28/05/2022

Hình ảnh hiếm về Hà Nội 100 năm trước (Kỳ 2)

 chuyenxua.vn

 

Share Bài thứ 2 của loạt bài về những hình ảnh được chụp tròn 100 năm trước ở Hà Nội (thập niên 1910 và 1920). Lúc này toàn bộ Bắc và Trung kỳ nằm dưới sự đô hộ của Pháp quốc. 


Xe điện trên La rue de la Soie, nay là phố Hàng Đào ở khu phố cổ Hà Nội. Tên đường tiếng Pháp được dịch từ tên tiếng Việt, de la Soie nghĩa là Lụa (Hồng Đào). Ngôi nhà ở bìa phải hình là nhà của Lương Văn Can (số 4 Phố Hàng Đào). Ngôi nhà màu trắng (số 10 Phố Hàng Đào) là nơi ông mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục để khai trí cho dân, dạy học không lấy tiền. 


Phố Hàng Đào từng được xem là con đường tơ lụa. Từ thế kỷ 15, 16 người dân ở nhiều nơi, đặc biệt từ Đan Loan Hải Dương, tới Hà Nội đã lập nên phường Đại Lợi chuyên nghề nhuộm tơ lụa. Hàng Đào lúc bấy giờ trở thành một trung tâm tơ lụa sầm uất của kinh thành Thăng Long. 


Ga Hàng Cỏ nằm trên đường Mandarine (đường cái quan), nay là đường Lê Duẩn. Năm 1902, ga Hàng Cỏ được khánh thành và đưa vào khai thác cùng với cầu Long Biên, là nhà ga xuất phát của con đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn thuở ban đầu, rồi đường sắt Hà Nội – Hải Phòng (1903), đường sắt Hà Nội – Lào Cai (1905) và đến năm 1936 là đường sắt xuyên Việt (1936). Ban đầu, ga xe lửa này mang tên là ga Trung tâm Hà Nội, nhưng vì tên quá dài và dân chúng gọi là ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội). Cái tên này xuất xứ từ vùng đất này từ cuối thời Hậu Lê là nơi những người làm nghề cắt cỏ quanh vùng mang ra đây bán cho các chủ ngựa và người nuôi bò trong thành, nên gọi là Hàng Cỏ. 


Từ thời vua Tự Đức, vì đoạn đường gần Cửa Nam nằm trên đường Cái Quan (từ Huế ra thành Hà Nội) có nghề làm lọng nên con đường Lê Duẩn ngày nay con được gọi là Hàng Lọng. Khi người Pháp chiếm Hà Nội, họ đổi tên Hàng Lọng thành đường Cái Quan (Route Mandarine). Năm 1947, sau khi Pháp tái chiếm Hà Nội, họ đổi tên đường thành Delatte Sir. Sau năm 1954, chính quyền thành phố Hà Nội của VNDCCH đổi thành đường Nam Bộ. Năm 1986, đường đổi tên thành Lê Duẩn cho tới nay. 


Đại lộ Puginier, nay là đường Điện Biên Phủ ở Ba Đình và Hoàn Kiếm. 


Năm 1909, đường được mở rộng và đặt tên là đại lộ Puginier, theo tên của giám mục địa phận Tây Đàng Ngoài, thành viên của Hội Thừa sai Paris, người – thành lập xứ đạo Hạnh Thông Tây ở Gò Vấp. Năm 1945, sau cách mạng tháng 8, đại lộ Puginier đổi thành phố Dân Chủ Cộng Hòa, đến năm 1949 thì đổi thành đại lộ Nguyễn Tri Phương. Dù vậy, nhưng dân chúng vẫn quen gọi là đường Cột Cờ vì Cột Cờ Hà Nội nằm trong khu vực này. Đến ngày 7/5/1964, kỷ niệm chiến thắng Điên Biên Phủ, chính quyền thành phố Hà Nội đổi tên thành Điện Biên Phủ cho đến nay. 


Rue Paul Bert 100 năm trước. Trước khi Pháp chiếm Hà Nội, con phố này mang tên Tràng Tiền, và ngày nay cũng mang tên nguyên thủy là Tràng Tiền. Đây là con phố nổi tiếng nằm ở khu trung tâm, có từ lâu đời, chạy từ đông sang tây. Phố Tràng Tiền xưa kia là một con đường dài, phía tây giáp phủ Chúa Trịnh, phía đông giáp với cửa ô Tây Long, tức là Nhà hát Lớn Hà Nội ngày nay, thông ra căn cứ Đồn Thủy và bến sông Hồn. Khoảng năm 1808, một xưởng đúc tiền được vua Gia Long nhà Nguyễn cho lập ra ở đây, tên chữ là Bảo Tuyền Cục, dân quen gọi là Tràng Tiền, từ đó xuất xứ tên gọi cho tên của phố này suốt 200 năm qua.



Thời thuộc Pháp phố này có tên là rue Paul Bert, đặt tên theo Thống sứ Bắc kỳ Paul Bert, bắt đầu từ khu vực Hồ Hoàn Kiếm ở phía tây, nối với phố Hàng Khay. Còn phía đối diện là phía đông kéo dài tới Nhà hát Lớn Hà Nội. 

Phố Tràng Tiền (rue Paul Bert) nhìn từ Nhà Hát Lớn


Phố Tràng Tiền (rue Paul Bert) nhìn từ Nhà Hát Lớn – Bên trái là rue Paul Bert (phố Tràng Tiền), bên phải là Grands Magasins Reunis, nay là Tràng Tiền Plaza. Được người Pháp xây dựng lần đầu vào năm 1901 với tên gọi Maison Godard, tòa nhà này được xem là bước ngoặt cho thương mại Hà Nội vốn trước đó chỉ có các chợ truyền thống. Sau khi đi vào hoạt động, trung tâm thương mại đầu tiên của Sài Gòn này phục vụ các khách hàng người Pháp và người Việt giàu có. Đến năm 1960, tòa nhà được đổi tên thành Bách hóa Tổng hợp và trở thành cửa hàng lớn nhất miền Bắc thời bao cấp. Sau đó, tòa nhà được xây dựng lại và đổi tên thành Tràng Tiền Plaza vào năm 2002. 


Trụ sở đồn cảnh sát quận 1 thời Pháp thuộc hơn 100 năm trước, nằm ở góc đường Borgnis Desbordes, Jules Ferry, Gia Long và Paul Bert. Ngày nay tòa nhà này vẫn còn, là trụ sở công an quận Hoàn Kiếm, nằm ở góc phố tương ứng là Tràng Thi, Lý Thái Tổ, Bà Triệu và Hàng Khay, ngay bên cạnh hồ Hoàn Kiếm. 


Thư viện Pierre Pasquier ở đường Borgnis Desbordes, được xây dựng vào năm 1917, ngày nay là Thư viện Quốc gia Việt Nam, nằm trên đường Tràng Thi. Con đường này ban đầu tên là Tràng Thi, xuất phát từ việc nó nằm trên nền đất xưa là nơi thi Hương, gọi là Trường Thi, sau nói thành Tràng Thi. Ở đây ngày xưa là nơi sĩ tử của các tỉnh từ Thanh Hoá trở ra đến thi Hương. Khi Pháp chiếm Hà Nội, họ đặt tên đường là rue du Camp des Lettres, rồi đổi nên rue Borgnis Desbordes, đến thời bị tạm chiếm thì đổi tên nên United States of America street (phố Mỹ quốc). Sau này đường lấy lại tên xưa là Tràng Thi cho đến nay.


Tháp nước Hàng Đậu xây năm 1894 nằm trên đường des Graines, nay là đường Hàng Đậu. Ngày nay, tháp nước này vẫn còn nằm giữa khu đất nhỏ nằm lọt thỏm giữa 4 con phố Hàng Đậu, Hàng Cót, Hàng Than và Quán Thánh. Sở dĩ có tên Hàng Đậu là xưa kia có nhiều cửa hàng bán các thứ đậu hột như đậu xanh, đậu nành, đậu đen… Người Pháp gọi tên phố này là rue des Graines, dịch nghĩa là các hạt (hạt đậu), cũng là dịch thì tên nguyên thủy là Hàng Đậu. 

Đông Kha – chuyenxua.vn Hình ảnh: manhhai flickr

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét