hãy uống, hãy vui đùa, vì ngày mai chúng ta sẽ chết!”.
Đây là một câu nói trơ trẽn, chỉ thích hợp với hạng người đắm đuối trong dục lạc thế gian.
Ngược lại với hai thái cực trên, Trung Đạo bao gồm: một mặt, không tạo nên những cực nhọc cho ta; mặt khác không để cho tâm đắm chìm trong dục lạc giác quan. 
Đi trên Trung Đạo là tạo cơ duyên và điều kiện thuận lợi cho sự học hỏi và thực hành, đem đến kết quả là chấm dứt Đau Khổ. Chữ Trung Đạo có thể được áp dụng trong nhiều trường hợp khác nhau. Trung Đạo chẳng thể nào đưa bạn đi lạc đường. Trung Đạo tạo phương tiện tốt đẹp để chúng ta thấy rõ được chân lý:biết nhân, biết quả, biết đủ,biết đúng thời, biết mình, biết người, biết cộng đồng. Bảy đức tính cao thượng nầy tạo thành những bước đi trên Trung Đạo.
Đó là một cách trả lời câu hỏi trên.
B.-Chúng ta cũng có thể trả lời câu hỏi nầy bằng cách nói rằng Đức Phật dạy Tự Lực. Một cách ngắn gọn, tự lực là không dựa vào thời vận hay số mạng. 
Chúng ta không dựa vào các bậc Trời, ngay cả các bậc thường được gọi là Thượng Đế.
Chúng ta phải tự lực. Hãy nhớ lời Phật dạy: “Ta là nơi nương tựa của Ta”.
Ngay cả trong những tôn giáo hữu thần cũng  nói rằng: “Thượng Đế chỉ cứu giúp những ai biết tự cứu lấy mình”.
Trong các tôn  giáo khác, vấn đề tự cứu hay tự lực có thể được nói đến hoặc ít hoặc nhiều, nhưng trong Phật giáo, vấn đề tự cứu hay tự lực rất quan trọng. Người nào bị phiền muộn, đau khổ chi phối, bị gạt gẫm, đau thân, khổ tâm thì phải biết quay về con đường tự cứu.
Đức Phật dạy: Chư Phật chỉ đơn thuần chỉ cho ta con đường. Còn việc đi trên con đường ấy, mọi người phải tự cố gắng làm lấy”. 
Tóm lại, Đức Phật dạy “tự lực, tự cứu”. Chúng ta hãy ghi nhớ điều nầy.
C.-Một cách khác để trả lời câu hỏi trên là nhắc lại lời Phật dạy: “Mọi sự vật đều bị chi phối bởi Nhân và Duyên (điều kiện). Mọi sự vật nảy sinh tùy thuộc vào nguyên nhân và điều kiện, đúng theo định luật tự nhiên”.
Tôn giả A-Xà-Chí đã lập lại lời dạy nầy để giải đáp cho Tôn giả Xá-Lợi-Phất, lúc Ngài chưa gia  nhập Tăng Đoàn: 
“Đức Phật dạy rằng, mọi sự vật khởi lên đều có nguyên nhân; phải biết nguyên nhân của chúng cùng sự chấm dứt nguyên nhân đó”.
Đây là một nguyên lý rất phù hợp với khoa học, và chúng ta có thể nói rằng tất cả những lời dạy của Đức Phật đều phù hợp với nguyên lý của khoa học. Đức Phật không dùng những dữ kiện cá nhân hay chủ quan để làm tiêu chuẩn trong sự dạy dỗ; nói cách khác, Phật giáo là một tôn giáo của lý trí.
D.-Một cách trả lời khác là: Đức Phật dạy những quy tắc thực hành: “tránh làm điều ác, siêng làm việc lành, thanh lọc tâm ý”. Ba điều trên được gọi là Giới Bổn Căn Bản, có nghĩa là “tóm lược những lời khuyên dạy”.
Tránh ác và làm lành là những điều dễ hiểu nhưng giữ tâm trong sạch là điều cần giải thích rõ ràng. Một người cứ nắm giữ và dính mắc, ngay cả dính mắc vào điều lành thì cũng làm cho tâm thức người ấy bất an vì lo sợ không nhận được kết quả lành, lo sợ mất mát  những điều tốt đẹp đang có; âu sầu, phiền muộn, và cho những cảm tính đó  là “của tôi”. Tất cả những điều đó tạo nên đau khổ. Mặc dầu chúng ta có thể thành công trong việc tránh ác và làm lành, nhưng chúng ta vẫn cần phải biết cách làm thế nào để tâm được thanh tịnh.
Đừng nắm giữ hay dính mắc vào bất cứ điều gì, đừng xem cái gì là “ta” hay “của ta”, nếu ngược lại thì sự khốn khó và đau khổ sẽ đè nặng trên vai ta.  
Vậy thì, đừng đội trên đầu một bao ngọc ngà châu báu, vì cũng nặng y như đội một bao sỏi đá vậy.
Hãy đặt chúng xuống, đừng để vật nào trên đầu (không nắm giữ việc thiện hoặc ác trong tâm). Đó là ý nghĩa của việc thanh lọc.
Tóm lại, Đức Phật dạy: thứ nhất là tránh làm điều ác, thứ hai là siêng làm những điều lành và thứ ba là thanh lọc tâm.
E.-Và đây là lời dạy quan trọng khác cần được nhắc nhở luôn. Đức Phật dạy rằng: “Các pháp hữu vi, tức là mọi sự vật và mọi chúng sanh trên thế gian đều Vô Thường vì chúng luôn luôn trôi chảy, biến đổi, hoại diệt. Chúng ta phải luôn tỉnh thức”. Hãy thận trọng ghi nhớ lời dạy nầy.
Mọi sự vật trên thế gian đều luôn luôn trôi chảy, biến đổi, hoại diệt, nghĩa là đều Vô Thường. Đừng đùa với chúng! Chúng sẽ cấu xé bạn, sẽ cột trói và giữ chặt bạn. Rồi bạn sẽ ngã quị mà khóc than, và biết đâu …  lại muốn tự tử nữa!
Bây giờ hãy đúc kết lại những cách trả lời về câu hỏi trên. Nếu được hỏi Đức Phật đã dạy những gì, thì ta nên trả lời bằng một trong các câu sau đây:
-   Ngài dạy chúng ta đi trên Trung Đạo;
-   Ngài dạy chúng ta tự lực, tự cứu;
-   Ngài dạy chúng ta hiểu rõ luật Nhân Quả, phải biết tạo nhân như thế nào để được hưởng quả tốt đẹp như ý muốn;
-   Ngài dạy chúng ta nguyên tắc thực hành: làm việc lành, tránh việc ác, thanh lọc tâm ý;
-   Và Ngài nhắc nhở chúng ta rằng: tất cả mọi sự, mọi vật đều vô thường, biến đổi, chúng ta phải luôn luôn tỉnh thức.
***
03.-XIN NÓI MỘT CÁCH VẮN TẮT THÔNG ĐIỆP CỦA PHẬT GIÁO LÀ GÌ?
Chúng ta có thể trả lời ngắn gọn bằng một câu mà chính Đức Phật đã dạy:
“Không nên bám víu, nắm giữ vào bất cứ điều gì”.
Câu nầy do chính Đức Phật dạy và đã được lưu truyền đến bây giờ. Chúng ta chằng cần phí thời giờ tra cứu Tam Tạng Kinh Điển, vì câu ngắn gọn nầy đã nói lên đầy đủ giáo pháp của Đức Phật:
“Không nên bám giữ hay dính mắc vào bất cứ điều gì?”.
Lời dạy nầy cho chúng ta biết rằng bám víu, nắm giữ là Đau Khổ. Một khi đã hiểu rõ điều đó, thì có thể coi như là ta đã hiểu biết tất cả những lời dạy của Đức Phật, gồm trong bốn vạn tám ngàn pháp môn. Và khi chúng ta thực hành lời dạy nầy tức là chúng ta đã thực hành Phật Pháp một cách đầy đủ và trọn vẹn.
Vì sao một người thất bại trong việc giữ gìn giới cấm? 
Chính là vì y đã “bám víu và nắm giữ” vào sự vật. Nếu y biết tự kiềm chế, chẳng bám víu vào bất cứ vật gì, loại bỏ được tham ái và sân hận, thì y chẳng thể nào phạm giới. 
Vì sao tâm trí một người lại luôn luôn xao lãng và chẳng thể định tâm?  
Là vì y đang dính mắc vào một điều gì. Một người không có được trí tuệ nội quán cũng là do bám víu, dính mắc. Một khi đã biết tập cách buông bỏ, không nắm giữ nữa, liền đó người ấy đạt được các quả vị và cuối cùng thành tựu Niết Bàn.
Đức Phật là bậc hoàn toàn không hề bám víu vào điều gì. 
Ngài dạy phương pháp thực hành và kết quả của việc thực hành đó là sự không nắm giữ. Tăng Già bao gồm những người thực hành sự không nắm giữ: một số còn đang thực tập và một số đã hoàn tất. 
Vậy, khi được yêu cầu tóm tắt Giáo Pháp của Đức Phật trong một câu ngắn. Đức Phật đáp:
“Không nên bám víu, nắm giữ bất cứ điều gì”.
***
04.-LÀM THẾ NÀO ĐỂ THỰC HÀNH SỰ KHÔNG BÁM VÍU, NẮM GIỮ?
Nếu nột người hỏi bạn làm thế nào để thực hành việc không bám víu, nắm giữ, thì bạn nên một lần nữa đem câu nói của chính Đức Phật ra mà trả lời, chứ không nên đưa ý kiến riêng của chúng ta. Đức Phật chỉ dẫn cách thực hành thật đầy đủ như sau:
Khi thấy một vật, chỉ đơn thuần là thấy vật ấy.
         Khi nghe  một âm thanh, chỉ đơn thuần là nghe âm thanh ấy.
         Khi ngửi một mùi gì, chỉ đơn thuần là ngữi mùi ấy.
Khi nếm một vị gì, chỉ đơn thuần là nếm một vị đó.
        Khi thân xúc chạm một vật gì, chỉ đơn thuần là sự xúc chạm.
       Khi một đối tượng của tâm, chẳng hạn một ý nghĩ bất thiện khởi sinh, hãy nhận biết và ghi nhận ý nghĩ bất thiện ấy”.
Chúng ta hãy nhắc lại lời dạy trên, để giúp cho những bạn nào chưa từng được nghe đến những câu ấy:
Khi thấy, chỉ “biết”: hình thể, màu sắc;
Khi nghe, chỉ “biết”: âm thanh;
Khi ngửi, chỉ “biết”: mùi;
Khi nếm, chỉ “biết”: vị;
Khi thân xúc chạm vật gì, chỉ “biết”: cảm giác;
Và khi một đối tượng trong tâm khởi sinh (hình ảnh, tư tưởng…) chỉ “biết”:  chính đối tượng đó.
Điều nầy có nghĩa là khi sự vật tiếp xúc qua giác quan, chúng ta chỉ “đơn thuần ghi nhận” mà không nên để cho ý nghĩ “tôi, ta” khởi lên. Nếu chúng ta thực hành như thế thì ý niệm về “ta, tôi” không khởi sinh được; và một khi cái ta không có mặt, đau khổ sẽ chấm dứt.
Cần giải thích thêm câu: “Khi thấy một vật gì, chỉ đơn thuần là thấy”. Khi có vật tiếp xúc với mắt, hãy quan sát và nhận diện chúng, để biết cần phải làm gì, nhưng đừng để cho yêu hay ghét khởi sinh. Nếu để cho yêu hiện khởi thì tham muốn sẽ phát sinh, và bạn sẽ nắm giữ nó; nếu để cho ghét nổi lên thì sân hận sẽ phát sinh, và bạn sẽ muốn hủy hoại nó.
Thế là “người thương” hay “người ghét” đã có mặt. Đấy là điều được gọi là “Cái Ta” hay “Tự Ngã”. Vì dính mắc vào cái Ta, cái Tự Ngã nên chúng ta Đau Khổ.
Khi một sự thấy xảy ra, hãy tỉnh giác. Đừng để phiền não lôi cuốn để phải dính mắc. Hãy trao dồi trí tuệ để biết điều gì cần phải làm cho đúng và thích nghi. Nếu thấy không cần phải làm điều gì, thì phải quên ngay điều đó. 
Nếu đang chờ đợi một kết quả nào về điều ấy thì cứ tiến hành với Tỉnh Thức, đừng để cho ý tưởng về cái ta có dịp sanh khởi. Bằng cách nầy, bạn sẽ đạt được kết quả mong muốn mà không có sự đau khổ nào xảy ra. Đó là nguyên tắc để thực hành Giáo pháp, đáng được xem là tuyệt hảo.
Đức Phật dạy: “Khi thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm chỉ thuần là thấy, nghe, ngửi, nếm, cảm giác; khi tâm nhận biết một đối tượng chỉ thuần là sự nhận biết".
 Hãy để sự vật ngưng ngay tại đó và trí tuệ quan sát nội tâm sẽ vận hành một cách tự nhiên. Hãy chọn lối đi đúng đắn và thích hợp.
 Đừng tạo thêm “người thương” hay “người ghét”. Đừng để tham ái tác động theo sự yêu ghét, vì đấy là nguồn gốc của phiền não. Một tâm tư như thế sẽ bị náo loạn, chẳng tự do. Tâm ấy hoạt động không có một chút trí tuệ nội quán nào.
Tại sao ta không đề cập tới những công đức đầy thắng quả  như: Giới, Định, Huệ, tạo phước hay bố thí?
 Chúng ta làm phước, bố thí, giữ giới, phát triển định tâm và đạt trí huệ để trở nên một người an định. 
Làm phước và bố thí nhằm mục đích để loại bỏ tự ngã. Giữ gìn giới luật là một phương thức để chế ngự cái Ta. Tập trung tâm ý hay phát triển trí huệ cũng để loại trừ chấp ngã.
Chúng ta chẳng bàn đến những vấn đề đó, ở đây chúng ta chỉ nói đến những vấn đề khẩn cấp hằng ngày. Hằng ngày, mắt ta thấy vật nầy, vật nọ, tai ta nghe tiếng nầy, tiếng kia, mũi ta ngửi mùi thơm, mùi hôi, cả sáu giác quan đều có sự tiếp xúc hằng ngày.
Khi tâm ta an ổn, không lay chuyển và quân bình, dầu cho đủ loại sự vật tiếp xúc với chúng ta bằng nhiều cách qua nhiều ngả giác quan khác nhau nhưng tự ngã vẫn không phát sinh được.  
Như thế, chỉ cần thực tập công phu “thấy, chỉ biết thấy; nghe, chỉ biết nghe…” cũng đủ bao trùm mọi công phu thực tập. Đó chính là cốt tủy của sự thực hành Giáo pháp.
***
05.-NƠI NÀO CHÚNG TA CÓ THỂ TU HỌC ĐƯỢC?
Đức Phật dạy rằng: 
“Dùng  ngay chính trong cái thân vật chất nầy, với các tri giác và những hoạt động tâm ý để tu học”.
Hãy học trong tấm thân con người cùng với các tri giác và hoạt động tâm ý.
Tấm thân vật chất nầy, còn đang sống động cùng với các tri giác, các tác động tâm ý; tất cả các phần đó lập thành con người. Sự hiện diện của Thức bao hàm các tri giác và sự hiện diện của các hoạt động tâm ý bao hàm các kiến thức và tư tưởng.
Trong tấm thân vật chất đó cùng với các tri giác và các hoạt động tâm linh, Đức Phật đã cho biết rõ ràng: thế gian, nguồn gốc thế gian, sự tận diệt của thế gian cùng đường lối thực hành để hoàn thành sự tận diệt chính nó.
Khi Ngài nói đến nguồn gốc thế gian, sự hoại diệt của thế gian cùng đường lối thực hành đưa đến sự tiêu diệt hoàn toàn thế gian đó, là Ngài muốn nói rằng: toàn thể Giáo Pháp đều phải tìm thấy trong tấm thân nầy.
Không cần phải đến trường, vào hang động, lên rừng hoang, trèo núi cao, hay vào tu viện. Các nơi đó đều nằm bên ngoài chúng ta. Hãy xây dựng một ngôi trường bên trong, thiết lập một đại học đường ngay trong thân thể nầy rồi hãy nghiên cứu, học tập, sưu tầm, thám thính tìm ra sự thật về sự tạo khởi của thế gian.
Vì đâu thế gian lại là suối nguồn của đau khổ, thế gian có được hủy diệt hoàn toàn chăng? (tức sự hủy diệt của đau khổ) và làm cách nào để tận diệt được nó. Nói cách khác hơn là để diễn đạt ý nầy, đó là hãy tự mình khám phá trở lại Bốn Chân Lý Cao Thượng (Tứ Diệu Đế).
Đôi khi Đức Phật dùng danh từ “thế gian”, đôi khi Ngài dùng danh từ “đau khổ”:
*Bản chất của thế gian hay của sự đau khổ,
      *Bản chất sanh khởi của thế gian, của đau khổ và nguồn gốc của thế gian, của đau khổ;
*Bản chất của sự hoàn toàn diệt tận thế gian, của đau khổ;
*Cùng với bản chất của sự tu tập để đi đến chấm dứt thế gian, chấm dứt đau khổ.
Những vấn đề đó cần được tìm tòi và nhận thấy ngay trong tấm thân nầy, chớ chẳng phải ở nơi nào khác. Nếu ai đã tìm thấy các vấn đề trên tại một nơi nào khác, thì đó là những bản tường trình ghi trong sách vở, hoặc là lời đồn đãi hay những danh từ rỗng suông mà thôi chứ không phải là Chân Lý. 
Nếu những vấn đề trên đã được tìm thấy ngay trong tấm thân vật chất nầy cùng với tâm ý thì đó mới thật là Chân Lý.
Vậy thì nếu được hỏi: 
“Cần phải tu học nơi nào?”
Bạn hãy đáp:
“Chúng ta tu học ngay trong tấm thân vật chất nầy cùng với tri giác và các hoạt động tâm ý”
***
06.-GIÁO PHÁP ĐƯỢC SO SÁNH VỚI ĐIỀU GÌ?
Đức Phật dạy:
“Giáo Pháp có thể được so sánh với chiếc bè”.
Đức Phật dùng chữ bè, bởi  vì ngày xưa bè thường được dùng để sang sông, và cách giải thích Giáo Pháp như một chiếc bè như thế rất dễ hiểu. Ví dụ nầy mang một ý nghĩa quan trọng. Chúng ta không nên quá dính mắc vào Giáo Pháp đến nổi quên cả chính mình hoặc hãnh diện cho mình là “ông thầy”, học giả hay bậc tri thức.
Nếu chúng ta quên rằng Giáo Pháp chỉ như một chiếc bè, thì các nguy cơ trên sẽ phát sinh. Giáo Pháp chỉ là một chiếc bè, một phương tiện chuyên chở để đưa ta sang đến bờ bên kia. Khi đã đến bờ bên kia và đặt chân lên đất liền rồi, chúng ta chẳng dại gì mà vác chiếc bè đi theo ta nữa.
Ví dụ đó nhằm mục đích dạy cho chúng ta nhận chân và sử dụng Giáo Pháp như một phương tiện để đạt đến mục đích, chớ không phải để bám víu, nắm giữ, dính mắc vào Giáo Pháp mà quên cả chính mình.
Nếu chúng ta không nhận chân ra được chức năng thật sự của chiếc bè nầy thì chúng ta sẽ giữ nó lại để phô trương hoặc để tranh cãi với kẻ khác. Đôi khi lại còn dùng chiếc bè để… đua thuyền, thật là hao phí và vô dụng. 
Chiếc bè phải được sử dụng đúng với mục đích của nó là để đưa ta sang sông. Cũng vậy,kiến thức về Giáo Pháp cần phải được sử dụng để vượt qua biển khổ. Không nên dùng vào các mục đích tai hại như để tranh cãi, hay được dùng như một vật để tôn thờ, lễ bái. Cuối cùng, xin đừng bám chặt vào chiếc bè đến nỗi đã sang bờ bên kia, chân đã đặt trên đất liền rồi mà vẫn còn muốn mang chiếc bè kè kè theo bên mình.
Giáo Pháp được ví như chiếc bè phải được áp dụng cho cả người xuất gia lẫn tại gia.
***
07.-NGƯỜI CƯ SĨ TẠI GIA CẦN PHẢI TU HỌC NHỮNG GÌ?
Chúng ta đừng mất thời giờ tìm câu trả lời theo ý riêng của mình. Nếu người nào có ý riêng thì cũng tốt thôi. Nhưng nếu muốn có một câu giải đáp phù hợp với lời Phật dạy thì chúng ta phải nói: “Người tại gia cư sĩ phải nghiên cứu tất cả kinh điển, nghĩa là những bài giảng mà Đức Phật đã dạy về “Vô Ngã, Rỗng Vắng, Không Có Tự Thể”.
Trước hết, Kinh là những lời dạy cốt yếu của Đức Phật, được hệ thống hóa, trình bày khéo léo và xếp đặt có thứ tự.
Sự Vô Ngã, Rổng Vắng, Không Có Cốt Lõi có thể dường như xa lạ đối với bạn, nhưng xin đừng vội chán nản, bởi vì đây là những chữ rất quan trọng trong Phật Giáo. 
Chữ Rổng Vắng thường có nhiều nghĩa và cách dùng khác nhau. Chữ Rổng Vắng trong Phật Giáo không phải là sự rổng vắng về mặt vật chất. Nó chẳng phải là một khoảng trống không chẳng chứa đựng một chất liệu nào.
Rổng Vắng ở đây có nghĩa là không có một chút bản chất riêng nào.
Mặc dầu có rất nhiều sự vật tràn đầy khắp thế gian nhưng Đức Phật dạy rằng: chúng là rổng không bởi vì không có lấy một chút gì nơi muôn vật đó có cái đáng xem là Tự Ngã, là Ta hay thuộc về Tự Ngã , thuộc về Ta. Lời dạy ấy nhằm mục tiêu chỉ rõ lại một lần nữa chẳng có gì đáng để bám víu, nắm giữ cả.
Khi tâm nhận ra rằng không có gì là Tự Ngã cũng không có gì thuộc về Tự Ngã thì tâm sẽ trở thành Rổng Vắng và Tự Do.
“Thế giới nầy trở thành Rổng Vắng, Tự Do”
***
08.-THẾ NÀO LÀ PHÁP BẤT TỬ?
Đức Phật đã dạy:
“Sự chấm dứt Tham, Sân, Si chính là Pháp Bất Tử”.
Chừng nào chúng ta còn có Tham, Sân, Si thì còn có sự chết, còn có sự đau khổ. Vì còn Ngã Kiến, còn Tôi, Ta nên ta phải chịu sanh, già, bệnh, chết. 

Khi tham, sân, si chấm dứt, ý niệm sai lầm về tự ngã không khởi sinh thì làm gì có cái Ta để chết đi? Do đó, nếu muốn đi tìm một trạng thái bất tử, thì chúng ta phải tìm những nguyên nhân và điều kiện để loại trừ Tham, Sân, Si. 
Đó là lời dạy của Đức Phật. Pháp Bất Tử mà chúng ta thường được nghe là những lời dạy thâm sâu trong Phật Giáo, khác với pháp bất tử được các tôn giáo khác nói đến. Bất tử trong Phật Giáo chỉ có nghĩa là chấm dứt tham, sân, si. Trong khi “Bất Tử” được nói đến trong các tôn giáo khác là có một đời sống an vui vĩnh viễn khác hẳn trần thế.
*** 
09.-PHÁP NÀO LÀ PHÁP CAO THƯỢNG VÀ THÂM SÂU NHẤT ĐỂ VƯỢT KHỎI THẾ GIAN VÀ SỰ CHẾT DƯỚI MỌI HÌNH THỨC?
Đức Phật gọi pháp đó “Pháp dẫn đến Vô Ngã” hay chính là Vô Ngã. Pháp đưa đến Vô Ngã là pháp cao thượng nhất và thâm sâu nhất. Pháp ấy vượt cả thế gian, vượt cả sự chết. Pháp ấy ấy không gì khác hơn là Pháp Bất Tử.
Đức Phật nói :
“Một bản kinh, bất cứ thuộc loại nào, thuộc cấp bậc nào, dầu do một thi sĩ hay một nhà hiền triết nào sáng tác, dầu dưới hình thức văn vần, hoa lệ hay âm vận du dương nào, cũng không là Chánh Pháp nếu không có sự liên hệ đến Vô Ngã”.
Xin các bạn hãy nhớ kỹ các chữ quan trọng nầy:
“Nếu không có sự liên hệ đến Vô Ngã”.
Vì thế, nếu một bài kinh nào không liên hệ đến Vô Ngã thì đó là lời nói của một đệ tử về sau, một sự canh tân, một giáo lý mới, chớ không phải là lời nói của Đức Như Lai, và do đó phải được xem là yếu kém hơn.
Nếu lời nói của một vị đệ tử mà không liên hệ đến Vô Ngã thì xem như ở ngoài Giáo Pháp.
Nếu chúng ta muốn tìm thấy Giáo Pháp trung thực với lời dạy nguyên thủy của đức Phật, chẳng có cách nào khác hơn là tìm các bài giảng về Vô Ngã.
***
10.-TRONG KINH TẠNG ĐIỀU GÌ ĐƯỢC ĐỨC PHẬT NHẤN MẠNH NHIỀU NHẤT?
Đức Phật dạy:
“Ngũ Uẩn là Vô Thường và Vô Ngã”.
Ngũ uẩn là năm nhóm tập họp mà gộp chung lại thì thành một cá nhân. 
*Phần thân thể vật chất được gọi là Sắc Uẩn; 
*nhóm cảm thọ: cả lạc thọ lẫn khổ thọ, được gọi là Thọ Uẩn;
*ký ức và các tri giác gọi chung là Tưởng Uẫn; 
*các động tác của tâm được gọi là Hành Uẩn;
*và tâm nhận biết được mọi đối tượng qua các giác quan được gọi là Thức Uẩn.
Sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn được gọi là Ngủ Uẩn. Năm uẩn là Vô Thường và Vô Ngã. Đó là điểm giáo lý được Đức Phật nhấn mạnh đến nhiều nhất. Năm uẩn Vô Thường, liên tục trôi chảy, liên tục thay đổi. chúng không có tự ngã vì chúng luôn luôn trôi chảy; không nên cho rằng chúng là Ta, là của Ta.
Tôi xin tóm lược lại lần nữa, xin ghi nhớ kỹ, Đức Phật luôn nhấn mạnh đến điều nầy:
“Tất cả sự vật đều Vô Thường, đừng nên xem chúng là Tôi hay của Tôi”.
***
11.-ĐỨC PHẬT DẠY CHÚNG TA PHẢI TIN VÀO AI?
Đức Phật đã dạy dỗ cho người Kalama trong kinh Kalama Sutta: chúng ta chỉ tin tưởng điều gì mà chính chúng ta thấy rõ ràng. Cần phải hiểu rõ từ ngữ “thấy rõ ràng” là như thế nào. Thấy rõ ràng có nghĩa là thấy chính xác, rõ ràng mà không cần xuyên qua sự lý luận, suy diễn hay đặt giả thuyết. Trong Phật Giáo, chúng ta được dạy là không nên tin tưởng vào người nào hay điều gì mà trước đó tự mình chưa thấy rõ ràng chính xác.
Chúng ta có thể hiểu biết ý nghĩa trên qua những câu hỏi sau đây:
Tại sao chúng ta được khuyên, được cảnh giác là:
*đừng tin mù quáng vào Tam Tạng Kinh Điển;
*đừng tin vào một vị Thầy nào;
*đừng tin những gì do lý luận hay suy tư, biện giải.
Các nguyên tắc trên giúp chúng ta có sự hiểu biết đúng đắn, bởi vì sự tin tưởng mù quáng là điên rồ khờ dại. 
Giả sử chúng ta mở Tam Tạng Kinh Điển đọc vài đoạn rồi tin ngay mà chẳng cần suy nghĩ, thẩm xét, kiểm chứng thì đó là tin tưởng mù quáng. Đức Phật dạy rằng tin tưởng mù quáng vào Tam Tạng Kinh Điển là một sự sai lầm khờ dại lớn lao.
Thế nào gọi là tin tưởng mù quáng vào Thầy dạy? Đó là tin tưởng vào lời dạy của Thầy mà không dùng mắt, dùng tai để kiểm lại đó đúng hay sai. 
Cũng vậy, tin tưởng vào những lời đồn đãi cũng là thái độ không khôn ngoan, thiếu trí tuệ.
Tin tưởng xuyên qua lý luận biện giải, có nghĩa là tin tưởng vì đã có học qua  và đã có kinh nghiệm qua sự biện giải phân tích để đi đến một kết luận nào đó là một thái độ nên khuyến khích, tuy nhiên những kiến giải như vậy cũng chưa đủ đúng đắn, chính xác. Không nên đặt tin tưởng vào lối thuần túy như vậy.
Nhưng phải thận trọng sáng suốt để biết rằng bài kinh nầy không cấm ta đọc Tam Tạng Kinh Điển, cũng không phải bảo ta đừng nên học hỏi nơi các bậc Thầy, cũng chẳng bảo ta không cần để ý đến các báo cáo, các lời đồn đãi, hay bảo ta đừng dùng phương pháp luận lý học hỏi tìm hiểu vấn đề.
Bài kinh nầy dạy chúng ta đừng dễ dãi tin ngay vào cái gì ta đọc được, nghe được hay biết được; mà phải: tư duy cặn kẻ, quan sát mọi khía cạnh, thấy rõ ràng và sau cùng là chính chúng ta đã tự chứng nghiêm sự thật là vậy.
Hãy lấy một thí dụ, Đức Phật dạy rằng Tham, Sân, Si là nguyên nhân gây ra đau khổ. Nếu chúng ta không biết thế nào là tham, sân, si thì chúng ta không thể nào tin rằng tham, sân, si là nguyên nhân gây ra đau khổ. Nhưng nếu chính bản thân ta đã kinh nghiệm để biết tham là như thế nào, sân, si ra làm sao, và khi ba điều nầy khởi lên trong tâm như những ngọn lửa thiêu đốt chúng ta, gây ra đau  khổ cho chúng ta. Khi đó chúng ta tin vào lời dạy của Đức Phật một cách chắc chắn, bởi vì ta đã có kinh nghiệm của chính bản thân chúng ta.
Bởi vậy Đức Phật dạy về đức tin như sau: Khi nghe điều gì, chúng ta nên dò xét cho đến khi sáng tỏ điều ấy. Bằng còn chưa thấu suốt được thì nên dùng lý luận để phân tích vấn đề rồi hãy để yên vấn đề một thời gian xem sao. 
Như vậy, khởi đầu chúng ta hãy đem những gì mà chúng ta đã tin tưởng mà thực hành để kiểm chứng lại. Dần dần qua sự thực hành, chúng ta sẽ thấy rõ ràng, sẽ tin tưởng hơn, sẽ tiếp tục thực hành nhiều hơn và càng thấy rõ ràng hơn nữa.
Đó là lời Phật dạy. Vậy nếu có người hỏi bạn về lòng tin, hãy nên giải thích cho đúng đắn. Bằng không bạn sẽ giải thích sai lời Phật dạy.
Không tin tưởng vào Tam Tạng Kinh Điển; không tin tưởng vào vị Thầy; không tin lời đồn đãi; không tin vào những gì do lý luận, biện giải. Những điều không nên tin kể trên còn có nhiều nghĩa ẩn tàng, cần phải được tìm hiểu. Nhẹ dạ mà tin ngay là điên rồ.
Đức Phật kết án việc ấy rất nặng. Ngài dạy trước khi đặt niềm tin vào đâu, hãy trắc nghiệm nó cho đến  khi nào thấu suốt được nó rồi mới thật sự tin.
Tin ngay là ngu dại; chỉ tin tưởng sau khi đã thấy rõ ràng mới là thái độ đúng đắn.
 Đó là chủ trương của Phật Giáo về lòng tin: chẳng tin tưởng một cách ngây thơ, không chỉ dựa vào con người, vào sách, vào giả thuyết, lập luận hay bất cứ điều gì mà đa số đều tin theo, nhưng hãy tin vào những gì mà chính chúng ta đã thấy và thân chứng rõ ràng.
Đó là chủ trương của Phật Giáo. Người Phật Tử chúng ta nên theo chủ trương đó.
***
12.-TÂM CỦA NGƯỜI THƯỜNG VÀ CỦA PHẬT TỬ KHÁC NHAU NHƯ THẾ NÀO?
Giờ đây chúng ta sẽ cứu xét sự khác biệt giữa tâm trí của người thường và của người Phật Tử đúng nghĩa.
Người thường ở đây có nghĩa là người chưa thông hiểu và chưa hề tu tập theo đường lối đích thực của Phật Giáo. Một người có thể được gọi là Phật Tử vì có cha mẹ theo đạo Phật, vì theo trong sổ khai sanh hay lý lịch. Nhưng người đó vẫn chỉ là một người thường.
Để trở thành một Phật Tử thật sự, một vị Thánh nhân, tức là một người có trình độ tu tập thâm sâu, thì người đó cần phải có một sự hiểu biết đúng đắn (chánh kiến) về rất nhiều điều chung quanh mình bằng một trình độ thâm sâu hơn người thường.
Đức Phật có nói: 
“Giữa cái nhìn của bậc Thánh và cái nhìn của người thường có một sự khác biệt rất lớn”.
Như thế, dưới mắt của bậc Thánh: ca hát cũng giống như than khóc, khiêu vũ là động tác múa may của người khùng, còn cười ha hả là thái độ ấu trĩ của trẻ con.
Người thường cũng ca hát, cũng cười ha hả để hưởng vui mà chẳng để ý đến cái lúc họ thấm mệt.
Trong giới luật của bậc Thánh, ca hát bị xem như khóc lóc. Thử nhìn một người đang hát và cố gân cổ lên để hét to, đó chẳng khác gì như đang khóc; vì nó xuất phát từ xúc động tình cảm.
Khiêu vũ cũng giống như kẻ điên khùng; hãy cứ quan sát thì thấy khi chúng ta đứng trên sàn nhảy; nếu chúng ta tỉnh giác thì chẳng thể nào chúng ta nhún nhảy được?
Nhưng đa số đều nghĩ đấy là cuộc vui giải trí nên không nhận ra đó là bộ dạng của người mất trí. Có người thích cười to, cười lớn là vì có điều thích ý. Người ta rất hay cười như thế, cười ngay cả những lúc không đáng cười hoặc chẳng có gì để cười. Nhưng đối với bậc Thánh nhân và trong giới hạnh của họ thì cười lớn tiếng là thái độ ấu trĩ trẻ con. Vậy chúng ta nên cười ít đi và đừng cười to như thế thì lại càng tốt hơn nữa.
Đây là những thí dụ về sự khác biệt trong cách hành sử của một vị Thánh nhân có giới hạnh và người thường. Theo các truyền thống của người thế gian ngoài đời thì ca hát múa vũ, cười to tiếng không hại gì mà còn là những cuộc vui thông thường. Trong khi các bậc giới hạnh thì cho đó là một cái gì thật đáng thương hại và đánh giá những điều ấy theo chiều suy nghĩ đó. Đây là cái nhìn của một người mà tâm đã được huấn luyện thuần thục.
Đức Phật không cấm đoán những việc làm trên nếu chúng ta thích làm, nhưng Ngài muốn chúng ta hiểu rằng có thái độ trưởng thành và có thái độ ấu trĩ và chúng ta không nên có thái độ không cần thiết. 
Khi chúng ta còn chưa là bậc Thánh, có thể chúng ta muốn thử làm chơi vài cử chỉ tầm thường đó. Nếu thử một đôi lần, ta sẽ thấy lúc đầu có sự thích thú, nhưng về sau, ta sẽ chán ngấy. Và như thế, ta có thể vươn lên gần đến hàng thánh thiện.
Vài người chẳng thích nghe nói đến kỷ luật hay bàn đến giới luật. Họ ngại rằng sự kềm chế sẽ đưa đến đau khổ. Tuy nhiên, huấn luyện tâm để không buông trôi theo tính khí thay đổi thất thường là một nguyên tắc quan trọng trong Phật Giáo. Kềm chế thân tâm để khỏi chiều theo tính khí như thế đâu phải là đau khổ. Ta phải tìm cách tránh bị thúc bách bởi các cảm xúc vị kỷ hay ô nhiễm cám dỗ, thúc dục và ngự trị chúng ta. Hãy nhìn vào các cặp khiêu vũ và xem các ô nhiễm kích thích họ ra sao, áp đảo và chế phục họ như thế nào; ta gọi đó là tự do sao?
Cho nên, chúng ta phải tìm cách cải thiện thân phận của chúng ta. Đừng mãi mãi là “người thường”! Hãy ghi tên gia nhập vào cộng đồng của Đức Phật, tức là thâu thập Kiến Thức, Trí Huệ, Tỉnh Thức và Chánh Kiến để đau khổ giảm dần. 
Tránh làm các điều không cần thiết, chỉ tạo thêm bất lợi và khó nhọc cho chúng ta. Đấy chính là phần thưởng mà bạn sẽ gặt hái được: bạn bước từ cấp thường nhân lên hàng Phật Tử chân chánh, rồi đến bậc Thánh và an trú trong giới luật của hàng Thánh nầy. Đức Phật khi xưa vẫn hi vọng rằng sẽ có thật nhiều bậc Thánh nhân trong hàng những người muốn thoát khỏi đời trần tục.
***
13.-TU TẬP NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐI ĐÚNG TRÊN CON ĐƯỜNG ĐẠO?
Trong giáo lý căn bản, Bát Chánh Đạo gồm có: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định.Tám yếu tố nầy có thể được qui về ba nhóm: Giới, Định, Huệ, hợp thành một hệ thống để thực hành Bát Chánh Đạo là con đường duy nhất đưa đến giải thoát giác ngộ.
*Giới:  Chánh Ngữ, Chánh Mạng, Chánh Nghiệp, Chánh Tinh Tấn.
*Định: Chánh Niệm, Chánh Định.
*Huệ:  Chánh Tri Kiến, Chánh Tư Duy.
Trong thực hành, chúng ta phải “luôn luôn quan sát thân tâm mà không có một ý niệm nào khởi sanh”. 
Khi chúng ta chỉ đơn thuần quan sát thân tâm, biểu hiện qua sáu giác quan mà không thêm bất kỳ một yếu tố nào, có nghĩa không xem thân tâm là “Tôi”, “Ta”, tức là chúng ta thực hành Bát Chánh Đạo.
Trước mắt chúng ta nên biết đến sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm. Mỗi giác quan có năm yếu tố.
Chẳng hạn về sự thấy, ta có:
1.-Mắt: cơ quan thâu nhận hình sắc.
2.-Vật bị thấy: đối tượng.
3.-Cái thấy: sự xúc chạm xảy ra giữa mắt, vật bị thấy .
4.-Cảm thọ: khổ, lạc hoặc không khổ không lạc.
5.-Thức: sự phân biệt đối tượng (ý niệm tốt-xấu, hay- dở…)  .
Nếu thiếu sự Tỉnh Giác (=sự quan sát=  nhận biết)  ta sẽ nắm giữ vào một hay nhiều yếu tố trên của sự thấy và xem chúng là Tôi, Ta… Chẳng hạn như chúng ta bám víu vào sự nhận biết vật thấy (nhãn thức) và xem nó là Tôi, Ta hay Tự Ngã. Bởi vì qua nhãn thức ta có thể nhận biết được đối tượng nên ta kết luận ngay là phải có cái Ta để làm công việc nhận biết đó.
Tương tự như thế, chúng ta bám víu vào xúc, thọ… và xem chúng là của Tôi, của Ta.
Đôi khi một âm thanh du dương đến với ta và ta bám víu vào sự nhận biết (nhĩ thức) và xem nó là Ta, Tôi hay Tự Ngã.
Mỗi giác quan có năm yếu tố, tổng cộng là ba mươi yếu tố. Mỗi yếu tố đều có thể bị ta nắm giữ lấy làm “Ta”, nhiều lần trong ngày một cách dễ dàng. 
Vừa mới có sự dính mắc vào sự vật thì liền sau đó đau khổ khởi sinh (ham thích thì muốn chiếm giữ, bực bội thì muốn chối bỏ hoặc suy nghĩ liên miên về cái lợi cái hại do đối tượng đem lại…). Thế là ta đã lầm lỡ và tự đẩy mình vào mạng lưới chằng chịt khổ đau.
Đó không phải là đang đi trên đường đạo vì đức Phật dạy chúng ta đừng chấp chặt vào sáu giác quan cùng các đối tượng liên hệ với chúng.
 Nhờ luôn canh phòng bằng sự Tỉnh Giác nên chúng ta không nhận giác quan nào làm “cái ta” cả, và chính ngay lúc đó Bát Chánh Đạo (Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định) khởi sinh. 
Thực tập không chấp chặt vào sáu giác quan là nguyên nhân khiến Bát Chánh Đạo khởi sinh tức thì. 
*Tỉnh Giác trên mọi hoạt động của Thân tức là thực hành:
Chánh Nghiệp -- Chánh Mạng – Chánh Tinh Tấn.
*Tỉnh giác trên mọi hoạt động của Khẩu tức là thực hành:
Chánh Ngữ.
*Tỉnh Giác trên mọi hoạt động của Ý tức là thực hành:
Chánh Tri Kiến – Chánh Tư Duy – Chánh Niệm – Chánh Định.
***
14.- NGHIỆP LỰC CÓ VAI TRÒ NÀO TRONG PHẬT HỌC?
Nhiều người Tây Phương đã viết những sách về Phật Giáo và dường như họ lấy làm hãnh diện về chương nói về Nghiệp Lực và Tái Sanh. Nhưng họ đã giải thích rất sai lầm, hoàn toàn sai lầm. Họ muốn giải thích chữ Nghiệp Lực, nhưng tựu trung chỉ mang ý nghĩa “nghiệp thiện là tốt, nghiệp ác là xấu”, làm điều tốt, hưởng quả tốt, làm điều xấu, chịu quả xấu, chỉ chừng ấy thôi. Sự giải thích về nghiệp báo như thế thì cũng giống như sự giải thích về nghiệp báo trong các tôn giáo khác. Đó không phải là nghiệp báo được dạy trong Phật Giáo.
Đối với sự tái sanh cũng vậy. Họ tuyên bố rất mạnh mẽ như chính mắt họ trông thấy rõ ràng chính các cá nhân nầy đang tái sanh lại. Họ đã giải thích sai lầm điều chánh yếu mà đức Phật đã dạy là không có sự hiện hữu của “cá nhân” hoặc “tự ngã”. Mặc dầu tôi đang ngồi đây, nhưng chẳng có cá nhân nào ở đây cả. Khi đã không có cá nhân nào thì lấy ai để mà chết, lấy ai để tái sanh? Đức Phật đã giảng dạy sự bất hiện hữu của “cá nhân”. Như thế, Sanh và Tử dưới mắt của chúng ta thật ra chỉ là những danh từ chế định.
Chúng ta cần phải có sự hiểu biết rõ ràng hơn về nghiệp lực. Đối với Phật Giáo, thì vấn đề quan trọng là chấm dứt nghiệp báo, chứ không phải chính nghiệp báo và quả của nghiệp.
Đức Phật dạy rằng nghiệp lực chấm dứt khi tham, sân, si chấm dứt. Nói khác hơn,nghiệp lực chấm dứt khi phiền não chấm dứt. Điều nầy thật dễ nhớ. Khi còn tham, sân, si thì còn nghiệp lực. Một khi tham, sân, si chấm dứt, không tạo nghiệp hiện tại và cũng không tạo nghiệp tương lai. Như vậy, nghiệp quá khứ chấm dứt, nghiệp hiện tại và nghiệp tương lai không có. Đây là điểm khác biệt giữa nghiệp lực trong Phật Giáo và nghiệp lực trong các tôn giáo khác.
Có ba loại nghiệp nhưng phần đông chúng ta chỉ biết đến hai loại nghiệp: thiện nghiệp và ác nghiệp mà không biết đến nghiệp lực thứ ba. Đức Phật gọi loại thứ nhứt là bạch nghiệp hay thiện nghiệp tức là nghiệp trắng, nghiệp tốt; loại thứ hai là hắc nghiệp, tức là nghiệp đen hay nghiệp dữ; loại thứ ba có thể gọi là nghiệp không trắng không đen là loại nghiệp nhằm chấm dứt cả hai loại nghiệp trắng và nghiệp đen.
 Chính là loại thứ ba nầy mới đúng theo nghĩa nghiệp lực của Phật Giáo vì đây là loại nghiệp chấm dứt tham, sân, si; chấm dứt phiền não. Loại nghiệp lực thứ ba nầy chính là Bát Chánh Đạo; nghiệp lực nầy chẳng trắng cũng chẳng đen và có khả năng đưa đến chấm dứt bạch nghiệp và hắc nghiệp. Nó là con đường siêu thế thoát khỏi thế gian, vượt lên cả điều thiện lẫn điều ác.
Loại nghiệp thứ ba nầy không hề được các người Tây phương đề cập đến trong các chương sách của họ nói về “Nghiệp lực và Tái sanh”. Những lời dẫn giải của họ đa số đều phiến diện, thiếu chính xác. Để theo đúng giáo lý Phật Giáo, họ phải luôn chú trọng cả loại nghiệp lực thứ ba, tức là loại nghiệp lực có khả năng chấm dứt tham, sân, si, chấm dứt mọi nghiệp cũ, cả đen lẫn trắng.
***
15.- CÓ CẦN NGHE CHÍNH ĐỨC PHẬT GIẢNG PHÁP MỚI CÓ THỂ CHẤM DỨT ĐAU KHỔ CHĂNG?
Có vài người quả quyết rằng ta cần phải nghe chính Đức Phật thuyết giảng thì mới có thể thật sự hiểu rõ được Giáo Pháp. Nhưng Đức Phật cũng nói là có nhiều người, mặc dầu không được nghe Giáo Pháp do chính Ngài thuyết giảng, vẫn có thể đi theo con đường chánh đạo. Đã có nhiều người, dầu chẳng được nghe Pháp từ chính Đức Phật, nhưng qua sự thực hành Bát Chánh Đạo một cách bền bỉ và nghiêm mật, vẫn có thể đi đúng con đường chánh đạo.
Thế nên, chúng ta nên chấp tay ngưỡng mộ lòng từ bi của Đức Phật đã không xem Giáo Pháp là sở hữu độc quyền của mình và cũng chẳng hề tự xem mình là cần thiết.
***
16.- LÀM CÁCH NÀO ĐỂ GIẢI QUYẾT KHI CÓ NGHI VẤN VỀ  
         MỘT GIÁO LÝ KHÔNG BIẾT CÓ PHẢI DO ĐỨC PHẬT DẠY?
Đức Phật có đặt ra một nguyên tắc để trắc nghiệm: cứu xét và đối chiếu với Kinh Tạng. Nguyên tắc căn bản là không nên tin tưởng vào điều gì do ghi chép lại hay được giảng lại và không nên công nhận ai là người đủ uy tín. Nếu có sự nghi ngờ về bất cứ lời nói nào mà họ tự nhận là đã nghe từ đức Phật hoặc từ một nhóm Trưởng lão thông thái về những đề tài liên quan tới việc đưa đến sự chấm dứt đau khổ. Đức Phật dạy rằng ta cần phải trắc nghiệm điều ấy theo hai cách:
1.   Xem xét và đối chiếu Kinh Tạng. Các bộ kinh là một hệ thống các bài pháp lập thành một đường hướng phân minh. Nếu lời phát biểu nào đó không theo đúng đường hướng trong kinh thì phải gạt bỏ đi.
2.   Đối chiếu với Luật Tạng. Các giới luật là oai nghi khuôn mẫu, là tiêu chuẩn phạm hạnh, một hệ thống cố định. Nếu lời phát biểu nào đó không phù hợp với hệ thống đó, giới luật đó, thì phải gạt bỏ đi.
Đừng quá tin cậy vào Tỳ Kheo nào, hay thành viên nào của Tăng già, nhóm Trưởng lão, hay bất kỳ một người nào tự nhận có kiến thức về pháp học và pháp hành, hoặc cho rằng chính họ đã nghe như vậy từ chính đức Phật. Ngài luôn luôn đòi hỏi chúng ta trước khi chấp nhận một điều gì, phải đặt nghi vấn rồi điều tra. Sau đó đối chiếu lại với Kinh Tạng, xem có thích nghi không; hay đối chiếu với Luật Tạng, xem có phù hợp không?
Đây là những nguyên tắc để bảo đảm rằng, dù Phật giáo trải qua 2.000 năm, 3.000 năm, 5.000 năm, hay chục ngàn năm hay bao nhiêu đi nữa, nếu luôn luôn áp dụng nguyên tắc nầy thì Giáo Pháp và Giới Luật không thể bị bóp méo hay lầm lẫn.
Thế nên đây là một nguyên tắc rất hữu dụng. Đức Phật dạy hãy lấy Giáo Pháp và Giới Luật để trắc nghiệm mọi thứ. Và đây chính là “Đại Tiêu Chuẩn”.
***
17.- ĐỨC PHẬT ĐÃ PHÊ PHÁN CON NGƯỜI QUA CÁC THỜI ĐẠI NHƯ THẾ NÀO?
Trong một bản Kinh, đức Phật đã khiển trách “chúng ta ngày nay”, có nghĩa là, kể từ thời đức Phật cho đến ngày nay, mỗi thế hệ mới “cứ lo thụ hưởng các thú vui không chánh đáng, lại quá tham lam và hay thiên về tà giáo”. Họ thích thú đi tìm cho mình các sự kích thích không đúng đắn.
Nói cách khác, họ thiếu tập trung tâm ý, hoàn toàn thiếu tỉnh giác, khiến cho sự tham luyến của họ trở nên mãnh liệt và thái quá. Họ rơi vào tà giáo, bởi vì họ đã chịu thua hoàn toàn sức mạnh của phiền não.
Lời tuyên bố của đức Phật đã có hơn 2.000 năm, tuy nhiên Ngài đã dùng từ ngữ “con người của các thời đại sau” -- khoảng thời gian kể từ khi Ngài có lời phán xét đó cho đến nay--.Chúng ta hãy suy nghĩ lại điều nầy để nhìn lại mình trong hiện tại. Con người trên thế giới ngày nay có quá say mê đi tìm các lạc thú không chánh đáng, quá ích kỷ, và thiên về tà thuyết không?
Rõ ràng, người thời nay khác xa  người thời đức Phật. Tuy nhiên, nếu ngày nay họ muốn sống đúng theo mẫu mực như đức Phật đã dạy thì dù vẫn tìm thấy thích thú trong màu sắc, hình dạng, âm thanh, hương vị và các khích động khứu giác, nhưng vẫn có thể luôn luôn tỉnh giác và có chánh tri kiến, không để tham luyến trở nên thái quá.
 Chỉ riêng chữ “thái quá” nầy, tức là hơn mức cần thiết, cũng đã nói lên đầy đủ ý nghĩa của các nguyên nhân gây nên sự xáo trộn, khó khăn và biến động trên thế giới này nay.
Không nên tìm cầu hơn sự cần thiết của mình, vì như thế là tham lam thái quá. Tuy nhiên phải chăng ngày nay chúng ta vẫn chưa cho mình là tham lam, là thái quá? --Chỉ những ai thành thật với chính mình mới biết mình có “tham lam thái quá” "hay không”mà thôi.
Chúng ta phải ý thức rằng, việc tìm cầu nhiều hơn mức cần dùng chính là tự đọa đày và làm mình đau khổ; đó là nguyên nhân tạo nên các rối loạn cho cá nhân và xã hội. Hãy suy nghĩ kỹ về điều nầy.
Ngày nay có nhiều người si mê tin theo tà thuyết mà không có sự suy tư đúng đắn, nên bị phiền não tràn ngập, khiến họ làm nhiều điều sai lầm. Nhiều khi đã biết rõ một điều nào đó rất sai lầm, nhưng bị tham lam, sân hận, si mê chế ngự, nên cứ làm điều đó mà chẳng chút hổ thẹn hoặc lo ngại. Họ đã bị tà kiến chi phối nên suy tư và hành động sai hẳn Giáo Pháp. 
***
18.- ĐỨC PHẬT KÍNH LỄ NHỮNG AI?
Chính đức Phật có nói: “Như Lai kính lễ Giáo Pháp và kính lễ cộng đồng Tăng già có đầy đủ các đức tánh gương mẫu”. 
Một cộng đồng Tăng già với các tu sĩ có hành xử đạo đức và tu hành tinh tấn được gọi là cộng đồng có đầy đủ đức tánh gương mẫu. Như vậy, chính đức Phật cũng kính lễ Giáo Pháp và kính lễ chúng Tăng vẹn toàn phẩm hạnh.
 Chúng ta nên suy gẫm về việc chính đức Phật cũng kính trọng Giáo Pháp và các Tăng đoàn Tỳ Kheo giữ gìn giới hạnh trong sạch. Nếu tất cả thành viên của cộng đồng Tăng lữ tu tập tinh tấn và đời sống phạm hạnh tốt đẹp thì đức Phật cũng sẽ kính lễ họ.
Đây là một điều mà chúng ta có thể ứng dụng vào cách hành xử trong thời đại nầy ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Nghĩa là chúng ta phải tôn kính Giáo Pháp. Bởi vì nếu mà ngay cả một bậc cao quí nhất còn kính trọng Giới Luật và các cộng đồng thực hành những Giới Luật đó một cách nghiêm chỉnh thì chúng ta cũng phải tôn kính như thế.
***
19.- TÌM PHẬT NƠI NÀO?
Đức Phật dạy: “Người nào thấy Giáo Pháp, người ấy thấy Như Lai. Người nào không thấy Giáo Pháp, người ấy không thấy Như Lai. Người chưa thấy Giáo Pháp, dầu có nắm áo Như Lai và giữ chặt lấy, cũng chẳng thể nào thấy được Như Lai”.
Như Lai là danh hiệu mà đức Phật thường tự xưng.
Lời nói trên có nghĩa là chúng ta không thể tìm thấy đức Phật ở những gì là vật chất. Hay đúng hơn, chỉ tìm thấy Phật khi chúng ta thực hành những lời Phật dạy và chứng ngộ được "Pháp Thân thanh tịnh của  chúng ta" thì chính là chúng ta thấy được Như Lai. 
Đó là điều cần được nhận ra trước khi nói rằng chúng ta đã tìm thấy Phật.
Mỗi khi quì lạy trước tượng Phật, tâm chúng ta an trú vào hình tượng. Kế đến, chúng ta phải vượt qua thân tướng đó, chú tâm thực hành Giáo Pháp của Phật. 
Nếu công phu thuần thục, "Tâm được Thanh Tịnh" thì có thể được gọi là “Người nào thấy Giáo Pháp, người ấy thấy Như Lai”.
***
20.- ĐỨC PHẬT CÓ HIỆN HỮU VÀO GIỜ PHÚT NẦY KHÔNG?
Nếu được hỏi như trên, chúng ta có thể viện dẫn chính lời đức Phật nói với ngài A Nan:
“ Nầy A Nan, Giáo Pháp và Giới Luật mà Như Lai chỉ dạy và trình bày, hãy lấy đó làm Thầy của ông, khi Như Lai qua đời”.
Ngày nay chúng ta đang học tập Giáo Pháp và tuân hành Giới Luật, thừa hưởng lợi lạc do Giáo Pháp và Giới Luật mang lại. Như thế thì vị Thầy vẫn còn hiện hữu đó.
Câu nói trên đây rất được nhiều người biết đến vì đức Phật thốt lên câu ấy ngay vào lúc Ngài sắp nhập diệt. Vậy các bạn nên ghi nhớ kỹ, câu nói đó dạy ta rằng: 
“Còn Giáo Pháp, còn Giới Luật thì vị Thầy vẫn còn hiện hữu”.
***
21.- ĐỨC PHẬT CÓ CHẤM DỨT XONG NGHIỆP LỰC CỦA NGÀI HAY KHÔNG?
Nếu được hỏi như vậy, chúng ta phải dè dặt đừng làm giảm thanh giá của đức Phật bằng các câu trả lời thiếu thận trọng và liều lĩnh. 
Thật ra, chúng ta chẳng thể nào hạ thấp thanh danh của đức Phật, nhưng lời nói của chúng ta có thể vô tình xem nhẹ giá trị của Ngài.
 Đức Phật chắc chắn đã  chấm dứt nghiệp lực của mình, bởi vì Ngài đã tận diệt tất cả các tâm ô nhiễm đúng theo nghĩa của chữ “dứt hết nghiệp lực”. Ngài đã tiêu trừ tất cả các loại nghiệp lực, và chính điều nầy đã khiến danh tiếng Ngài lừng vang. Bậc trí giả Gotama tức là một vị đã thành công trong việc chấm dứt hoàn toàn mọi nghiệp lực của mình.
Tin tức về biến cố nầy được loan truyền khắp xứ Ấn Độ, và đến tai  tín đồ các giáo phái ngoại đạo khác. Chẳng hạn như, đã có một đạo sĩ Bà La Môn tên Bavari sai mười sáu đồ đệ đến yết kiến  đức Phật để thưa hỏi Ngài và thâu nhận kiến thức của Ngài. Nhiều kẻ khác cũng đến để trắc nghiệm Ngài. 
Vì có tin tức là Ngài Gotama đã trở thành một bậc “lậu tận thông”, người đã đạt được việc chấm dứt hoàn toàn nghiệp lực của mình, nên dân chúng thời đó rất hãnh diện, họ rất vui mừng khi nghe đến chữ “bậc giác ngộ và tiêu diệt hết tất cả nghiệp lực”. Chính vì vậy mà người ta chú ý đến đức Phật.
Chúng ta nên noi gương Ngài để nỗ lực hành trì chấm dứt nghiệp lực của chúng ta.
***
22.- ĐỜI SỐNG NỘI TÂM CỦA ĐỨC PHẬT NHƯ THẾ NÀO?
Đức Phật đã có lần nói về chính mình: Như Lai an trú trong trạng thái “Vắng lặng thường biết”.
Trạng thái “vắng lặng thường biết” nầy ám chỉ một tâm thức thường trực vắng bóng mọi tư tưởng về cái Ta và những gì thuộc về của Ta.
An trú trong trạng thái “vắng lặng thường biết” là luôn luôn sống trong sự tỉnh thức rằng muôn sự vật đều chẳng có tự ngã (nghĩa là nhìn sự vật đúng y như sự thật).
Đức Phật an trú trong trạng thái tịch tỉnh ấy là thể nghiệm luôn luôn sự an lạc tuyệt vời. Đấy là những gì đức Phật nói về chính mình.
***
23.- TẠI SAO THẾ GIỚI NẦY VÔ NGÃ?
Tín đồ các Tôn giáo khác sẽ hỏi bạn: Tại sao lại bảo thế giới nầy “vô ngã” khi nó chứa đầy các sự vật? Đó chẳng phải là vật chất hay sao?.
Cần hiểu rằng thế giới nầy là do “Nhân duyên” hòa hợp mà thành; “Tánh không”(không có Tự Tánh) là vì không có “tự ngã” và những gì “thuộc về tự ngã”. 
Chẳng có một sự vật nào mà có thể cho đó là một tự ngã. Tự ngã không có thể tìm thấy ở bất cứ cái gì dù tinh thần, dù vật chất, hoặc nơi các sản phẩm phát sinh từ tinh thần hay vật chất. 
Đức phật nói rằng cái mà xác định được muôn vật đều Vô Ngã chính là sự nhận thức được rằng muôn vật đều “không có Tự Thể“ (Tánh không), tất cả đều do “Nhân Duyên sanh”.
***
24.- TẠI SAO MỘT TÂM NHẬN BIẾT SỰ VÔ NGÃ LẠI ĐƯỢC MÔ TẢ NHƯ MỘT TÂM GIẢI THOÁT?
Có một bài Kệ trong Kinh Tạng bảo rằng: “Giải Thoát thật sự là giải thoát khỏi Tham, Sân và Si”.
Một tâm thức giải thoát (chẳng bị ngăn ngại, chẳng bị ràng buộc, được tự do). Khi tâm thức đó đã được thoát khỏi Tham, Sân và Si.
Bằng bất cứ phương pháp nào mà tâm thoát khỏi mọi vết tích của tham, sân và si thì được gọi là một “tâm giải thoát”.
Nhưng ở đây chúng ta chỉ nói đến những gì được làm một cách tích cực, nếu ta cố gắng nổ lực bằng cách nào đó để tâm ta trở nên vắng bóng tham, sân, si ngay cả trong một tích tắc, thì tâm lúc đó được gọi là giải thoát. Sự giải thoát có thể được tăng trưởng theo từng cấp bậc cho đến khi thật trọn vẹn – “hoàn toàn giải thoát”.
Bậc Thánh giả, ở các giai đoạn tu tập, được giải thoát đến một mức độ khá cao. Thường nhân có đôi lúc bất chợt cũng đạt được tâm rỗng rang giải thoát nhưng chỉ thoáng qua.
Nếu một giây phút nào tâm vắng bóng tham, sân, si thì ngay lúc ấy tâm không có một“ngã kiến” (cho rằng có một cái ta) nào cả. Tâm thức lúc ấy gọi là “Tâm không” (tâm không có một ý niệm nào), hay “tâm giải thoát”
***
25.- VIỆC GÌ XẢY RA KHI CÓ VIỆC VẮNG LẶNG HOÀN TOÀN?
Sự “tịch tĩnh vắng lặng” trọn vẹn hay “giải thoát hoàn toàn” được gọi là Niết Bàn. Niết Bàn là trạng thái tịch tĩnh khởi sanh từ sự tận diệt hoàn toàn và triệt để của ngã kiến. Có thể nói vắn tắt: “Niết Bàn là sự tĩnh lặng tối thượng”.
Đó là một cái nhìn độc đáo vượt qua mọi kiến thức thông thường. Chúng ta có thể vượt lên khỏi các loại kiến thức thế gian khi thân chứng được “Niết Bàn là sự tĩnh lặng tối thượng”.
Niết Bàn là sự tĩnh lặng tối thượng hoặc sự tĩnh lặng tối thượng là Niết Bàn. Xin hãy nhớ, sự toàn hảo của tịch tĩnh vắng lặng là phẫm tính chỉ về Niết Bàn.
***
26.- NIẾT BÀN LÀ GÌ?
Nếu bạn gặp người nào cứ khăng khăng hỏi câu hỏi trên, thì câu trả lời là: “Niết Bàn là một yếu tố bất diệt”.
Hãy nói đó là một yếu tố không bị tiêu diệt. Tất cả mọi yếu tố đều bị tiêu diệt trừ Niết Bàn, bởi vì nó không có Tham, Sân, và Si.
 Khi có sự giải thoát khỏi sự si mê thì chẳng có ngã kiến, chẳng có sự nắm giữ và bám víu vào tự ngã, và do đó chẳng thể bị tiêu diệt.
Bởi vì Niết Bàn còn là yếu tố đưa đến “sự chấm dứt sự bị tiêu diệt”, nên còn được gọi là “yếu tố bất diệt”. Yếu tố bất diệt nầy chính là sự chấm dứt của yếu tố khả diệt.
***
27.- AN VUI TRONG NIẾT BÀN CÓ PHẢI LÀ TÂM THAM?
Phật tử chúng ta thường được dạy không nên ham muốn hay chê ghét, hoặc thích điều nầy, bất mãn điều nọ. Vậy nếu có người nào tìm được cảm giác vui thích trong Niết Bàn, chúng ta phải gọi sự vui thích đó là gì?
Sự vui thích trong Niết Bàn được gọi là "Pháp ái" hoặc là “Pháp lạc”. Nhưng nên hiểu rằng chữ Pháp ái dùng ở đây không phải loại tham muốn về hình sắc, âm thanh, hương vị, xúc giác… 
Trong trường hợp nầy sự vui thích đó được tìm thấy nơi sự vắng lặng tịch tĩnh, nơi sự bất diệt, nơi Niết Bàn. Đó gọi là sự an lạc trong Pháp (Pháp lạc).
***
28.- CHỨNG ĐẠT NIẾT BÀN SAU KHI CHẾT HAY LÚC CÒN SỐNG?
Các vị giảng sư ở những giảng đường trang trọng thường chỉ thuyết về Niết Bàn sau khi chết. Tuy nhiên, trong Tam Tạng Kinh Điển, không thấy nói đến điều ấy.
“Niết Bàn tại đây và bây giờ”.
Trong một dịp, đức Phật mô tả sự chấm dứt của Tham, Sân và Si như là “cảm nhận trực tiếp”, “ở vào chỗ không trụ”, “vô sanh”. Những từ ngữ nầy đều hàm chứa ý nghĩa về một người còn sống đang chứng nghiệm, nhận biết và thưởng thức Niết Bàn, người ấy có thể chia sẽ với các bạn qua ngôn từ những gì tìm thấy được. 
Điều nầy chứng tỏ rõ ràng người ấy chưa chết và biết rõ thế nào là hương vị của Niết Bàn.
Lại còn có thêm những cụm từ khác nữa như “giác ngộ ngay trong hiện tại”, ám chỉ đến sự nhổ tận gốc khổ đau và phiền não “ngay bây giờ và ở đây” mà không cần phải có sự hoại diệt và tan rã của năm uẫn (tức là thân tâm). 
Trong ngôn ngữ thông dụng hằng ngày, chữ Niết Bàn thường có nghĩa là: “sự an lạc, sự tịch tỉnh vắng lặng, sự vắng bóng của phiền não, sự vắng bóng của khổ đau ”.
***
29.- ĐIỀU GÌ TỐT LÀNH TỘT BẬC CHO NHÂN LOẠI?
Bậc đại giác có lần nói rằng: “Tất cả chư Phật đều cho rằng Niết Bàn là tối thượng”.Tối thượng ở đây có nghĩa là: “điều tốt lành tối hậu và cao cả nhất cho nhân loại”.
Trong ngôn ngữ quốc tế về đạo đức, có từ ngữ “cực điểm tối hảo, điểm tốt cao tột”, có nghĩa là sự thiện lành cao độ, điều tốt nhất  và cao cả nhất mà một con người có thể đạt ngay trong đời nầy. Các học giả Phật giáo đều đồng ý rằng sự cao tột trong Phật giáo chính là Niết Bàn.
Vậy có ai hỏi sự tuyệt đối của Phật giáo là gì, bạn hãy trả lời rằng: “chư Phật đều bảo Niết Bàn là tối thượng”.
***
30.- VÀO THỜI ĐẠI NẦY THẾ GIỚI CÓ CÒN BẬC VÔ SANH CHĂNG?
Bậc Vô Sanh có nghĩa là bậc không còn sanh khởi Tham, Sân và Si.
Chúng ta không gọi là bậc Giác Ngộ, A La Hán hay Bồ Tát v.v… vì những tên gọi đó mang ý nghĩa trừu tượng. Chúng ta gọi bậc Vô Sanh vì cụ thể tên gọi đó cho ta biết bậc nầy Tâm đã Thanh Tịnh không còn khởi sanh một “Ý niệm” nào.
Và để trả lời câu hỏi trên, ta có thể viện dẫn lời đức Phật: “Nếu tất cả Tỳ Kheo sống chân chánh, thế giới chẳng vắng bóng bậc Vô Sanh”. Đức Phật nói lời nầy ngay vào ngày mà Ngài nhập diệt.
Nếu có ai nghi ngờ, cật vấn rằng: "ngày nay còn có bậc Vô Sanh chăng?", xin đừng trả lời giản dị “Có” hay “Không”. Trả lời quá sớm như thế là một lỗi nghiêm trọng. 
Phải dùng lời đức Phật mà đáp: “Nếu các Tỳ Kheo sống chân chánh, thế giới chẳng vắng bóng các bậc Vô Sanh”.
***
31.- SỐNG CHÂN CHÁNH LÀ NGHĨA LÀM SAO?
“Sống chân chánh”, thật ra có một nghĩa đặc biệt của nó. Sống chân chánh chỉ giản dị là sống trong các điều kiện mà tâm ô nhiễm không được nuôi dưỡng, không được phát triển. Do vậy, sống như thế chẳng khác nào luôn luôn sống với một tâm thức “vắng  lặng, tự do”, có nghĩa là chẳng hề dính mắc vào bất cứ sự vật gì xem như là “Ta” hay“của Ta”.
Một người mặc dầu vẫn nói năng, suy nghĩ và hành động, vẫn tầm cầu, hưởng dụng và tiêu thụ nhưng không hề có ý tưởng coi một cái gì là do mình hay của mình; chỉ luôn hành động với chánh niệm “tỉnh thức thường trực”, hành động khôn khéo, “hành động với trí tuệ” trong mọi trường hợp. Đó là sống chân chánh.
Nói cách khác, sống chân chánh là sống cách nào khiến cho các phiền não không còn sanh khởi và không được phát triển.
Nói cách khác hơn, sống chân chánh là giữ đúng theo Bát Chánh Đạo, vì Chánh Kiến, chi thứ nhất của Bát Chánh Đạo cũng chỉ là sự hiểu biết khi trí tuệ hoàn toàn không bị che mờ, không có gì để bám níu vào. Như thế, khi phấn đấu, khi nói năng, trong bất cứ động tác nào, cũng chẳng hề có sự dính mắc.
Nếu chúng ta sống chân chánh như đã mô tả, các tâm ô nhiễm như Tham, Sân, Si không được bồi dưỡng trở nên yếu ớt rồi tự tiêu diệt. Chúng không có cách phát khởi, vì ta đã bỏ được thói quen đã để cho chúng tự do phát khởi. 
Đây là điều quan trọng vì các khuynh hướng bất thiện ngày càng chồng chất chỉ là vì ta đã quá quen thuộc với các tâm ô nhiễm.
Tuy nhiên, những ai không biết được điều nầy, cứ tưởng rằng tham, sân, si là những thực thể thường hằng, là tự ngã, đấy là họ đang vướng vào thường kiến (cho tất cả mọi sự việc đều thường hằng). 
Ai bảo phiền não là những thực thể “thường còn” nằm lắng sâu bên trong tâm đó là người đang mắc vào thường kiến, bám lấy niềm tin sai lầm là có một tự ngã vĩnh cửu và bất biến hoặc là linh hồn.
Còn những người có trí tuệ, có chánh kiến căn cứ trên nguyên tắc Phật học thì không xem các tâm ô nhiễm đó như những thực thể độc lập thường hằng hay là tự ngã. Sự hiện hữu của các tâm ô nhiễm đều có lý do: chúng do “Nhân duyên sanh”, chúng khởi lên đúng “luật Nhân quả”.
Khi chúng được sanh khởi quá nhiều lần, ta trở nên quen thuộc với chúng, xem đó là những phần thường hằng của bản tánh mình. Tin chúng thường hằng sẽ khiến ta lầm tưởng chúng đang nằm sâu trong tâm thức ta mãi mãi.
Bạn nên hiểu, các bất thiện tâm chỉ là những khuynh hướng quen thuộc, kết quả của một quá trình huân tập lâu ngày đó thôi..
***
32.- THÀNH BẬC VÔ SANH KHÓ HAY DỄ?
Hầu hết mọi người đều trả lời là khó vô cùng. Xin nhắc lại một lần nữa là hãy giữ đúng nguyên tắc là đừng vội đưa ra lời đáp không được chuẩn. Ai mà trả lời thiếu chính chắn như “Dễ mà!” hoặc “Khó lắm!”, người ấy chưa phải là một Phật tử.
Những nguyên tắc của đức Phật luôn luôn đặt trên luật nhân quả. Nếu hành động đúng đắn xuyên qua hiểu biết về lý nhân quả, thì việc trở thành một bậc Vô Sanh là dễ. Nếu chúng ta đi ngược với lý nhân quả, thì việc đó quả thật vô cùng khó khăn. Chỉ vì chúng ta đã quen sống với với các ô nhiễm tâm cho nên rất khó mà đạt quả vị đó. 
Ở đây, chúng ta nên nhớ lại lời đức Phật đã nói: “Nếu chúng ta sống chân chánh, thế giới nầy sẽ chẳng vắng bóng các bậc Vô Sanh”. Cuộc sống chân chánh đó đâu có vượt quá khả năng của chúng ta. Chỉ cần thanh lọc các tâm ô nhiễm, đừng nuôi dưỡng chúng. Cũng như ta muốn giết chết một con cọp, chúng ta nhốt nó vào chuồng, bỏ đói; chẳng có gì ăn, nó sẽ chết. Không cần phải xông vào chuồng, chiến đấu với cọp, để bị cọp cắn xé. Như vậy, việc giết cọp không vượt quá khả năng của chúng ta  nếu chúng ta biết dựa vào kỹ thuật sẳn có từ các năng lực tâm linh của chúng ta.
Do đó, làm bậc Vô Sanh, khó hay dễ là tùy chúng ta áp dụng phương pháp đúng hay sai. Nếu ta tuân theo lời Phật dạy, thì việc ấy cũng không khó khăn chi lắm. “Hãy sống chân chánh, và thế giới nầy chẳng vắng bóng bậc Vô Sanh”.
***
33.- CÓ THỂ TÌM GẶP MỘT VỊ VÔ SANH Ở ĐÂU?
Chúng ta tìm được một vị Vô Sanh khi có người tận diệt được các ô nhiễm tinh thần.
Đừng nhọc công đi tìm kiếm trong rừng, nơi tu viện, trong hang động, trên núi cao, trong làng mạc, nơi thành thị hay ở trung tâm thiền học…
Chỉ gặp vị Vô Sanh khi có sự chấm dứt hoàn toàn các ô nhiễm tâm. Hãy kiểm tra bằng bất cứ cách nào để chứng tỏ đã có sự dập tắt hẳn các ô nhiễm tâm. Nếu không kiểm tra được, thì cũng chẳng cần tìm kiếm thêm chi nữa, tự bạn sẽ hiểu lấy.
Nơi nào có sự tận diệt các tâm ô nhiễm, nơi đó có bậc Vô Sanh.
***
34.- THƯỜNG NHÂN CÓ THỂ THÀNH BẬC VÔ SANH KHÔNG?
Chớ vội trả lời được hay không được mà nên đáp rằng một bậc Vô Sanh đã vượt lên trên cả hai đời sống thế tục và tăng lữ. 
Nên nhớ rằng, niềm tin về việc một người đã đắc “Vô Sanh Pháp Nhẫn” phải gấp gáp xin thọ giới Tỳ Kheo trong vòng bảy ngày, bằng không sẽ chết, là do lời xác quyết của các “ông thầy” quá mê tín, quá cố chấp, của các thế hệ sau và chỉ thấy ghi trong các Chú giải, Phụ chú giải hay các tác phẩm hậu kinh điển mà thôi.
Một bậc Vô Sanh bao giờ cũng siêu thoát cả đời sống tại thế lẫn xuất thế. Chẳng ai  buộc được một vị Vô Sanh phải quay về làm cư sĩ sống theo thế tục được, vì vị nầy vượt lên trên cuộc sống tăng lữ.
Do đó, đừng bao giờ tuyên bố rằng một vị Vô Sanh có thể sống tại nhà hay không sống tại nhà.
Cho dầu ta có thể bắt buộc một vị Vô Sanh phải về nhà sống đời thế tục, nhưng chẳng ai có thể ép Ngài trở thành một người còn bị hệ lụy ràng buộc. 
Ngài đã siêu việt cả hai: đời sống tại gia và nếp sống tăng lữ.
***
35.- LÀM SAO MÀ MỘT “KẺ SÁT NHÂN” CÓ THỂ TRỞ THÀNH MỘT BẬC VÔ SANH?
Đây cũng là một câu hỏi cũng dễ trả lời. Có nghĩa là cái mà được gọi là người, là cá nhân đó, phải được tiêu diệt trước khi trở thành bậc Vô Sanh. Nếu không, thì chẳng có cách nào trở thành bậc Vô Sanh cả. 
Trước hết, cần phải tiêu diệt cái ý niệm: “người”, “tự ngã”, “Ta”, và “nó”, “thú vật”, “chúng sanh”.
Nói cách khác, cần phải chấm dứt những ý niệm: đây là “thú vật”, đây là “con người”, đây là một “thực thể thường trú”, đây là “tự ngã”.
Muốn thế, phải loại trừ hẳn cái ý niệm về “con người”, hoặc phải dẹp bỏ hẳn cái gì mà ta xem như là “tự ngã”. Làm điều ấy tức là đồng thời đang trở thành bậc Vô Sanh. Do đó, mới gọi là giết chết xong con người thì mới “không còn sanh làm người”.
Đức Phật đôi khi lại dùng những tiếng còn mạnh hơn nữa. Trong nhiều dịp, Ngài có nói phải giết chết cha mẹ đi mới trở thành Vô Sanh. 
“Cha mẹ” ở đây ám chỉ các cấu nhiễm tinh thần như si mê, tham ái,  hoặc bất cứ cái ý niệm nào cho rằng “có hành động đã đóng vai trò như cha mẹ”, hoặc như “người truyền giống cùng khai sinh ra cái Ta”.
Vậy ta cần phải diệt trừ chúng cho tiệt hẳn, phải giết “cha”, “mẹ” của “cái bản ngã” đó, mới có thể trở thành bậc Vô Sanh.
Giờ đây nhắc lại chuyện Angulimàla, một kẻ “sát nhân” nổi tiếng vào thời đức Phật. Angulimàla đắc quả Vô Sanh sau khi đã giết chết hẳn chính con người của mình. Khi nghe đức Phật bảo “dừng lại”, ông hiểu rõ ngay ý nghĩa đúng đắn của hai chữ đó.
Vài người, vì hiểu lầm, đã cố giải nghĩa rằng khi đức Phật nói chính Ngài đã dừng lại, nghĩa là dừng sự sát sanh, trong khi  Agulimàla vẫn còn tiếp tục giết chóc. 
Giải thích như thế không được đúng lắm. Khi đức Phật nói “Ta đã dừng lại”, Ngài muốn bảo, Ta đã  “ngưng, không khởi sanh một Ý niệm nào”.
 Angulimàla hiểu rất đúng thế nào là đã thôi, đã dừng lại, hiểu rất đúng đến mức có đủ khả năng tiêu từ tận gốc rễ “cái ý niệm” (chính là tự ngã của con người). Do vậy mà Angulimàla có thể Vô Sanh như đức Phật.
Chỉ có mấy chữ giản dị “dừng lại” trong tích truyện mà đã có nhiều người hiểu ý nghĩa hoàn toàn sai lầm. Tích truyện đó bị hiểu sai, giải thích sai, bàn cãi sai, giảng dạy sai, khiến nó trở nên mâu thuẫn. Nói rằng dừng lại chuyện giết người là trở thành A la Hán thì thật là vô lý.
Do đó, ta phải dừng lại, phải tiêu diệt “cái ý niệm”. Còn có ý niệm là còn có: “có ta” “có người” “có muôn loài”, và “có cuộc sống nầy”. Nghĩa là tất cả đều có một cái Ngã (tự ngã).
Dừng lại “cái ý niệm” nghĩa là không còn có cái mấu chốt, cái động cơ để phát sinh ra hành động, cũng có nghĩa là tâm không thể sanh khởi tham, sân, si thì làm gì có hành động giết người, cướp của…
Nói tóm lại muốn đạt đến giải thoát hãy nhìn bằng “Trí Tuệ” tất cả sự sự vật vật là do“đủ Nhân đủ Duyên” mà sanh, chúng đều nằm trong “luật Nhân quả”, tất cả đều Vô Ngã, không có Tự Thể.
***
36.- THẾ GIAN HIỆN NAY TRÀN ĐẦY NHỮNG GÌ?
Vài người có tầm nhìn xa sẽ đáp: “Thế gian nầy đầy dẩy đau khổ”. Thí dụ như họ nói chẳng có gì ngoài sanh, trụ, rồi diệt. Điều nầy đúng nhưng khó hiểu.
Tưởng nên trả lời giống như đức Phật đã giải đáp câu trên: “Thế gian nầy tràn đầy những sự vật. Những gì có tướng đều là hư vọng. Tất cả đều do Nhân duyên sanh. Chẳng có cái gì là “Ta” hoặc “thuộc về Ta”.
Hãy đừng thỏa mãn với lời đáp đơn giản “Thế gian nầy chỉ có đau khổ; không có gì không là nguồn cội của khổ đau”.
Lời tuyên bố đó tuy đúng nhưng mơ hồ, dễ bị hiểu lầm. Bởi vì cùng các sự vật đó, nhưng nếu chúng ta đừng bám chặt vào thì chúng không thể là nguồn đau khổ. Phải thật là hiểu điều nầy. 
Thế gian nầy và ngay cả các sự vật tạo thành thế gian nầy, không hề và chưa hề là nguồn đau khổ, chỉ khi nào ta bám vào chúng, đau khổ mới phát sanh. Nếu không thì chẳng có đau khổ. 
Bảo rằng đời là khổ, đó là lời nói cạn cợt, quá đơn giản, và vội vàng. Đời sống, khi bị dính mắc và tham đắm vào, mới là đau khổ; bằng không có sự bám níu thì chẳng có đau khổ.
Cuộc sống nầy có ý nghĩa, không phải vô nghĩa. Một số người cho rằng đời sống chẳng có ý nghĩa, bởi vì họ chẳng biết cách tạo ý nghĩa cho đời sống. 
Nếu chúng ta biết cách dùng đời sống nầy làm một dụng cụ để tìm hiểu về đau khổ, về các nguyên nhân của đau khổ, và về cách thực hành để đi đến sự tận diệt của đau khổ, thì đời sống sẽ có ý nghĩa.
Như thế, đời sống là một phương tiện để nghiên cứu, thực tập, và nhận lảnh các thành quả  của sự thực tập ấy. 
Nó là một phương tiện để tiến tới hiểu biết được điều tốt lành nhất mà nhân loại có thể biết, và phải biết, tức là Niết Bàn. 
Vậy các bạn nên nhớ, đời sống thật sự có ý nghĩa, chỉ có những kẻ khờ dại vì chẳng biết cách sử dụng cuộc sống, mới khiến kiếp người trở thành vô nghĩa.
Vậy thế gian tràn đầy những gì? Nếu nhìn ở quan điểm thấp thì nói nó đầy đau khổ. Nhưng nếu nhìn ở quan điểm cao hơn, bạn có thể nói thế gian nầy chẳng là gì khác hơn một tiến trình liên tục không bao giờ chấm dứt của sanh, trụ, diệt, rồi lại sanh, trụ, diệt… nhưng chúng ta bám níu vào nó, đau khổ sẽ phát sinh. Nếu không thì nó cứ giản dị tiếp diễn mãi việc sanh, trụ, diệt.
 Do đó, chúng ta nên nhớ rằng, một người đã được giải thoát, tự do, thành bậc Vô Sanh, chẳng hề xem muôn vật là nguồn đau khổ mà cũng không xem chúng là nguồn hạnh phúc. 
Năm uẩn (tức thân tâm) vô nhiễm của bậc Vô Sanh được xem là không bị vướng mắc vào sự đau khổ. Nơi nầy chỉ có sự trôi chảy, biến đổi, và chuyển hóa của năm uẩn ấy đúng theo nguyên lý nhân duyên.
Tóm lại thế gian nầy tràn đầy những gì? Nó chứa đầy muôn vật đang sanh, trụ, diệt. Dính mắc vào chúng, chúng sẽ gây ra đau khổ. Đừng bám níu, đừng ràng buộc vào chúng, chúng chẳng hề tạo nên khổ đau.
***
37.- ĐIỀU GÌ ĐEM LẠI NHIỀU PHƯỚC, ĐIỀU GÌ ĐEM LẠI ÍT?
Đức Phật dạy: Giá trị của việc tạo phước do tâm tham không bằng “một phần mười sáu của một phần mười sáu” giá trị của việc vun trồng tâm Từ.
Làm phước vì lòng tham bao gồm các việc làm phước vì danh vọng, vì muốn được sanh lên cõi Trời hay Thiên đàng, vì muốn tái sanh trong cảnh giàu sang, tốt đẹp, hay muốn hưởng thụ lạc thú thế gian. Đó là một sự dính mắc và bám níu. Dù là dính mắc nhưng vẫn là làm phước, nhưng kết quả rất nhỏ so với việc tạo phước do tâm Từ. 
Tâm Từ không dựa trên tư lợi mà vì lợi ích của người khác. “Từ” là lòng thương yêu rộng khắp đến mọi chúng sanh. Tạo phước phát xuất từ tâm Từ có một năng lực cao cả, to lớn hơn nhiều so với tạo phước do lòng tham.
Trong ngôn ngữ Pali, khi muốn chỉ sự to lớn giữa các vật, người ta thường dùng thành ngữ: “một phần mười sáu lấy chẻ nhỏ mười sáu lần”. Thí dụ như ta có một đơn vị của vật gì. Chẻ đơn vị ấy ra làm mười sáu phần, lấy một phần; rồi đem một phần đó chẻ ra làm mười sáu phần nữa, rồi lấy một phần.
Làm phước do Tham thì phước ấy không bằng “một phần mười sáu của một phần mười sáu” của làm phước do tâm Từ.
***
36.- THẾ GIAN HIỆN NAY TRÀN ĐẦY NHỮNG GÌ?
Vài người có tầm nhìn xa sẽ đáp: “Thế gian nầy đầy dẩy đau khổ”. Thí dụ như họ nói chẳng có gì ngoài sanh, trụ, rồi diệt. Điều nầy đúng nhưng khó hiểu.
Tưởng nên trả lời giống như đức Phật đã giải đáp câu trên: “Thế gian nầy tràn đầy những sự vật. Những gì có tướng đều là hư vọng. Tất cả đều do Nhân duyên sanh. Chẳng có cái gì là “Ta” hoặc “thuộc về Ta”.
Hãy đừng thỏa mãn với lời đáp đơn giản “Thế gian nầy chỉ có đau khổ; không có gì không là nguồn cội của khổ đau”.
Lời tuyên bố đó tuy đúng nhưng mơ hồ, dễ bị hiểu lầm. Bởi vì cùng các sự vật đó, nhưng nếu chúng ta đừng bám chặt vào thì chúng không thể là nguồn đau khổ. Phải thật là hiểu điều nầy. 
Thế gian nầy và ngay cả các sự vật tạo thành thế gian nầy, không hề và chưa hề là nguồn đau khổ, chỉ khi nào ta bám vào chúng, đau khổ mới phát sanh. Nếu không thì chẳng có đau khổ. 
Bảo rằng đời là khổ, đó là lời nói cạn cợt, quá đơn giản, và vội vàng. Đời sống, khi bị dính mắc và tham đắm vào, mới là đau khổ; bằng không có sự bám níu thì chẳng có đau khổ.
***
38.- TÌM Ở ĐÂU PHƯỚC BÁU TO LỚN NHẤT?
Đã có lần đức Phật nói: “Phát triển “Tuệ nhận biết vô thường” dầu chỉ trong cái khảy ngón tay cũng đem lại nhiều hiệu quả và phước báu hơn là cả việc cúng dường thực phẩm cho toàn thể Tăng đoàn có đức Phật hướng dẫn”.
Điều nầy có nghĩa là, nếu có thể thỉnh đức Phật cùng cả Tăng đoàn đến hiến cúng thực phẩm, phước báu ấy vẫn còn chưa sánh bằng việc thành tựu công phu phát triển tuệ nhận biết vô thường dầu chỉ xảy ra ngắn ngủi như cái khảy ngón tay. Đây là điểm căn bản nhất.
Do đó, các bạn nên tỏ ra dè dặt trước những công đức cúng dường bố thí to tát thường hay được trưng bày nơi các chùa chiền, bởi vì chúng còn liên hệ đến các dục lạc thế gian.
Đại phước báu phải là điều mà đức Phật đã mô tả. Phát triển “sự tỉnh giác về vô thường”, dầu chỉ trong phút chốc, còn quí hơn tất cả các loại cúng dường cho chư vị Tỳ Kheo.
***
39.- TÌM HẠNH PHÚC Ở ĐÂU?
Trong Kinh điển, có một đoạn thuật về các vị Trời sắp qua đời sau khi hưởng hết phước đức, đã đến giai đoạn chót của tuổi thọ. Chư Thiên ước mong được an lạc, tìm cầu xem nơi đâu có được hạnh phúc ấy. 
Sau cùng, họ đi đến kết luận là cảnh giới phúc lạc đó có thể tìm thấy ở cõi nhân gian. Họ đồng thanh thốt lên trong niềm hoan hỉ: “Nguyện cầu mọi ước mong được thành tựu! Hãy đi đến cõi nhân gian!”.
“Cảnh hạnh phúc ở cõi nhân gian” có nghĩa là, ở cõi người, lẽ vô thường, bất toại nguyện và vô ngã đều có thể chứng nghiệm được dễ dàng hơn là ở cõi Trời. 
Nơi nhân gian có các bậc Giác Ngộ, các bậc A La Hán, và có cả Phật, Pháp, Tăng mà trên cõi Trời giữa rừng lạc thú giác quan, không hề có. Vì vậy, các bậc Trời đã đến cõi nhân gian để tìm nguồn an lạc. 
Trong khi đó, con người lại muốn sanh lên cõi Trời để được sung sướng. Để tìm hạnh phúc ở Thiên đàng cho kiếp mai sau, họ “đầu tư” vào việc đó bằng cách tạo phước, bố thí, và tạo dựng chùa chiền… 
Tìm cảnh hạnh phúc thật sự ở đâu? Xin các bạn hãy suy gẫm lại.
***
40.- CHÚNG TA QUAN TÂM ĐẾN MỨC NÀO VỀ VẤN ĐỀ THẦN THÔNG?
Thần thông có nghĩa là “năng lực”. Được nói đến như là một sự diệu kỳ, lạ thường hoàn toàn thuộc về tâm linh.
Vì thuần về tâm linh, thần thông có được các năng lực tạo tác và lợi ích khiến chúng trở thành mầu nhiệm hơn và bao quát hơn, so với các sự việc vật chất.
Một vị biểu diễn thần thông đã huấn luyện khả năng tinh thần của mình cho đến mức có thể khiến người khác tự chứng nghiệm được bất cứ cảm giác nào mà y muốn. 
Y có thể khiến cho họ thấy vật gì y muốn họ thấy bằng chính mắt của họ; nghe rõ ràng và phân biệt các âm thanh nào y muốn họ nghe; ngửi mùi hương nào mà y muốn họ ngửi được; nếm mùi vị nào mà y muốn họ được nếm bằng chính lưỡi của họ; và cảm xúc qua làn da của họ sự mềm dịu, hay cứng rắn, hay các kích thích khác về xúc giác. 
Người biểu diễn thần thông còn có thể tiến xa đến mức khiến cho kẻ khác thể nghiệm được sự sợ sệt, thương yêu, hoặc là các tâm trạng khác nữa mà họ không biết lý do tại sao. Thần thông đến như thế đã tỏ ra cực kỳ hữu hiệu và kỳ diệu.
Đức Phật chẳng phủ nhận phép mầu Tâm linh, nhưng Ngài cấm đoán việc phô bày vì chúng không đưa đến sự hiểu biết giác ngộ.
Ngài cấm các Tỳ Kheo thi triển thần thông, và chính Ngài cũng tránh, mặc dù có nhiều đoạn kể lại việc đức Phật phô diễn các phép mầu.
Đức Phật đã có lần dạy rằng: “Các thần thông dùng để biểu diễn như bay lên không trung, tàng hình, thiên nhĩ, thiên nhãn hay các loại tương tợ khác đều liên hệ đến tà kiến và si mê”. Nói cách khác, “thần thông” được thi triển do vì tà kiến hoặc si mê thúc dục. Còn các thần thông khác nữa vì sự chấp thủ mà thi triển ra.
Các loại thần thông đó được phô diễn ra với một tâm thức nhiễm ô nằm trong sự ham muốn và chấp thủ.
Bây giờ hãy chú tâm đến hai loại thần thông, đó là “thần thông vô lậu”, thần thông vô chấp” (nghĩa là không chấp thủ), tức là khả năng biết kiểm soát và làm chủ được tâm trí mình.
Thí dụ như khả năng nhìn được bất cứ sự vật nào mà không có tâm so đo phân biệt là đẹp hay xấu, dễ thương hay đáng ghét: thấy vật không cho là “đẹp” hay “không đẹp”; cũng như không cho là “xấu” hay “không xấu”; xem mọi vật chẳng đẹp, chẳng xấu, cùng bình đẳng như nhau. Khả năng đó giúp ta kiểm soát hoàn toàn được tâm ý, giữ được sự “tỉnh giác thường hằng” và có tâm quân bình, bình thản trước các đối tượng bên ngoài như hình sắc, âm thanh, hương, vị, xúc giác, tức là những thứ làm cho tâm giao động.
Có được “chánh niệm tỉnh giác, tâm xả miên mật” đó chính là một phép mầu được gọi là thần thông vô lậu và thần thông vô chấp. Các loại thần thông nầy mới thật đáng cho ta lưu tâm học hỏi tu tập.
Các loại “thần thông hữu lậu và chấp thủ”, nếu muốn thi triển được, phải đòi hỏi nhiều công phu trau luyện khó khăn và tinh tế. Nhưng chỉ một số ít người có thể thực hiện được mà thôi; ngoài ra có nhiều biến loại khá phức tạp, xem ra chỉ là những mưu mẹo lừa đảo, phỉnh gạt, đôi khi lại còn lạm dụng đến các bùa chú, phù phép nữa. Đây không phải là thần thông chân chính đó chỉ là “ma thuật” mà thôi.
Ngược lại, các loại được gọi là thần thông vô lậu, thần thông vô chấp đều nằm trong khả năng trau dồi của đa số mọi người, nhằm phát triển, viên mãn “chánh niệm tỉnh giác” “tâm xả”. 
Các thần thông nầy mới đáng được Phật tử quan tâm và tu tập. Thần thông nầy mới thật là thần thông chân chính, nó được gọi là “tu thông”. Thần thông do công phu tu tập tiêu diệt hết Tham, Sân, Si nên “tâm giải thoát khỏi mọi ràng buộc” thì sáu căn phát ra công năng đặc hiệu của nó như:
1.   Thiên nhãn thông (mắt nhìn xa không ngăn ngại).
2.   Thiên nhĩ thông (tai nghe xa không ngăn ngại).
3.   Tha tâm thông (biết được ý nghĩ của mọi loài).
4.   Thần túc thông (muốn đi tới đâu cũng được).
5.   Túc mạng thông (biết được nhiều kiếp trước, nhiều kiếp sau).
6.   Lậu tận thông (chỉ có Phật mới có được: “không có  gì chẳng biết, không có gì chẳng làm được”).
Hiện nay chúng ta thường chạy theo các loại thần thông “ma thuật” chỉ cốt làm mê hoặc lòng người để thu lại lợi ích vật chất, thay vì chú tâm đến loại “tu thông” do công phu thanh lọc thân tâm mang lại.
Thần thông là một cái gì rất được ưa chuộng, nhưng chúng ta phải thay đổi cách nhìn, cách nhận định về thần thông.
***
41.- HẠNH PHÚC VÀ ĐAU KHỔ BẮT NGUỒN TỪ ĐÂU?
Ta thường được nghe nói rằng: Hạnh phúc và Đau khổ bắt nguồn từ nghiệp cũ. Đó không phải là câu trả lời đúng nhất. 
Đau khổ là những gì đã khởi lên do nguyên nhân và điều kiện; các nguyên nhân và điều kiện đó có rất nhiều loại, nhiều hạng, nhiều thứ khác nhau, như: vô minh là một nguyên nhân; tham ái là một nguyên nhân; nghiệp lực cũng là một nguyên nhân nữa. 
Nay bảo rằng Đau khổ bắt nguồn từ Nghiệp, ta phải nghĩ đến nghiệp mới, nghiệp tạo ngay trong đời nầy, tức là vô minh, sự tham ái, sự bám víu của kiếp hiện tại. 
Hãy suy gẫm về các yếu tố nầy chính là những yếu tố có trách nhiệm gây ra Đau khổ, là cội nguồn của sự khởi sanh ra đau khổ. Chúng ta phải nhận định rằng nghiệp cũ chẳng thể chống chọi với nghiệp mới, bởi vì chúng ta có khả năng tạo nên nghiệp mới.
Trong nghiệp mới, có loại nghiệp thứ ba, có khả năng loại trừ các loại nghiệp cũ. Nghiệp cũ gồm thiện nghiệp và ác nghiệp, không có gì khác hơn. Loại nghiệp thứ ba đơn giản Bát Chánh Đạo. Khi ta phát khởi loại nghiệp thứ ba thì nghiệp thứ ba nầy giảm sức tác hại của hai loại nghiệp kia.
Nếu chúng ta sống hoàn toàn theo Bát Chánh Đạo, nghĩa là hoàn toàn diệt trừ Tâm ô nhiễm, thì loại nghiệp thứ ba lấn át hoàn toàn nghiệp cũ, cả xấu lẫn tốt. Nghĩa là nghiệp cũ, thiện và ác, không có giá trị gì trước loại nghiệp thứ ba mới nầy.
Do vậy, chúng ta phải quan tâm đến cách thực hành trực tiếp “Bát Chánh Đạo” là “tự quan sát lấy mình”, để buông bỏ hẳn cái ý niệm về Ta hay của Ta, tức là buông bỏ cái chấp vào Tự ngã hay Ngã sở.
Nghiệp lực mới nầy, thuộc loại nghiệp thứ ba, mạnh mẽ nhất trong mọi loại nghiệp. Một khi nó được khởi sinh, nó sẽ “bén như gươm đao” và có thể tiêu diệt được một số thật lớn các nghiệp cũ lâu đời. 
Đau khổ khởi sanh từ nghiệp mới do vô minh, khát ái và tham luyến. Các tham ái nầy đã khởi sanh qua những gì ta đã tiếp xúc ngày hôm qua, hôm kia, với các hình sắc, âm thanh, hương vị… bên ngoài. 
Các ô nhiễm đó có thể bị dẹp sạch, do loại nghiệp thứ ba mới mà chúng ta đang tạo khởi. Đừng để bị phỉnh gạt rằng mọi thứ đều do nghiệp cũ mà ra. Nghiệp mới có thể giúp ta tìm được chuổi nguyên nhân mà từ đó ta có thể xóa sạch được nghiệp cũ. Vậy đừng bỏ qua nghiệp mới thứ ba mãnh liệt nầy, nó có thể vô hiệu hóa hoàn toàn các nghiệp cũ.
***
42.- NƠI ĐÂU TA CÓ THỂ CHẤM DỨT ĐƯỢC ĐAU KHỔ?
Chúng ta không thể chấm dứt được đau khổ trong tu viện, nơi rừng vắng, tại gia đình, hay trên núi cao. Chúng ta phải chấm dứt đau khổ ngay chính tại cái nguyên nhân sanh ra đau khổ.
Điều chúng ta cần phải làm là tìm cho ra bằng cách nào đau khổ đến với ta hằng ngày và nó đã sanh khởi do từ cội nguồn nào. Rồi chúng ta phải cắt đứt ngay tại cái nguồn gốc đó. 
Đau khổ của ngày hôm qua đã diễn ra và đi qua rồi. Nó chẳng thể nào trở lùi lại được, nó đã xảy ra và chấm dứt. Đau khổ nào có thể phát khởi vào ngày mai thì chưa có gì phải lo; chỉ có đau khổ đang khởi diễn ngay ở giây phút nầy là cần phải được dập tắt. 
Vậy thì, phải dập tắt ngay ở chỗ nào đây? Phải dập tắt ngay ở chính cái gốc nguồn của nó. Chúng ta học tập về đời sống cho đến khi nào nhận thức được, như lời đức Phật đã nói, rằng đau khổ chỉ khởi sanh do các “giác quan tiếp xúc với trần cảnh sanh ra ý thức và ta dính mắc và bám giữ vào cái quan niệm cho đó là Ta, là của Ta”.
Thường thì ta được nghe tuyên bố hùng hồn, nhưng mơ hồ rằng, sanh, già, bệnh, chết là đau khổ. Nhưng sanh chẳng là khổ, già chẳng là khổ… chết cũng chẳng là khổ khi không có sự “bám chặt vào ý niệm” về  “sanh, già, bệnh, và chết” là “tôi sanh”, “tôi già”, “tôi bệnh”, “tôi chết”.
Nếu ta chẳng bám vào chúng thì chẳng thể nào đau khổ được, vì thật sự chúng chỉ là sự thay đổi của thân mà thôi. Khi thân thay đổi như vầy, ta “có ý nghĩ” là “sanh”; thay đổi thế kia, lại “có ý nghĩ” là “già”; thay đổi thế nọ lại “có ý nghĩ” là “chết”… nhưng chúng ta lại quên rằng đó chỉ là những thay đổi của thân thể, mà thân là một “tổ hợp” do Nhân Duyên sanh, nó Vô ngã, không có Tự thể.
Ta coi sanh có thật, và hơn thế nữa, ta gọi đó là sanh của tôi, già của tôi, chết của tôi… Đây là một chuổi mê lầm chồng chất bắt đầu bằng “TÔI”  là một mê lầm; rồi thấy thay đổi của thân như “sanh của tôi” hay “già của tôi” … lại là mê lầm hơn nữa. Ta chẳng còn thấy được những thay đổi nầy chỉ đơn thuần là thay đổi của thân. 
Ngay khi ta “Tỉnh giác trên mọi hoạt động của Thân” thì ý niệm về “sanh, già, bệnh, chết” biến mất và cái Tôi cũng không còn. Không còn Tự ngã và ở tình trạng nầy đau khổ chấm dứt.
Đức Phật nói: “sanh, già, bệnh, chết là khổ”. Đa số người hiểu lầm lời nói đó. Họ bảo tình trạng sanh, tình trạng già… là đau khổ. Một số người  chẳng thể giải thích được tại sao. Còn vài người thì ngập ngừng, lưỡng lự, giải thích một cách mập mờ, tối nghĩa, cực đoan, ngọng nghịu. 
Đó là vì quên mất lời đức Phật dạy: “Bám níu vào năm uẩn là đau khổ”. Năm uẩn là tâm và thân hợp chung lại thành con người. Nếu có sự bám níu vào bất cứ cái gì được xem như là “Ta” hoặc là “của Ta” của năm uẩn tức thì có đau khổ. 
Nơi nào diệt trừ được đau khổ? Chúng ta phải loại trừ đau khổ ngay ở cái gốc của nó, tức là nơi mà tâm nắm bắt và bám níu vào sự vật. 
Đau khổ do tham luyến giàu có? Cần loại trừ đau khổ ngay trong sự tham luyến đó. Đau khổ do không biết buông bỏ các ảo tưởng về quyền lực, thể diện, danh dự và tiếng tăm? Cần loại trừ đau khổ ngay trong sự chấp thủ đó.
 Lúc đó giàu có quyền uy, và oai thế tự chúng không là đau khổ. Cho nên, ta tìm ngay nơi nào đau khổ khởi lên và diệt trừ nó ngay tại chỗ đó.
Do đó, chúng ta biết rằng ý niệm khởi lên do mê đắm ngũ dục lạc thế gian: tài, sắc, danh, thực, thùy khiến phát sanh ra đau khổ. “Tỉnh giác trên mọi hoạt động của Tâm” thì không còn “chấp ngã”. Không còn có cái Ta thì lấy ai chịu khổ.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét