28/02/2022

Nhàn Thu

 


Áo tơi, nón lá với thuyền con,

Mấy mét dây câu, mấy mét cần

Một khúc hát vang, một bầu rượu,

Một người đơn độc kéo sông Thu !

 

Trăm năm đã sống, sầu nhàn rỗi,

Đời này chí thoả, nghỉ ngơi thôi;

Chết rồi đắc ý lên cao vợi,

Mây tự bay cao, nước tự trôi !

(viết trong ngày mưa lạnh)

10.2021


Ý nghĩa bánh xe chuyển pháp luân








Bánh xe chuyển pháp luân xuất hiện rất nhiều trong các kiến trúc xây dựng chùa, Tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường, kinh sách và nhu yếu phẩm Phật giáo nhằm đề cao một sự kiện hy hữu cho đời. Nhưng các bánh xe chuyển pháp luân rất đa dạng và có nhiều cách hiểu khác nhau.

I. Một số cách hiểu về bánh xe chuyển pháp luân:

1. Bánh xe chuyển pháp luân thường được sử dụng với 12 nan, 8 nan, 6 nan. Rất nhiều người cho rằng:

- 12 nan là tượng trưng cho giáo lý thập nhị nhân duyên

- 8 nan là tượng trưng cho bát chánh đạo

- 6 nan là tượng trưng cho lục độ

Vì cả 3 giáo lý quan trọng này đều đưa chúng sinh từ bờ mê đến bến giác và bánh xe chuyển pháp luân với 8 nan thường hay được sử dụng nhất vì hình thức nó đẹp.

2. Vòng ngoài của bánh xe chuyển pháp luân cũng được thiết kế theo 2 loại:

- Một là vòng ngoài như bánh xe có thể lăn được

- Hai là vòng ngoài bánh xe có các mấu theo nan (như bánh lái tầu thủy)

 II. Nguồn gốc của bánh xe chuyển pháp luân:

Đọc lại lịch sử Đức Phật Thích ca Mâu Ni chúng ta thấy sau khi thành đạo dưới cội Bồ đề. Đức Phật đã đến vườn lộc uyển chuyển bánh xe pháp độ cho 5 anh em ông Kiều Trần Như cùng chứng đạo quả. Không ngôi tam bảo đầu tiên được bình thành. Phật bảo là đức Phật Thích ca Mâu Ni, Pháp bảo là giáo lý tứ diệt đế. Tăng bảo là 5 anh em ông Kiều Trần Như. Trong khi độ 5 anh em ông Kiều Trần Như, Đức Phật đã 3 lần chuyển bánh xe pháp: Sơ chuyển, khuyến chuyển, chứng chuyển:

Sơ chuyển (Tứ Diệu Đế):

+ Đây là khổ, vì tính nó bức bách

+ Đây là tập, vì tính nó thường dễ chưa cảm

+ Đây là diệt, vì tính nó có thể chứng

+ Đây là đạo, vì tính nó có thể tu

Khuyến chuyển:

+ Đây là khổ, các ông phải biết

+ Đây là tập, các ông phải trừ

+ Đây là diệt, các ông cần chứng đắc

+ Đây là đạo, các ông cần tu tập

-Chứng chuyển:

+ Đây là khổ, ta đã biết

+ Đây là tập, ta đã trừ xong

+ Đây là diệt, ta đã chứng được

+ Đây là đạo, ta đã thực hành

 



  

12 nhân duyên từ “Vô minh đến Lão tử” là một chuỗi xích, một vòng lẩn quẩn mà chúng sinh bị trói buộc mãi trong “Tam giới lục đạo”.

Muốn thoát khỏi hay cắt đứt chuỗi xích trói buộc nầy, thì mỗi người cần phải đoạn trừ vô minh, vì nó là tên thủ phạm chính gây ra đau khổ.

Do đó, người ta dùng hình ảnh bánh xe có 12 căm để nói lên cái ý nghĩa luân hồi mà con người cứ mãi trầm luân thọ khổ.

Còn bánh xe chuyển pháp luân, thì người ta làm bánh xe có 8 căm để tượng trưng. Con số 8 là tượng trưng cho Bát chánh đạo. Bát chánh đạo gồm có: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

Vì trong Tứ diệu đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo), thì Bát chánh đạo thuộc về Đạo đế. Đạo đế gồm có 37 phần hay phẩm, thường gọi là 37 phẩm trợ đạo. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo gồm có: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần và Bát chánh đạo phần.

Trong 37 phẩm trợ đạo này, thì Bát chánh đạo là quan trọng hơn cả. Vì đó là tám con đường đưa chúng sinh đến chỗ giác ngộ giải thoát. Nói cách khác, đó là 8 phương pháp diệt khổ để đạt được Niết bàn an lạc (Diệt đế).

Do đó, để nhắc nhở mọi người luôn nhớ đến tám con đường quan trọng nầy, nên người ta dùng bánh xe có 8 căm để biểu trưng cho ý nghĩa chuyển pháp luân vậy.

Cây Ngải cứu

Tập hợp từ net. 



Ngải cứu là loại cỏ sống lâu năm, thân có rãnh dọc. Lá mọc so le không cuống, màu 2 mặt lá khác nhau, mặt trên nhẵn, màu lục sẫm. Mặt dưới trắng tro, có nhiều lông nhỏ.

Cây ngải cứu mọc hoang ở nhiều nơi trong cả nước, có thể trồng quanh nhà làm thuốc. Đây là một cây thuốc nam có rất nhiều công dụng chữa rất nhiều bệnh.

Ngải cứu phơi khô để lâu năm càng tốt. Lá ngải cứu phơi khô gọi là ngải điệp. Lá ngải cứu phơi khô vỏ cắt thành bột vụn rây lấy phần lông trắng và tơi gọi là ngải nhung.

Ngải cứu có công dụng tuyệt vời trong chữa trị nhiều loại bệnh:

1. Ngải cứu làm thuốc điều kinh

Một tuần trước ngày kinh dự kiến, mỗi ngày lấy 6-12g (tối đa 20g) sắc với nước hoặc hãm với nước sôi như trà, chia làm 3 lần uống trong ngày. Có thể uống dưới dạng bột (5-10g) hay dạng cao đặc (1-4g).

Ngải cứu có tác dụng điều kinh rất hiệu quả

Nếu kinh nguyệt không đều thì hàng tháng đến ngày bắt đầu kỳ kinh và cả những ngày đang có kinh, lấy ngải cứu khô 10g, thêm 200 ml nước, sắc còn 100 ml, thêm chút đường để uống, chia 2 lần/ngày. Có thể uống liều gấp đôi, cũng 2 lần/ngày. Sau 1-2 ngày sẽ thấy hiệu quả, người đỡ mệt, máu kinh đỏ và ít hơn.

2. Ngải cứu giúp an thai

Những người đang mang thai, nếu thấy có hiện tượng đau bụng, ra máu, dùng 16gr lá ngải cứu, 16gr lá tía tô, sắc cùng với 600ml nước, sắc còn 100ml, chia làm 3-4 lần uống/ngày. Bài thuốc này có tác dụng an thai. Ngải cứu không có tác dụng kích thích với tử cung có thai nên không gây sảy thai.

3. Sơ cứu vết thương bằng ngải cứu

Lấy lá ngải cứu tươi giã nát, thêm 1/3 muỗng cà phê muối đắp lên vết thương, cầm máu nhanh, giảm đau nhức,

4. Ngải cứu trị mụn, mẩn ngứa

Lá ngải cứu tươi giã nát, đắp lên mặt, để khoảng 20 phút, rồi rửa lại mặt, làm liên tục như vậy sẽ có làn da trắng sáng hồng. Với trẻ em thường hay bị rôm sảy thì lấy lá ngải cứu xay nát rồi lọc lấy nước cho trẻ tắm.

5. Ngải cứu chữa đau thần kinh tọa, nhức buốt khớp xương, đau đầu hoa mắt

Lấy 300gr ngải cứu rửa sạch, giã nát, thêm 2 muỗng mật ong (ruồi, nghệ), vắt lấy nước uống trưa, chiều. Uống liên tục trong 1-2 tuần.

6. Ngải cứu giúp lưu thông máu lên não

Lấy một nắm lá ngải cứu, xắt nhỏ, đánh tan đều với 1 quả trứng gà, nêm hạt nêm vừa miệng, đổ vào chảo chiên chín rồi ăn.

7. Ngải cứu trị suy nhược cơ thể, kém ăn

Lấy 250gr ngải cứu, 2 quả lê, 20gr câu kỷ tử, 10gr đinh quy, 1 con gà ri (gà ác) 150gr, hầm trong 0,5 lít nước (thêm gia vị, bột nêm) còn 250ml. Chia làm 5 phần, ăn cả ngày. Liên tục 1-2 tuần.

8. Ngải cứu trị cảm cúm, ho, đau cổ họng, đau đầu, đau dây thần kinh

Lấy 300gr ngải cứu, 100gr lá khuynh diệp, 100gr lá bưởi (hoặc quýt, chanh). Nấu trong 2 lít nước. Sôi 20 phút nhấc xuống, xông 15 phút. Cách thứ 2: Nấu lá thuốc cứu với 100gr lá tía tô, 100gr tần dầy lá, 50gr lá sả trong 1 lít nước còn 0,5 lít. Uống mỗi lúc khát, liên tục trong 3-5 ngày.

9. Ngải cứu giúp lưu thông máu:

Lấy 1 nắm to lá và thân ngải cứu, vò hoặc giã giập, hòa vào chậu nước nóng để ngâm chân trước khi đi ngủ. Nên dùng thường xuyên, nhất là đối với người trung và cao tuổi.

Ngải cứu được coi là tốt cho sức khỏe nhưng nếu dùng quá nhiều cũng có thể gây ra ngộ độc. Độc tính của ngải cứu khi dùng quá liều là làm cho  thần kinh trung ương bị hưng phấn quá mức, dẫn tới chân tay run giật, sau đó cục bộ hoặc toàn thân co giật; Sau vài lần có thể dẫn đến kinh quyết (co cứng), nói sàm, thậm chí tê liệt.

Kiểm tra bằng kính hiển vi có thể phát hiện các tổn thương ở tế bào não. Sau khi khỏi bệnh, vẫn thường để lại những di chứng như hay quên, ảo giác, viêm thần kinh,… Nên mọi người chú ý.

 

27/02/2022

Đánh thức và nâng cao khí lực của cơ thể



Chân Âm là từ ngữ của Đông y, ám chỉ khí lực vô hình tiềm tàng của phần âm ở bên dưới cơ thể.

Trước hết, Âm có nghĩa là phần khuất kín. Dương có nghĩa là phần phô bày. Nơi con người, phần trước mặt mọi người nhìn thấy nhau là dương, phần lưng là âm; phần trên từ rốn trở lên là dương, và phần từ rốn xuống đến chân là âm; phần da vẻ bên ngoài là dương, và phần nội tạng là âm; phần hành vi lời nói bên ngoài là dương và tâm lý bên trong là âm…

Phần Dương là phần chúng ta trực tiếp sử dụng, tiếp xúc, và phần Âm là phần chúng ta ít để ý nhưng lại là gốc, là cơ sở, là nơi xuất phát của Dương. Âm càng to càng vững chừng nào thì Dương sẽ có điều kiện phát triển chừng nấy. Giống như bộ rễ to lớn là điều kiện cho cây trở thành đại thụ. Móng nhà sâu lớn là điều kiện cho nhà vươn cao. Một tâm lý độ lượng là điều kiện cho hành vi ngôn ngữ tốt đẹp…

Nếu phần Dương lớn hơn phần Âm thì toàn bộ cơ cấu đó bắt đầu có nguy cơ suy thoái sớm, không tồn tại lâu. Nếu bộ rễ của cây nhỏ hơn phần thân nhánh phía trên thì cây đó có tuổi thọ ngắn. Nếu đạo đức của một người ít thì Tài năng không phát triển lớn lao.

Hiểu được tính chất này, chúng ta phải luôn luôn củng cố phần gốc, nghĩa là phần Âm, của cuộc sống, của sức khỏe….



Theo hệ thống khí lực của cơ thể thì hoạt động của tâm ý ở trên đầu lại là phần cực Dương. Đối nghịch với Đầu là hai lòng bàn chân, phần cực Âm.

Vì Đầu là phần cực Dương nên nếu ta sử dụng đầu óc nhiều quá, phần Dương đang dần dần lấn phần Âm, và nguy cơ suy thoái bệnh tật đổ vỡ cũng đang tiến đến từ từ.

Hệ thống bụng dưới ở huyệt Đan điền cho đến bộ phận sinh dục với huyệt Hội âm, Dương cường, cũng là phần Âm cực kỳ quan trọng cho tinh thần và sức khỏe. Nếu hệ thống đó khỏe mạnh vững chắc thì con người sẽ ổn định và khoan khoái. Nếu hệ thống đó yếu thì con người sẽ èo uột và dễ dao động.

Những vị tu theo Tiên đạo luôn luôn xem việc luyện tập hệ thống bụng dưới là ưu tiên hàng đầu. Ngay cả những người tu thiền, nếu không có bụng dưới mạnh thì cũng không nhiếp tâm được. Trong pháp môn tu tập quán niệm hơi thở, Phật cũng dạy biết rõ toàn thân cũng có nghĩa là rèn luyện phần Âm ở dưới.

Có một phương pháp làm mạnh lên hai huyệt đạo quan trọng Hội Âm và Dương cường, và cũng làm cho đầu óc tỉnh táo hơn, đó là phương pháp cố căn. Vì hậu môn con người nằm giữa hai huyệt Hội Âm và Dương cường nên khi nhíu chặt hậu môn thì hay huyệt trên được củng cố. Khi hít vào, ta nín thở, và thực hiện cố căn ba lần, rồi thở ra. Tập cố căn như vậy tâm rất dễ nhiếp, và chữa được nhiều bệnh thuộc về thần kinh não. Nhiều người tập khí công có tập cố căn như thế, đến khi chuyển qua tu thiền luôn được kết quả tốt.

Ngoài lúc tập “cố căn”, chúng ta cũng thường xuyên để tâm ở phía dưới phần bụng, chân, hai lòng bàn tay khi đặt dưới bụng lúc ngồi kiết già, cũng là giúp củng cố thêm phần Âm của cơ thể.

Một số người bẩm sinh chân âm đã dồi dào, nên họ có sức khỏe tốt, có thể làm việc dẻo dai hơn người khác, đó cũng là những người có thể chất tốt, ít bị mệt mỏi, đầu óc tư duy sáng suốt.

Muốn bảo vệ Chân âm, cần lưu ý các vấn đề sau:

- Không hoạt động thái quá về đầu óc, hoặc giác quan trên đầu, mặt. Ngay cả việc xem Ti vi nhiều cũng làm khí lực bốc lên trên. Đọc sách, lắng nghe, viết sách, sáng tác… nhiều quá cũng khiến khí lực bốc lên. Là người phải sử dụng đầu óc, nhưng chúng ta phải biết cân đối vừa phải, và biết giải tỏa stress, nghĩa là phải biết vận động tay chân đơn giản, biết tọa thiền để tâm xuống dưới…

Theo học thuyết âm dương ngũ hành thì âm có thể chuyển hóa thành dương, vì vậy khi làm việc đầu óc quá nhiều là ta đang đốt mất dần âm lực ở phía dưới để chuyển hóa thành năng lượng dương ở trên đầu. Cũng giống như chiếc đèn dầu đang cháy, dầu hỏa là nhiên liệu âm chuyển hóa thành ngọn lửa dương, khi hết dầu là đèn tắt.

-Những thực phẩm cay nồng như ớt tiêu, rượu cũng làm hao bớt Chân Âm.

-Những hóa dược trị bệnh, trị bệnh nào đó nhanh chóng nhưng lạ phá dần Chân Âm, nhất là các loại thuốc giảm đau.

Nói tóm lại nếu phương pháp nào tập luyện làm cho đầu mát, chân nóng tức là ta đã đi đúng hướng. Điều này có nghĩa là làm cho phần nội lực bên dưới sung mãn, nhưng bên trên đầu óc lại thanh thoát nhẹ nhàng.

Những phương pháp tập luyện nào mà làm cho đầu nóng thì cần phải xét lại.

 

26/02/2022

Lên Sáu….!

       Dưới đây là bài thơ giáo khoa do Tản Đà làm cho trẻ em lên sáu tuổi, viết năm 1919. Bài thơ đã 102 năm trôi qua, nhưng vẫn còn nguyên ý nghĩa về sự giáo dục con người.

 

Tản Đà tên thật Nguyễn Khắc Hiếu, là một nhà thơ, nhà văn và nhà viết kịch nổi tiếng của Việt Nam. (Ảnh: Epoch Times Tiếng Việt tổng hợp)


Lên Sáu….!

 

Sách quốc ngữ – Chữ nước ta,

Con cái nhà – Đều phải học.

Miệng thì đọc – Tai thì nghe

Đừng ngủ nhè – Chớ láu táu

Con lên sáu – Đang vỡ lòng

Học cho thông – Thầy khỏi mắng.

 

Trong trời đất – Nhất là người

Ở trên đời – Hơn giống vật

Con bé thật – Chưa biết gì

Còn ngu si – Phải dạy bảo

Cho biết đạo – Mới nên thân

Sau lớn dần – Con sẽ khá

 

Ai đẻ ta – Cha cùng mẹ

Bồng lại bế – Thương và yêu

Ơn nhường bao – Con phải ngẫm

Áo mặc ấm – Mẹ may cho

Cơm ăn no – Cha kiếm hộ

Cha mẹ đó – Là hai thân

 

Hai thân là – Là thân nhất

Trong trời đất – Không ai hơn

Con biết ơn – Nên phải hiếu

Nghĩa chữ hiếu – Đạo làm con

Con còn non – Nên học trước

Đi một bước – Nhớ hai thân

 

Con còn nhỏ – Có mẹ cha

Lúc vào ra – Được vui vẻ

Con còn bé – Mẹ hay chiều

Thấy mẹ yêu – Chớ làm nũng

Đã đi học – Phải cho ngoan

Hay quấy càn – Là chẳng hiếu.

 

Con còn bé – Mẹ hay lo

Ăn muốn cho – Lại sợ độc

Con ốm nhọc – Mẹ lo thương

Tìm thuốc thang – Che nắng gió

Con nghĩ đó – Sao cho ngoan

Hay ăn càn – Là chẳng hiếu

 

Anh em ruột – Một mẹ cha

Mẹ đẻ ra – Trước sau đó

Cùng máu mủ – Như tay chân

Nên yêu thân – Chớ ganh tị

Em coi chị – Cũng như anh

Trước là tình – Sau có lễ

 

Người trong họ – Tổ sinh ra

Ông đến cha – Bác cùng chú

Họ nội đó – Là tông chi

Cậu và dì – Về họ mẹ

Con còn bé – Nên dạy qua

Còn họ xa – Sau mới biết

 

Người trong họ – Có bề trên

Lạ hay quen – Đều phải kính

Có khách đến – Không được đùa

Ai cho quà – Đừng lấy vội

Ông bà gọi – Phải dạ thưa

Phàm người nhà – Không được hỗn

 

Con bé dại – Mải vui chơi

Muốn ra người – Phải chăm học

Miệng đang đọc – Đừng trông ngang

Học dở dang – Đừng có chán

Học có bạn – Con dễ hay

Mến trọng thầy – Học chóng biết

 

Dạy con biết – Phép vệ sinh

Ăn quả xanh – Khó tiêu hoá

Uống nước lã – Có nhiều sâu

Áo mặc lâu – Sinh ghẻ lở

Mặt không rửa – Sinh u mê

Đang mùa hè – Càng phải giữ

 

Các giống vật – Thật là nhiều.

Như con hươu – Ở rừng cỏ

Như con chó – Nuôi giữ nhà

Con ba ba – Loài máu lạnh

Loài có cánh – Như chim câu

Còn loài sâu – Như bọ róm

 

Cây và cỏ – Có khác loài

Trông bề ngoài – Cũng dễ biết

Như cây mít – Có nhiều cành

Lúa, cỏ gianh – Có từng đốt

Còn trong ruột – Lại khác nhau.

Vài năm sau – Con biết kỹ

 

Đá bờ sông – Không sống chết

Không có biết – Không có ăn

Không người lăn – Cứ nằm đây

Như đá cuội – Như đá xanh

Như mảnh sành – Như đất thó

Các vật đó – Theo loài kim

 

Các loài kim – Tìm ở đất

Nhất là sắt – Nhì là đồng

Làm đồ dùng – Khắp trong nước

Như vàng bạc – Càng quý hơn

Đúc làm tiền – Để mua bán.

Ai có vạn – Là người giàu.

 

 

Vốn xưa là – Nhà Hồng Lạc

Nay tên nước – Gọi Việt Nam

Bốn nghìn năm – Ngày mở rộng

Nam và Bắc – Ấy hai miền

Tuy khác tên – Đất vẫn một

Lào, Miên, Việt – Là Đông Dương

 

Đầu trị nước – Đức Kinh dương

Truyển Hùng Vương – Mười tám chúa

Qua mấy họ – Quân Tàu sang

Vua Đinh hoàng – Khai nghiệp đế

Trải Đinh, Lý – Đến Trần, Lê

Nay nước ta – Là nước Việt

 

Chữ nước ta – Ta phải học

Cho trí óc – Ngày mở mang

Muốn vẻ vang – Phải làm lụng

Đừng lêu lổng – Mà hư thân

Nước đang cần – Người tài giỏi

Cố học hỏi – Để tiến nhanh

 

Vừa ích mình – Vừa lợi nước

Chớ lùi bước – Là kẻ hèn.

 

Tản Đà

 (Nghiêm Hàm ấn quán xuất bản, 1924 – Đinh Trực sưu tầm)