29/08/2023

Chuyện kể trước rằm tháng Bảy

 Chuyện này là tôi phịa nên mọi người chớ nghe:

Hồi nhỏ, đâu như 5 - 6 tuổi thì phải, được đọc quyển sách dạy Luân Lý in thời Pháp thuộc - sách thời này, bố tôi giữ được nhiều lắm, đủ loại, nhưng phải giấu diếm vì thời thế không dung. Trong đó, có một câu chuyện, kể rằng:

Một người bị tội phải giam trong ngục. Lính gác đưa vào cho người tù tô canh hẹ. Anh ta cầm tô canh không ăn, chỉ nức nở khóc. Anh lính hỏi vì sao, người tù trả lời, ở nhà tôi thích canh hẹ, mẹ tôi thường nấu cho tôi ăn. Nhìn tô canh hẹ này, tôi chắc mẹ tôi nấu canh lặn lội đường xa đến thăm nuôi tôi. Tôi chưa báo hiếu ngày nào, lại để mẹ già khổ cực vì tôi thế này, nên tôi khóc.

Truyện chỉ có thế, hai trang: một trang in chữ to, trang kia là hình minh họa. Tôi còn nhớ tranh vẽ người lính mặc đồ như lính thú ngày xưa, đội nón lá đứng nhìn, còn người tù ngồi bệt dưới đất, mặc áo rách, một chân co lên, hai tay bưng tô canh trước mặt, nước mắt rơi lã chã.

Thuở đó tôi không biết rau hẹ thế nào, đọc truyện thấy cảm động nên nài nỉ mẹ tôi nấu canh hẹ ăn thử. Mẹ tôi ngạc nhiên, thằng con thường ngày một cọng hành cũng hớt ra khỏi bát canh, nay tự nhiên lại đòi ăn rau.

Mẹ nấu canh hẹ với đậu phụ, tôm khô. Vị chẳng có gì đặc biệt, nhưng mùi dễ chịu. Tôi ăn thấy tạm được, không thích lắm. Lỡ đòi ăn thì phải cố nuốt cho hết, không bày tỏ khen chê một lời. Cái dại “sĩ diện” không bày tỏ khen chê cũng là chuyện di họa. Sau này mỗi khi thấy tôi ít ăn, mẹ lại nấu canh hẹ. Tôi miễn cưỡng ăn vì hiểu tại sao mẹ lại nấu, nhưng mẹ lại cho tôi ăn canh hẹ cả tuần đến độ tôi nài nỉ làm món khác.

Sau này lớn khôn, đi làm rồi, đôi khi mẹ tôi lại hỏi, có ăn canh hẹ không, bà nấu. Tôi lại miễn cưỡng gật đầu. Già yếu, không làm gì được nữa, thì mẹ tôi nhắc nhở người nhà, nấu canh hẹ cho tôi ăn. Lúc nào mẹ cũng nghĩ canh hẹ là món ăn tôi thích, mà thích từ hồi nhỏ.

Hồi nhỏ tôi thường ra ngoài phá phách, hàng xóm đến nhà mắng vỏng. Cũng có khi trong lớp tôi bị phạt, đứa bạn ghé nhà mách lẻo. Gặp tình huống này mẹ tôi rất nhanh nhẩu phạt tôi ngay, chứ không chờ “bạo chúa” ra tay. Bố tôi sắm cái roi mây – có nhẽ tập cách các cụ xưa. Tôi sợ chết khiếp.

Nhưng “bạo chúa” chỉ bạo… miệng chứ chưa bao giờ xử thằng con bằng roi mây, chỉ có mẹ tôi phết vào mông tôi bằng cán chổi. Gãi ngứa! Có lần bà mạnh tay. Tôi khóc òa. Đau không đáng kể, nhưng ấm ức, vì sao hôm nay lại đánh mạnh thế! Tôi giận. Hôm sau bà dỗ dành tôi bằng canh hẹ. Giận một buổi không ăn cơm cũng đủ biến tô canh hẹ thành sơn hào hải vị.

Đời phong ba khó nói hết… Sống trong một xã hội mà hành lang pháp luật rộng rãi, ngút ngàn như đường cao tốc, con người thường xuyên phải đối mặt với chuẩn mực đạo đức khác thường và gọi đó là “thức thời để thích nghi”, nhưng thích nghi ở mức nào đây? Tự mình biện hộ cho chính mình thì ngôn ngữ lập luận thuyết phục vô cùng. Mỗi khi rơi vào tình huống như thế, tôi lại nhớ đến hình ảnh người tù bưng bát canh hẹ…

 Vâng, bát canh hẹ là tấm lòng Bố Mẹ đối với con cái.

Mà nhớ về nó và biết ơn, là tấm lòng của những đứa con....


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét