16/03/2016

Chiến thuyền thời Nguyễn

   Việt Nam ta là một đát nước có nhiều sông ngòi và biển nên kỹ thuật tác chiến thủy của ta đã phát triển rất mạnh từ thời xa xưa. Thật tiếc là tranh, ảnh tài liệu về thuyền chiến Việt Nam thời phong kiên đã bị chiến tranh loạn lạc làm cho thất lạc, con cháu về sau không biết được vẻ đẹp hào hùng của thủy binh Đại Việt. 
   Cũng may, Cửu Đỉnh nhà Nguyễn đã lưu giữ những tư liệu lịch sử quý giá về sức mạnh thủy quân của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử dân tộc.
   Xin trân trọng giới thiệu đến mọi người:

 Cửu Đỉnh nhà Nguyễn là chín cái đỉnh bằng đồng đặt ở trước sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế, được vua Minh Mạng ra lệnh đúc vào năm 1835 và khánh thành năm 1837. Trên mỗi đỉnh có chạm khắc 17 bức họa gồm các chủ đề về vũ trụ, núi sông, chim thú, sản vật, vũ khí... tập hợp thành bức tranh toàn cảnh của đất nước Việt Nam thống nhất thời nhà Nguyễn. Trong đó, có 7 bức họa tái hiện hình ảnh các loại chiến thuyền chủ yếu của nhà Nguyễn.
  Đa Sách Thuyền (nghĩa là thuyền có nhiều dây) là loại thuyền ba cột buồm kiểu phương Tây, thường trang bị súng lớn. Loại thuyền này dùng đi theo sông lớn, đi biển dài ngày và có khả năng đi xa, vượt cả đại dương. Đa Sách Thuyền thể hiện trình độ cao về kỹ thuật đóng thuyền buồm của Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn.
  Lâu Thuyền là một loại thuyền lớn đóng bằng gỗ tốt có tầng lầu rất đẹp, thường chỉ được dùng cho nhà vua và hoàng gia, các quan đại thần và binh sĩ hộ giá đi lại trên sông Hương hoặc xa lắm cũng chỉ ra đến vùng Quảng Trị, Quảng Bình hoặc vào Quảng Nam. Đây là một trong các thành tựu nổi bật nhất của ngành đóng tàu thuyền dưới thời nhà Nguyễn ở thế kỷ 19.
  Ô Thuyền là loại thuyền đi biển sơn màu đen, cánh buồm cũng đen, có 12 tay chèo. Loại thuyền này vừa có buồm vừa có tay chèo nên tốc độ nhanh, thường trang bị cho quân tuần tiễu dọc bờ biển.
  Mông Đồng Thuyền là mẫu thuyền có đáy nông, nhiều tay chèo, trang bị nỏ mạnh, có mái gỗ để che tên đạn. Đây là loại thuyền chiến cơ động, thường được sử dụng ở sông lớn và ven biển.
  Hải Đạo là loại thuyền chèo rất linh hoạt phục vụ hoạt động chiến đấu trên biển. Trong một đơn vị thủy binh ngày trước, hải đạo được tổ chức từng nhóm hàng chục chiếc một, khi chiến đấu thì cơ động nhanh, lúc tuần tiễu thì đi theo hàng để tiện bề hỗ trợ cho nhau.
  Đỉnh là loại thuyền thon nhỏ, nhiều tay chèo, vừa dùng để đua trong các lễ cầu mưa, các ngày lễ hội, vừa dùng trong chiến đấu được trang bị cho quân đội nhà Nguyễn. Thuyền này có tốc độ rất nhanh, hoạt động thuận tiện trên tất cả các loại hình đường thủy.
 Lê Thuyền là một loại thuyền có 12 tay chèo, được sản xuất khá nhiều dưới thời vua Gia Long, Minh Mạng. Năm 1835, nhà Nguyễn đóng một chiếc thuyền dạng này cho Viện Cơ mật để làm thuyền hộ giá khi vua đi tuần đường thủy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét