28/09/2024

Nhạc phẩm bolero "Nắng chiều" của nhạc sỹ Nguyễn Trọng Nghĩa

 

Gần đây, chúng ta thường nghe thấy nói nhiều về dòng nhạc Bolero. Có lẽ nhiều người sẽ liên tưởng đến dòng nhạc Vàng trước 1975 ở trong Nam. Nhưng thật ra hai dòng nhạc này có sự khác biệt, các bạn chịu khó tìm hiểu sẽ thấy.

Bolero xuất xứ từ Tây Ban Nha từ thế kỷ 18 và được các nhạc sỹ như Chopin (Ba Lan, 1810 – 1849), Bizet (Pháp, 1838 – 1875) và Debussy (Pháp, 1862 – 1918) sử dụng viết các chương trong các khúc hòa tấu và nhạc kịch của mình và chỉ hạn hẹp trong giới quý tộc thưởng thức. 

Nhưng khi Bolero du nhập vào Nam Mỹ từ tk 19, nó đã được đón nhận nồng nhiệt bởi tính lãng mạng, phóng khoáng và trở thành âm nhạc của đại chúng. Ở đây, bolero biến tấu thành các điệu bolero, rumba, rumba bolero, mambo, calypso, baiao; kể cả tango, tango habanera, chachacha.

Ở Việt Nam, nhạc sỹ tài hoa kiêm nhà nghiên cứu âm nhạc  Nguyễn Trọng Nghĩa đã sáng tác bản rumba bolero đầu tiên năm 1952 với cái tên Nắng chiều. Bản nhạc thành công và nổi tiếng cho đến tận bây giờ, tạo thành một xu hướng sáng tác của nhiều nhạc sỹ miền Nam khi ấy.

Nó có sức thuyết phục và cuốn hút người nghe đến nỗi, năm 1958, nữ ca sĩ Nhật Bản Satsuki Midori gặp Lê Trọng Nguyễn và xin dịch bài hát sang ca từ tiếng Nhật với tựa đề Việt Nam tình ca, thu thanh ở Tokyo. Năm 1960, nữ ca sĩ Đài Loan Kỷ Lộ Hà cũng đã gặp ông xin phép, hát và thu thanh với ca từ tiếng Quan thoại do Thận Chi viết; tựa đề ca khúc là Tịch dương. Sau đó, Nắng chiều còn được dịch qua tiếng Anh, tiếng Thái và tiếng Khmer với nhiều ca sĩ hát, trở thành một bài Á châu tình ca!

Năm 1953 , Nguyễn Trọng Nghĩa soạn hoà âm và phối khí cho dàn nhạc với giọng hát của danh ca Minh Trang bằng đĩa than 33 tours do Hãng đĩa Việt Nam (Sài Gòn) sản xuất.

Xin trân trọng giới thiệu tới các bạn lời và giai điệu của bài hát này:

 

Qua bến nước xưa lá hoa về chiều
lạnh lùng mềm đưa trong nắng lưa thưa
khi đến cuối thôn chân bước không hồn
Nhớ sao là nhớ đến người ngày thơ.
Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy
Dịu dàng nhìn anh đôi mắt long lanh.
Anh nhớ bước em khi nắng vương thềm
Má em mầu ngà tóc thề nhẹ bay

Nay anh về qua sân nắng
chạnh nhớ câu thề tim tái tê
chẳng biết bây giờ
người em gái duyên ghé về đâu
Nay anh về nương dâu úa
giọng hát câu hò thôi hết đưa
hình bóng yêu kiều
kề hoa tím biết đâu mà tìm.

Anh nhớ xót xa dưới tre là ngà
Gợn buồn nhìn anh em nói: "Mến anh!"
Mây lướt thướt trôi khi nắng vương đồi
Nhớ em dịu hiền nắng chiều ngừng trôi...




24/09/2024

Ngẫm ra



Mèo thích ăn cá, nhưng chả biết bơi. Cá thích ăn giun, nhưng không thể lên bờ. Thượng đế bày ra vô vàn thứ hấp dẫn, nhưng lại không cho ta dễ dàng có được chúng.

Có những chuyện ta không thèm lưu tâm là vì có lưu tâm cũng chẳng thay đổi được gì. Cứ dốc hết sức mình để xoay xở vượt qua khó khăn là được.

Trên đời làm gì có nếu, chỉ có "hậu quả" và "kết quả" thôi.

Đời là bể khổ, nên ta đừng đắc ý khi xuôi chèo mát mái mà chủ quan.

Vạn sự tương sinh - tương khắc: Có lên ắt có xuống, có thấp mới biết cao, ăn cay mới quý ngọt; Khi đã mệt mỏi ta mới trân trọng những khi an nhàn; thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt rơi máu. 

Nhân thời trẻ khoẻ, chịu khó học hỏi, dấn bước vào đời, nghênh đón gió mưa, tôi luyện bản thân mới có thể sống khiêm tốn và độ lượng, nhìn xa trông rộng thì thành công ắt đến.

Trên đời, ngoài chính bản thân, không ai có thể giúp ta thực sự, mà nếu có, đó cũng chỉ là tạm thời. Trong cuộc sống trải nghiệm càng nhiều, trắc trở càng nhiều thì hậu vận sẽ càng có hương vị.

Khổ đau giúp ta trưởng thành. Trứng gà vỡ do ngoại lực thì là đồ ăn; nhưng nếu vỡ từ bên trong, đó là sự sống (gà, ... con nở ra). 

Nếu cho người khác phá vỡ bạn từ bên ngoài, thì bạn sẽ là món ăn của người ta. Nhưng nếu có thể tự phá vỡ chính mình, bạn đã thực sự trưởng thành, tựa như được tái sinh vậy.

Nhìn thấy một con bướm đang giãy giụa để thoát khỏi cái kén, có người thương tình giúp nó thoát ra. Nhưng đâu ngờ, khi ra ngoài con bướm lại không thể duỗi đôi cánh ra được và cuối cùng phải chết.

Giãy giụa là điều con bướm cần làm để trưởng thành. Nếu bạn giúp nó thoát khỏi khó khăn lúc đó, thì sau này nó sẽ không đủ sức để đối mặt với những thử thách khác trong cuộc đời.

Như các cụ ta xưa vẫn nói: "Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai" hay "Khổ tận cam lai" là thế.

23/09/2024

Bản năng Sống cần kỹ năng sinh tồn

 Viết dựa từ nhiều nguồn trên net.



Ảnh có tính minh hoạ hoặc tham khảo khi đến nơi hẻo lánh, hoang vu.


Bản năng sống là hành vi tập trung vào bảo tồn sự sống, cả ở cấp độ cá nhân và giống loài. Loại động cơ này thúc đẩy con người ta thực hiện những hành động giúp duy trì sự sống của bản thân, như chăm sóc sức khỏe và chăm lo an toàn - Sigmund Freud. Đây là suy nghĩ và hành vi hợp lý để tối đa hóa cơ hội sống sót của chính mình.

Kỹ năng sinh tồn là những kỹ thuật mà một người có thể sử dụng để duy trì sự sống trong bất kỳ loại môi trường nàoNhững kỹ thuật này nhằm cung cấp các nhu yếu phẩm cơ bản cho cuộc sống của con người bao gồm nướcthức ăn và nơi trú ẩn - Wikipedia. 

Các kỹ năng cũng hỗ trợ kiến thức và tương tác thích hợp với động vật và thực vật để thúc đẩy sự duy trì sự sống trong một khoảng thời gian. 

Kỹ năng sinh tồn thường gắn liền với bản năng cầu Sống trong tình huống hiểm nguy.

Kỹ năng giữ bình tĩnh

Kỹ năng cần trang bị đầu tiên là giữ bình tĩnh. Đây là yếu tố quyết định trong mọi tình huống phải đối mặt để tồn tại. 

Theo đó, bạn phải nhớ kỹ quy tắc con số 3 về giới hạn của con người để rèn luyện khả năng giữ tâm thế điềm tĩnh:

·  3 phút nếu không có không khí trong cơ thể

·  3 tiếng nếu mất nhiệt cơ thể

·  3 ngày nếu không hấp thụ nước

·  3 tuần nếu không được nạp năng lượng từ thức ăn

Những quy tắc trên sẽ trợ giúp đắc lực cho bạn trong quá trình tồn tại ở bất cứ trường hợp nào. Bắt đầu với việc giữ hơi thở, tìm nơi ẩn náu, nước và thức ăn để bạn giữ bình tĩnh và vượt qua mọi thử thách.

Kỹ năng sơ cứu

Sơ cứu là một kỹ năng sinh tồn đặc biệt cần thiết trong môi trường hoang dã, giúp bạn bảo vệ cơ thể trong những lúc lâm nguy. Ở những khoảnh khắc quan trọng, kỹ thuật sơ cứu sẽ là cơ hội để ta vượt qua hiểm nghèo.

Bên cạnh đó, kiến thức về cây thuốc tự nhiên cũng là một nguồn cứu cánh mà bạn cần biết để xử lý trong các tình huống khẩn cấp. Đó có thể là vết cắn động vật độc hại, gãy xương, đau tim, ngộ độc cho đến nhiễm trùng… 

Kỹ năng bơi lội

Tiếp theo, một kỹ năng cần có là bơi lội. Nếu bạn chưa biết bơi, đây là thời điểm để bạn xem xét một cách nghiêm túc về việc học ngay. Bởi lẽ, có vô số tình huống nguy hiểm mà khả năng bơi sẽ giúp bạn tồn tại hoặc cứu giúp người khác.

Cương quyết không nhảy xuống cứu người đuối nước khi ta không biết bơi hoặc không có các dụng cụ phòng hộ như phao, thuyền, dây buộc chắc nối liền trên bờ...

Kỹ năng tạo ra lửa

Tạo ra lửa là một cách giúp giữ ấm cơ thể và là nguồn năng lượng để nấu ăn, đun nước uống. Đặc biệt, khói từ ngọn lửa có thể là dấu hiệu thu hút sự chú ý và cầu cứu trong tình huống khó khăn.

Nếu không có diêm khô, bật lửa thì hãy tìm hiểu cách tạo lửa từ đá và gỗ khô thông qua ma sát, hoặc bằng việc chà pin và giấy bạc. Đây là những kỹ thuật đơn giản có thể áp dụng một cách dễ dàng trong tình huống khẩn cấp, đặc biệt khi bạn cần lửa tại môi trường hoang dã.

Kỹ năng tìm kiếm nguồn nước, thức ăn

Dọc theo hành trình, dấn thân vào suối, sông hay biển, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy nguồn nước ở bất kỳ đâu. Hãy lưu ý, cả sương mù và nước mưa, tre nứa, quả dừa... cũng có thể cung cấp nước uống an toàn. Có thể tận dụng nguồn nước từ thực vật, hoặc theo dõi hành vi của động vật xung quanh xem chúng tìm nguồn nước.

Việc tìm thực phẩm cũng là một kỹ năng sinh tồn đứng hàng ngũ đầu tiên. Việc này có thể bao gồm săn bắn, đặt bẫy, câu cá… hay tìm các loại thực phẩm từ thiên nhiên như quả, củ, hoa… Hơn nữa, bạn nên trang bị khả năng nhận biết thực phẩm ăn được và tránh những thứ nguy hiểm đến cơ thể.

Kỹ năng xác định phương hướng, đường đi

Một kỹ năng sinh tồn nhỏ có thể giúp bạn xác định phương hướng khi không có la bàn trong tay đó là chỉ cần sử dụng lá cây và một chút nước. Đầu tiên, hãy đổ ít nước vào một cốc hoặc bất kỳ vật chứa nước nào, để mặt nước trở nên yên tĩnh và đặt cẩn thận chiếc lá lên mặt nước. Tiếp theo, bạn đặt một que kim nhẹ nhàng lên lá và đợi cho chiếc kim xoay theo hướng Nam – Bắc dựa trên từ trường của Trái Đất là hoàn thành.

Kỹ năng tìm chỗ trú ẩn

Khi đối mặt với những tình huống khó khăn, tìm kiếm nơi ẩn náu là điều rất quan trọng để bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ tấn công từ động vật hoang dã và yếu tố môi trường khắc nghiệt. Có nhiều cách để tìm chỗ trú ẩn, bạn có thể tự tạo lều bằng bạt, tìm những nơi tự nhiên như hang động để che chở. Bên cạnh đó, bạn tuyệt đối nhớ chọn một vị trí ẩn náu gần nguồn nước và thức ăn, đồng thời cách xa khỏi nguy hiểm tiềm ẩn.

Kỹ năng giữ nước cho cơ thể

Ở những tình huống sinh tồn, duy trì lượng nước cơ thể là một yếu tố quan trọng để đảm bảo sức khỏe và sự sống. Với cơ thể chúng ta chứa tới 89% nước, do vậy việc cân bằng nước là vô cùng cần thiết. Chẳng hạn như mất nước do đổ mồ hôi có thể gây ra những tác động tiêu cực như đau đầu, uể oải, mất tập trung, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng.

Kỹ năng tránh ngạt khi gặp hoả hoạn

Trong các tình huống cháy nổ, nguy cơ ngạt khói là mối đe dọa đáng kể có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Khói chứa nhiều khí độc như CO, CO2, axit hữu cơ khiến có thể thiếu oxy rất nguy hiểm tính mạng.

Khi xảy ra sự cố cháy, hãy lấy một tấm chăn mền đã nhúng nước để quấn quanh cơ thể hoặc sử dụng khăn ướt che kín mặt, việc này giúp hạn chế hít thở các khí độc. Không những vậy, bình tĩnh là yếu tố quan trọng, bạn cần tìm lối thoát ra khỏi nguy hiểm bằng cách xác định đường thoát hiểm. Hãy nhớ, bạn đừng nên hoảng loạn và không chạy lên những nơi cao, vì khói thường tập trung ở phía trên, điều này có thể giúp bạn tránh hít phải nhiều khí độc hơn.

Biết phân biệt chất chữa cháy cho từng loại như chỉ dùng nước để dập lửa cho chất cháy là gỗ nhựa, kim loại... chứ không được dùng đối với đám cháy do xăng, dầu, điện... phát sinh.

Kỹ năng giữ ấm cơ thể

Duy trì nhiệt độ cơ thể ổn định là vô cùng cần thiết cho kỹ năng sinh tồn. Vì chỉ sau ba giờ mất nhiệt, khả năng sống sót của bạn vô cùng thấp. Do đó, hãy luôn nỗ lực để bảo vệ thân nhiệt cơ thể, đặc biệt trong môi trường hoang dã hoặc hẻo lánh.

Một cách đơn giản để giữ ấm cơ thể là bạn hãy sử dụng lá cây để đắp lên người. Ngoài ra, bạn cũng có thể tạo lửa bằng cách sử dụng ma sát của đá để tạo nguồn nhiệt để sưởi ấm cơ thể. Ban đêm, nằm im, cuộn tròn người nơi góc khuất gió...

Kỹ năng tự vệ

Ngoài ra, kỹ năng sinh tồn tự vệ giúp bạn tăng cường khả năng quan sát và nhận thức về môi trường xung quanh. Qua đó, bạn sẽ cảnh giác hơn với những nguy cơ tiềm ẩn. Thay vì tham gia vào cuộc đấu thể lực, bạn có thể tìm cách tránh xa tình huống nguy hiểm một cách hiệu quả hơn.

Bộ Dụng Cụ Sinh Tồn Cá Nhân

Việc xây dựng một bộ dụng cụ sinh tồn cá nhân là một phần quan trọng trong việc chuẩn bị đối phó với các tình huống khẩn cấp. Bộ dụng cụ nên bao gồm các vật dụng cần thiết như:

·  Dao: Công cụ đa năng có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, từ chế biến thực phẩm đến tự vệ.

·  Dây thừng: Cần thiết cho việc xây dựng trú ẩn, bẫy thú, hoặc leo núi.

·  Đèn pin: Cung cấp ánh sáng cần thiết vào ban đêm hoặc trong điều kiện ánh sáng yếu.

·  Bộ sơ cứu y tế cơ bản: Gồm các vật tư như băng gạc, thuốc sát trùng, dầu gió và các dụng cụ cầm máu. Thuốc DEP phòng tránh côn trùng.

·  Phương tiện tạo lửa: Que diêm không thấm nước, bật lửa, hoặc bộ kích lửa.

·  Dụng cụ kêu gọi cấp cứu: Còi, đèn pin nhấp nháy, gương...

·  Phương tiện liên lạc, tìm kiếm thông tinĐiện thoại có kết nối và pin sạc.

Việc lựa chọn các vật dụng trong bộ dụng cụ phải cân nhắc đến yếu tố kích thước và trọng lượng để dễ dàng mang theo người trong mọi hoàn cảnh.

Dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ hàng ngày từ trong gia đình

Dạy kỹ năng sống cho trẻ hàng ngày từ trong gia đình là cách hữu ích để trang bị cho họ những kỹ năng sinh tồn quan trọng trong cuộc sống. Những hoạt động như cắm trại, nấu ăn cơ bản, dự trữ thực phẩm, học cách định hướng và tìm kiếm thông tin là những điều mà phụ huynh nên hướng dẫn từng ngày cho con mình.

Bên cạnh đó, bố mẹ cũng nên đăng ký lớp học kỹ năng sinh tồn cho trẻ chú trọng việc dạy kỹ năng giải quyết tình huống khẩn cấp, quản lý nguồn tài nguyên, phát triển tính cách độc lập. Những yếu tố đó giúp bé phát triển thành những người tự tin và kiên nhẫn, sẵn sàng đối mặt với mọi thách thức mà cuộc sống đưa ra.

Lời Kết 

Kỹ năng sinh tồn là một phần thiết yếu của việc chuẩn bị cho bất kỳ ai muốn đảm bảo an toàn cho bản thân và người thân trong các tình huống khẩn cấp. Học hỏi từ các chuyên gia và tham gia các khóa học chuyên nghiệp có thể giúp bạn phát triển những kỹ năng quan trọng này. 

Đừng để đến khi cần mới tìm kiếm kiến thức; hãy chuẩn bị sẵn sàng từ bây giờ để sống sót sau thảm hoạ!

 

 


 

22/09/2024

Bão được hình thành...

  Thái Hạo



Tôi đọc được rằng, bão hình thành là do mặt biển bị đốt nóng, một lượng hơi nước khổng lồ bị bốc lên, lạnh đi, ngưng tụ, rồi lại bị hút xuống và mang theo hơi ẩm cùng nhiết độ bay lên.

Những quá trình này tạo thành gió xoáy quanh một cái tâm, hết hợp với sự quay của trái đất, tạo thành các cơn bão. Đây cũng là lý do mà bão chỉ xuất hiện trên biển và sẽ tan đi sau đó khi nó đã đổ bộ vào đất liền không lâu. Nôm na là bị mất nhiên liệu để tiếp tục hoạt động.

Như vậy, bão (sẽ kèm theo mưa lớn) vốn là một quy luật tất yếu và còn là cách thức để tự nhiên (trái đất) tự cân bằng và “sống sót”.

Nếu không có bão, tức là nước biển bị đốt nóng không được bốc hơi, thì theo thời gian chắc nó sẽ sôi ùng ục!?

Cũng tức là tình trạng nắng nóng sẽ lên cao mãi mà không hạ xuống được. Tình trạng ấy sẽ đe dọa tất cả, và chắc chắn là nguy hiểm hơn là những cơn bão.

Hình dung rằng, khi cơ thể người nóng bức, nó sẽ đổ mồ hôi để làm mát. Đó là một phản ứng tự nhiên và lành mạnh. Một chiếc nồi khi sôi thì sẽ thoát hơi ra ngoài. Nếu nó không làm hoặc không làm được việc ấy trong khi cứ sôi mãi, thì nguy cơ sẽ là một vụ nổ. Tóm lại, mọi phản ứng vật lý ấy là cơ chế tự điều hòa hợp lý và kỳ diệu của tự nhiên.

Bão giúp “giải nhiệt” cho trái đất, cân bằng lại nhiệt độ và độ ẩm, rửa sạch bụi bẩn và trả lại không khí thanh sạch cho khí quyển mà chúng ta đang hít thở. Và còn nhiều tác dụng to lớn khác nữa. Nói cách khác, nếu trái đất không có bão thì chắc loài người sẽ không thể sống đến bây giờ (?).

Khi hiểu về bão và các hiện tượng thiên nhiên “cực đoan” theo hướng ấy, thì ta sẽ thấy rằng chúng không chỉ là “kẻ phá hoại” mà còn là “người hòa giải”. Giải pháp là con người cần tôn trọng thiên nhiên, nương vào thiên nhiên và chung sống hòa bình với thiên nhiên.

Không can thiệp thô bạo, không phá vỡ quy luật. Chọn nơi để sống, chọn việc để làm, chọn cách để nương, chọn lối để đi, chọn rừng để giữ, chọn đất để trồng..., tất cả những điều ấy cần phải được thực hiện trên tinh thần tôn trọng mẹ thiên nhiên, để tránh những thảm họa tự chuốc lấy.

20/09/2024

Nhật Bản không có ngày nhà giáo

Rustam Bisenev

 



Một lần, tôi hỏi Yamamota, đồng nghiệp người Nhật của tôi:

- Người Nhật tổ chức đón Ngày Nhà giáo như thế nào?

Ngạc nhiên trước câu hỏi của tôi, anh trả lời:

- Chúng tôi không có ngày lễ riêng dành cho giáo viên. Nghe câu trả lời của anh, tôi rất phân vân. Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi: “Tại sao một đất nước có nền kinh tế, khoa học và công nghệ phát triển lại thiếu tôn trọng giáo viên và công việc của anh ta như vậy?”

Một lần, sau giờ làm việc, Yamamota mời tôi đến thăm nhà anh. Vì anh ấy sống xa trường nên chúng tôi đi tàu điện ngầm. Vào giờ cao điểm buổi chiều, các toa tàu chật kín người. Vất vả lắm mới chen chân vào được, tôi đứng cạnh một dãy ghế, bám chặt tay vịn. Đột nhiên, ông cụ ngồi gần đấy xin nhường chỗ cho tôi. Không hiểu được thái độ kính trọng như vậy của một người cao tuổi, tôi từ chối, nhưng cụ rất kiên quyết, buộc tôi phải ngồi xuống.

Sau khi ra khỏi tàu điện ngầm, tôi đề nghị Yamamota giải thích hành động của cụ già. Yamamota vừa mỉm cười vừa chỉ vào huy hiệu giáo viên của tôi và nói:

- Cụ già này nhìn thấy huy hiệu giáo viên của anh và đã nhường chỗ để bày tỏ lòng tôn trọng nghề nghiệp của anh.

Vì lần đầu tiên tôi đến thăm Yamamota, đi tay không thì bất tiện nên tôi quyết định mua một món quà. Tôi trình bày ý định của mình với Yamamota, anh nhất trí và nói rằng phía trước có một cửa hàng dành cho giáo viên, nơi có thể mua hàng với giá ưu đãi. Tôi không thể kiềm chế được cảm xúc của mình, bèn hỏi:

- Có phải giá ưu đãi chỉ dành cho giáo viên không?

Yamamota nói:

- Ở Nhật Bản, giáo viên là nghề được tôn trọng nhất, là người được tôn trọng nhất. Các chủ cửa hàng Nhật Bản rất vui mừng khi có giáo viên tới cửa hàng của họ và coi đó là niềm vinh dự lớn đối với mình.

Trong thời gian ở Nhật Bản, tôi nhiều lần chứng kiến người Nhật hết sức tôn trọng giáo viên. Trong tàu điện ngầm có những ghế riêng dành cho họ, có các cửa hàng riêng biệt mở cho họ, giáo viên không phải xếp hàng mua vé đi bất kỳ loại phương tiện giao thông nào. Vì sao giáo viên Nhật Bản cần có ngày lễ riêng khi ngày nào trong cuộc đời họ cũng giống như một ngày lễ?


Giai điệu: Thú Yêu Thương

 Giai điệu bản nhạc ''Speak Softly Love''  trong bộ phim  Bố Già – 1972 được nhạc sỹ Trường Kỳ Việt hóa thành bài hát Thú Yêu Thương

 

Tình như thoáng mây tình đến cùng ta âm thầm không ngờ
Tình như cánh hoa tình chiếm hồn ta đâu ngờ là tình
Tình như mưa gió thoảng vào trong tim
Tình như cánh chim bay đến trong ta sao nghe bồi hồi...

Có biết đau thương... mới hay là tình
Say đắm trong đời... thì mới là yêu...

Tình như đớn đau tình xé lòng nhau muôn đời không lành
Tình như ngất ngây tình đến cùng nhau mang nhiều tuyệt vời
Tình như giông bão dập vùi yêu thương
Tình như tiếng ca theo gió phương xa cho nhau lời chào...

Có biết đau thương... mới hay là tình
Say đắm trong đời... thì mới là yêu...

Đời không thiết tha vì có tình yêu không còn là đời
Người không xót xa vì mất tình yêu không còn là người
Đời ta muôn kiếp thả hồn theo yêu
Tình như khói sương bay thóang trong mơ ngàn đời vu vơ..