30/06/2022

Hà Nội từng có ngõ Sầm Công

rezoman st, khảo cứu và biên tập

Thời xưa, từ Hàng Buồm đến ngã ba Sầm Công (nay là phố Lương Ngọc Quyến), rạp hát Quảng Lạc ở quãng giữa ngõ về phía bên phải. 

     Phố Tạ Hiện đi từ ngã ba Hàng Buồm đến Hàng Bạc, nối với phố Đinh Liệt, thuộc phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.Thời Pháp thuộc mang tên Rue Géraud, dân chúng thường gọi là ngõ Quảng Lạc vì ở giữa phố có rạp hát Quảng Lạc của người Hoa. Rạp Quảng Lạc ở số 8 phố Tạ Hiện, xây dựng từ 1900 chuyên diễn tuồng, kịch nói, cải lương nổi tiếng ở Hà Nội thời Pháp thuộc, hiện nay do Nhà hát kịch Hà Nội quản lý.

     Đối diện với rạp Quảng Lạc, có một con ngõ dài nối thông từ phố Tạ Hiện sang phố Đào Duy Từ. Nơi đây từng là một làng chơi thời thuộc Pháp và cũng là khu cư trú của những người Tàu nghèo, trong ngõ còn có một số kho hàng lớn của những chủ hiệu buôn giàu có. Những người Tàu di cư đến đây thường bắt đầu cuộc sống bằng các nghề lao động chân tay như bốc vác, làm thuê cho các cửa hiệu bán hàng ăn, hàng thịt quay ở Hàng Buồm, Tạ Hiện hoặc tự bán hàng ăn nhỏ lẻ như bánh bao, dầu chao quẩy, bi gion gion, các loại chè như Lục tào sá, Chế mà phù hay nước Bát bảo...



Đền Sầm công là cả 01 khu rộng lớn, ngày xưa dùng làm trường PTCS Thống Nhất, mặt tiền chính ở bên phố Lương Ngọc Quyến, sau năm 199... đến giờ dùng làm trạm y tế quận Hoàn Kiếm

     Thời Pháp thuộc ngõ này có tên là ngõ Sầm Công, thời tạm chiếm là ngõ Tôn Thất Yên, hiện nay là ngõ Đào Duy Từ (nối Tạ Hiển với phố Đào Duy Từ). Nhưng cái tên ngõ Sầm Công vẫn in đậm trong đầu những người dân sống ở khu phố cổ, những người Hà Nội cũ, thậm chí đến nay tuy đã treo biển là Ngõ Đào Duy Từ nhưng khi nói chuyện với nhau, họ vẫn gọi là ngõ Sầm Công.

     Tại sao gọi là ngõ Sầm Công? Sầm Công chính là Sầm Nghi Đống, một bại tướng đã phải thắt cổ tự tử ở trận đánh lẫy lừng khi Vua Quang Trung đại phá quân Thanh ở núi Loa (Loa sơn ở khu vực trường Công đoàn ngày nay) để tiến vào giải phóng kinh thành Thăng Long.

     Vậy tại sao lại lấy tên của viên tướng Tầu bại trận đặt tên cho con ngõ trong khu phố cổ này ?

     Sầm Nghi Đống là một người bản xứ ở Điền châu. Ông thuộc dòng họ Sầm dân tộc Tráng, vốn được nhà Minh giao làm Tri ở Điền Châu từ thời Sầm Bá Nghi (1368). Trước khi sang Việt Nam, Sầm Nghi Đống làm thái thú Điền Châu ở Vân Nam, hàm ngũ phẩm. Mùa Đông năm 1788, Sầm Nghi Đống dẫn quân Điền Châu của mình tạo thành một mũi quân qua ngả Cao Bằng tiến vào Việt Nam (hai mũi khác từ Vân Nam qua Tuyên Quang và từ Quảng Tây qua Lạng Sơn). Sau khi chiếm được thành Thăng Long, cánh quân Điền Châu của Sầm Nghi Đống được Tôn Sĩ Nghị giao cho trấn thủ phía Nam ngoài thành Thăng Long tại khu vực Khương Thượng ngày nay.

     Mùa xuân năm 1789, trong trận Đống Đa, Sầm Nghi Đống bị đô đốc nhà Tây Sơn là Đặng Tiến Đông tấn công vây hãm ở núi Loa. Cuối cùng, Sầm Nghi Đống quyết định thắt cổ tử tiết, không chịu để rơi vào tay quân Tây Sơn.

    Sau chiến tranh, để thúc đẩy bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhà Thanh, vua Quang Trung đã cho mang xác Sầm Nghi Đống trả cho quân Thanh đưa về Trung Quốc chôn cất và còn cho phép Hoa kiều xây miếu thờ Sầm Nghi Đống ở khu vực có nhiều người Hoa sinh sống ở kinh thành Thăng Long. Đây là một hành động rất nhân văn và nhuốm đầy tinh thần Phật giáo. Vì thế cái ngõ có ngôi miếu thờ Sầm Nghi Đống được gọi là ngõ Sầm Công.

     Đến nay tại ngõ Đào Duy Từ vẫn còn dấu tích ngôi miếu nhưng bỏ không thờ Sầm Nghi Đống mà chuyển thành thờ Phật bà Quan âm.

     Qua khảo cứu về miếu thờ Sầm Nghi Đống, tôi cho rằng: trước khi có ngôi miếu ở ngõ Đào Duy Từ, thì đã có ngôi miếu thờ viên tướng này ở một địa điểm khác. Điều đó thể hiện trong một bài nghiên cứu sau:

     "Thái thú Điền Châu là Sầm Nghi Đống, viên tướng giặc Thanh đóng đồn ở Loa Sơn (núi Ốc, tục gọi gò Đống Đa). Do hoảng hốt trước sức tấn công thần tốc của quân Tây Sơn, vào sáng mồng 5 Tết Kỷ Dậu (30-1-1789), viên Thái thú họ Sầm đã treo cổ tự tử ngay tại Chỉ huy sở. Vua nhà Nguyễn (có tài liệu nói vua Quang Trung) muốn giao hảo với nhà Thanh đã cho lập miếu thờ Sầm Nghi Đống trên gò Đống Đa. Nhưng về sau nhân dân Hà Nội đã dựng miếu Trung Liệt trên gò Đống Đa để thờ các vị anh hùng đã hy sinh anh dũng khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội vào cuối thế kỷ XIX. Còn Sầm Nghi Đống thì được Hoa kiều đưa về lập đền thờ tại một ngõ hẻm nơi họ cư trú bên cạnh phố Hàng Buồm, sau ngõ đó thành tên là ngõ Sầm Công. Ngõ Sầm Công nay là ngõ Đào Duy Từ. Trong một ngách nhỏ của ngõ này hiện còn một am thờ nhỏ bên cây hoa đại ở ngay đầu ngách, đó chính là di tích của miếu Sầm Công ngày xưa. Tuy nhiên, hiện nay am này không thờ Sầm Nghi Đống nữa, mà đã chuyển thành miếu thờ Phật bà Quan Âm với dòng chữ Hán “Quan Âm linh miếu”.

     Mặt khác trong dân gian còn lưu truyền một bài thơ cảm thán của nữ sỹ Hồ Xuân Hương đề khi đi qua ngôi miếu thơ Sầm Nghi Đống:

"Ghé mắt trông ngang thấy bảng treo,

Kìa đền Thái thú đứng cheo leo.

Ví đây đổi phận làm trai được

Thì sự anh hùng há bấy nhiêu?"

     Căn cứ vào câu "Kìa đền Thái thú đứng cheo leo", thì không phải là nói đến vị trí ở ngõ Sầm Công(ngõ này nằm trong khu phố cổ, làm sao mà cheo leo) mà là vị trí trên gò Đống Đa (gọi quả núi đất hiện nay là Gò Đống Đa cũng chỉ là một sự nhầm lẫn từ lâu, vì đây là quả núi đất thiên tạo chứ không phải là nhân tạo để chôn hài cốt giặc Thanh)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét