Mộc Châu cách Hà Nội khoảng 200 km theo quốc lộ 6. Từ năm 2013, địa giới huyện Mộc Châu phía bắc giáp huyện Phù Yên bởi dòng sông đà, phía tây bắc giáp huyện Yên Châu, phía nam giáp nước CHDCND Lào, phía đông giáp huyện Vân Hồ-Sơn La.
Mộc Châu có 12 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó chiếm đa số là người thái: 33%, người Mông 18%, người kinh 15%, ngoài ra còn có người Khơ Mú, Dao, Tày…
Mộc Châu là cao nguyên rộng lớn và xinh đẹp nhất miền núi phía bắc, có khí hậu ôn đới gió mùa, các điểm du lịch nổi tiếng như: Hang Doi, rừng thông Mộc Châu, thác Dải Yếm và các đồi chè, đồng cỏ ở thị trấn Nông Trường Mộc Châu. Hàng năm Mộc Châu đón hàng ngàn du khách nhưng trong tương lai du lịch Mộc Châu còn có tiềm năng phát triển hơn nữa.
Bản đồ du lịch Mộc Châu
Bản đồ: đường đi từ Hà Nội lên Mộc Châu
Bản đồ: Các điểm du lịch Mộc Châu
Mùa đẹp nhất Du lịch Mộc Châu
Du lịch Mộc Châu đẹp nhất là vào tháng 10 đến tháng 4. Tháng 10, không khí mùa thu trong lành cùng nắng vàng là thời điểm tuyệt đẹp và vô cùng thích hợp cho những chuyến đi. Mộc Châu khi ấy thấp thoáng bóng hoa Dã quỳ vàng ươm tràn ngập ven các con đường đem lại hình ảnh vô cùng lãng mạn thơ mộng.
Hoa dã quỳ vàng nở rực rỡ bên đường Quốc lộ 6, đi qua đồi chè hay bên những lối mòn vào các bản làng trên cao nguyên Mộc Châu Sơn La, tạo nên khung cảnh hữu tình cho một vùng cao nguyên rộng lớn. Thời điểm ngắm và chụp hoa đẹp nhất là buổi sáng, khi ánh nắng bắt đầu làm tan lớp sương mù và hoa còn ướt sương. Những cung đường vàng quyến rũ luôn thu hút bất cứ du khách nào cũng muốn được in dấu chân.
Mộc Châu vào độ tháng 11 đến tháng 12 là khi các cánh đồng hoa cải trắng nở tràn ngập khắp sườn đồi cao nguyên. Tới đây bạn sẽ thấy như lạc vào thiên đường mộng mơ với màu trắng muốt của hoa cải, những đồi chè xanh chìm trong sương sớm, cùng ánh nắng len lỏi qua các dãy núi khi bình minh.
Ảnh: Huy Lê
Từ tháng 1 đến tháng 3, Mộc Châu lại bừng sáng với sắc đào, sắc mận. Xen lẫn đó là những bộ váy áo sặc sỡ của người dân tộc nơi đây đón mùa xuân về.
Tới tháng 4 có hoa ban nở trắng rừng. Khu vực cuối thị trấn Mộc Châu Sơn la là xã Chiềng Hắc, trên sườn núi, dưới thung lũng là nơi nhiều hoa ban nhất. Dừng xe dọc đường nhìn lên là thấy cành ban buông mình xuống vách núi. Nhìn ngang là thấy ban nhoi lên cao bằng những ngọn núi trước mặt. Sắc ban trắng cuốn hút khiến những người bạn đường ai cũng ngẩn ngơ trước vẻ đẹp tinh túy này.
Tới tháng 4, tháng 5 thời tiết ở khắp nơi đều nắng nóng nhưng riêng Mộc Châu lại mát mẻ, do vậy lên Mộc Châu để tránh cái nắng nóng đó là một sự lựa chọn không tồi. Hơn nữa, bạn còn có thể được thưởng thức đặc sản mận, đào cực ngon tại đây nữa.
Lễ hội Du lịch Mộc Châu
Chợ Tình Cao Nguyên Mộc Châu
Cao nguyên Mộc Châu không chỉ có đặc sản là chè, những cô gái dân tộc duyên dáng mà còn có phiên chợ tình níu chân du khách. Ngày nay, khi chợ tình Sa Pa và Khau Vai đã phần nào vơi đi sự hấp dẫn thì chợ tình Mộc Châu (Sơn La) lại là điểm đến của bà con dân tộc thiểu số từ Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai.
Trời Mộc Châu se lạnh, là lúc rất tuyệt để tới chợ tình để cảm nhận sự nồng ấm của con người. Phiên chợ tình là dịp để họ giao lưu, nói chuyện, tìm bạn, uống rượu… quên đi những ngày lao động vất vả. Phiên chợ tình diễn ra vào đêm 30, đêm 31/8 và 1/9 hằng năm. Tại đây có các chương trình văn nghệ, các chương trình ca nhạc và màn bắn pháo hoa chào mừng Tết Độc lập.
Tết Xíp Xí Của Người Thái
Theo tục của người Thái và các dân tộc nhóm ngôn ngữ Tày- Thái như: Tày, Nùng, Giáy (trừ Thái Đen), ngày 14 tháng 7 âm lịch là Tết Xíp Xí, trong mâm lễ cúng nhất thiết phải có thịt vịt với mong muốn để cho cái xấu, cái hạn theo con vịt đó trôi đi như trôi trên dòng nước và cầu cho gia đình khỏe mạnh mùa màng bội thu. Người Thái trắng có Tết Xíp xí được tổ chức vào ngày 14 tháng 7 âm lịch hằng năm.
Vào ngày này, thịt vịt được cúng ở miếu đầu làng, thịt lợn thì được cúng ở miếu cuối làng. Người Thái Trắng gọi Tết Xíp xí là tết xá tội cho người sống. Người Thái Trắng dâng lễ vật nhằm tạ ơn ông chủ miếu đã che chở cho cuộc sống của bản làng được mạnh khỏe, may mắn; cầu các thần bỏ qua cho con cháụ các lỗi đã lỡ mắc phải. Sau khi cúng xong, đồng bào thường dùng chỉ buộc vào tay để lấy may. Qua ngày này, họ cởi chỉ buộc vào góc màn mình ngủ. Ngoài ra, theo tục lệ của người Thái, trước khi đi xa hay làm một việc gì đó liên quan đến kiêng kị đều dùng thịt vịt làm lễ vật cúng. Đồng bào quan niệm rằng, thịt vịt là loại thịt kỵ ma.
Tết Xíp xí cũng là dịp để đồng bào bày tỏ lòng biết ơn đối với con trâu, con bò, công cụ sản xuất…, tất cả đều được tắm rửa, lau chùi sạch sẽ và được bày mâm cúng vía với các lễ vật, đặc biệt là thịt vịt, xôi nếp nhuộm màu xanh, đỏ, tím, vàng. Tết, chủ nhà được ăn thì trâu bò cũng được liên hoan. chủ nhà nào cũng chuẩn bị sẵn cỏ non từ hôm trước để bồi dưỡng cho Chúng. Sau khi cúng xong, trâu bò sẽ được chủ nhà (thường là các em đã chăn dắt chúng) bón xôi màu trộn muối, đổ chén rượu lên đầu lấy may.
Lễ Hội Hoa Ban
Lễ hội thường được tổ chức vào mùng 5 tháng 2 âm lịch, khi hoa ban bắt đầu nở trắng núi rừng Tây Bắc. Theo quan niệm của người Thái, hoa ban không chỉ tượng trưng cho tình yêu, mà còn là biểu tượng của lòng hiếu thảo, biết ơn.
Hàng năm, cứ vào dịp tháng hai âm lịch, thời tiết bắt đầu nắng ấm sau những cơn mưa xuân, hoa Ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng Tây Bắc, hứa hẹn một mùa màng bội thu trên các nương rẫy và trên các khu vườn.
Lế hội Hoa Ban (hay còn gọi là lễ hội Sên bản, Sên mường) là lễ hội cầu mưa, cầu phúc cho bản, mường của đồng bào dân tộc Thái. Từ sáng tinh mơ của ngày hội, tiếng trống, tiếng chiêng âm vang khắp núi rừng. Các bếp nhà sàn bập bùng lửa đỏ: đồ xôi, luộc gà, thái măng; có nhà mổ lợn bày cỗ. Rượu cần từng vò lớn, vò nhỏ được bê ra chuẩn bị đãi khách. Những chàng trai, cô gái áo quần, khăn váy chỉnh tề, rủ nhau đến những cánh rừng có nhiều hoa ban nở. Họ chọn những cành hoa đẹp nhất để tặng người yêu và biếu bố mẹ.
Lễ hội Sên mường diễn ra trong ba ngày. Phần lễ tưng bừng, trang nghiêm, thành kính với đám rước và lễ cúng tế trời đất, các thế lực siêu nhiên. Phần hội chiếm phần lớn thời gian với các cuộc thi bắn súng hoả mai, cung nỏ, ném còn, chọi gà,…
Lễ Hội Hết Chá
Lễ hội Hết Chá ( kết thúc mùa ban nở), thường diễn ra từ 23-26/3 hàng năm. Xưa kia, người Thái rất nghèo, có một trận dịch lớn, làng không có tiền mua thuốc chữa bệnh nên đến nhờ thầy mo. Thầy mo dùng mẹo và nhờ thần linh nên đã chữa được bệnh cho dân làng. Mang ơn thầy mo, nhiều người xin được làm con nuôi của ông. Và rồi, cứ mỗi dịp cuối năm (vào 29, 30 Tết), con cháu lại đến tạ ơn thầy mo, nhưng thời điểm đó đang bận rộn cho tết nên thầy mo ấn định lễ tạ ơn sẽ tổ chức vào tháng 3 hàng năm… Lễ hội Hết Chá dịp để người dân tạ ơn đất trời, tạ ơn đấng sinh thành, giáo dưỡng, cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, cuộc sống yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, mọi người ấm no hành phúc.
Giao thông du lịch Mộc Châu
Di chuyển từ Hà Nội, nếu bạn ở trong miền Nam hoặc miền Trung, sau khi di chuyển bằng máy bay hoặc tàu.. ra Hà Nội bạn sẽ xuất phát lên Mộc Châu. Từ Hà Nội bạn có thể chọn đi bằng xe máy, ô tô riêng hoặc xe khách. Lộ trình đi sẽ qua tuyến đường LÁng Hòa Lạc-Xuân Mai, tới quốc lộ 6, qua Mai Châu-Hòa Bình là tới Mộc Châu.
Nếu đi xe khách, giá trung bình hiện nay là 100.000 đồng một người. Các xe ghi điểm đến là Sơn La, Điện Biên đều đi qua Mộc Châu. Các bạn có thể bắt xe tại tất cả các bến xe khách của Hà Nội. Thời gian bắt xe từ 5h sáng đến 11h đêm. Tới nơi, bạn có thể thuê xe máy để thăm các điểm du lịch với giá 150.000 đồng mỗi ngày. Nếu tự đi xe máy, chi phí xăng khoảng 300.000 đồng cả đi lẫn về.
Các điểm du lịch Mộc Châu
Thị trấn Mộc Châu
Thị trấn Nông trường Mộc Châu có tuyến đường liên xã nối đến quốc lộ 6 tại xã Phiêng Luông. Nền kinh tế của thị trấn phụ thuộc vào nông nghiệp, đặc biệt là trồng chè, chăn nuôi bò sữa và trồng hoa. Những đồi chè rộng lớn trên địa bàn thị trấn tạo ra một phong cảnh tươi đẹp và đem lại sản phẩm chè nổi tiếng khắp nơi. Tới đây, bạn không chỉ cảm nhận được không khí trong lành, trải tầm mắt với đồi chè bạt ngàn mà còn được hít thở trong bầu không khí quá ư tươi mát, thoang thoảng mùi chè. Ngoài những hàng chè thẳng tắp, chạy dài tạo tại đây còn có đồi chè hình trái tim tuyệt đẹp để bạn có thể chụp những bức ảnh nghệ thuật.
Ảnh: đồi chè Mộc Châu nhìn từ trên cao
Ảnh: đồi chè Mộc Châu xanh mướt một vùng (ngoc vu)
Bản Áng
Bản Áng thuộc xã Đông Sang, đây là nơi sinh sống của người dân tộc Thái. Tới đây du khách không thể bỏ qua khu du lịch đồi thông của bản Áng. Khu đồi thông bản Áng có hồ nước rộng 5 ha nằm sát cạnh rừng thông có diện tích 43 ha trải dài trên dãy đồi đất feralít đỏ nâu tạo thành cảnh quan tự nhiên tuyệt đẹp. Sáng sớm, hồ rừng thông tĩnh lặng, mặt hồ khoác lớp sương mỏng tinh khôi khiến du khách thư thái hòa mình vào thiên nhiên. Nắng lên mặt hồ “thay áo mới” rực rỡ. Chiều tà, sương kéo về, se lạnh như thả hồn cùng bước chân lãng du, làm vơi đi những ồn ào của cuộc sống thường nhật. Đẹp nhất là những đêm trăng, bóng thông soi xuống mặt hồ, tiếng thông gieo vi vu, vang vọng đâu đó tiếng sáo gọi bạn tình.
Ảnh: rừng thông bản Áng mờ ảo trong sương sớm
Ở bản Áng còn lưu giữ nhiều nghề truyền thống như: đan lát, làm đệm bông gạo, đặc biệt là dệt thổ cẩm. Các sản phẩm thổ cẩm ở đây rực rỡ sắc màu, hoa văn tinh tế, đa dạng với nhiều sản phẩm đa dạng như: khăn piêu, áo cóm, túi xách, rèm cửa, khăn trải bàn….
Đến với bản Áng, du khách được trải nghiệm sinh hoạt cùng với đồng bào Thái, ở nhà sàn truyền thống, thưởng thức các món ăn dân tộc hấp dẫn như: cơm lam, pa pỉnh tộp (cá nướng), thịt hun khói, “xôi tình yêu, rượu men lá, cá ống tre” và các món rau rừng… Cùng các hoạt động nhảy múa văn nghệ vui chơi cùng người dân địa phương vào buổi tối.
Không chỉ vậy tại bản Áng còn có các lễ hội đặc sắc được tổ chức hằng năm như: lễ hội hoa ban, lễ hội Hết Chá,..
Bên cạnh nét đẹp về thiên nhiên, văn hóa và con người thì một phần cuốn hút du khách tới với nơi đây chính là những trang trại trồng hoa lan và dâu tây.
Tại đây, cả vườn dâu bạt ngàn với những trái đỏ lấp ló hiện ra trước mắt bạn. Bạn có thể tự vào hái trái cây và ăn tại chỗ.
Ảnh: dâu tây bản Áng chín đỏ hấp dẫn du khách
Bản Pa Phách
Ở Mộc Châu cải không mọc thành luống, vườn mà có cả một cánh đồng, cả một thung lũng tạo nên một góc trời. Hạt cải được gieo từ giữa tháng 10 và nở hoa từ giữa tháng 11 đến hết tháng 12 nên nếu muốn ngắm hoa cải lúc đẹp nhất bạn nên căn đúng thời gian để du lịch Mộc Châu. Bên cạnh những điểm ngắm hoa cải đẹp như Thông Cuông, rừng thông bản Áng, bản Pa Phách… thì bản Pa Phách là nơi được coi là “thiên đường hoa cải”. Mua hoa cải, tới đây bạn sẽ được chứng kiến cảnh đẹp mê hồn nơi đây với 1 màu trắng muốt hoang dại giữa núi rừng.
Ảnh: Cánh đồng hoa cải Mộc Châu trắng muốt núi rừng
Không chỉ vậy, vào dịp tháng 1 đến tháng 3 khi cất công lên đến đỉnh của Pa Phách thì thấy một thung lũng ngợp trời với màu trắng xen hồng của mận của đào… vài mái nhà người Mông ẩn hiện giữa rừng cây. Bên kia là đầy ắp màu xanh của cỏ non và đàn bò sữa gặm cỏ…
Ảnh: thiên đường Mộc Châu với sắc mận khi nhìn từ bản Pa Phách
Thác Dải Yếm
Trên đường tới cửa khẩu Loóng Sập (giữa Việt Nam-Lào), khách du lịch sẽ bắt gặp con thác 2 tầng tung bọt trắng xóa mềm mại Nàng thuộc xã Mường Sang, huyện Mộc Châu. Nhìn từ xa con thác như dải lụa trắng.
Ảnh: thác Dải Yếm
Thời điểm thác đẹp nhất là vào tháng 4 và tháng 10, vì khi đó lượng nước đổ về nhiều tạo thành một dải nước trắng xóa vừa hùng vĩ vừa thơ mộng. Hơn nữa, nếu tới đây vào mùa xuân sẽ thấy trăm hoa đua nở bên dòng thác tạo nên một khung cảnh vô cùng bình yên và thoát tục.
Hang Dơi
Động Sơn Mộc Hương hay còn gọi là Hang Dơi, nằm gần quốc lộ 6 chạy qua thị trấn Mộc Châu. Nơi đây như một tác phẩm nghệ thuật mà thiên nhiên ban tặng cho Mộc Châu với vô vàn hình thù. Muốn tới được hang Dơi bạn phải đi qua 240 bậc đá để leo lên núi. Tới nơi trước mắt bạn sẽ là miệng hang với hình thù như con rồng khổng lồ, với trần hang cao, rộng và thoáng. Vào sâu trong hang là những dải thạch nhũ lấp lánh nhiều màu sắc, mang hình dáng đa dạng như: ông tiên, cô tiên, hình loài vật (voi, sư tử, hổ, báo, đại bàng), hình mẹ bồng con và những dãy măng đá cao vút,..
Ảnh: các khối nhũ đá tuyệt đẹp trong hang Dơi (sưu tầm)
Đỉnh Pa Luông
Nằm ở độ cao gần 2.000 mét, Pha Luông được nhắc đến như một đỉnh cao huyền thoại với những cuộc hành quân đầy gian nan trong cuộc chiến năm xưa đã đi vào thơ ca. 4 câu thơ về Pa Luông rong bài Tây Tiến của Quan Dũng đã phần nào nói lên vẻ đẹp của nơi đây:
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây, súng ngửi trời.
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pa Luông mưa xa khơi”
Chiến tranh qua đi, nơi đây trở thành điểm đến của những người yêu thích leo núi. Với địa hình độc đáo, Pha Luông như một khối đá khổng lồ với hàng trăm nghìn phiến đá chồng lên nhau. Từ sâu trong dãy núi, đỉnh Pha Luông bỗng chồm hẳn ra ngoài đầy ngạo nghễ. Ngọn núi còn đầy bí ẩn khi nằm giữa khu rừng nguyên sinh. Nơi đây đặc biệt có rất nhiều hoa đỗ quyên lại thêm phần linh thiêng khi nằm cạnh mốc biên giới 268 Việt-Lào.
Để lên được đây bạn phải trải qua cung đường leo Pha Luông đầy khó khăn thử thách nhưng lại vô cùng thú vị. Bạn sẽ được trải qua những sự thay đổi cảnh sắc, thiên nhiên suốt đường đi, những cây lá phong cao vút hay những con đường trải đầy lá vàng. Khi lên tới đây, bạn sẽ thấy như lạc vào biển mây bồng bềnh phía dưới cùng cảnh sườn núi bao la với những vạt nắng đổ trên thảm rừng xanh mướt vẽ những bức tranh thiên nhiên tráng lệ. Hơn nữa, nơi đây còn có mỏm đá “sống ảo”-mỏm đầu rùa để ghi lại những khoảng khắc ý nghĩa
Ảnh: cảnh đẹp hùng vĩ trên đỉnh Pa Luông (sưu tầm)
Ẩm thực du lịch Mộc Châu
Bê chao
Bê chao là món ăn phổ biến nhất, mùa nào cũng có để phục vụ khách tới Mộc Châu. Và nếu như ăn món này vào mùa đông lạnh giá lại càng ngon hơn vì miếng bê chao nóng hổi, được thưởng thức ngay khi vừa ráo mỡ. Bê chao ngon là khi nó vừa mềm lại ngọt, thơm và ngậy. Miếng thịt nóng hổi, hòa quyện cùng gừng già và nước tương ngọt đậm đà khiến người ăn ngất ngây. Giá cho một đĩa bê chao khoảng 100.000 đến 150.000 vnđ. Địa điểm bạn có thể thưởng thức bê chao ngon là các quán ăn đặc sản ở Chiềng Đi-Mộc Châu
Cá suối
Cá suối nướng ở Mộc Châu là món ăn được nhiều du khách yêu thích bởi cá không tanh, tuy bé nhưng có thể ăn cả thịt lẫn xương và hương vị thì thơm giòn hấp dẫn. Cá sống ở suối, thân hình dài và dẹt, sai khi được bắt về cá được mổ để vứt bỏ mật và ruột, sau đó ướp cùng mắc khén, rau thơm rừng, sả, ớt… và dùng thanh tre kẹp chặt, nướng trên than củi chừng 15 phút cho chuyển sang vàng ruộm là có thể thưởng thức được. Bạn có thể thưởng thức món cá này tại các homestay ở bản Áng.
Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản của người Thái đen ở Mộc Châu. Để làm được món thịt này người ta lấy bắp của những chú trâu, bò nhà thả rông trên các vùng núi đồi Tây Bắc, sau đó lóc các thớ thịt ra thành từng miếng ướp muối rồi hun khói trên gác bếp trong nhiều ngày để cho thịt trâu se lại cho các chất ngọt tụ vào trong thịt. Khi ăn đem nướng lại và xé ra thành sợi nhỏ để nhấm nháp cùng bia hoặc rượu ngô cay. Tuy nhiên, nếu không ăn quen bạn sẽ thấy lạ miệng với vị khói khá hắc và mặn của món ăn.
Nậm pịa
Là một món ăn đặc sản Mộc Châu, Sơn La, món ăn này đặc biệt cả về mùi vị lẫn màu sắc. Bởi nậm bia bao gồm: tiết đông, đuôi, thịt nạc, bạc nhạc, nội tạng như lòng, dạ dày, khấu đuôi, gan, ruột non.. của con bò, bê, ngựa, dê,.. Khi ăn nậm bia ăn kèm với hoa chuối, lá bạc hà… Thưởng thức món ăn này ngon nhất vào các ngày lạnh bên cạnh chén rượu ngô và nồi nậm bia bốc khói nghi ngút.
Ốc đá Suối Bàng
Ốc đá ở Suối Bàng thường chỉ xuất hiện từ tháng 4 đến cuối tháng 8, tức là vào mùa mưa, khi thời tiết ẩm ướt. Những tháng còn lại chúng vùi mình trong những lớp lá dày hoặc nằm im dưới đất. Ốc đá không chỉ ngon, ngọt, giòn mà còn có hương vị của núi rừng rất bổ và tốt cho sức khỏe vì chúng ăn các loại lá cây thuốc trên rừng núi. Món ốc đá phổ biến và được ưa chuộng nhất ở đây là ốc nấu canh lá chua hoặc măng chua, gỏi. Tuy nhiên, đơn giản hơn cả là món ốc luộc chấm mắm ớt. Vị giòn ngọt, thơm bùi của ốc kết hợp với vị ớt cay nồng và mắm chấm đậm đà rất hợp với tiết lạnh nơi rẻo cao.
Xôi ngũ sắc
Ở Mộc Châu, mỗi dân tộc đều có vốn văn hóa truyền thống đặc trưng tạo nên vườn hoa đầy hương sắc. Trong đó, văn hóa ẩm thực truyền thống của người Dao được thể hiện rõ nét qua hương vị của xôi ngũ sắc. Nguyên liệu làm xôi ngũ sắc gồm: gạo nếp thơm dẻo, hạt đều không lẫn tẻ, trộn với các loại lá cây để nhuộm màu, tùy thuộc vào mỗi loại lá và cách pha chế để tạo ra 5 màu khác nhau, tạo ra sản phẩm sôi vô cùng thơm ngon, dẻo ngọt và hấp dẫn.
Sữa bò Mộc Châu
Cao nguyên Mộc Châu xanh mát nổi tiếng với sản phẩm sữa bò, bạn có thể từng uống sữa bò đóng hộp nhưng được thưởng thức sữa bò tươi tại Mộc Châu sẽ có cảm nhận khác hẳn. Sữa tại đây cho vị béo, ngậy và rất thơm. Sữa tươi có thể uống bất kể lúc nào nhưng có lẽ thời điểm buổi sáng se lạnh là tuyệt nhất, mùi sữa nóng thơm phức, hương vị béo ngọt làm ta thấy vô cùng ấm áp và sảng khoái.
Bên cạnh món sữa tươi hảo hạng thì người dân địa phương còn chế biến món sữa đông độc đáo. Sữa vắt ngay sau khi bò vừa đẻ, đem hấp cách thủy cho đông lại rồi xắt miếng ra chấm cùng muối ớt, mùi vì món ăn lạ miệng và ngon tuyệt. Ngoài ra các sản phẩm từ sữa bò cò có bơ, váng sữa hay sữa chua bẹo ngậy và rất thơm ngon. Tất cả sản phẩm đều có giá phù hợp với túi tiền của các bạn.
Bên cạnh đó Mộc Châu cũng có các đặc sản núi rừng như:
Ngọn tre non
Đây là món ăn được chế biến từ những ngọn tre non mọc dưới chân núi Pa Luông, người dân ở đây gọi đó là măng: Măng nứa, măng hố. Măng đem về được luộc chấm muối trộn các loại gia vị ớt, mắc khén, lá chanh, hơi ngái ngái nhưng khá ngọt, nếu thích cũng có thể thái ra đem xào. Ngon nhất vẫn là bổ miếng ra ngâm cùng muối và ớt. Cất kỹ trong bếp, bữa nào rét đậm hoặc có khách quý bỏ ra dùng, vừa ngon, vừa ấm người, chống lạnh..
Các loại quả
Mận
Đến Mộc Châu vào mùa hè, khoảng tháng 5, bạn sẽ choãng ngợp bởi những vườn mận bạt ngàn trải dài đến tít tắp lưng đồi, sai lúc lỉu quả, có ở khắp nơi cao nguyên đầy. Mận ở đây thơm ngon giòn ngọt, bạn có thể thưởng thức ngay tại vườn
Đào
Đào Mộc Châu được người dân thu hoạch vào những ngày cuối tháng 5. Quả đào chín có màu vàng, phớt đỏ, ăn vị chua rôn rốt, hương thơm, vị ngọt mát.
Chè xanh
Hiện nay, huyện Mộc Châu có khoảng 3.000 ha trồng chè. Những đồi chè xanh bát ngát như một biểu tượng của Mộc Châu, biến nơi đây trở thành một viên ngọc xanh thơ mộng, cuốn du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng. Các loại chè nổi tiếng bao gồm San Tuyết, Ô Long, Kim Tuyên, Bát Tiên… mỗi loại đều vị khác nhau nhưng hương vị lại phảng phất nét tinh tế riêng. Tới đây bạn có thể thưởng thức những cốc chè xanh tươi mát, hoặc mua chè khô về làm quà.
Video du lịch Mộc Châu
Các điểm nghỉ ngơi khi du lịch Mộc Châu
Tới Mộc Châu có 3 phương án nghỉ ngơi cho bạn lựa chọn khi nghỉ qua đêm là thuê phòng (nhà nghỉ, khách sạn), cắm trại hoặc ngủ homestay ở nhà dân.
Giá thuê phòng khoảng 150.000 – 250.000 đồng loại bình dân. Phòng nghỉ lớn hơn có thể đắt thêm vài trăm ngàn đồng khoảng 500.000-700.000 đồng/phòng. Khu vực thị trấn và nông trường là nơi tập trung nhiều nhà nghỉ hơn cả.
Nếu chọn kiểu nghỉ homestay cùng dân địa phương, bạn chỉ phải trả 50.000-70.000 đồng mỗi người quanh khu vực gần rừng thông bản Áng. Lưu ý là nên gọi điện đặt trước phòng để tránh tình trạng hết chỗ hay chất lượng dịch vụ không đảm bảo. Nếu chọn cắm trại, bạn cần mang theo lều, áo khoác, chăn mỏng, nồi đa dụng và những vật dụng cần thiết khác. Bạn có thể cắm trại tại rừng thông Bản Áng.
Lưu ý khi du lịch Mộc Châu
Vì thời tiết Mộc Châu rất đặc biệt, một ngày có tới 4 mùa. Vào những ngày tháng 3- tháng 8, ngày có thể có nắng, nhưng về chiều và nhất là đêm lại có cái lạnh mùa thu, bạn phải mặc áo ấm khi đi chơi đêm và đắp chăn bông đi ngủ. Như thế thì bạn nên mang theo quần áo ấm và cả quần áo thoáng mát cho mùa hè. Tốt nhất là ưu tiên chọn trang phục ừa nhẹ, vừa thoáng mát. Bạn sẽ phải di chuyển nhiều, hoạt động nhiều. Nếu phượt bằng xe máy, bạn cần chuẩn bị áo mưa và đồ dùng cần thiết.
Giày dép mang theo phải thật thoải mái vì quãng đường chúng ta di chuyển khá nhiều và đường cũng không bằng phẳng để cho bạn diện giày cao gót. Nên đem theo đôi giày thể thao để dùng khi trời tối, vừa ấm áp lại tiện lợi.
Nên xem dự báo thời tiết trước khi lên đường vào mùa mưa. Nếu gặp sương mù, tốc độ cần giảm vừa phải, không đi quá nhanh và chú ý bật đèn pha để tránh những sự cố giao thông.
Nếu bạn muốn nghỉ ngoài trời có thể mang theo lều trại, đồ dùng cá nhân là những thứ không thể thiếu.
Vì trên vùng cao có khá nhiều côn trùng như muỗi, kiến nên thuốc chống côn trùng, thuốc đau bụng, cảm cúm, băng, gạc… là những thứ nên mang để đề phòng trường hợp xấu xảy ra.
Số tiền bạn phải chuẩn bị cho chuyến đi khoảng 1 triệu đến 2 triệu là đủ
Nếu có máy ảnh hay điện thoại chụp được ảnh thì chắc chắn bạn phải dùng tới vì Mộc Châu có rất nhiều cảnh đẹp để bạn chụp. Chuẩn bị pin dự phòng và thẻ nhớ nhé.
Các địa điểm mua quà:
Cụm mua sắm số 1: Ngã ba 73 (gần thị trấn Mộc Châu ).
Các cửa hàng:
+ Năm Thảo: chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, thịt trâu, bò hun khói.
+ Mộc Y quán: thịt dê các món; chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, mật ong, phấn hoa.
Cụm mua sắm số 2: Tiểu khu 32 + Bó bun.
Các cửa hàng: Anh Đông, Cường Huyền, Hùng Mừng, Hoa Khiêm: Chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, rượu ngô, Các loại thuốc đặc hiệu chữa bệnh: dạ dày, trĩ, viêm xoang…
Cụm mua sắm số 3: Ngã ba 70.
Các cửa hàng: Thân Gái, Vân Thảnh, Liên Thao, Tân Thủy: Chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, chẳm chéo, rượu các loại.
Cụm mua sắm số 4: Ngã ba Vườn Đào (ngã tư rẽ đi Thông Cuông, hoặc đồi chè thị trấn).
Các cửa hàng Sen Tuấn, Nga Lộc, Thanh Trường, Hiền Sang: Chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, chẳm chéo, rượu các loại, đào, mận tươi.
Cụm mua sắm số 5: Tiểu khu Chiềng Đi.
Các cửa hàng: Quán 70, quán 181, quán 64, quán Quang Bắc: Chè, sữa, táo mèo, ngô, bánh khảo, kẹo dồi, chẳm chéo, rượu các loại.
Trên đây là tất tần tật từ A-Z về vùng đất Mộc Châu xinh đẹp cho những ai muốn du lịch Mộc Châu và khám phá vùng đất này nhé!
CHƯƠNG TRÌNH THAM KHẢO 2 NGÀY - 1 ĐÊM:
CHƯƠNG TRÌNH THAM KHẢO 2 NGÀY - 1 ĐÊM:
Ngày 1: HÀ NỘI – CAO NGUYÊN MỘC CHÂU ( Ăn trưa, tối )
SÁNG : khởi hành đi Mộc Châu. Trên đường đi, đoàn dùng
bữa sáng tại Xuân Mai. Tiếp tục hành trình dừng chân ngắm cảnh và chụp ảnh tại đèo
Thung Khe, chiêm ngưỡng cảnh thung lũng, núi rừng Hoà Bình hùng
vĩ.
Trên đường
đến với Mộc Châu qua bản Lóng Luông ngắm nhìn và chụp
ảnh hoa cải trắng trải dài trên những sườn đồi đang vào
mùa khoe sắc.
TRƯA
11h30: Đến Mộc Châu ăn trưa tại
nhà hàng, thưởng thức đặc sản Mộc Châu với Bê chao, Cá suối chiên giòn …
CHIỀU 14h30: đi thăm quan Rừng Thông
bảng Áng, được ví như Đà lạt của Tây Bắc, Bảng Áng cũng
được xem là nơi có những cánh đồng hoa cải đẹp nhất ở Mộc Châu – Hứa hẹn quý
khách sẽ có buổi chụp hình rất thú vị! Quý khách có cơ hội thăm quan vườn dâu tây đang mùa chín mọng quả sum xuê.
Sau đó tiếp tục chương trình tham quan các thắng cảnh
Mộc châu: Động Sơn Mộc
Hương, nơi được mệnh danh là Tây Thiên đệ Nhất động với
những khối nhũ đá đẹp tuyệt vời và huyền tích lý thú về động. Sau đó đến với Thác Dải Yếm ngắm và chụp ảnh tại thác nước với 9
dải tuôn trào từ trên cao. “Dải Yếm” có chiều cao khoảng trên dưới 100 m, chia
làm hai nhánh, một bên có tới 9 tầng (như “chín bậc tình yêu” trong truyền
thuyết), một bên 5 tầng, 2 thác nằm cách nhau khoảng 200 m.
TỐI 19h00 Thưởng thức đặc sản các món được chế biến từ Trâu Ngon Tây Bắc như Trâu
nướng, Trâu xào lá lốt….
Ngày 2: ĐỒI CHÈ MỘC CHÂU – HÀ NỘI (Ăn sáng, trưa)
SÁNG
07h30: dùng bữa sáng, trả phòng
khách sạn.
08h00: thăm quan một trong những khu vực đẹp nhất Mộc
Châu đó chính là đồi chè Mộc Châu. Cho dù vào mùa đông cành
khô trơ trụi lá hay mùa xuân mơn mởn khoe sắc lá non, Mộc Châu vẫn luôn được
bao bọc trong màu sắc xanh tuyệt đẹp của những đồi chè. Đồi chè đẹp nhất có lẽ
là đồi chè trái tim, đồi chè chữ S.
TRƯA
11h30: ăn trưa tại Nhà hàng
64 với các món đặc sản Mộc Châu.
CHIỀU
13h00 về Hà Nội, trên đường dừng
chân nghỉ ngơi và mua đặc sản sữa tươi Mộc Châu, Cam Cao phong về làm quà cho
người thân.
TỐI 18h30 xe về Hà Nội,
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét