05/03/2016

Phân tích một con dao tạm gọi là để sinh tồn đi...

Thưa các bạn! khi nhập môn chơi dao thì phần đông chúng ta bị lẫn lộn hoa mắt trước muôn vàn con dao có hình thể khác nhau biến hóa đủ kiểu, không biết đầu từ đâu nên dễ mắc các sai lầm cơ bản, đến khi rút được 1 vài kinh nghiệm thì đã tốn tiền kha khá. Các sách viết về dao chỉ chủ yếu viết về lịch sử, giới thiệu các thương hiệu, mẫu dao mang tính sưu tầm mà không đề cập nhiều các kiến thức cơ bản. Trên các diễn đàn chơi và chế dao ở ta thì kiến thức lại càng giang hồ tản mạn, chỉ có 1 số bài viết rất hiếm hướng dẫn nhập môn của Joe Talmadge và vài tác giả khác là giá trị giúp chúng ta hiểu vấn đề và có cái nhìn tổng quan.
Ở bài này tôi thường sử dụng hình ảnh của thương hiệu dao SPYDERCO không phải vì tôi có hoặc tín nhiệm mà là vì tương đối dễ minh họa mà không làm cho mọi người thấy sự hung dữ của vũ khí lạnh mà thôi...
Tôi thử tổng kết lại vài kiến thức học được từ Joe, kết hợp với 1 vài phát triển và nhận định của riêng tôi, rất mong mọi người tham gia bổ sung hay thảo luận qua lại làm rõ các vấn đề, qua đó tự rút ra nhận định cho riêng cho mỗi người. Bài viết tốn thời gian nên tôi sẽ post từ từ khi có thời gian.
Lưỡi dao có 2 bộ phận chính là LƯỠI BÉN và MŨI NHỌN dùng để xuyên thấu qua vật liệu theo phương rộng và chiều sâu.
Trên 1 con dao, hiệu quả của lưỡi bén và mũi nhọn hay có tính bù trừ qua lại được này mất kia. Hình thể vô cùng đa dạng của lưỡi dao thực chất là các biến dạng kết hợp qua lại một cách cân bằng giữa lưỡi bén và mũi nhọn theo ý đồ công năng của người thiết kế. Hình thể lưỡi dao bao gồm hình dáng khi nhìn ngang và tiết diện của lưỡi (mặt cắt cho thấy kiểu grind, góc bevels).
Trước tiên chúng ta sẽ tách ra phân tích riêng từng đặc tính một, sau đó sẽ có cái nhìn tổng thể vài con dao cơ bản.
1. CÁC ĐẶC TÍNH CỦA LƯỠI DAO:
- BỤNG DAO:
Bụng dao là cạnh dao được mài bén xuất phát từ cán đến mũi dao.
Với chiều dài lưỡi dao nhất định thì bụng dao càng bầu càng tăng chiều dài của lưỡi bén đồng thời cũng giúp đổi hướng cạnh bén một cách tịnh tiến, làm tăng khả năng XẮT THÁI của con dao.
Khi xắt thái 1 vật gì, động tác kéo hay đẩy tới rất cần lưỡi bén càng dài càng tốt (một cách tương đối) và phải liên lục không đứt quãng. Sự đổi hướng của lưỡi bén giúp lưỡi dao "ăn" vào vật liệu từ các hướng khác nhau. Tưởng tượng khi xắt thái 1 vật gì trên mặt thớt nằm ngang thì lưỡi dao có bụng bầu tốt sẽ luôn luôn có 1 đoạn bén tiếp cận "song song" tịnh tiến với mặt thớt cho dù góc cán dao thay đổi so với mặt thớt.


Nếu công việc xắt thái là quan trọng thì lựa chọn lưỡi dao có bụng bầu là sáng suốt. Như con Spyderco K2 của Farid Mehr thiết kế, đây là dáng lưỡi Bowie-style bản rộng với mũi nhọn được đưa lên cao lằm tăng độ cong của bụng dao.

Các con dao săn rất cần cái bụng bầu này, nhất là vùng gần phía mũi để luồn vô lạng bóc da thú nên lưỡi Bowie-style là hình ảnh của loại dao săn, các con dao sống còn, outdoor cũng vậy.


Một khi tinh chỉnh làm tăng thêm chiều dài lưỡi bén khi bị giới hạn chiều dài của lưỡi dao là chọn bụng dao hình chữ S. Phần cạnh bén gần sát cán chuyển hướng ra phía trước một chút sẽ dễ ăn vô vật liệu khi ta đẩy con dao ra phía trước đến tận cùng (lúc cắt trên không, không tì xuống thớt). Lí thuyết là như vậy nhưng phần lưỡi lõm đó sẽ khiến ta vò đầu bứt tai khi mài dao. Con dao Emerson Commander và Spyderco Zulu đặc trưng cho kiểu lưỡi này:
Ta dễ dàng nhận thấy là khi tối ưu bụng bầu và tăng độ cong lưỡi bén, đồng thời ta cũng hạn chế đi hiệu quả của mũi nhọn vì mũi dao bị phình to ra, không còn thuôn nữa. Một ví dụ trái ngược là con dao Spyderco Centofante Memory dưới đây, với bụng dao ít cong sẽ dễ dàng tăng hiệu quả cho mũi nhọn:
Các con dao lưỡi Bowie giữ độ cong gần mũi mà muốn gỡ gạc phần nào mũi nhọn hay dùng giải pháp "Clip point" tức là khoét lõm cái sống gần mũi một chút. Giải pháp này tuy làm mũi nhọn hơn cho một vài sử dụng, nhưng vẫn lệch phía trên do với trục lưỡi dao nên vẫn không tối ưu cho đâm.

...(lúc nào có điều kiện lại đi sâu phân tích kỹ hơn).

MŨI DAO:
Nói đến mũi dao thường người ta thường chỉ nghĩ đến chức năng đâm, thế nhưng trong thực tế mũi nhọn và phần lưỡi bén ngay sát mũi rất hữu dụng cho nhiều chức năng khác nhau như khoét, khía, rạch, tỉa, cắt trong những góc khuất khó với tới, mở miệng trước khi cắt các vật liệu có "da" trơn đàn hồi...Một đặc tính nữa rất quan trọng của mũi dao là dành cho các công việc cần độ CHÍNH XÁC cao. Một ví dụ dễ thấy là các lưỡi dao giải phẫu rất nhỏ, chỉ cần mũi nhọn và đoạn lưỡi bén rất ngắn sát mũi do cần độ chính xác rất cao mà không cần lưỡi bén dài như các con dao thông thường.
Khả năng xuyên thấu và độ chính xác của mũi dao phụ thuộc vào góc nhọn và độ mỏng của mũi. Mũi dao có góc càng nhỏ và càng mỏng sẽ càng chính xác và xuyên thấu vật liệu tốt, thế nhưng sẽ càng yếu khi đâm vô vật cứng. Ngược lại góc mũi dao tù hơn và dày hơn sẽ chịu đựng hơn khi làm việc nặng nhưng bù lại sẽ mất đi hiệu quả và ít hữu dụng với các công việc chính xác. Vậy chọn mũi dao như thế nào phải tùy thuộc công việc của mỗi người mà cân nhắc cho hợp lí.
Khi chức năng chính của con dao là đâm, mũi dao lí tưởng là SPEAR POINT giống như mũi giáo hay mũi tên. Mũi nhọn trùng với trục của lưỡi dao và trục của cán để lực đâm được truyền thẳng hàng từ cán đến mũi. Để tăng tính xuyên thấu thì lưỡi dao không có sống mà có 2 lưỡi bén đối xứng 2 bên trục với đường cong rất nhẹ.
Do lưỡi dao thon dài không có sống nên để tăng cường sức chịu đựng thì phần thép ngay giữa trục lưỡi dao rất dày và vuốt đều sang 2 bên lưỡi. Hình thể này làm cho khả năng cắt rất kém nhưng không quan trọng. 
Một ví dụ rõ nhất của Spear point là con dao FAIRBAIRN-SYKES nổi tiếng. Đây mới là con dao găm chính hiệu chuyên dùng cho chiến đấu của Anh được thiết kế trước thế chiến thứ 2 và sử dụng rộng rãi cho nhiều nhóm Commando trên thế giới cho đến ngày nay.
Ngoài góc nhọn và độ mỏng mũi dao thì VỊ TRÍ của mũi dao được đặt ở đâu so với trục lưỡi dao cũng rất quan trọng, do ảnh hưởng đến khả năng dễ điều khiển và khống chế mũi dao đó. Thông thường thì vị trí của mũi dao càng CAO càng khó điều khiển và sử dụng.
Các lưỡi dao có mũi nhọn cao hơn hay ngang với sống dao được gọi là TRAILING POINT. Hình thể lưỡi dao này rất phổ biến ở các con dao săn do cần bụng cong gần mũi tối đa để lột da thú, tuy nhiên vị trí mũi dao rất cao nên khó điều khiển và sử dụng mũi nhọn này, như con dao Spyderco Bill Moran dưới đây:

Để hạ thấp mũi dao xuống, trong khi vẫn giữ được 1 phần bụng lưỡi cong hữu dụng người ta hay chọn DROP POINT hay CLIP POINT. Các hình thể lưỡi dao này có mũi nhọn tiến gần với trục lưỡi dao nên khả năng đâm cũng tốt hơn. Drop point tạo góc ở mũi lớn hơn nên cứng cáp hơn so với Clip point, là hình thể có sống dao bị khoét lõm nên mất nhiều thép sau mũi hơn. Hình thể "Drop point sống thẳng" sẽ cân bằng giữa Drop point và Clip point về góc nhọn và sức chịu đựng.
Các con dao có mũi nhọn thấp hẳn xuống như con dao cutter giúp người dùng rất dễ khống chế và điều khiển mũi nhọn đó cho các công việc chính xác, tuy nhiên nó cũng đồng thời làm giảm đi hay thậm chí làm biến mất độ cong bụng lưỡi. Con dao bếp đa năng Santoku của Nhật có vị trí mũi dao rất thấp là vì lí do này, giúp các đầu bếp dễ điều khiển mũi dao cho các việc cắt tỉa chính xác, cho dù con dao khá lớn và rộng bản. Từ "San" có nghĩa là 3, tượng trưng cho tính đa năng của nó: Cá, Thịt và Rau củ.

Các lưỡi dao SHEEPSFOOT có hình thể giống như con dao Santoku truyền thống trên, nhưng tùy thuộc vào góc giữa sống và lưỡi dao mà đưa ra 2 trường hợp cho 2 mục đích sử dụng khác nhau: hoặc để hạ thấp mũi dao xuống, hoặc làm biến mất, vô hiệu hóa mũi dao. Trong thực tế có những trường hợp người ta cần lưỡi dao để cắt nhưng mũi dao nhọn có thể gây nguy hiểm khi sử dụng. Như dao cứu hộ cắt dây an toàn, cắt quần áo xử lí vết thương nếu có mũi nhọn có thể chọc vào nạn nhân khi khẩn cấp, hoặc dao sử dụng trên thuyền phao nếu bị rơi sẽ chọc thủng vỏ cao su.


LƯỠi GIẢ "FALSE EDGE" hay "SWEDGE":
Cả 2 đều là giải pháp mài thêm 1 bevel phụ phía bên sống dao sát với mũi, False edge bén như lưỡi dao nhưng chỉ 1 đoạn gần mũi không dài hết sống, trong khi Swedge chỉ vạt góc cái sống cho mỏng bớt nhưng không bén, có thể dài hết sống dao hay chỉ ngắn 1 đoạn như False edge. Cả 2 trường hợp đều biến lưỡi dao "tiếp cận" về hình thể SPEAR POINT đã nói ở trên làm tăng khả năng xuyên thấu của mũi dao, thế nhưng mặt trái của nó là làm đoạn lưỡi dao đó yếu hẳn đi do mất phần thép ngay sống, giống như hình thể lưỡi dao Spyderco Native các đời trước đây:
Rất nhiều mẫu dao trong thương mại thêm Swedges trên sống dao vì nhìn rất cool, do trên thực tế khá nhiều người mua bởi vì cái nhìn đầu tiên hơn là hiểu đầy đủ về con dao với các tính năng của nó. Vấn đề này được tranh luận từ rất lâu trên các diễn đàn, nhiều người thú nhận biết là có những design thêm Swedges vô không những vô dụng mà còn làm yếu lưỡi dao nhưng đôi khi họ vẫn bị "dính chưởng" vì vẻ đẹp rất "ngầu".

Một lý do nữa, ít ra theo lý luận của 1 số nhà làm dao, là thêm vào False Edge hay Swedge với mục đích làm giảm trọng lượng của mũi dao để đẩy TRỌNG TÂM của toàn con dao về phía cán là điểm cầm nắm khi sử dụng. Thế nhưng theo tôi đó chỉ là lời biện hộ cho mục đích chính là làm đẹp lưỡi dao vì thật vô lí khi chọn sống dày cho cố rồi phải khoét mỏng đi cho nhẹ bớt trong khi họ hoàn toàn có thể chọn lưỡi dao có sống mỏng hơn ngay từ đầu có góc cắt nhỏ hơn, vừa chịu đựng tốt do còn nguyên sống dao, vừa nhẹ như ý muốn, chưa kể tốn ít công đoạn hơn khi sản xuất, tức là tốt hơn mọi điều trừ "thẩm mỹ".
Tất nhiên con người ai cũng thích cái đẹp, nhưng với quan điểm của 1 người làm nghề liên quan đến thiết kế hiện đại, theo tôi các yếu tố thẩm mỹ phải gắn liền và hỗ trợ cho công năng mới là 1 thiết kế tốt và lâu dài. Những yếu tố làm đẹp nhưng vô ích, hay thậm chí làm hạn chế đi công năng không phải là thiết kế tốt, chỉ mang tính mode.
Đôi khi cái Swedge không dính sát với mũi dao mà tách ra giống như hình thể lưỡi dao modified Tanto nổi tiếng của Elishewitz.
Knifemaker này, khi thiết kế con dao Stryker khá nổi tiếng của Bechmade, đã chỉnh sửa lưỡi Tanto americain cho hữu dụng hơn bằng cách hạ mũi nhọn xuống trùng với trục của dao để tăng khả năng đâm, tăng góc giữa 2 đoạn lưỡi để chúng ít bị đứt đoạn hơn và thêm cái swedge ngay phần sống dao song song với lưỡi làm cho toàn lưỡi dao thon nhọn hơn khi đâm xuyên sâu vô vật liệu cứng mà vẫn tận dụng được độ khỏe của mũi Tanto:

LƯỠI TRƠN HAY RĂNG CƯA ?:
Khi sử dụng con dao để cắt, cứa, chặt, thái...ta có thể tóm gọn lại có 2 cách thức lưỡi dao xuyên thấu vô vật liệu là "Cắt đẩy" và "Cắt cứa".
Cắt đẩy: Lưỡi dao tiến thẳng vô vật liệu bằng lực nhấn vào trực tiếp, ví dụ như khi gọt vỏ quả táo ta "đẩy" lưỡi dao xuyên qua lớp da để cắt. Khi chặt vột vật gì đó thì lưỡi dao cũng xuyên qua vật liệu theo kiểu cắt đẩy, cạo lông cũng là 1 dạng cắt đẩy.
Cắt cứa: Lưỡi dao cắt qua vật liệu bằng động tác cứa qua cứa lại như khi cưa, ví dụ khi ta thái quả cà chua thành các lát mỏng.
Về cơ bản thì lưỡi dao trơn bén vượt trội lưỡi răng cưa trong mọi công việc cần cắt đẩy. Các công việc chính xác và yêu cầu nhát cắt "sạch đẹp" cũng cần lưỡi dao trơn.
Lưỡi dao răng cưa vượt trội lưỡi dao trơn trong phần lớn trường hợp khi cắt cứa. Lưỡi răng cưa vốn có các mũi nhọn tách biệt khiến diện tích tiếp xúc sẽ nhỏ hơn 1 lưỡi trơn liên tục nên cùng 1 lực ép thì lưỡi răng cưa "ăn" vô vật liệu nhanh hơn do lực tập trung vô vùng diện tích nhỏ hơn. Phần lưỡi cong lõm giữa các mũi nhọn có các đọan bén tịnh tiến hướng về trước và sau nên sẽ dễ cắt vào vật liệu khi lưỡi dao tiến tới hay lùi lại. Các đoạn bén lõm vào được các mũi nhọn nhô ra "bảo vệ" nên khó cùn hơn.
Góc mài của lưỡi răng cưa cũng chỉ có 1 bên theo kiểu đục đất nên nhỏ và mỏng hơn so với lưỡi trơn. Với lưỡi dao dài như nhau thì lưỡi răng cưa có tổng chiều dài các đoạn bén dài hơn hẳn đoạn bén của lưỡi trơn. Tất cả các yếu tố đó giúp lưỡi dao răng cưa khi "cắt cứa" sẽ "ăn" vô vật liệu nhanh hơn, nhất là khi cắt các vật liệu dạng sợi hay vật liệu cứng.
Thực tế cho thấy lưỡi răng cưa ngay khi cùn vẫn có thể cắt được 1 cách tương đối nên ít cần phải mài hơn, nhưng bù lại việc mài cũng khó hơn rất nhiều. Nếu tôi nhớ không lầm thì Spyderco là hãng tiên phong dùng lưỡi răng cưa Spyder edge cho các con dao xếp của họ.
Lưỡi dao trơn dù bén đến đâu khi phóng lớn cũng thấy các "răng cưa" nhỏ lởm chởm, kích thước các răng cưa đó tùy thuộc vào độ thô của đá mài, đá càng thô răng cưa càng lớn và ngược lại. Thực tế nhiều test cho thấy khi mài ở 1 độ thô nhất định thì lưỡi dao trơn có thể qua mặt được lưỡi răng cưa khi cắt cứa vật liệu mềm nên quan điểm lưỡi răng cưa luôn hơn lưỡi trơn khi cắt cứa cũng cần được coi lại.
Vậy chọn lưỡi răng cưa hay lưỡi trơn tùy thuộc cân nhắc dao dùng vào việc gì, cắt chính xác với đường cắt đẹp hay cắt phá, cần sử dụng lâu mà không cần mài lại hay không, khả năng mài cùng phương tiện...Lưỡi trơn do tính đa năng nên hữu dụng hơn trong cuộc sống, nhất là ta có thể lựa chọn độ thô của đá mài mà cho ra nhiều khả năng cắt khác nhau tùy công việc, nhưng nếu ta cần con dao chuyên cắt dây thừng, ống cao su, vật liệu dạng sợi hay cứng thô...có thể cân nhắc dùng lưỡi răng cưa. 
Có 1 thời khá thịnh hành loại lưỡi dao Combo là loại lưỡi kết hợp cả 2 trên cùng 1 con dao, thế nhưng cũng nên nhớ là dù trơn hay răng cưa cũng cần 1 độ dài nhất định mới hiệu quả, nếu lưỡi dao ngắn quá mà ráng nhét cả 2 sẽ cản trở hiệu quả lẫn nhau.


...Hẵng tạm thế đã nhỉ - tôi tìm hiểu thêm rôi lại viết tiếp vậy...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét