26/03/2016

Tinh Thần Bồ Tát Địa Tạng

Hòa Thượng Tuyên Hóa

Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát

Thế nào gọi là Bồ Tát Địa Tạng? Vị Bồ Tát này cũng như đại địa, chứa hết vạn vật. Hết thảy vạn vật do đất mà sanh ra, nương đất mà lớn lên. Bất kể chúng sanh hữu tình hay vô tình, không thể rời khỏi đại địa mà tồn tại được, từ đó mà suy ra con người chúng ta mỗi một lần thở ra, thở vào, một cử một động, một lời nói một hành động, từng giờ từng khắc, đều sinh hoạt ở trên pháp thân của Bồ Tát Địa Tạng, chẳng qua chính chúng ta không hay biết đó mà thôi.
Như con kiến càng bò trên con thuyền, nó không biết tới con thuyền. Con thuyền trôi nổi trên biển, ghé khắp mọi nơi, nhưng con kiến càng đâu có biết thuyền là cái gì? Thuyền đi tới đâu? Hoàn toàn không biết gì cả. Lý do tại sao vậy? Bởi thuyền thì quá lớn, kiến thì quá nhỏ. Chúng ta sinh tồn trên pháp thân của Bồ Tát Địa Tạng cũng cùng một ý nghĩa như vậy.
Chúng ta sống trên quả địa cầu, không nương vào một chỗ nào trong không gian cả. Địa cầu do phong luân nhiếp trì, theo quy luật tự nhiên mà vận hành bất tuyệt trong quỹ đạo. Trong hư không, địa cầu phiêu diêu xoay chuyển, rồi cuối cùng nó đi tới đâu? Sự hiểu biết của các nhà Thiên văn học bất quá chỉ là danh từ mà thôi, rốt cuộc như thế nào họ cũng chẳng biết.
Chuyện huyền bí của trời đất chẳng ai hiểu rõ một cách chân chánh. Biết được thực sự bí mật của vũ trụ họa chăng chỉ có các bậc thánh nhân đã chứng quả. Chúng ta là kẻ phàm phu tục tử không thể hiểu hết, ý nghĩa của nó là chẳng thể nghĩ bàn. Chúng ta đều là hạng hồ đồ ăn uống tạp loạn.
Chúng ta sinh ra đời, từ thiếu niên lên tráng niên, từ tráng niên đến tuổi già, từ tuổi già đến chết, đó là con đường mà người đời trải qua, không ai có thể thoát ra ngoài định luật này.
Trong cuộc sống như vậy, có người thì gặp rất nhiều khổ nạn – nghiệp chướng nặng – lãnh tận cùng sự khổ đau, rồi từ đó nhận thấy thân tâm tính mạng tựa hư ảo, sanh ra những tư tưởng yếm thế, coi cuộc đời chẳng còn hứng thú gì nữa. Có người xuất thân trong gia đình giầu sang – nghiệp chướng nhẹ – các thứ ăn mặc nơi ở đều thuộc giới thượng lưu, đời sống đầy đủ, được toại lòng xứng ý. Như người ta thường nói: “muốn gió có gió, muốn mưa có mưa,” thậm chí muốn cả mặt trăng, cha mẹ cũng chiều lòng tìm cách đưa trăng xuống cho con. Đời sống như vậy, trông vào thì tuồng như rất vui sướng, rất mỹ mãn. Kỳ thực, chẳng phải như vậy, mà chính là một đời hồ đồ chẳng điều gì được minh bạch, có thể nói là “túy sinh mộng tử,” sống say chết mê. Không có được sự hiểu biết chân chánh, tỷ dụ như vì sao ta đến thế giới này? Đến để làm gì? Đến để ăn uống chăng? Để mặc áo quần chăng? Hoặc giả đến để lừa gạt người? Đến để hưởng thụ? Đó là những điều mà thế gian mê mờ, không ai có thể phá được sự chấp mê đó.
Chẳng riêng gì số người tại gia không phá được cái cửa mê này, mà đối với giới xuất gia cũng còn bị hãm trong vòng mê hoặc. Danh không buông được, lợi không bỏ được, chỗ nào cũng chạy theo duyên, chỗ nào cũng vướng mắc, thật là đáng thương vô cùng. Những người xuất gia phải nên có ý nghĩ, tại sao ta xuất gia? Bởi vì ta đã coi nhẹ hết thảy mọi thứ trên thế gian này, chẳng chấp các pháp thế gian, do đó mới xuất gia tu đạo đặng giải quyết vấn đề sanh tử.
Người xuất gia phải tha thiết với vấn đề sanh tử, phát tâm Bồ Đề, chớ không thể hồ đồ chờ chết, như người ta nói: “Một ngày làm sư, một ngày đánh chuông.” Với một tâm lý đó xuất gia, đối với vấn đề sanh tử quả là không nắm vững được tí nào.
Chúng ta vào thất Địa Tạng, nên học hỏi tinh thần cứu độ chúng sanh của Bồ Tát Địa Tạng. Trong thời quá khứ, Bồ Tát từng phát mười tám lời nguyện lớn, nguyện chúng sanh thoát ly biển khổ, tới bờ an lạc. Ngài nói rằng: “Địa ngục chưa trống, nguyện chẳng thành Phật,” và “Độ hết chúng sanh, mới chứng Bồ Đề.” Ngài lại nói: “Ta không vào địa ngục thì ai vào địa ngục.” Thật là những lời nguyện vĩ đại! Các vị phải nên bắt chước pháp của Bồ Tát, học hỏi tinh thần cứu người quên mình. Bồ Tát Địa Tạng nay vẫn còn trong địa ngục chịu khổ để thuyết pháp cho các chúng sanh.
Chúng ta cùng ở trong pháp thân của Ngài Địa Tạng, lại cùng là người xuất gia, cùng với Ngài vốn là đồng chí đồng đạo trong việc quảng độ chúng sanh. “Đặt mình trong chốn nước sôi lửa bỏng, cứu chúng sanh tới bờ mát mẻ” chính là bổn phận của người xuất gia. Được như vậy không uổng một đời xuất gia, hy vọng tất cả cố gắng!
Người xuất gia không thể có tâm tham, phải quét trừ cho sạch tâm này, nếu không sẽ không đủ tư cách làm người xuất gia. Nếu còn tham cái này, tham cái kia, cái gì cũng tham, càng nhiều càng tốt, thậm chí vơ vào hết mọi thứ rác rưởi để tích trữ lại, như vậy quả là đáng thương đến cực điểm vậy!
Niệm danh hiệu của Bồ Tát Địa Tạng thì chúng ta phải niệm cho thật rõ ràng, để Bồ Tát hiểu rõ tâm ý của chúng ta. Tại sao chúng ta niệm Bồ Tát Địa Tạng? Mục đích của chúng ta là khiến Bồ Tát sau khi nghe tiếng chúng ta niệm, Ngài biết rõ ý muốn của chúng ta để phát tâm từ bi, cho chúng ta được thỏa mãn tâm ý.
Năm nay chính là năm đầu của thời kỳ “Cửu tinh liên châu,” tượng trưng cho sự hung hiểm. Chúng ta không cần biết có hung hiểm hay không hung hiểm, chỉ biết là chúng ta một tâm kiền thành niệm “Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát,” nguyện cầu tai họa lớn của thế giới đổi thành tai họa nhỏ, nếu là tai họa nhỏ thì biến thành tiêu tan. Bởi vậy chúng ta chỉ một lòng khẩn thiết, vì toàn thể nhân loại trên thế giới nguyện cầu hòa bình, hạnh phúc, đó chính là mục đích chúng ta vào thất Địa Tạng.
Đây chính là quảng đại tâm, vô lượng tâm mà kẻ xuất gia ai cũng phải ghi tạc trong lòng, coi chúng sanh như người thân của mình, giống như câu người ta nói: “Người chết đuối, ta chết đuối, người đói ta đói,” phải phát tâm Bồ Tát, tự lợi lợi tha,tự giác giác tha, tự độ độ tha. Bởi vậy trong thời gian vào thất của pháp hội Bồ Tát Địa Tạng, chúng ta thành tâm chừng nào thì sẽ tốt chừng ấy, chúng ta đem hết thành tâm ấy niệm “Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát.”
Miệng chúng ta hết sức thành kính niệm Bồ Tát Địa Tạng, vậy là bánh xe của sáu nẻo luân hồi ngừng xoay. Không biết bao nhiêu là chúng sanh nhờ cơ hội này mà có thể ra khỏi cảnh luân hồi thoát ly khổ ách. Có thể nói rằng niệm danh hiệu Bồ Tát Địa Tạng là một công việc thần diệu, một công đức chẳng thể nghĩ bàn, do đó chúng ta không nên niệm trong sự mưu đồ, trong sự đặt giá, không phải vì sự trả ơn của chúng sanh mà niệm, tóm lại chúng ta niệm vì lòng tình nguyện. Bởi các lý do trên đạo tràng của chúng ta đột nhiên cử hành thất Địa Tạng, chẳng báo trước gì, cũng không tuyên bố gì. Trong số trú tại Vạn Phật Thánh Thành mà cũng có người không hay biết. Cái đó chính vì cơ duyên, cơ duyên hội đủ nên mới cử hành thất Địa Tạng.
Thất Địa Tạng kết thúc thì tiếp theo là thất Quán Âm (ngày 19 tháng 2 âm lịch), để cầu cho hòa bình thế giới, xin tất cả mọi người cố gắng đến niệm “Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát.”
Có câu “chúng chí thành thành,” tức là góp ý chí – của số đông – sẽ tạo thành thành trì, tất cả cùng một lòng niệm, gắng sức niệm, hết sức thực tâm niệm, tức có cảm ứng, như câu “cảm ứng đạo giao” vậy. Cử hành thất Địa Tạng hay Quán Âm, chúng ta chỉ cần không có lòng riêng tư, tự lợi, không tranh, không tham, không cầu, mà thực sự chỉ vì hạnh phúc của chúng sanh trên thế giới.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét