30/06/2022

Huyệt vị hữu ích

 st trên net


    Bài viết này sẽ hướng dẫn bạn những huyệt vị dễ thực hiện, mang lại tác dụng tốt cho sức khỏe.

     Huyệt Ế phong

     Đây là huyệt vị nằm ở vùng sau dái tai, có nghĩa là để chắn gió, được che chở bởi dái tai, ở đáy thùy tai, xương chũm và rìa sau của xương hàm dưới (tham khảo vị trí chính xác như ảnh minh họa).

 


     Xoa bóp và bấm huyệt vị này có tác dụng phòng tránh và điều trị chứng ù tai, điếc, miệng và mắt bị lệch, sưng má, đau răng, co giật, tối mắt, đau cấp tính răng lợi, ngứa tai do ẩm ướt, đỏ và sưng tai, nhìn không rõ.

     Ngoài ra, huyệt vị này cũng có thể điều trị các bệnh khác như liệt mặt, quai bị, khàn giọng và đau khớp thái dương hàm.

 

     Huyệt Thiếu phủ

    Là huyệt giúp bạn dưỡng tim. Để phòng ngừa chứng rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực và một số bệnh lý liên quan đến tim mạch, thì bấm vào vị trí giữa ngón đeo nhẫn và ngón áp út trên đường chỉ tay gần nhất với một lực tương đối mạnh. Sau khi bấm khoảng 3 phút, hãy đổi tay và lặp lại động tác.

 


     Huyệt Thái xung

     Đây là huyệt dưỡng dưỡng gan. Huyệt Thái xung nằm giữa ngón chân cái với ngón thứ 2. Huyệt vị này nắm giữ chức năng giải độc gan, trị chứng nóng trong và hạ huyết áp. Nếu thường xuyên gặp phải tình trạng này, nên bấm huyệt Thái xung khoảng 4 phút mỗi ngày với một lực nhẹ vừa đủ đến khi thấy hơi đau một chút thì dừng lại.


     Huyệt Ấn đường

     Đây là huyệt vị nằm ở chính giữa 2 đầu lông mày (xem ảnh minh họa để xác định đúng vị trí).

 


     Y học truyền thống Trung Quốc cho rằng, chức năng chính của huyệt Ấn đường là làm thanh lọc đầu óc, sáng mắt, thông mũi và khơi thông các lỗ trên cơ thể.

     Ở cơ lông mày dưới có dây thần kinh nhánh của dây thần kinh vùng trán kết nối với dây thần kinh các cơ quan khác, động mạch nhánh của động mạch mắt và tĩnh mạch đi kèm. Khi những bộ phận này được kích hoạt thì hiệu quả sức khỏe sẽ thu được những lợi ích tốt hơn.

 

     Huyệt Uy trung

     Huyệt Uy trung nằm ở điểm giữa phía sau mắt cá chân, trên đường rãnh của khoeo chân, giữa gân bắp chân và gân bán nguyệt.


     Huyệt vị này được sử dụng để điều trị đau thần kinh tọa, mệt mỏi bắp chân, đau dạ dày, đau cổ, đau thắt lưng hoặc mệt mỏi, đau hông và đau đầu gối.

    Huyệt Uy trung cũng là một trong những huyệt đạo quan trọng trên kinh bàng quang và bộ phận bàng quang của con người.

     Nếu kiên trì xoa bóp hoặc day ấn huyệt này có thể mang lại tác dụng điều trị di chứng của gãy xương và là phương pháp hiệu quả giúp tăng cường khả năng tình dục.

     Các kinh tuyến có thể được kết nối với não từ đỉnh đầu, kích thích bộ phận và đi thẳng vào não, từ đó giúp mang điều chỉnh và kích thích tâm trí minh mẫn và sảng khoái.

Dòng sông Ngang


   Cuối rừng Cúc Phương, nơi tiếp giáp của ba tỉnh Ninh Bình, Hòa Bình và Thanh Hóa, có một vùng đất gần như biệt lập với thế giới bên ngoài và rất khó đến nếu không nhờ con đường Hồ Chí Minh chạy qua.

   Đó là xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa – một xã bám dọc theo bờ con sông Ngang đổ ra sông Bưởi.

   Nhưng báo trước với các bạn phượt, coi vậy mà để đi dọc theo con sông này cũng thực gian truân. Chỉ có một con đường lầy lội bị phá nát bởi các xe chở gỗ, chở ngô. Tốt nhất là… đi bộ.

Con sông Ngang

 

Thỉnh thoảng lại có một cái gềnh.

Nhiều đoạn, cây hai bên bờ giao tán phủ kín mặt sông.

 

Có chỗ dòng sông chia làm hai,

… hoặc chia ba

 

Chỗ thị rộng ra,

…, chỗ hẹp lại, những khoảng chảy êm đềm, nước sông trong và chuyển sang mầu ngọc thạch.

 

Rồi đột nhiên đổ ào ào qua những đoạn ghềnh.

 

Con sông Ngang chảy dọc theo hai bên triền núi. Gặp đá thì chẽ làm đôi làm ba.

 

Gặp những khoảng rộng cũng uốn khúc quanh co như dải lụa.

 

Một xã có khoảng 1300 dân, họ sống thành 3 xóm dọc theo sông. Phần lớn là người Mường.

 

Làng xóm giữa hai hẻm núi, đất không nhiều. Chủ yếu dân trồng ngô.

 

Dân sống đa phần bên hữu ngạn sông vì thuận đường đi lại. Một số ít nhà sống bên tả ngạn, chủ yếu là để trông nom rẫy. Họ làm ra những cầu tre khá đơn giản.

 

Một số nhịp cầu được treo thẳng lên cành cây mọc giữa sông. Mặc dù được làm có vẻ khá sơ sài nhưng đi lên đó có cảm giác vững chãi. Chủ nhà vẫn thường phóng xe máy có chở hàng đi qua cầu. Độ bền của cầu cũng ổn bốn năm rồi mà chỉ sửa chữa sơ sơ. Vì là cầu tre, độ cản dòng chảy rất thấp thành ra qua máy mùa lũ mà cầu vẫn không bị trôi

 

Đây cũng là giải pháp hay cho những cây cầu qua suối với những nguyên liệu tại chỗ, người dân tự thi công với kinh nghiêm kết cấu tre truyền thống. Nếu làm được những cây cầu này với chi phí thấp thì đâu cần chờ đợi đến nhiều tỉ đồng của nhà nước rồi phải chui túi nilon qua sông.

 

Ruộng lúa nước ở đây ít,và thường nằm trên cao vì ven sông thường hay bị lụt. Nước cấp cho ruộng thường được dẫn ra từ những khe nước chảy ra từ trong núi.

 

Mỗi một lao động chưa có nổi một sào ruộng nước để cấy lúa. Ngô là nguồn thu nhập chính. Tình trạng phá rừng vẫn phổ biến. Họ phá rừng lấy danh nghĩa để trồng cây keo, mặc dù nguồn thu nhập từ cây keo rất thấp. Biết vây, nhưng cần miếng ăn trước mắt, họ vẫn phá rừng. Cây keo sau 5 năm mới thu hoạch được, bóc xong vỏ, vác ra được chỗ có đường và bán cho doanh nghiệp làm giấy cũng chả được bao tiền. Và thế là cứ luẩn quẩn mãi với cái nghèo.

 

Một cửa hàng tạp hóa giữa làng, cũng là nơi trông trẻ.

Sản phẩm còn sót lại từ thời hợp tác xã nông nghiệp nay để không.

Vùng này, người dân vẫn làm nhà theo cách truyền thống. Một hộ dựng nhà, cả làng đến giúp.

 

Thợ mộc làm nhà.

 

Ngôi nhà và không gian cảnh quan truyền thống của người Mường

Các cô gái Mường. Ngày nay, ít thấy họ dùng trang phục truyền thống.

 

Trang phục truyền thống người Mường thì thế này. Bây giờ chỉ còn thấy người già mặc.

 

Xã có hai trường, trường cấp một thì ở giữa xã, trường cấp hai ở đầu xã. Hai trường cách nhau 10km.

 

Và hàng ngày các cháu đi học trên con đường như thế này…

 

Xe đi thì thế này. Đó là trời đã nắng được vài hôm. Mưa liền khoảng 2 ngày thì chiếc off road này cũng chào thua.

 

Thôi cố gắng nhé các bạn. Vượt qua hết những khó khăn đi lại, các bạn sẽ đến được thác Mây, một ngọn thác hơn chục tầng được coi là khởi nguồn cho dòng sông Ngang.

 

Nước chảy xuống từ thác được bắt nguồn từ một hang ngầm trong suối. Nước mát lạnh, nhiệt độ chỉ khoảng 20 độ.

Và màu nước xanh như ngọc thạch của dòng sông xuất phát từ đây. Nếu có lũ, nước sông cũng chỉ đục khoảng hai ba ngày.

Chúc may mắn!

5-8-2014

Hà Nội từng có ngõ Sầm Công

rezoman st, khảo cứu và biên tập

Thời xưa, từ Hàng Buồm đến ngã ba Sầm Công (nay là phố Lương Ngọc Quyến), rạp hát Quảng Lạc ở quãng giữa ngõ về phía bên phải. 

     Phố Tạ Hiện đi từ ngã ba Hàng Buồm đến Hàng Bạc, nối với phố Đinh Liệt, thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.Thời Pháp thuộc mang tên Rue Géraud, dân chúng thường gọi là ngõ Quảng Lạc vì ở giữa phố có rạp hát Quảng Lạc của người Hoa. Rạp Quảng Lạc ở số 8 phố Tạ Hiện, xây dựng từ 1900 chuyên diễn tuồng, kịch nói, cải lương nổi tiếng ở Hà Nội thời Pháp thuộc, hiện nay do Nhà hát kịch Hà Nội quản lý.

     Đối diện với rạp Quảng Lạc, có một con ngõ dài nối thông từ phố Tạ Hiện sang phố Đào Duy Từ. Nơi đây từng là một làng chơi thời thuộc Pháp và cũng là khu cư trú của những người Tàu nghèo, trong ngõ còn có một số kho hàng lớn của những chủ hiệu buôn giàu có. Những người Tàu di cư đến đây thường bắt đầu cuộc sống bằng các nghề lao động chân tay như bốc vác, làm thuê cho các cửa hiệu bán hàng ăn, hàng thịt quay ở Hàng Buồm, Tạ Hiện hoặc tự bán hàng ăn nhỏ lẻ như bánh bao, dầu chao quẩy, bi gion gion, các loại chè như Lục tào sá, Chế mà phù hay nước Bát bảo...



Đền Sầm công là cả 01 khu rộng lớn, ngày xưa dùng làm trường PTCS Thống Nhất, mặt tiền chính ở bên phố Lương Ngọc Quyến, sau năm 199... đến giờ dùng làm trạm y tế quận Hoàn Kiếm

     Thời Pháp thuộc ngõ này có tên là ngõ Sầm Công, thời tạm chiếm là ngõ Tôn Thất Yên, hiện nay là ngõ Đào Duy Từ (nối Tạ Hiển với phố Đào Duy Từ). Nhưng cái tên ngõ Sầm Công vẫn in đậm trong đầu những người dân sống ở khu phố cổ, những người Hà Nội cũ, thậm chí đến nay tuy đã treo biển là Ngõ Đào Duy Từ nhưng khi nói chuyện với nhau, họ vẫn gọi là ngõ Sầm Công.

     Tại sao gọi là ngõ Sầm Công? Sầm Công chính là Sầm Nghi Đống, một bại tướng đã phải thắt cổ tự tử ở trận đánh lẫy lừng khi Vua Quang Trung đại phá quân Thanh ở núi Loa (Loa sơn ở khu vực trường Công đoàn ngày nay) để tiến vào giải phóng kinh thành Thăng Long.

     Vậy tại sao lại lấy tên của viên tướng Tầu bại trận đặt tên cho con ngõ trong khu phố cổ này ?

     Sầm Nghi Đống là một người bản xứ ở Điền châu. Ông thuộc dòng họ Sầm dân tộc Tráng, vốn được nhà Minh giao làm Tri ở Điền Châu từ thời Sầm Bá Nghi (1368). Trước khi sang Việt Nam, Sầm Nghi Đống làm thái thú Điền Châu ở Vân Nam, hàm ngũ phẩm. Mùa Đông năm 1788, Sầm Nghi Đống dẫn quân Điền Châu của mình tạo thành một mũi quân qua ngả Cao Bằng tiến vào Việt Nam (hai mũi khác từ Vân Nam qua Tuyên Quang và từ Quảng Tây qua Lạng Sơn). Sau khi chiếm được thành Thăng Long, cánh quân Điền Châu của Sầm Nghi Đống được Tôn Sĩ Nghị giao cho trấn thủ phía Nam ngoài thành Thăng Long tại khu vực Khương Thượng ngày nay.

     Mùa xuân năm 1789, trong trận Đống Đa, Sầm Nghi Đống bị đô đốc nhà Tây Sơn là Đặng Tiến Đông tấn công vây hãm ở núi Loa. Cuối cùng, Sầm Nghi Đống quyết định thắt cổ tử tiết, không chịu để rơi vào tay quân Tây Sơn.

    Sau chiến tranh, để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhà Thanh, vua Quang Trung đã cho mang xác Sầm Nghi Đống trả cho quân Thanh đưa về Trung Quốc chôn cất và còn cho phép Hoa kiều xây miếu thờ Sầm Nghi Đống ở khu vực có nhiều người Hoa sinh sống ở kinh thành Thăng Long. Đây là một hành động rất nhân văn và nhuốm đầy tinh thần Phật giáo. Vì thế cái ngõ có ngôi miếu thờ Sầm Nghi Đống được gọi là ngõ Sầm Công.

     Đến nay tại ngõ Đào Duy Từ vẫn còn dấu tích ngôi miếu nhưng bỏ không thờ Sầm Nghi Đống mà chuyển thành thờ Phật bà Quan âm.

     Qua khảo cứu về miếu thờ Sầm Nghi Đống, tôi cho rằng: trước khi có ngôi miếu ở ngõ Đào Duy Từ, thì đã có ngôi miếu thờ viên tướng này ở một địa điểm khác. Điều đó thể hiện trong một bài nghiên cứu sau:

     "Thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống, viên tướng giặc Thanh đóng đồn ở Loa Sơn (núi Ốc, tục gọi gò Đống Đa). Do hoảng hốt trước sức tấn công thần tốc của quân Tây Sơn, vào sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30-1-1789), viên Thái thú họ Sầm đã treo cổ tự tử ngay tại Chỉ huy sở. Vua nhà Nguyễn (có tài liệu nói vua Quang Trung) muốn giao hảo với nhà Thanh đã cho lập miếu thờ Sầm Nghi Đống trên gò Đống Đa. Nhưng về sau nhân dân Hà Nội đã dựng miếu Trung Liệt trên gò Đống Đa để thờ các vị anh hùng đã hy sinh anh dũng khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX. Còn Sầm Nghi Đống thì được Hoa kiều đưa về lập đền thờ tại một ngõ hẻm nơi họ cư trú bên cạnh phố Hàng Buồm, sau ngõ đó thành tên là ngõ Sầm Công. Ngõ Sầm Công nay là ngõ Đào Duy Từ. Trong một ngách nhỏ của ngõ này hiện còn một am thờ nhỏ bên cây hoa đại ở ngay đầu ngách, đó chính là di tích của miếu Sầm Công ngày xưa. Tuy nhiên, hiện nay am này không thờ Sầm Nghi Đống nữa, mà đã chuyển thành miếu thờ Phật bà Quan Âm với dòng chữ Hán “Quan Âm linh miếu”.

     Mặt khác trong dân gian còn lưu truyền một bài thơ cảm thán của nữ sỹ Hồ Xuân Hương đề khi đi qua ngôi miếu thơ Sầm Nghi Đống:

"Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,

Kìa đền Thái thú đứng cheo leo.

Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?"

     Căn cứ vào câu "Kìa đền Thái thú đứng cheo leo", thì không phải là nói đến vị trí ở ngõ Sầm Công(ngõ này nằm trong khu phố cổ, làm sao mà cheo leo) mà là vị trí trên gò Đống Đa (gọi quả núi đất hiện nay là Gò Đống Đa cũng chỉ là một sự nhầm lẫn từ lâu, vì đây là quả núi đất thiên tạo chứ không phải là nhân tạo để chôn hài cốt giặc Thanh)

29/06/2022

Lam Kinh - Thanh Hóa

 st trên net


Cách trung tâm Thanh Hóa khoảng 50 km, khu di tích Lam Kinh có nhiều công trình bề thế với lịch sử hàng trăm năm.

 


Khu di tích lịch sử Lam Kinh rộng 200 ha (huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa) là nơi anh hùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược. Sau khi chiến thắng, năm 1428, Lê Lợi lấy niên hiệu Lê Thái Tổ, đặt tên nước là Đại Việt. Nhà vua đóng đô ở Thăng Long (Hà Nội) và dựng ở quê hương Lam Sơn một kinh thành gọi là Lam Kinh. Nơi này còn được gọi là Tây Kinh (để phân biệt với Đông Kinh – Hà Nội) có nhiều điện miếu, lăng tẩm quy mô lớn để thờ cúng tổ tiên, nơi an nghỉ của các nhà vua.

 


Đường dẫn vào hoàng thành có một con sông đào tên là sông Ngọc. Dòng chảy này bắt nguồn từ Tây Hồ, vòng qua trước thành và điện Lam Kinh. Theo sách Hoàng Việt dư địa chí, nước sông trong veo, đáy sông có nhiều sỏi tròn đẹp.

 

Trên sông Ngọc có bắc một cây cầu tên là Tiên Loan Kiều hình cánh cung, còn có tên gọi là Cầu Bạch. Cầu uốn cong bắc qua sông Ngọc, nằm trên trục đường chính dẫn vào khu trung tâm chính điện Lam Kinh.

 


Qua cầu khoảng 50 m đến một giếng cổ, trước kia có thả sen. Nước giếng trong xanh quanh năm không cạn, bờ Bắc được lát bậc đá lên xuống, cung cấp nước cho điện Lam Kinh.

 


Hàng năm có rất đông du khách đến viếng điện Lam Kinh và tham quan chụp ảnh tại giếng cổ. Đây là một trong những giếng cổ lớn nhất Việt Nam hiện nay.

 


Muốn vào khu chính điện, khách phải đi qua Ngọ môn có 3 gian, gian giữa rộng 4,6 m, gian bên rộng 3,5 m. Nền Ngọ môn rộng 11 m, dài hơn 14 m, có 3 cửa ra vào. Cửa giữa rộng 3,6 m, cửa hai bên rộng 2,74 m và được bố trí hàng cột chính giữa. Đặc điểm của bốn cột giữa là kích thước lớn, đường kính chân cột 78 cm.

 


Trước Ngọ môn có con nghê đá đứng canh. Phần lưng và đế nghê vẫn còn giữ nguyên bản, có niên đại hàng trăm năm. Phần đầu và chân trước mới được phục dựng lại gần đây.

 


Khu di tích còn lưu giữ nét đẹp của không gian Việt với “cây đa, giếng nước, sân đình”. Bên phải sân rồng (còn gọi là sân chầu) là cây đa thị hàng trăm năm tuổi, có kích thước chục người ôm mới xuể.

 


Qua Ngọ môn vào đến sân rồng. Sân trải rộng khắp bề ngang chính điện và đến sát thềm hai nhà tả vu và hữu vu với tổng diện tích hơn 3.500 m2.

 


Chính điện Lam Kinh bố trí theo hình chữ “công” gồm 3 tòa điện lớn xây trên nền đất rộng, là Quang Đức, Sùng Hiếu và Diên Khánh. Đây là công trình kiến trúc gỗ quy mô, với hàng cột cái của cả ba điện có đường kính đến 62 cm. Nằm sau khu chính điện là Thái miếu Lam Kinh gồm 9 tòa được bài trí trang nghiêm, là nơi thờ cúng tổ tiên, các vị vua và hoàng thái hậu nhà Lê. Nhưng hiện tại mới có 5 Thái miếu được phục dựng.

 


Điện phía trước gọi là Quang Đức, điện dọc ở giữa gọi là Sùng Hiếu, điện phía sau gọi là Diên Khánh. Hai điện Quang Đức và Diên Khánh đều có 9 gian, gian giữa rộng nhất, hai gian hai đầu hồi chỉ rộng 2 m tạo thành hành lang bao quanh cả 3 điện.

 


Thành điện Lam Kinh phía bắc dựa vào núi Dầu, phía trước thành hướng nam và nhìn ra sông Chu – có núi Chúa làm bình phong, bên trái là rừng Phú Lâm, bên phải là núi Hương và núi Hàm Rồng chắn phía tây. Năm 1962, nơi đây đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đến năm 2012, khu di tích Lam Kinh tiếp tục được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt. Khởi nguồn, lễ hội Lam Kinh bắt đầu sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà và được đưa về an táng tại Lam Kinh năm 1433. Ngày nay, cứ đến ngày 21 (giỗ Lê Lai) và 22 (giỗ Lê Lợi) tháng 8 Âm lịch hàng năm, nhân dân trong vùng lại tổ chức lễ hội Lam Kinh để tưởng nhớ công ơn các bậc tiền nhân.