07/02/2022

Đạo - Nghĩa Vợ Chồng

Tập hợp và st trên net.



Tìm những bài viết về đạo nghĩa vợ chồng nhưng thấy lan man quá nên tìm và tập hợp những câu ca dao của các Cụ xưa truyền lại thấy hay hơn, thấy thấm thía cái ý nghĩa thâm thúy của người xưa gom góp từ những kinh nghiệm mà viết ra. Càng đọc, càng thấy hay và sáng cả tấm lòng.

Nho giáo có câu: “Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ”. Con trai thì phải dựng vợ, con gái thì phải gả chồng. Đạo lớn của người quân tử là phải làm sao cho yên bề gia thất. Tại sao vậy? “Có cột, có kèo, mới có đòn tay”, muốn có con nối dõi, muốn có dòng hậu lai, mà không nên vợ nên chồng thì làm sao mà có được.

Trai mà không có vợ thì cho dù tài ba cách mấy, cũng khó mà giữ gìn được cơ nghiệp, như cái cảnh:

Sớm mai chạy ra mất cái cuốc

Trưa lại mất cái nồi

Chiều lại mất ống bình vôi

Dâm chân ba cái kêu trời

Vợ con chưa có, coi ngoài mất trong.

Còn con gái lớn mà chưa chồng thì còn ngặt nghèo hơn:

Tròng trành như nón không quai

Như thuyền không lái, như ai không chồng.


Cho nên chuyện hôn nhân là chuyện hết sức hệ trọng. Ông bà ta có nói là: “Đạo vợ, nghĩa chồng”. Vợ cư xử với chồng là đạo, mà chồng sống với vợ là nghĩa. Cái đạo nghĩa đó ràng buộc cả hai vợ cũng cho tới răng long tóc bạc.

Theo cái hời hợt thông thường của thế sự thì:

Thế nhân mỏng dính tựa cánh con chuồn chuồn.

Khi vui nó đậu, khi buồn nó bay.

Nhưng, đạo vợ nghĩa chồng không phải như vậy:

Đạo vợ chồng không phải là cá tôm

Đang mua mớ nọ, chạy chồm lên mớ kia.

Xem thế thì vợ chồng phải chung thủy với nhau, trước sao, sau vậy. Bởi vì:

 Đứt tay một chút còn đau

Huống chi nhân nghĩa lìa sao cho đành.

Vợ chồng ăn ở với nhau, đâu phải lúc nào cũng êm đềm hạnh phúc như lúc nào. “Sông có khúc, người có lúc” nhưng, dù sao đi nữa, cũng phải một mực cư xử với nhau hết lòng hết dạ.

Lúc giàu sang thì:

Cơm trắng ăn với chả chim

Chồng xinh, vợ lịch mải nhìn mà no.

Rủi thất cơ lỡ vận, nghèo rớt mùng tơi thì cũng phải tươi cười với nhau, tạo niềm hạnh phúc:

Râu tôm nấu với ruột bầu

Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon.

Thực sự ra, nếu biết thương yêu nhau, nếu biết chia bùi xẻ ngọt với nhau thì cái chuyện vật chất đâu có phải là nguyên do để làm mất hạnh phúc gia đình:

Thương nhau chẳng quản chiếu giường

Một tàu lá chuối che sương cũng tình.

Vợ chồng ăn ở với nhau cốt là ở tình thương. Người đàn ông, cho dù vợ mình làm sao, cho dù là ốm đau, xấu xí, cho dù là sút tay gãy gọng, đã là vợ chồng, phải thương yêu chiều chuộng:

Lồ mũi mười tám gánh lông

Chồng thương, chồng bảo râu rồng trời cho

Đêm nằm ngủ gáy o o

Chồng thương, chồng bảo ngáy cho vui nhà

Đi chợ thì hay ăn quà

Chồng thương, chồng bảo về nhà đỡ cơm

Trên đầu những rác cùng rơm

Chồng thương, chồng bảo hoa thơm cài đầu...

Hoặc là:

Trắng như bông lòng anh không chuộng

Đen như cục than hầm

Lòng anh muốn, dạ anh thương.

Về phía người đàn bà cũng vậy, “khôn ngoan cũng thể chồng người”, chớ lấy chồng người mà so sánh với chồng mình:

Chồng ta áo rách ta thương

Chồng người áo gấm xông hương mặc người

Cũng chớ nên thấy chồng người ta áo mũ xênh xang, rồng bay phượng lộn mà chê chồng mình nghèo nàn thấp kém:

Trăm năm trăm tuổi May rủi một chồng

Dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai

Cái thói “giàu đổi bạn, sang đổi vợ” là cái thói của những gã đàn ông vô nghì, mà cái thói mới thấy chồng thất cơ lỡ vận đã lên mặt ruồng rẫy, phụ phàng là cái thói của thứ đàn bà trắc nết, lăng loàn.

 Người phụ nữ thương chồng, không những chăm lo săn sóc cho chồng, mà còn phải trưởng cái chí cho chồng. Nhiều người đàn ông chí ở tứ phương, tang bồng hồ thỉ. Thương chồng không có nghĩa là bo bo giữ rệt chồng một bên mình, không để cho chồng rời nửa bước, mà là phải lo giúp đỡ cho chồng thực hiện được cái chí nam nhi.Hãy nghe người chồng nói lên cái chí của mình:

Giặc Sài Gòn đánh xuống

Binh ngoài Huế không vô

Anh biểu em đừng đợi đừng chờ

Để anh đi lấy đầu thằng mọi trắng

Về tế cờ nghĩa quân.

Và người vợ trả lời:

Anh đi đánh giặc Lang sa

Để thiếp ở nhà lo tần, lo tảo

Chén cơm, manh áo

Nhà cửa ruộng vườn

Để anh lên ngựa đề thương

Thiếp về mặc thiệp liệu lường nuôi con

Tấm gương của những người vợ không nài khó nhọc gian nan để giúp chồng thành toàn chí nguyện như bà Thái Thị Huyên (vợ của cụ Sào Nam Phan Bội Châu), bà Lê Thị Lễ (vợ của cụ Cử nhân Lương Văn Can, hiệu trưởng trường Đông Kinh Nghĩa Thục), bà Võ Thị Quyền (tục danh là cô Ba Bàn, vợ của nhà cách mạng Trần Cao Vân) vẫn là vằng vặc muôn đời...

Gái đã có chồng phải “tùng nhất chi dụng”. Mười lăm năm lưu lạc “thanh lầu hai lượt, thanh y hai lần”, đem thân cho thiên hạ mua cười, như Thúy Kiều, mà còn biết nói với Từ Hải:

...Phận gái chữ tòng

Chàng đi, thiếp cũng một lòng xin đi.

Ca dao Việt Nam không thiếu gì những câu để nhắc nhở cái đạo “tùng phu”:

Có chồng thì phải theo chồng

Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo.

Hay là:

Lên non cho thiếp lên theo

Tay vịn, chân trèo, hái trái nuôi nhau.

Vợ chồng ăn ở với nhau, trông cậy nhau ở lúc lối lửa tắt đèn, bệnh hoạn ốm đau, chớ lúc mạnh khỏe, thảnh mảnh tay chân, dễ gì ai lại cần tới ai:

Cỏ mọc bờ giếng cheo leo

Lâm nguy có bậu, hiểm nghèo có qua.

Vui buồn, sướng khổ, lúc nguy nan, khi túng ngặt thì cũng phải yêu thương đùm bọc nhau, mới là phải đạo:

Muối mặn ba năm hãy còn muối mặn

Gừng cay chín tháng, gừng hãy còn cay

Đạo vợ chồng chớ đổi đừng thay

Dẫu làm nên danh vọng

Dẫu ăn mày cũng theo nhau.

Đời không ai tán thành thứ gái mắt la mày lét, đã có chồng mà còn đi tắt về ngang:

Đàn bà cặp mắt lá khoai

Liếc chồng thì ít, liếc trai thì nhiều

Hay

Không chồng đi dọc đi ngang

Có chồng cứ thẳng một đàng mà đi.

Cái thứ gái hư, chồng bỏ, lại càng không ưa:

Mèo lành ai nỡ cắt tai

Gái hư chồng bỏ khoe tài làm chi.

Hoặc:

Chính chuyên lấy được chín chồng

Vê viên bỏ lọ gánh gồng đi chơi

Ai ngờ quang đứt, lọ rơi

Bò ra lổm ngổm chín nơi, chín chồng

Có nhiều người đàn ông, ra đường thì huênh hoang, mà về tới nhà thì hoạnh họe vợ con, thậm chí tới còn tranh ăn với vợ con:

Ra đồng võng giá nghênh ngang

Về nhà hỏi vợ: cám rang đâu mày?

- Cám rang tôi để cối xay

- Hễ chó ăn hết thì mày chết với ông.

Có nhiều người đàn bà, mồm loa mép giải, chồng mới lớn tiếng một chút, đã bù lu bù loa, hờ trời hờ đất, kêu cha kêu mẹ, ồi bây giờ còn tung hê lên mạng cho thiên hạ nó nhìn; không biết rằng nhu mì vui vẻ là yếu tố để giữ gìn hạnh phúc gia đình:

Chồng giận thì vợ bớt lời

Cơm sôi, bớt lửa, biết đời nào khê.

Hay:

 

Chồng giận thì vợ làm lành

Miệng cười tủm tỉm rằng anh giận gì

Thưa rằng anh giận em chi

Muốn lấy vợ bé, em thì lấy cho.

Vợ chồng ăn ở với nhau, đừng bao giờ để cho đến nỗi phải nhìn nhau theo cái cảnh chó chê, mèo ứ hự:

Chồng gì anh, vợ gì tôi

Chẳng qua là cái nợ đời chi đây?

Đến nỗi vì vậy mà phải xa nhau, lại trách cứ trời xanh:

Đạo vợ chồng đoạn đoạn phân ly

Chàng mà xa thiếp phen ni bởi trời

Rồi đêm đêm nghĩ lại, câu “đạo vợ nghĩa chồng” mới thấm thía từng hồi:

Lầu nào cao cho bằng lầu ông Chánh

Bánh nào ông cho bằng bánh bò bông

Đạo nào sâu cho bằng đạo vợ chồng

Đêm nằm nghĩ lại nước mắt hồng tuôn rơi.

Nói tóm lại, “đạo vợ, nghĩa chồng” theo ông bà mình ngày xưa, là như thế đó, và nhờ vậy, ít khi có cảnh vợ chồng tan nát, gãy đổ giữa đường. Bởi vì:

Cải bẹ xanh nấu với thịt sườn

Làm sao cho ớt ngọt như đường

Khổ qua kia hết đắng

Thì cái sự cang thường mới hết thương.

Thấy cái hay, cái thâm thúy trong ca dao của các Cụ xưa truyền lại càng thấm hơn cái Đạo Nghĩa vợ chồng thời nay. Nó Cũ những ý nghĩa của nó vẫn Mới.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét